Quốc tế

Mực nước biển sẽ dâng ít nhất 27,4 cm vào năm 2100 do tan băng ở Greenland

2 năm trước
Tác giả Joe Walsh

Mực nước biển toàn cầu dâng lên ít nhất khoảng 27,4 cm do lượng băng ở Greenland tan với tốc độ rất nhanh.

Share
this:

Băng bao phủ Greenland đang tan chảy nhanh sẽ khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên khoảng 27,4 cm ngay cả khi thế giới cắt giảm lượng khí thải carbon trong thế kỷ tới, theo một nghiên cứu được công bố hôm 29.8. Đây là nghiên cứu mới nhất trong các dự báo về biến đổi khí hậu khắc nghiệt trong năm nay.

Khoảng 3,3% lượng băng ở Greenland có thể tan chảy- khiến cho mực nước biển dâng cao – nếu băng tiếp tục tan chảy với tốc độ được ghi nhận từ năm 2000 đến năm 2019, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Climate Change và do những nhà nghiên cứu tại cơ quan Khảo sát địa chất Đan Mạch và Greenland thực hiện.

Tảng băng trôi được nhìn thấy từ máy bay nghiên cứu của NASA vào ngày 7.9.2021, gần Upernavik, Greenland. Ảnh: Getty Images/Forbes

Các tác giả của nghiên cứu không cho biết rõ sẽ mất bao lâu cho quá trình nước biển dâng cao, nhưng viết rõ quá trình này dự kiến có thể diễn ra “trong thế kỷ này.”

Nhà nghiên cứu Jason Box cho biết mức ước tính nước biển dâng lên 27,4 cm là “mức thấp nhất” trong trường hợp hành tinh sẽ không tiếp tục nóng lên: Nếu băng ở Greenland tan chảy với tốc độ được ghi nhận trong năm đặc biệt nóng như 2012, thì mực nước biển có thể dâng lên 78,2 cm.

Một số ước tính gần đây khác ít nghiêm trọng hơn: năm ngoái ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho biết băng Greenland tan có thể làm cho mực nước biển dâng 5cm đến 12,7 cm vào năm 2100, tùy thuộc vào mức độ cắt giảm khí thải nhà kính cũng như làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu trên đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh và những quan sát để ước tính được lớp băng dày tại Greenland đang tan với tốc độ cực nhanh so với tốc độ tuyết đóng băng. Nghiên cứu này khác với những nghiên cứu mực nước biển dâng khác dựa vào các mô hình toán học.

Lượng băng tan ở các khu vực khác trên thế giới cũng sẽ góp phần làm mực nước biển dâng cao, mối đe dọa nghiêm trọng đối với hàng triệu người sống ở những vùng thấp. Tảng băng lớn nhất thế giới đã tách ra khỏi Nam Cực, mặc dù băng ở Greenland tan chảy chính là nguyên nhân làm cho một phần lớn mực nước biển dâng trong những thập niên gần đây, và băng tan từ các sông băng trên núi có thể tràn vào đại dương.

Trong năm qua, thế giới đối mặt với một loạt dự đoán biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng — phần lớn những dự đoán này sẽ xảy ra. Liên Hợp Quốc cho biết vào đầu năm nay, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5 độ C trong vòng 20 năm tới ngay cả khi giảm lượng khí thải CO2 làm trái đất nóng lên. 

Theo một nghiên cứu, các khu vực Bắc Cực đang ấm lên nhanh hơn những khu vực khác trên thế giới, khiến cho băng ở Greenland tan chảy nhiều hơn. Nhiều chuyên gia nghĩ biến đổi khí hậu góp phần gây ra các đợt hạn hán và nắng nóng gần đây, và một số nghiên cứu cho thấy trái đất ấm lên trong tương lai có thể làm cho thêm nhiều loài tuyệt chủng và một số bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây lan hơn.

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm: Biến đổi khí hậu sẽ gây ra thêm nhiều trận lở tuyết chết người
Kinh tế tuần hoàn – giải pháp cho biến đổi khí hậu
Càng ở nước nghèo càng bị tác động của biến đổi khí hậu
John Doerr tài trợ 1,1 tỉ USD cho đại học Stanford để nghiên cứu khí hậu
Xu hướng: Tiền mã hóa và khủng hoảng khí hậu