Chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần 20.9 đã chứng kiến đợt sụt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng qua sau tin tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande lâm vào tình trạng hụt dòng tiền trả nợ.
Evergrande đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi đang ôm “quả bom” nợ khổng lồ hơn 300 tỉ USD. Thông tin này làm bùng lên đợt bán tháo trên toàn cầu, dấy lên nhiều lo ngại về các rủi ro tiềm ẩn sắp bùng phát.
Các cổ phiếu JPMorgan Chase, Goldman Sachs và nhà sản xuất thiết bị Caterpillar rớt giá, đẩy chỉ số Dow Jones giảm 615 điểm (1,8%) xuống còn 33.970 – mức chốt phiên thấp nhất kể từ 19.7. Tiếp nối hiệu ứng, S&P 500 mất 1,7% và Nasdaq giảm 2,2%, trong đó ngành năng lượng và công nghiệp chịu sụt giảm mạnh nhất. Tính trong năm 2021, đến hiện tại S&P 500 tăng 18%, Nasdaq là 16%, và Dow Jones là 12,5%.
Tình hình càng xấu đi khi Evergrande ngưng giao dịch trái phiếu trong nước hôm 19.9 sau những cảnh báo rủi ro từ giới chuyên gia tín dụng, Ryan Detrick từ LPL Financial cho biết. Theo Detrick, Evergrande đang tiến rất gần đến tình thế hoặc tái cấu trúc hoặc vỡ nợ. Một số chuyên gia lo lắng Evergrande vỡ nợ sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền, châm ngòi cho một đại suy thoái tương tự như vụ Lehman Brothers cách đây 13 năm.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng chịu chung số phận, sụt giảm sâu nhất trong năm, rớt 3,3% dù nhiều thị trường châu Á đóng cửa nghỉ lễ trong nhiều ngày.
Tuần trước, Evergrande thông báo đến các ngân hàng rằng công ty không thể trả số nợ đến hạn trong tháng. Cổ phiếu công ty bắt đầu rớt giá, kéo theo hiệu ứng sụt giảm mạnh khắp lĩnh vực bất động sản Trung Quốc và nhanh chóng lan sang các ngành khác.
Evergrande phát triển khoảng 1.300 dự án bất động sản tại Trung Quốc, với hơn 200.000 nhân sự và tạo khoảng 2 triệu việc làm mỗi năm. Mức doanh thu hơn 100 tỉ USD năm 2020 không thấm gì so với khoản nợ khổng lồ hơn 300 tỉ USD. Trong 15 năm kể từ lúc thành lập, tập đoàn liên tục vay nợ để bổ sung vốn mở rộng quy mô và phát triển phi tập trung nhiều dự án.
Tuần qua chứng khoán Mỹ không chịu nhiều ảnh hưởng, nhưng phiên đầu tuần 20.9 đã chứng kiến đợt sụt giảm sau khi Bloomberg báo cáo khả năng Evergrande không thể thanh toán 84 triệu USD tiền lãi đến hạn vào 23.9.
Tuy nhiên, Detrick đánh giá cơn khủng hoảng Evergrande có thể ảnh hưởng nặng nhưng không thể xem đây là một Lehman thứ hai. Nợ của Evergrande phần lớn được giữ trong quỹ cổ phần và cổ phiếu, khác với các ngân hàng và tổ chức lớn khác. Hơn nữa, nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ vào cuộc để ngăn vỡ nợ xảy ra, chưa kể Evergrande vẫn có thể thanh lý tài sản công ty để trả nợ.
Cùng nhận định lạc quan, cố vấn David Bahnsen từ The Bahnsen Group cho rằng thị trường đã ổn định từ lâu và tháng chín này chỉ là “cơn cúm mùa”. Thị trường sẽ tự điều chỉnh được những bất ổn, và sự kiện Evergrande không thể xem là rủi ro suy thoái hệ thống kinh tế vĩ mô.
Cùng ngày 20.9, thị trường tiền mã hóa cũng ghi nhận sụt giảm mạnh vào lúc 20h45: gần 11%, bốc hơi hơn 250 tỉ USD vốn hóa trong vòng 24h, theo thống kê của CoinMarketCap.
Biên dịch: Thiên Tứ