Cuộc đua giảm giá phí giao hàng thương mại điện tử để cạnh tranh giành thị phần tại thị trường Việt Nam ngày càng khốc liệt.
Hiện có khoảng 800 doanh nghiệp bưu chính tại Việt Nam, tuy nhiên các quy định về quản lý giá dịch vụ chuyển phát, bưu chính hiện chưa chặt chẽ. Thêm vào đó, rào cản gia nhập thị trường thấp nên cuộc cạnh tranh giành thị phần được dự đoán tiếp tục diễn ra gay gắt.
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhiều thuận lợi hơn nhờ tiềm năng về vốn và công nghệ, chính vì vậy nắm quyền chủ động trong “cuộc chiến” giảm giá phí để giành thị phần.
Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Viettel Post, các tập đoàn thương mại điện tử, chuyển phát như Alibaba, Tencent, ZTO, SF, Ninja Van… hiện đã đầu tư vào Việt Nam và đẩy mạnh cạnh tranh về giá để xâm nhập thị trường.
Trong một báo cáo do Roland Berger vừa phát hành, mặc dù có những diễn biến tích cực nhưng các doanh nghiệp chuyển phát, giao hàng chặng cuối (last-mile) ở Đông Nam Á đang đối mặt với sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận gộp.
Tình trạng thị trường hiện tại được các doanh nghiệp dự đoán sẽ xảy ra cuộc chiến giá cả khốc liệt tương tự như những gì đã trải qua tại thị trường Trung Quốc. Tại Trung Quốc, sau khi các công ty lớn lên sàn vào năm 2016, cuộc chiến về giá liên tục được kéo giảm vừa nhằm tăng giá trị thị trường vừa nhằm loại bỏ các đối thủ.
Năm 2020, J&T gia nhập thị trường Trung Quốc và phát động cuộc chiến giá để giành đơn hàng và mở rộng mạng lưới tạo ra một đợt giảm giá khoảng 10% mỗi năm suốt giai đoạn 2019- 2021.
Theo ông Mai Hoàng, đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần GHN Logistics, trong cuộc đua giảm giá ở Trung Quốc, có những thời điểm chi phí vận chuyển một đơn hàng được kéo xuống chỉ còn khoảng 3 tệ/đơn (tương đương 10.000 đồng).
“Xét về số lượng đơn thương mại điện tử, GHN đang chiếm khoảng 22% với khoảng 21 triệu đơn hàng mỗi tháng, cung cấp mức giá trung bình ở trong ngành. Chúng tôi không thể phá giá để có giá rẻ nhất,” ông Mai Hoàng nói với Forbes Việt Nam bên lề Hội nghị Logistics 2023 do Báo Đầu tư và công ty SLP tổ chức ngày 5.10.
Tại Việt Nam, ước tính chi phí vận chuyển giao hàng chặng cuối trong 10 năm qua đã giảm khoảng 50%, từ mức 40.000 đồng/đơn. Năng suất nhân viên cũng tăng từ việc giao 20-30 đơn/ngày lên khoảng 80 đơn mỗi ngày.
Ông Hoàng tính toán hiện mỗi đơn hàng thương mại điện tử có giá trị trung bình khoảng 350.000 đồng và chi phí vận chuyển quanh mức 7%. Trong cơ cấu chi phí, dịch vụ B2B hay B2C thì mức chi phí vận chuyển phải dưới 5% mới có thể tối ưu.
Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường thường muốn chiếm thêm thị phần nên chấp nhận phá giá. Với quy mô thị trường hiện tại, nếu các công ty chọn phá giá chỉ có thể giành thêm khoảng 3-5% thị phần. “GHN không lao theo cuộc đua này vì cuối cùng thì công ty nào cũng phải tính đến lợi nhuận, không thể phá giá lâu dài,” ông Hoàng nói.
Theo Allied Market Research (2022), thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam dự kiến đạt 114.680 tỉ đồng (tương đương gần 5 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2022- 2030 là 24%.
Các công ty chủ chốt hoạt động trên thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam hiện nay như GHTK, GHN, BEST Express, J&T Express, Kerry Express, Nasco Logistics JSC, Nhất Tín Logistics, Nin Sing (Ninja Van), Swift247, Viettel Post và VNPost.
Với dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment), các công ty đang nỗ lực ứng dụng công nghệ phần mềm cùng với thúc đẩy năng suất để tối ưu chi phí và công năng trong kho. Đặc thù địa lý cũng đặt ra cho doanh nghiệp bài toán chọn địa điểm đặt kho để đạt chi phí hiệu quả nhất.
Doanh thu lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam nửa đầu năm 2023 đạt hơn 10 tỉ đô la Mỹ, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Ước tính đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử nội địa sẽ đạt quy mô lần 4 lần hiện tại, khoảng 39 tỉ đô la Mỹ.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông và “Sách Bưu chính thường niên 2022”, GHTK đứng đầu thị phần doanh thu chuyển phát phục vụ thương mại điện tử với gần 31%. Theo sau là Viettel Post (13,5%), Vietnam Post (13,4%), Flex Speed (11,8%), J&T Express (8,4%), GHN (8,2%) và Shopee Express (6,4%).
Nếu tính theo sản lượng chuyển phát phục vụ thương mại điện tử, GHTK vẫn đang dẫn đầu, theo sau lần lượt là Flex Speed, Shopee Express, Vietnam Post, J&T Express, Giao hàng nhanh, Viettel Post, Best Express và EMS.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/canh-tranh-logistics-cuoc-dua-giam-phi-giao-hang-ngay-cang-khoc-liet)
2 năm trước
Startup quà tặng UrBox nhận đầu tư 2,2 triệu USD