Các doanh nghiệp châu Âu kiến nghị chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để tận dụng những cơ hội lớn từ EVFTA mang lại cho thương mại và đầu tư song phương sau đại dịch.
“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực mở ra những cơ hội lớn cho thương mại và đầu tư song phương sau đại dịch. Nếu hai bên khai thác được tiềm năng của thỏa thuận này – thông qua quan hệ đối tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp – thì các công ty và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.”
Chủ tịch EuroCham Alain Cany phát biểu như trên tại sự kiện Gặp gỡ châu Âu 2021: Quan hệ Việt Nam – EU và lễ ra mắt Sách Trắng 2021 sáng nay 25.11 tại Hà Nội.
Trong phiên đối thoại chuyên đề giữa các doanh nghiệp châu Âu với đại diện các bộ ngành Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp châu Âu kiến nghị chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tạo giá trị to lớn hơn cho nền kinh tế Việt Nam và EU.
Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, ông Guru Mallikarjuna, cho biết đến nay Bosch đã xây dựng được bộ máy hơn 5.000 nhân viên cho hoạt động tại nhà máy ở Đồng Nai cùng hai trung tâm R&D đặt tại TPHCM. Ông khẳng định thông điệp cam kết tiếp tục đầu tư của tập đoàn này ở Việt Nam, đặc biệt trong việc nâng cao công suất của các trung tâm phần mềm và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhất định về tài chính khi nhà máy ở Đồng Nai, Bosch phải duy trì làm việc ba tại chỗ nhưng vẫn đảm bảo được quá trình sản xuất không bị đứt gãy. “Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục đầu tư để đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm R&D quan trọng của Bosch ở khu vực,” tổng giám đốc Bosch Việt Nam khẳng định.
Để hỗ trợ cho cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam của Bosch, ông Guru cho rằng chính phủ còn nhiều thứ phải làm để sớm phê chuẩn hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA. Ông đưa ra hai khuyến nghị: đẩy mạnh phát triển vốn con người để phát triển ngành công nghệ kỹ thuật và đảm bảo phát triển kinh tế đi kèm với các mục tiêu tăng trưởng xanh nhưng bền vững.
Giám đốc quốc gia Lionel Adenot từ Decathlon Việt Nam tiết lộ vị trí quan trọng của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu của tập đoàn phân phối trang phục thể thao này. Ông cho biết Việt Nam là nước sản xuất lớn thứ hai của họ trên toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.
Trong trung và dài hạn, Decathlon mong muốn các đối tác ở Việt Nam giảm sử dụng năng lượng cũ như việc dùng than đá trong nhuộm hoặc làm da. Ông cũng cho biết Decathlon và nhiều tập đoàn châu Âu kỳ vọng vào hệ thống đường sắt nối giữa Việt Nam và châu Âu để vận chuyển hàng hóa.
“Thủ tục hải quan cần đẩy mạnh số hóa và nhanh hơn trong tương lai để giảm bớt các thủ tục quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa,” ông kiến nghị.
Đại diện cho nhóm doanh nghiệp dược phẩm, ông Emin Turan – giám đốc quốc gia của Sanofi cũng đề xuất chính phủ Việt Nam sớm có lộ trình rõ ràng đối với các thủ tục pháp lý để nhập khẩu và phân phối các loại thuốc, đặc biệt trong bối cảnh giấy phép sắp hết hạn vào tháng 1.2022.
Ông cho biết Sanofi đã đầu tư khoảng 130 triệu euro vào hoạt động kinh doanh cũng như nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Việt Nam trong ba năm 2017-2020 với giá trị xuất khẩu sang các thị trường châu Á năm 2020 đạt 11 triệu euro. Ông khẳng định việc đầu tư lâu dài là kỳ vọng vào nền kinh tế mới nổi của Việt Nam với nguồn nhân lực dồi dào và đặc biệt là khả năng phục hồi tốt thể hiện các hoạt động có thể duy trì chỉ một thời gian ngắn sau giãn cách.
“Nếu chính phủ có thể xây dựng một chiến lược rõ ràng, bao trùm cả các quy định pháp luật lẫn lợi ích của bệnh nhân, điều đó sẽ thúc đẩy đầu tư nhiều hơn và tạo giá trị to lớn cho kinh tế lẫn xã hội Việt Nam,” ông nói.
3 năm trước
Thương mại 10 tháng lần đầu vượt mốc 500 tỉ USD