Start-up

Lucy Liu “lội ngược dòng” trên thị trường công nghệ toàn cầu

2 năm trước
Tác giả John Kang

Trong khi các công ty khác cắt giảm lao động, Airwallex – startup về thanh toán thành lập tại Melbourne, Úc của “nữ tướng” Lucy Liu đang tuyển dụng thêm nhân sự và giữ vững giá trị vốn hóa 5,5 tỉ USD.

Share
this:

Mới chỉ vài năm trước, Lucy Liu đang ngồi trong một quán một cà phê tại Melbourne, Úc sau khi từ bỏ công việc của mình ở Trung Quốc để đi du lịch. Còn hiện tại, cô là nhà đồng sáng lập và chủ tịch của Airwallex, một trong những công ty tư nhân tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đứng vững trong tình hình biến động của lĩnh vực công nghệ toàn cầu, khi dòng vốn đầu tư vào các startup và hoạt động tuyển dụng đều đang giảm.

Sau hơn một năm thành lập, kỳ lân lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) này đã nhận về tổng cộng 400 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư hàng đầu gồm DST Global, Sequoia Capital China và Tencent. Tháng 10.2022, Airwallex chốt lại vòng gọi vốn Series E và giữ mức định giá 5,5 tỉ USD.

Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trực tuyến, Lucy Liu cho biết “Trong thị trường này, tôi cho rằng các nhà đầu tư muốn hậu thuẫn cho những doanh nghiệp dẫn dắt ngành công nghiệp. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có kinh nghiệm và đã chứng minh được mức độ hiệu quả từ mô hình kinh doanh của công ty. Chúng tôi hiểu rõ nhu cầu từ thị trường và làm rất tốt công việc của mình.”

Vào năm 2015, Lucy Liu (31 tuổi) cùng bốn thành viên khác đồng sáng lập Airwallex, cung cấp phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thanh toán hóa đơn và biên lai quốc tế với chi phí tiết kiệm.

Đến nay, công ty đã mở rộng sang các dịch vụ fintech, như tài khoản ngân hàng, giải pháp thu hồi nợ, tạo thẻ thanh toán trực tuyến (liên kết với Visa) và dịch vụ mua trước trả sau (BNPL) (hợp tác với Atome Financial, đơn vị trực thuộc công ty về trí tuệ nhân tạo – AI Advance Intelligence Group có trụ sở tại Singapore).

Chân dung của “nữ tướng” Lucy Liu, một trong bốn nhà sáng lập của Airwallex. Ảnh: Airwallex

Nguồn thu của Airwallex đến từ các khoản phí giao dịch thấp, với hạn mức tùy thuộc vào thị trường và quy định quản lý. Công ty đặt trụ sở chính tại Hong Kong và Melbourne, với hơn 20.000 khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực gồm thương mại điện tử (e-commerce) và phần phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) tại hơn 50 thị trường trên toàn thế giới từ Úc, Hong Kong đến Singapore, Vương Quốc Anh và Mỹ.

Nhóm khách hàng lớn của Airwallex bao gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, hãng hàng không Úc Qantas và Tencent Music Entertainment – công ty con của tập đoàn Tencent về dịch vụ phát nhạc trực tuyến. Airwallex cho biết doanh thu trong quý 2.2022 tăng 184% so với cùng kỳ năm 2021, song không tiết lộ con số cụ thể.

“Chúng tôi rất tập trung vào việc xây dựng hạ tầng hỗ trợ các doanh nghiệp khác. Tôi cho rằng hạ tầng tài chính toàn cầu khá đặc biệt khi quá trình phát triển đòi hỏi nhiều thời gian, tiền bạc, nguồn lực và nhân sự. Nên đây không phải là lĩnh vực mà bất kỳ ai cũng dễ dàng mô phỏng lại hoặc bắt kịp,” Liu, từng làm việc tại China International Capital Corp. (CICC), một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc trong giai đoạn đầu phát triển sự nghiệp, cho biết.

Airwallex đã dành ra gần hai năm để phát triển hạ tầng giao dịch tự doanh và huy động tổng cộng hơn 900 triệu USD, tính luôn cả vòng gọi vốn Series E mới nhất.

Công ty đã sử dụng phần lớn nguồn vốn nhận về để tăng số lượng nhân sự lên hơn 1.300 người tại 19 văn phòng trên toàn cầu, gấp đôi so với năm 2021. Điều này giúp Airwallex nằm trong nhóm các công ty tư nhân phát triển nhanh nhất châu Á về mặt nhân sự, ngoài Trung Quốc đại lục và Ấn Độ.

