Thị Trường

Đề xuất giảm thuế với nhiên liệu bay, xăng dầu thì không

3 năm trước
Tác giả Minh Tâm

Cơ quan quản lý đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay để hỗ trợ ngành hàng không, các mặt hàng xăng dầu khác không được nhắc đến dù giá bán lẻ đang rất cao.

Share
this:

Đề xuất do bộ Tài chính trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu phương án giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với mặt hàng nhiên liệu bay, từ 3.000 đồng xuống mức 1.500 đồng/lít. Thời gian áp dụng từ 1.1.2022 đến 31.12.2022. Mức giảm này tăng 20 điểm phần trăm so với mức đang áp dụng hiện hành.

Trong dự thảo tờ trình đang được lấy ý kiến dư luận, cơ quan quản lý cho biết việc giảm thuế BVMT là chính sách để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, một trong những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu BVMT (do chỉ áp dụng trong thời gian dịch, không làm gia tăng mức tiêu thụ).

Cơ quan này cũng nhấn mạnh, chính sách giảm thuế BVMT cho nhiên liệu bay từ 1.8.2020 đến 31.12.2021 chưa phát huy được mục tiêu hỗ trợ do hàng không vẫn chưa hoạt động. Do vậy, cần thực hiện chính sách giảm thuế trong năm 2022, giai đoạn kinh doanh phục hồi trở lại.

Ngành hàng không được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản rất cao do đứt gãy mạng lưới bay, phát sinh hàng loạt vấn đề về nợ đọng, chế độ cho người lao động và ảnh hưởng dây chuyền tới các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, thương mại… Vì vậy, giảm thuế BVMT để giúp các hãng duy trì tồn tại.

Cơ quan này cho biết, việc giảm thuế BVMT với nhiên liệu bay không chỉ giúp các doanh nghiệp trong ngành mà còn góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế khác như thương mại, dịch vụ, du lịch…, qua đó kích cầu sử dụng lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

hàng không
Giảm thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ ngành hàng không. Ảnh: bộ Giao thông vận tải.

Dự kiến, nếu mức sử dụng nhiên liệu bay đạt tương đương năm 2020 với 96 triệu lít/tháng thì ngân sách hụt thu khoảng 1.898 tỉ đồng (gồm cả thuế BVMT và giá trị gia tăng). Nếu mức tiêu thụ thấp như năm 2021 thì mức hụt thu còn thấp hơn.

Trước đề xuất này, mặt hàng nhiên liệu bay đã có hai nghị quyết giảm thuế BVMT với cùng mức giảm 30%, từ mức 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít, áp dụng từ 8.2020 đến tháng 12.2020 và cả năm 2021. Theo bộ Tài chính, ở giai đoạn trước khi thực hiện giảm thuế BVMT cho nhiên liệu bay, số thu thuế BVMT đối với nhiên liệu bay giảm 1.072 tỉ đồng, thấp hơn mức 1.300 tỉ đồng dự báo trước đó.

Tổng số thuế BVMT và giá trị gia tăng mà nhà nước giảm thu trong giai đoạn này là 1.179 tỉ đồng, là “khoản hỗ trợ tài chính của Nhà nước để góp phần giảm gánh nặng chi phí của ngành hàng không vốn đang gặp nhiều khó khăn,” tờ trình viết.

Trong đó, riêng Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), số thuế được giảm trong năm 2020 là 155 tỉ đồng và trong 2021 dự kiến là 164 tỉ đồng.

Với các mặt hàng xăng dầu, cơ quan quản lý không đề cập đến việc giảm thuế BVMT. Hiện tại, mức thuế BVMT với dầu diesel là 2.000 đồng/lít, dầu hỏa là 1.000 đồng/lít, xăng 4.000 đồng/lít. Cùng với các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và nhập khẩu, các khoản thuế hiện đang chiếm trên 40% cơ cấu giá xăng bán lẻ và gần 30% đối với mặt hàng dầu, theo tính toán của bộ Công thương.

Trước đó, đại diện bộ Công thương cho biết đã đề xuất bộ Tài chính giảm thuế BVMT để kéo giảm giá xăng trong bối cảnh giá bán lẻ trong nước đã tăng mạnh thời gian qua, có thời điểm vượt cả mốc kỷ lục lập hồi tháng 7.2014.

Trao đổi với Forbes Việt Nam, ông Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả – bộ Tài chính cho biết, đề xuất giảm thuế BVMT với nhiên liệu bay là biện pháp hợp lý để hỗ trợ ngành hàng không đang gặp khó khăn.

Còn với các mặt hàng xăng dầu, đầu vào trực tiếp và gián tiếp của các ngành sản xuất và tiêu dùng của người dân, vốn đang ở mức cao thì cũng cần có chính sách từ nhà nước như ý kiến của nhiều bên thời gian qua. Ở thời điểm hiện tại, trong hai “van” để giảm áp lực cho giá bán lẻ xăng dầu gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế thì giảm thuế BVMT là khả dĩ nhất. Bởi lẽ, quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn kiệt sau thời gian dài sử dụng, thuế nhập khẩu đã ở mức thấp theo các cam kết FTA…

Tuy nhiên, theo ông Long, thế khó của bộ Tài chính lúc này là ngân sách đang khó khăn khi phần thu giảm bởi kinh tế khó khăn nhưng chi tăng, nhất là chi chống dịch. Bên cạnh đó, giá xăng dầu sau nhiều tháng liên tục tăng lại đang hạ nhiệt và được dự báo sẽ đi ngang trong năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng đầu năm vẫn thấp, chưa tới 2% theo công bố mới nhất. Do vậy, khả năng giảm thuế BVMT với các mặt hàng xăng dầu là khó xảy ra.

“Xăng dầu là đầu vào trưc tiếp và gián tiếp của rất nhiều ngành sản xuất. Nếu xăng dầu tăng 10% thì GDP giảm 0,5% và CPI tăng 1%. Các doanh nghiệp có đầu vào trực tiếp là xăng dầu đang rất khó khăn, rất nhiều công ty bên vực phá sản, cũng rất cần được hỗ trợ,” ông Long nói và cho rằng các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, có ý nghĩa thực sự để đảm bảo doanh nghiệp được thụ hưởng.

Ở thời điểm hiện tại, giá xăng A95 –III đang ở mức 23.900 đồng/lít; A92-E5 mức 22.910 đồng/lít; dầu diesel mức 18.370 đồng/lít… sau lần giảm giá đồng loạt các mặt hàng hôm 25.11, lần giảm giá sau sáu lần tăng liên tiếp trước đó.

Trên thị trường thế giới, giá dầu liên tục lao dốc những ngày qua sau khi lập đỉnh 7 năm hôm 10.10 với mức 80,11 USD/thùng (dầu WTI) và 82,58 USD/thùng (dầu Brent). Ở phiên giao dịch ngày 30.11, giá WTI giảm 5,39% xuống 66,18 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 5,45% xuống 69,23 USD/thùng. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá WTI đã giảm 19,08% và giá Brent giảm 16,14%, mức giảm lớn nhất trong năm nay khi chịu áp lực từ cả nguồn cung và cầu.