Sau 3 năm gia nhập câu lạc bộ tỉ phú, doanh nhân công nghệ giáo dục ở Ấn Độ Byju Raveendran rớt khỏi bảng xếp hạng này do một số sai lầm.
Gần đây, Prosus ở Hà Lan, trước đây là Naspers, tiết lộ rằng giá trị của 9,6% số cổ phần công ty sở hữu trong Byju’s đã giảm xuống còn 493 triệu USD (tính đến ngày 31.3). Hiện công ty công nghệ giáo dục thuộc Raveendran được định giá ở mức 5,1 tỉ USD, thấp hơn 77% so với mức cao kỷ lục 22 tỉ USD hồi năm 2022.
Vì vậy, giá trị 18% cổ phần của Raveendran chỉ còn dưới 1 tỉ USD. Nhưng sau khi trừ đi các khoản mà ông đã vay vào năm 2022 để đầu tư vào Byju’s, giá trị tài sản ròng của ông ước tính còn lại 475 triệu USD.
Trong khi đó, năm 2020, ông sở hữu khối tài sản trị giá 1,8 tỉ USD. Nhờ vậy, ông lọt vào danh sách Tỉ phú thế giới của Forbes. Ngoài ra, công ty được định giá 10 tỉ USD. Trong hai năm, tài sản của ông tăng gấp đôi lên 3,6 tỉ USD cho đến khi mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ.
Raveendran thành lập công ty mẹ của ứng dụng Byju’s, Think & Learn. Trước kia ông dạy kèm toán. Công ty tiến hành nhiều vòng gọi vốn vào hai năm 2020 và 2021, huy động được gần 4,2 tỉ USD từ các nhà đầu tư bao gồm UBS và quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi.
Công ty đã sử dụng một phần trong khoản đó để chi cho những thương vụ mua lại lớn ở Ấn Độ, châu Á và Hoa Kỳ. Cụ thể, công ty đã mua lại Akash Educational Services cung cấp dịch vụ luyện thi ở Ấn Độ với giá 950 triệu USD và Great Learning cung cấp chương trình giáo dục đào tạo chuyên nghiệp và đại học ở Singapore với giá 600 triệu USD.
Tốc độ mở rộng quá nhanh không giúp công ty tăng trưởng mà ngược lại đi xuống. Công ty không kiểm soát được dòng tiền và rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính. Trong khoảng thời gian từ 12.2021 đến 4.2023, công ty không có giám đốc tài chính. Byju’s có phó chủ tịch phụ trách tài chính cho từng bộ phận khác nhau. Nhưng đến hết năm tài chính kết thúc vào ngày 31.3.2022, công ty vẫn chưa báo cáo kết quả kinh doanh.
Mãi đến tháng 9.2022, công ty mới báo cáo kết quả này – trễ 12 tháng. Theo đó, Byju’s báo cáo khoản lỗ 45,6 tỉ INR (573 triệu USD) – cao hơn so với 3,1 tỉ INR của năm 2021. Doanh thu giảm 3% xuống 24,3 tỉ INR (gần 295,3 triệu USD) trong năm tài chính 2022.
Để xoa dịu các nhà đầu tư khó tính, Raveendran đã tiến hành vòng gọi vốn vào tháng 3.2022, huy động được 400 triệu USD với mức định giá 22 tỉ USD. Ông thường công bố rằng các vòng gọi vốn thu hút rất nhiều công ty nhưng thực tế không như vậy. Các nhà đầu tư như Sumeru Ventures và Vitruvian Partners đều rút lui.
Mức định giá của công ty tiếp tục giảm xuống còn 11,5 tỉ USD vào tháng 10.2022 và 8,4 tỉ USD trong tháng 5.2023. Prosus, nhà đầu tư hàng đầu vào lĩnh vực công nghệ giáo dục trên toàn cầu, đã góp 536 triệu USD vào Byju’s từ năm 2018, cho biết giá trị của khoản đầu tư vào Byju’s giảm xuống còn 578 triệu USD vào tháng 9.2022, lúc đó công ty được định giá ở mức 6 tỉ USD.
Prosus thực hiện hàng chục khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ giáo dục, bao gồm nền tảng nâng cao kỹ năng Udemy ở San Francisco và Brainly cung cấp dịch vụ hỗ trợ học sinh hoàn thành bài tập về nhà tại New York.
Do ba thành viên trong hội đồng quản trị đều nghỉ nên công ty bổ sung thêm một vài giám đốc độc lập để tái cấu trúc. Ngoài ra, công ty cũng cố gắng thành lập một ban cố vấn có thể hướng dẫn những người sáng lập.
Tại cuộc họp ban điều hành gần đây với các cổ đông, Raveendran thừa nhận đã phạm sai lầm và hiện đang tập trung vào việc sửa sai. Vào tháng 6, công ty cũng đã thông báo rằng công ty lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho Akash vào giữa năm 2024.
Biên dịch: Gia Nhi
———————–
Xem thêm:
Ứng dụng giáo dục Byju’s phát triển trong giai đoạn bình thường mới
Công ty edtech Byju’s tiếp tục đối mặt với khó khăn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doanh-nhan-edtech-khong-con-la-ti-phu-sau-khi-dinh-gia-cua-byjus-giam-77)
1 tháng trước
1 năm trước
Ben Francis thành tỉ phú nhờ đam mê tập thể hình2 tháng trước
Con đường của kỳ lân