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Airwallex có “sức bật” từ đại dịch COVID-19, yếu tố thúc đẩy xu hướng mua sắm và giải trí trên nền tảng trực tuyến. Công ty có nhiều khách hàng hoạt động trong hai lĩnh vực này.

Theo báo cáo thương mại của Liên Hợp Quốc (U.N), tỷ lệ người dùng internet mua sắm trực tuyến tăng từ 53% vào năm 2019 lên 60% trong giai đoạn 2020-21. Báo cáo đưa ra tổng doanh số bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Canada, Úc và Singapore trong năm 2021, chiếm gần 50% tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên toàn thế giới, đạt 2.900 tỉ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019.

“Chúng tôi đã đồng hành và phát triển cùng khách hàng trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà họ đang hoạt động, bất kể đó là thương mại điện tử, video game hay giáo dục trực tuyến. Những lĩnh vực này đã thực sự bức phá trong hai đến ba năm gần đây,” Liu cho biết. Một ví dụ tiêu biểu là SleekFlow, startup SaaS có trụ sở tại Hong Kong đưa ra nền tảng tích hợp cho phép bán sản phẩm và cung cấp dịch vụ trực tiếp trên mạng xã hội.

Henson Tsai, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) của SleekFlow, cho biết công ty sử dụng dịch vụ từ Airwallex, với thẻ thanh toán đa tiền tệ không mất phí và dễ dàng sử dụng, cho mọi hoạt động giao dịch. Một điểm thay đổi lớn đối với Tsai và những nhà lãnh đạo như anh là họ không còn phải phụ thuộc vào Swift – hệ thống thanh toán xuyên biên giới có vị thế áp đảo trong hơn 50 năm qua. Đây là điều mà các công ty như Airwallex muốn mang lại.

Tuy Lucy Liu cho biết rất khó để “sao chép” cơ sở hạ tầng của Airwallex, công ty vẫn đang đối mặt với sự cạnh tranh từ những tập đoàn lớn như cổng thanh toán hàng đầu thị trường Stripe, ghi nhận tổng giá trị giao dịch hơn 640 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021.

Bên cạnh đó là các đối thủ cạnh tranh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Xendit (Indonesia) cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số và Razorpay – đơn vị về giải pháp thanh toán của Ấn Độ, lần lượt đạt tổng giá trị giao dịch hằng năm 200 triệu USD và khoảng 90 tỉ USD (ba công ty này có một vài dịch vụ tương tự như Airwallex). Giá trị giao dịch hằng năm của Airwallex là 50 tỉ USD.

Theo báo cáo của Deloitte Financial Advisory, hoạt động thanh toán trực tuyến trên toàn cầu đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 13% trong giai đoạn 2020-2026, với quy mô thị trường 11.300 tỉ USD, giảm từ 28% vào thời điểm diễn ra đại dịch năm 2020.

Báo cáo kỳ vọng thị trường giữ sự ổn định trong bối cảnh các công ty mở rộng quy mô và môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trước đây, Airwallex từng từ chối thỏa thuận thâu tóm, Theo truyền thông đưa tin, năm 2018, Airwallex đã khước từ lời đề nghị trị giá 1,6 tỉ đô la Úc (1,07 tỉ USD) từ Stripe (Airwallex từ chối đưa ra bình luận).

Chia sẻ với Forbes Asia, Airwallex cho biết đang cân nhắc IPO vào đầu năm 2024.

Lucy Liu, lọt vào danh sách Asia’s Power Businesswomen (Nữ Doanh nhân Quyền lực nhất châu Á) năm 2020 của Forbes, đang tìm kiếm thế hệ lãnh đạo tiếp theo cho Airwallex, đi ngược với xu hướng chung của lĩnh vực công nghệ toàn cầu với nhiều công ty cắt giảm nhân sự sau khi ồ ạt tuyển dụng vào thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Trong số đó có cả Stripe, khi công ty vào đầu tháng 11.2022 thông báo giảm 14% trong hơn 8.000 nhân sự do tình hình lạm phát, lãi suất cho vay tăng cao và các startup nhận ít vốn đầu tư hơn.

“1.300 nhân viên có thể là con số rất lớn, nhưng đội ngũ nhân sự của chúng tôi vẫn còn khá khiêm tốn so với quy mô khách hàng Airwallex đang hỗ trợ,” Liu cho biết.

