Với vai trò của hai nhà lãnh đạo gốc Việt, Việt Nam dần trở thành một trong hai bộ phận quan trọng nhất với Marvell Technology bên ngoài nước Mỹ.
Trong chuyến viếng thăm lịch sử của tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội vào tháng 9.2023, ngành công nghiệp bán dẫn trở thành chủ đề nóng của chương trình nghị sự khi hai bên chính thức nâng cao quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Tháp tùng các chính trị gia, lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ đã đưa ra những hứa hẹn mở rộng hoạt động đầu tư vào sáng tạo. Nổi bật trong số này là cam kết đưa Việt Nam thành một trong những trung tâm thiết kế chip hàng đầu của tập đoàn Marvell Technology trên thế giới.
“Khi CEO của chúng tôi đến gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông ấy đã hứa sẽ tăng trưởng nhân sự tại Việt Nam lên gấp rưỡi trong vòng 12 tháng,” ông Lợi Nguyễn, phó chủ tịch điều hành Marvell Technology nhớ lại trong buổi trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam.
Ông nói thêm: “Đó là một thách thức lớn về tuyển dụng, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng đạt 400 kỹ sư trong năm 2024 và có khoảng 500 người trong ba năm tới.” Có vốn hóa thị trường lên đến 57 tỉ đô la Mỹ, Marvell vững vàng trong tốp 10 các doanh nghiệp fabless (chuyên thiết kế và đặt gia công chip) lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, đội ngũ kỹ sư do tổng giám đốc Lê Quang Đạm dẫn dắt được các công ty cùng ngành đánh giá là một trong ba công ty bán dẫn có năng lực thiết kế mạnh nhất cả nước.
Vừa kỷ niệm 10 năm hoạt động vào đầu năm 2024, đến nay Marvell đã xây dựng được đội ngũ kỹ sư thiết kế chip đông đảo chỉ sau Renesas Việt Nam, công ty con của tập đoàn Renesas Nhật Bản. Nhân sự công ty đã tăng gấp ba lần trong ba năm gần đây, lên 300 kỹ sư.
Marvell bắt đầu hiện diện tại Việt Nam khi kiến trúc sư hệ thống Lê Quang Đạm, một trong những giám đốc cấp cao của Marvell, đồng ý về nước vào tháng 10.2013. Giảm 70% lương và mất quyền lợi về cổ phần, nhưng ông Đạm vui vì cơ duyên dẫn đường cho công ty fabless đang là số một thế giới về chip xử lý dữ liệu ổ cứng vào kinh doanh tại Việt Nam.
Đầu năm 2014, công ty tuyển dụng được những nhân sự địa phương đầu tiên tại văn phòng EPZ thuộc khu chế xuất Tân Thuận. Sau bảy năm hoạt động, công ty tăng dần số lượng kỹ sư lên mốc 110 người vào năm 2021.
Dù là một đội ngũ nhỏ trong đội ngũ hơn 7.000 người, bộ phận Việt Nam vẫn đủ năng lực tham gia vào các sản phẩm cao cấp nhất, liên quan tới tiến trình 5nm, 3nm cho chip xử lý dữ liệu ổ cứng của Marvell. Tổng giám đốc Lê Quang Đạm tự hào cho biết, công ty của ông đang làm thủ tục để cấp bằng sở hữu trí tuệ cho hai phát minh của đội ngũ Việt Nam.
Là người gốc Huế, có phong cách cẩn trọng và tương đối “bảo thủ”, ông Đạm nhận “phần lỗi” về bản thân khi đã “quá chú trọng vào mặt phát triển và điều hành đội ngũ mà không để ý đến quảng bá hình ảnh của công ty”. Theo ông, đó cũng là một phần nguyên do mà Marvell hoạt động ở Việt Nam hơn 10 năm nhưng khá thầm lặng trên thị trường.
Ông Đạm khiêm tốn là vậy, nhưng một số đồng cấp của ông ở các công ty cùng ngành có cách giải thích khác hơn. Tổng giám đốc của một doanh nghiệp bán dẫn vốn Hàn Quốc, có chừng 100 nhân sự ở Hà Nội, cho biết đa số các lãnh đạo người Việt của các công ty thiết kế nước ngoài ở Việt Nam chủ yếu làm vai trò xây dựng đội ngũ, để họ mở rộng hoạt động tại đây.
“Làm sao để anh em trong công ty được tập đoàn mẹ giao cho giải những bài toán từ A đến B hay đến C, chứ ít ai có thể đem về những bài toán từ A–Z, thành một kiến trúc tổng thể được,” ông này nói.
Đem so sánh Marvell Việt Nam với những công ty hiện tại, ông Đạm cho biết Marvell chỉ tuyển những kỹ sư giỏi, phù hợp với đãi ngộ và đào tạo ban đầu được cho là “tốt nhất của thị trường”. Thông tin từ nguồn trung lập cho thấy, các kỹ sư mới của Marvell có thể có mức lương khởi điểm trung bình trên thị trường, tức là 700-800 đô la Mỹ/tháng. Bên cạnh thưởng theo thành tích như thông thường, gần đây ông Đạm cũng đã thuyết phục được lãnh đạo tập đoàn cho nhân sự của chi nhánh Việt được hưởng cùng các gói thưởng cổ phiếu như các bộ phận khác trên thế giới.
