Lối sống

Kiểm soát bất ổn và bảo vệ sức khỏe tinh thần khi khởi nghiệp

9 tháng trước
Tác giả Jia Wertz

Doanh nhân nên học cách kiểm soát sự bất ổn và bảo vệ sức khỏe tinh thần trong hành trình khởi nghiệp đầy bất trắc khó lường.

Share
this:

Khởi nghiệp thường được tôn vinh như con đường dẫn đến sự tự do, đổi mới và thành công tài chính. Mặc dù điều đó có thể đúng, những thách thức trên con đường này lại hiếm khi được thảo luận.

Trong hành trình khởi nghiệp, nhiều nhà sáng lập phải đương đầu với nhiều thách thức liên quan đến sức khỏe tinh thần. 

Theo nghiên cứu của Startup Snapshot, 72% nhà sáng lập cho biết họ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần khi khởi nghiệp, bao gồm căng thẳng cao độ, lo lắng, kiệt sức, trầm cảm và hoảng loạn.

Nghiên cứu cũng chỉ ra 54% nhà sáng lập “rất lo lắng” về tương lai phát triển của công ty do thị trường hiện đang bất ổn.

Nhiều nhà sáng lập luôn phải đương đầu với mọi bất ổn có thể xảy ra trong quá trình khởi nghiệp. Ảnh: Getty/ Forbes
Tổn thương tâm lý do sự bất ổn

Khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp, các nhà sáng lập phải đương đầu với mọi bất ổn có thể xảy ra. Động lực thị trường, sự bất ổn tài chính và áp lực thành công tạo ra nhiều yếu tố gây căng thẳng cho những nhà sáng lập.

Việc liên tục phải đưa ra các quyết định quan trọng, chấp nhận rủi ro và chịu trách nhiệm đối với nhân viên cũng như đối tác có thể dẫn đến căng thẳng mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.

“Mặc dù nhiều doanh nhân và nhà sáng lập luôn cảm thấy đơn độc trong hành trình khởi nghiệp nhưng thực ra họ không lẻ loi,” tiến sĩ Yasmine Saad, chuyên gia tâm lý và nhà sáng lập Madison Park Psychological Services, nói.

“Bất ổn trong hành trình khởi nghiệp không chỉ đến từ rủi ro tài chính, chúng còn liên quan đến sự sợ hãi khi đối diện thất bại, biến động thị trường và nhu cầu cải tiến liên tục. Sự không chắc chắn có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm và tạo cảm giác mất kiểm soát,” tiến sĩ Saad cho biết thêm.

Các chiến lược để quản lý căng thẳng khi khởi nghiệp

Mặc dù căng thẳng là điều không thể tránh khỏi, những nhà sáng lập nên cố gắng tìm cách thoát khỏi tình trạng lo lắng. Dưới đây là một số lời khuyên tiến sĩ Saad đưa ra:

1. Cân bằng công việc và cuộc sống

Nghiên cứu của Zipdo cho thấy 95% doanh nhân không biết cách cân bằng công việc và cuộc sống. “Tạo ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống rất cần thiết,” tiến sĩ Saad giải thích. “Doanh nhân nên phân bổ thời gian hợp lý cho công việc, đảm bảo có thời gian cho sở thích cá nhân và người thân.”

Theo tiến sĩ Saad, tập thể dục thường xuyên và dành thời gian thực hiện những sở thích cá nhân có thể giúp tinh thần thoải mái hơn.

2. Ưu tiên xây dựng mạng lưới quan hệ

Nghiên cứu được công bố trên Personnel Psychology cho thấy nhiều doanh nhân đơn độc trong hành trình khởi nghiệp. Điều này có thể gây ra hậu quả khôn lường nếu không được giải quyết kịp thời.

“Những người muốn khởi nghiệp nên tìm cộng sự hoặc kết nối với các doanh nhân khác để được chia sẻ kinh nghiệm. Những nhóm hỗ trợ cung cấp một nền tảng để thảo luận thách thức và từ đó học kinh nghiệm. Ngoài ra, mối quan hệ mới cũng giúp giảm cảm giác đơn độc,” tiến sĩ Saad khuyên.

3. Ưu tiên chánh niệm và sức khỏe tinh thần

“Các doanh nhân bận rộn nên ưu tiên thời gian cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, giúp tâm trí tĩnh lặng. Thiền và yoga có thể kiểm soát căng thẳng lẫn lo lắng hiệu quả. Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe tinh thần thường xuyên với huấn luyện viên, nhà trị liệu tâm lý chuyên nghiệp có thể giúp xác định sớm và kiểm soát căng thẳng.

4. Quy trình ra quyết định rõ ràng

“Thực hiện các quy trình ra quyết định có thể làm giảm căng thẳng do tình trạng không chắc chắn liên tục gây ra. Chúng ta nên đặt ra các tiêu chí rõ ràng, tiếp nhận ý kiến từ đội ngũ cố vấn, đồng thời chia nhỏ các quyết định để dễ quản lý hơn,” tiến sĩ Saad chia sẻ.

Một quy trình ra quyết định rõ ràng có thể được thực hiện nhờ sự trợ giúp của những phương pháp trị liệu tâm lý. Tiến sĩ Saad đã phát triển phương pháp tiếp cận nội tâm (The Inner Message Approach™) để giúp các lãnh đạo doanh nghiệp giải mã suy nghĩ và cảm xúc, giúp họ sáng suốt hơn trong nhìn nhận vấn đề cũng như phát triển lộ trình vượt qua trở ngại.

5. Xem thất bại như một cơ hội học hỏi

Cuối cùng, doanh nhân nên thay đổi tư duy, luôn xem thất bại như một bài học có thể giảm bớt sự sợ hãi và lo lắng. Ngoài ra, nếu nhà khởi nghiệp vượt qua được những bất ổn khi điều hành công ty, sức khỏe tinh thần sẽ cải thiện đáng kể.

“Rút ra bài học sau mỗi lần thất bại có thể giúp cả bản thân và sự nghiệp phát triển,” tiến sĩ Saad cho biết thêm.

Khởi nghiệp là một hành trình đáng khích lệ nhưng cũng đầy thách thức, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần. Nhận thức và giải quyết được yếu tố tiêu cực này, doanh nhân trẻ dễ dàng cảm nhận sự cải thiện về tâm lý để có hành trình khởi nghiệp bền vững.

Các doanh nhân phải nhớ rằng chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như chăm sóc công việc kinh doanh. Suy cho cùng, một tinh thần khỏe mạnh là tài sản quý giá nhất trong hành trình khởi nghiệp với nhiều bất trắc khó lường nhưng cũng đáng tự hào.

Biên dịch: Gia Nhi

———————-

Xem thêm:

Sống có chủ đích hơn? Hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc
Để hạnh phúc? Cần những mối quan hệ có ý nghĩa!
Cách hồi phục sau hội chứng rối loạn vì kiệt sức xã hội

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/kiem-soat-bat-on-va-bao-ve-suc-khoe-tinh-than-khi-khoi-nghiep)