Doanh nghiệp

Chủ tịch Coteccons trấn an cổ đông vì kết quả kinh doanh sụt giảm liên tục

Kết quả kinh doanh bết bát của năm 2021 và kế hoạch lợi nhuận 2022 tiếp tục sụt giảm khiến cổ đông công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa sốt ruột về khoản đầu tư của mình vừa băn khoăn về tương lai của công ty.

Share
this:

Chiều 25.4, Coteccons tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 cũng là ngày thị trường chứng khoán Việt Nam trong cơn hoảng loạn, có lúc đẩy VN-Index mất hơn 80 điểm. Cổ phiếu CTD trên sàn HoSE cũng giảm về mức 54.900 đồng – vùng giá thấp nhất trong một năm qua của công ty xây dựng từng nhiều năm giữ vị trí số 1 thị trường.

Sau ba năm mua cổ phiếu này và trong chưa đầy một tháng, khoản đầu tư đã bốc hơi 75% khiến một cổ đông Coteccons bày tỏ lo ngại với ban chủ toạ đại hội về việc đặt niềm tin vào chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov khi vị này khẳng định sẽ vực dậy công ty.

Chủ tịch Coteccons nói ông “rất tiếc và rất xin lỗi” khi các cổ đông cũng như nhiều nhà đầu tư khác đã có trải nghiệm không vui với cổ phiếu CTD. Song, ông cho rằng, thị trường chứng khoán không dành cho những người lướt sóng ngắn hạn và khuyên nhà đầu tư nên nhìn vào khả năng tăng trưởng dài hạn khi mà thị trường xây dựng đang hồi phục và “tin giá cổ phiếu tăng trở lại vào cuối năm nay.”

Ông Bolat Duisenov, chủ tịch HĐQT Coteccons. Ảnh: Coteccons.

Các cổ đông cũng than phiền về kế hoạch lợi nhuận sau thuế ban lãnh đạo đặt ra cho năm nay khoảng 20 tỉ đồng, chỉ bằng 0.13% doanh thu thuần. Cộng với giá trị hợp đồng công ty đã ký kết chưa thực hiện (lượng backlog) tính đến cuối năm ngoái khoảng 25.000 tỉ đồng, đây là chỉ tiêu lợi nhuận thấp nhất trong 15 năm là điều “rất khó hiểu” với họ.

Theo ban lãnh đạo Coteccons, thị trường bất động sản Việt Nam đang được thúc đẩy để phục hồi. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý và chính sách thắt chặt cho vay bất động sản có thể khiến nhiều dự án gặp khó khăn hoặc bế tắc. Từ đó, tác động dây chuyền đến cơ hội tăng trưởng của các công ty xây dựng như Coteccons.

Ngoài ra, sự cạnh tranh trong ngành tại thị trường nội địa ngày càng khắc nghiệt và có nguy cơ thiếu kiểm soát, nhất là cạnh tranh về giá. Việc chạy đua hạ giá thành để có được hợp đồng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài, không còn đơn thuần vì biên lợi nhuận giảm hay vị thế dẫn đầu ngành bị đe dọa.

Ông Bolat nói rằng Coteccons vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc, xác định đây là hành trình cần thời gian để những nỗ lực tạo được kết quả phù hợp, “sẽ không nóng vội và rơi vào cuộc đua bề nổi”.

Coteccons được thành lập năm 2004 trên cơ sở cổ phần hóa một công ty thành viên của tổng công ty Fico, sáu năm sau CTD niêm yết tại HoSE. Doanh nghiệp này vẫn thường được nói đến với tình hình nội bộ bị xáo trộn và bức tranh kinh doanh bết bát trong năm 2021 như hệ quả của việc thay đổi thành phần lãnh đạo chủ chốt.

Mô hình kinh doanh không đa dạng khi sản phẩm – dịch vụ và nguồn thu đa phần tập trung vào lĩnh vực trọng điểm là công trình dân dụng – thương mại đã đặt Coteccons vào tình trạng bị phụ thuộc vào chu kỳ của ngành xây dựng. Tình trạng bị ngưng trệ hoàn toàn do Covid-19 là minh chứng rõ nhất cho nguy cơ này.

Ban lãnh đạo hiện tại của Coteccons còn cho rằng, mô hình tổ chức – quản lý cũ cũng là một nguyên nhân chính tạo nên điểm rơi của năm 2021 khi biên lợi nhuận ròng chỉ còn xấp xỉ 0.3%. Thêm vào đó, họ đã phải xử lý đến 16 dự án nợ xấu phát sinh và tồn đọng từ các năm trước với tổng giá trị nợ lớn.

Ông Bolat Duisenov vào vị trí chủ tịch HĐQT Coteccons từ đầu tháng 10.2020. Sau hơn 18 tháng điều hành, vị doanh nhân người Kazakhstan tin rằng, “Coteccons cần một mô hình kinh doanh mới, vượt qua lối mòn của một công ty xây dựng đơn thuần.”

Cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên chuỗi đầu tư tài chính, thiết kế và xây dựng là mô hình được ban lãnh đạo công ty này lựa chọn, nghĩa là họ sẽ tham gia đầu tư và hỗ trợ tài chính cho các chủ đầu tư triển khai dự án.

Người lao động làm việc tại công trường dự án do Coteccons nhận thầu. Ảnh: CTD.

Trước đây, chính sách của Coteccons là không vay tiền. Dù vậy trong năm ngoái, lần đầu tiên công ty này phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu nhằm đặt bước chân đầu tiên vào thị trường vốn.

Một yếu tố thường được nhắc đến ở Coteccons trong hai năm gần đây là sự xáo trộn về đội ngũ. Từ cuối năm 2020, khi sự thay đổi diễn ra ở HĐQT và lãnh đạo cấp cao, có một lực lượng nhân sự rời công ty, gây biến động nguồn lực và tác động tiêu cực đến công tác tổ chức, vận hành khi nhiều nhân sự khác bị bất an với môi trường làm việc và về tương lai công ty.

Từ năm 2021 đến tháng 1.2022, ba thành viên trong ban tổng giám đốc từ nhiệm, gồm một quyền tổng giám đốc là ông Võ Thanh Liêm và hai phó tổng Phan Hữu Duy Quốc, Trần Trí Gia Nguyên.

Hiện, công ty này có năm phó tổng giám đốc bao gồm ông Nguyễn Ngọc Lân, ông Phạm Quân Lực, ông Chris Senekki, bà Phạm Thị Bích Ngọc và ông Võ Hoàng Lâm. Trong đó, ông Võ Hoàng Lâm vừa được bầu vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027.

Theo nguồn tin của Forbes Việt Nam, Coteccons đã chọn được người nắm vị trí tổng giám đốc sau hơn một năm bỏ khuyết, là một vị lãnh đạo có nhiều năm gắn bó với công ty.

———————–

Xem thêm:
Giá vonfram tăng kỷ lục cải thiện hiệu quả kinh doanh Masan High-Tech Materials
PNJ: Lợi nhuận quý 1 vượt 50% kế hoạch năm
Uniqlo dự kiến đẩy tốc độ mở chuỗi lên gấp đôi hiện tại
Ông Nguyễn Đức Tài chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục tại Bách Hóa Xanh