Define Ventures huy động được 460 triệu USD cho hai quỹ để đầu tư vào các startup ở giai đoạn đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số.
Động thái này diễn ra khi ngành đầu tư mạo hiểm đang phải cố gắng giải quyết hậu quả do Silicon Valley Bank phá sản, lạm phát và sự suy giảm tổng thể về khối lượng và quy mô giao dịch.
“Chúng tôi luôn tin rằng trong những thời điểm khó khăn như thế này, đây là lúc các công ty lớn tiếp tục ra đời,” Lynne Chou O’Keefe, người sáng lập cũng là đối tác quản lý tại Define Ventures, cho biết. “Đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các quy luật cơ bản không hề thay đổi.”
Mỗi năm Hoa Kỳ chi hơn 4 ngàn tỉ USD cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dự kiến con số đó sẽ tăng lên trong thời gian tới. Khoản chi này, nâng tổng tài sản thuộc quyền quản lý của Define lên khoảng 800 triệu USD, sẽ được triển khai thông qua hai quỹ: Fund III sẽ đầu tư vào những công ty mới ở giai đoạn đầu từ khi còn thuộc các vườn ươm khởi nghiệp đến Series B và Opportunities Fund sẽ tập trung những khoản đầu tư giúp startup hiện nằm trong danh mục tăng trưởng.
Kể từ khi thành lập công ty vào năm 2018, Define hoạt động dựa trên quan điểm rằng “ngôi nhà các công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang được xây dựng lại,” Chou O’Keefe cho biết. Điều quan trọng là áp dụng “những gì tốt nhất của thung lũng Silicon,” nghĩa là kinh nghiệm người dùng cũng như công nghệ tương tác, vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Đôi khi, công ty cũng đầu tư vào các công ty cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho các nhóm bệnh nhân cụ thể, chẳng hạn như startup về sức khỏe phụ nữ Tia và startup về sức khỏe LGBTQ Folx Health.
Trong những năm qua, các công ty mang đến trải nghiệm tốt hơn cho bệnh nhân đồng thời chuyển sang mô hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người sử dụng lao động hoặc hợp tác với hệ thống y tế để mở rộng quy mô.
Các công ty khác nhận đầu tư từ Define, chẳng hạn như Unite Us, luôn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp bán phần mềm cho bệnh viện cũng như công ty bảo hiểm y tế, nhưng mục tiêu bao quát là giảm thiểu trở ngại cho bệnh nhân. Trong trường hợp của Unite Us, phần mềm giúp những người nghèo trong chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ Medicaid tiếp cận tốt hơn với dịch vụ y tế lẫn xã hội khác.
“Đó hoàn toàn là nghệ thuật và khoa học về chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số — hiểu cách tiếp cận thị trường, từ góc độ doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng,” Chou O’Keefe nói.
Cô nói rằng Define bắt đầu nói chuyện với các đối tác về vòng gọi vốn mới vào quý 2.2022, thời điểm đó giá trị nhiều giao dịch mạo hiểm bắt đầu giảm xuống. Theo dữ liệu của PitchBook, khoản đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số đạt mức cao nhất 15,6 tỉ USD cho khoảng 450 giao dịch vào năm 2021, rất cao so với 7 tỉ USD trong cả năm 2020 và 2022.
Tuy nhiên, như dữ liệu của PitchBook cho thấy, hoạt động thoái vốn vẫn giảm đáng kể. Vào năm 2022, chỉ 200 triệu USD thoái vốn so với 11 tỉ USD trong năm 2021. Chou O’Keefe cho biết thị trường IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) sẽ mở cửa trở lại.
Cô lạc quan về hoạt động mua bán lẫn sáp nhập trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ những công ty công nghệ, chẳng hạn như Microsoft, Amazon và Google cũng như nhà bán lẻ, như CVS, Walmart và Best Buy.
Đó là tín hiệu cho thấy các công ty đang tập trung đầu tư vào ngành chăm sóc sức khỏe để tăng trưởng. Bất chấp sự hỗn độn của thị trường, O’Keefe rất hào hứng về tương lai tăng trưởng: “Chúng tôi có suy nghĩ rất khác biệt và tầm nhìn táo bạo về hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như cách phát triển hệ thống.”
Biên dịch: Gia Nhi
———————
Xem thêm:
Startup chăm sóc sức khỏe tâm thần ThoughtFull huy động 4 triệu USD
Microsoft dùng AI giúp bác sĩ ghi chép hồ sơ bệnh án
WeightWatchers mua lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên về giảm cân
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/define-ventures-huy-dong-460-trieu-usd-dau-tu-vao-starup-cham-soc-suc-khoe-ky-thuat-so)