Khi ứng dụng công nghệ mang lại lợi ích cho khách hàng, doanh nghiệp trong mọi ngành nghề sẽ chọn chuyển đổi số thành chiến lược tất yếu trong kinh doanh.
Đại dịch COVID-19 như một tác nhân làm thay đổi nhiều mô hình kinh doanh, làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp ghi nhận tốc độ phục hồi nhanh nhất đều là những tổ chức xem việc ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh là yêu cầu buộc phải thực hiện.
“95% giao dịch của ngân hàng hiện trên nền tảng số. Mỗi giây trên hệ thống chúng tôi có hàng trăm ngàn giao dịch, điều này cho thấy chuyển đổi số là nhu cầu cấp bách và buộc các ngân hàng phải bắt kịp,” ông Nguyễn Hưng, tổng giám đốc ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chia sẻ tại phiên thảo luận với chủ đề Phát triển nền kinh tế số tại Diễn đàn kinh doanh 2022 của Forbes Việt Nam.
Ông Hưng cho rằng việc chọn phát triển theo hướng tích hợp hệ sinh thái số liên kết với đối tác mang đến khả năng phục vụ hàng chục triệu khách hàng trong nhiều lĩnh vực như y tế, hàng không, F&B… thay vì chỉ gói gọn trong khoảng 5 triệu khách hàng TPBank. Và khi nguồn lực các bên được cộng hưởng, khách hàng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Không riêng tại TPBank, chuyển đổi số cũng được lãnh đạo công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) dành nguồn lực để tập trung phát triển. Ông Đào Thế Vinh, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Golden Gate ví von chuyển đổi số như một cơn sóng. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiến xa nếu ứng dụng công nghệ và ngược lại nếu bỏ qua xu hướng này sẽ bị nhấn chìm.
Ông ví dụ tại hơn 100 nhà hàng ở 45 tỉnh thành của Golden Gate, quá trình chuyển đổi số giúp ban lãnh đạo công ty đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, cải thiện trải nghiệm cho hơn 20 triệu khách hàng và cải thiện năng lực cho đội ngũ hơn 15.000 nhân viên.
Chuyển đổi số cũng len lỏi vào ngành được đánh giá mang tính “bảo thủ” như giáo dục. EQuest Education, tổ chức giáo dục tư nhân tại Việt Nam có 24 công ty thành viên, quy tụ khoảng 2.500 nhân viên, phục vụ 100.000 học sinh là một ví dụ. Theo giới thiệu của ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch kiêm tổng giám đốc EQuest Education, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chuyển đổi số đã được tổ chức này chọn làm chiến lược sống còn và phải bắt đầu từ những người lãnh đạo.
“Lãnh đạo phải biến việc chuyển đổi số thành cơn ác mộng của chính mình,” ông Toàn nói về điểm bắt đầu trên hành trình ứng dụng công cụ số vào EQuest Education. Họ tin tưởng khi các bài toán cụ thể được giải, ví như “một bài tập được chấm điểm chỉ trong năm phút” sẽ góp phần thay đổi tư duy tiếp cận công nghệ của những thành tố liên quan như giáo viên, học sinh…
Tư duy từ lãnh đạo đến đội ngũ nội bộ cũng chính là thách thức đầu tiên mà các doanh nghiệp phải đối mặt trên hành trình chuyển đổi số. Đồng thời, việc tập trung vào những bài toán cụ thể đang cần tìm lời giải sẽ trở thành phương hướng để doanh nghiệp lựa chọn công cụ áp dụng phù hợp.
Với doanh nghiệp đã có 25 năm phát triển trên thị trường, công ty cổ phần Tập đoàn Masan chọn theo đuổi con đường không chỉ tạo giá trị cộng hưởng thúc đẩy hệ sinh thái số, mà còn đảm bảo các chỉ tiêu lợi nhuận khi nhân rộng quy mô.
Ông Danny Le, tổng giám đốc tập đoàn Masan cho rằng, họ không có bí mật gì trong quá trình chuyển đổi số và vẫn đang trong quá trình tìm hiểu nên sử dụng công nghệ nào phù hợp, xoay quanh nhu cầu của khách hàng. “Chúng tôi không muốn bị kéo theo những công nghệ, những mỹ từ phức tạp mà tập trung vào bài toán mình cần giải trước khi xác định nên chọn công nghệ nào cần sử dụng,” ông Danny Le chia sẻ.
Xem thêm:
Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát mục tiêu 4% năm 2022
Triển vọng nào đưa Việt Nam trở thành “con hổ mới” của kinh tế châu Á?
Forbes Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh doanh lần thứ 10
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/chuyen-doi-so-phai-bat-dau-tu-nhung-bai-toan-cu-the)
1 năm trước
Midas 2023: Đến kỳ thu hoạch2 năm trước
Dự báo tương lai kinh tế Việt Nam hậu đại dịch11 tháng trước