Lucy Liu từ chối tiết lộ số lượng nhân viên công ty muốn tuyển dụng, nhưng cho biết Airwallex cần bổ sung 140 vị trí. Vì lẽ đó, cô đã trở thành cố vấn cho chương trình tư vấn của Startup Victoria, một trong những cộng đồng doanh nhân lớn nhất nước Úc, cũng như chương trình gia tốc khởi nghiệp tại đại học Melbourne.

Airwallex cũng cấp học bổng và trao tặng phần thưởng cho các sinh viên của đại học Melbourne. “Airwallex muốn hỗ trợ cho sinh viên hai ngành kỹ thuật và công nghệ thông tin (IT), vì chúng tôi mong muốn các em sẽ xem công ty là lựa chọn hàng đầu cho sự nghiệp của mình,” Liu chia sẻ.

Bốn nhà sáng lập của Airwallex (Từ trái sang): Xijing Dai, đồng sáng lập và giám đốc công nghệ; Jack Zhang, đồng sáng lập và giám đốc điều hành; Lucy Liu, đồng sáng lập và chủ tịch; Max Li, đồng sáng lập và trưởng bộ phận thiết kế. Ảnh: Airwallex

Ba nhà sáng lập còn lại của Airwallex là những người bạn của Lucy Liu khi theo học tại đại học Melbourne, gồm Jack Zhang, từng làm kỹ sư phần mềm cho tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ); Xijing Dai, doanh nhân khởi nghiệp liên tục tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ thuật phần mềm và Max Li, một kiến trúc sư. Liu từng có khoảng nghỉ nghề nghiệp và dành thời gian tại Tukk & Co., quán cà phê do cô và Zhang đồng sở hữu như một nghề tay trái (Hiện đã nhượng lại).

Trong khoảng thời gian đó, cả hai gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền cho các đối tác cung cấp ly đựng cà phê và nhãn dán thương hiệu. Hai người cho rằng hệ thống thanh toán xuyên biên giới thiếu tính minh bạch, trong khi tỉ giá hối đoái và phí giao dịch lại quá cao. Nhằm khắc phục vấn đề này, bốn người bạn bắt tay thành lập Airwallex, với Jack Zhang giữ vai trò giám đốc điều hành (CEO), Xijing Dai là giám đốc công nghệ (CTO) và Max Li đảm nhiệm chức vụ trưởng bộ phận thiết kế.

Trong khi Zhang, Dai và Li có chuyên môn về kỹ thuật, ở Liu có một vài điểm mà những người khác không có được. Đó là mạng lưới các nhà đầu tư mà cô đã tích lũy khi còn làm chuyên viên tư vấn đầu tư tại CICC, mở ra khả năng huy động vốn. Theo một nhà đầu tư sớm của Airwallex, Liu cũng là “‘chất keo’ gắn kết các nhà sáng lập còn lại.” Chibo Tang, giám đốc quản lý sinh sống và làm việc tại Hong Kong của quỹ đầu tư mạo hiểm châu Á Gobi Partners nhận xét “Liu là chuyên gia điều hành và người của văn hóa. Giữa những tính cách lớn trong đội ngũ nhà sáng lập, cô ấy là người tạo sự thoải mái cho rất nhiều buổi thảo luận.”

Khả năng vượt qua khó khăn của Lucy Liu thể hiện qua lý lịch của cô. Sinh ra tại Trung Quốc, Lucy Liu là con một trong một gia đình có mẹ làm giáo viên và cha là doanh nhân. Ở tuổi 12, Liu chuyển đến Auckland, sau đó theo học tại đại học Melbourne và tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính vào năm 20212. Liu cho biết chính người cha đã truyền cảm hứng cho cô bước vào con đường khởi nghiệp.

“Ông ấy từng trải qua rất nhiều thăng trầm trong sự nghiệp của mình. Với tôi, điều đó đã truyền cảm hứng cho tôi trở thành một người rất kiên cường trước khó khăn,” Liu cho biết.

Xem thêm: NỮ DOANH NHÂN QUYỀN LỰC CHÂU Á TESSA WIJAYA TẠO BƯỚC NHẢY VỌT CHO ỨNG DỤNG THANH TOÁN XENDIT
Jenny Lee, “bóng hồng” quyền lực của giới đầu tư mạo hiểm

Biên dịch: Minh Tuấn