Xác định cụ thể mục tiêu của dự án kinh doanh và có công cụ đo lường hiệu quả là hai yếu tố hàng đầu của nhà đầu tư khi cân nhắc rót vốn vào một dự án tạo tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
Trong phiên thảo luận “Nguồn vốn đầu tư vào mô hình kinh doanh tạo tác động” tại Hội nghị Kinh doanh tạo tác động 2022, đại diện quỹ đầu tư, tổ chức tư vấn đã chia sẻ quan điểm đầu tư của họ vào các mô hình doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động tích cực đến môi trường, xã hội.
Các diễn giả đều đồng tình với nghịch lý: dự án gặp nhiều thách thức khi huy động vốn trong khi quỹ đầu tư khó tìm được dự án phù hợp để giải ngân.
Là cố vấn tại Việt Nam của Mạng lưới cho các nhà đầu tư xã hội ở châu Á (AVPN), bà Christina Ameln nêu ra ba thách thức chung mà các dự án tạo tác động tích cực và nhà đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam đang gặp phải.
Đó không chỉ sự thiếu hụt nguồn lực (bao gồm tài chính, kiến thức và thời gian) ở phía các nhà sáng lập dự án mà còn là sự khó khăn trong việc tìm kiếm dự án tiềm năng để rót vốn ở phía nhà đầu tư.
Đồng thời các nhà sáng lập còn có những lỗ hổng kiến thức về thị trường, tài chính và quản trị. Cùng với đó, phương pháp (công cụ) đo lường hiệu quả cũng là một thách thức chung, không chỉ đối với dự án tạo tác động tích cực tại Việt Nam.
Không có nhà đầu tư nào có cùng góc nhìn dù cùng đầu tư vào một dự án, đặc biệt tại các công ty tạo tác động tích cực đến xã hội, môi trường.
Bà Shuyin Tang, đối tác hợp danh Patamar Capital cho rằng, những góc nhìn đa dạng khi đánh giá về mô hình kinh doanh này đã dẫn đến sự khác biệt trong các tiêu chí đánh giá đầu tư, cách thức đối diện các vấn đề phát sinh…
Quỹ Patamar Capital đầu tư vào khoảng 40 công ty tại khu vực châu Á, khi chọn lựa dự án tạo tác động tích cực để đưa vào danh mục đầu tư, họ quan tâm đến hai yếu tố: Một là, đánh giá mục tiêu dự án muốn hướng đến của nhà sáng lập, phân định rõ giữa định hướng tối ưu hoá lợi nhuận hay tác động tích cực đến xã hội, môi trường. Hai là, phương thức đo lường những tác động mà dự án đó mang lại.
“Khi nói dự án tạo tác động to lớn cho xã hội và môi trường thì chúng ta phải chứng minh được sự thật rằng, dự án đã làm như thế nào và đạt được những kết quả nào,” bà Shuyin Tang chia sẻ. Bà lấy ví dụ về một chỉ số cho thấy tác động tích cực có thể đến từ số lượng việc làm được tạo ra từ các dự án mà quỹ đã đầu tư.
Nhìn chung, theo bà Shuyin Tang, quá trình tìm kiếm, thẩm định đầu tư vào dự án tạo tác động tích cực đều được các quỹ đầu tư thực hiện tương tự như cách đã làm khi rót vốn vào các mô hình kinh doanh thông thường.
Theo đó, các nhà sáng lập đều phải chứng minh được mô hình kinh doanh, quy mô thị trường, lợi thế cạnh tranh, phương thức tạo ra doanh thu, lợi nhuận cũng như chỉ số thực tiễn trong tác động lên môi trường, xã hội.
Trong khi đó, là chuyên gia tài chính trưởng từ IFC, ông Darry D.Jong đánh giá, thách thức trong mục tiêu thúc đẩy các mô hình kinh doanh tạo tác động tại Việt Nam không nằm ở vấn đề vốn hay ý tưởng. “Nếu xây dựng được môi trường kinh doanh tạo tác động, các nhà đầu tư, từ nhà đầu tư cá nhân đến tổ chức sẽ tham gia vào thị trường. Thiếu điều này sẽ trì hoãn sự phát triển,” đại diện IFC nhận định.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/hai-yeu-to-chan-dong-von-vao-doanh-nghiep-tao-tac-dong-tich-cuc)
11 tháng trước
11 tháng trước
2 tháng trước
11 tháng trước
1 năm trước
1 năm trước
Forbes Việt Nam số 119: Nền kinh tế tuần hoàn