Song song với chương trình huấn luyện về chuyên môn kỹ thuật, Marvell Việt Nam cũng có những gói học bổng dành cho nhân viên xuất sắc. Ông Đạm khẳng định công ty sẽ dành thời gian dìu dắt đủ để một nhân sự có kỹ năng tương đối hoàn thiện cho công việc.
Năm 2021, đội ngũ nhân sự của Marvell Việt Nam tăng thêm 130 người, lên 240, trước khi có đợt tuyển lớn với hơn 60 người gia nhập trong năm 2023. Đợt tuyển dụng lớn trong năm qua đã hiện thực hóa chiến lược thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam của Marvell Technology.
Không chỉ vậy, theo lộ trình của tập đoàn, Marvell Việt Nam đang trên đường trở thành đội ngũ đông đảo thứ hai bên ngoài nước Mỹ, chỉ sau Marvell Ấn Độ. Đây là kết quả gián tiếp của một yếu tố mang tính “thiên thời” khác. Vào năm 2022, Marvell cho đóng cửa trung tâm R&D lớn nhất bên ngoài nước Mỹ với hơn 1.000 nhân sự tại Thượng Hải và Thành Đô (Trung Quốc).
Phó chủ tịch điều hành Lợi Nguyễn thẳng thắn cho biết, quyết định được đưa ra dựa trên những lo ngại về cuộc cạnh tranh công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin công nghệ. Việt Nam được kỳ vọng thay thế Trung Quốc, trở thành một trong những nơi cung cấp nguồn nhân lực quan trọng nhất bên ngoài trụ sở chính tại Hoa Kỳ.
Vào tháng 8/2022, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học, dự kiến hỗ trợ khoảng 50 tỉ đo la Mỹ để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn. Washington cũng cố gắng tăng cường nguồn cung từ các đối tác đáng tin cậy bao gồm quan hệ đối tác với Ấn Độ hay thúc đẩy quan hệ liên minh Chips 4 bốn bên bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Là một người gốc Việt di cư sang Mỹ năm 1979, ông Lợi được tập đoàn giao nhiệm vụ bảo trợ cho quá trình tăng trưởng đội ngũ Marvell Việt Nam. Mặc dù quyền điều hành và hoạch định công ty vẫn thuộc về ông Đạm, việc có được một “người bảo trợ” nằm trong nhóm 10 người có quyền hành lớn nhất tập đoàn mẹ sẽ ít nhiều giúp cho vai trò của chi nhánh Việt Nam được nâng tầm.
Những đề xuất lẫn quyền lợi cho đội nhóm ở đây cũng dễ dàng được tập đoàn nắm bắt và thông qua hơn trước. Những sắp xếp mới này là kết quả trực tiếp của các thương vụ M&A thành công của tập đoàn mẹ, cũng là động lực khởi sắc của Marvell sau giai đoạn suy giảm và cuộc “thay máu” toàn diện cách đây khoảng 10 năm.
Thành lập năm 1995 bởi một đôi vợ chồng người Mỹ gốc Hoa, Marvell từng ở tốp đầu thế giới về chip xử lý dữ liệu ổ cứng, trước khi hoạt động kinh doanh lao dốc. Công ty cũng vướng vào các cuộc điều tra về tài chính năm 2015-2016. Quỹ đầu tư đang nắm giữ cổ phần lớn nhất tại Marvell đã thiết kế một cuộc “lật đổ” bộ đôi nhà sáng lập. CEO mới cùng tám phó chủ tịch điều hành lần lượt được đưa về từ những doanh nghiệp cùng tầm cỡ. Dàn lãnh đạo mới lập tức cắt bỏ những mảng kinh doanh gây lỗ, M&A các công ty tiềm năng.
Ông Lợi Nguyễn đánh giá, đây là chiến lược kinh điển của các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn, vì không thể chậm chân trong một ngành cạnh tranh khốc liệt và đổi mới liên tục. “Muốn không lỗ, anh phải là số một hoặc chí ít nắm trong tay trên 30% thị phần. Nếu chậm chân đến sau, chỉ có cách duy nhất là mua lại những công ty đang là số một, số hai thị trường,” ông Lợi bình luận.
Quay lại thời điểm 2016, Marvell muốn nhảy vào những mảng màu mỡ, tăng trưởng nóng lúc đó, gồm dữ liệu đám mây, viễn thông 5G và sau này là tăng tốc tính toán, trí tuệ nhân tạo. Đứng ở năm 2024 nhìn lại, cả ba mảng Marvell dấn thân đều hấp dẫn, mang đến lợi ích rõ ràng. Tuy nhiên, Marvell cần một điều kiện tiên quyết: năng lực thiết kế ra những hệ thống chip (SoC) xử lý được dữ liệu đa định dạng và quan trọng nhất là ở tốc độ cao nhất, băng thông rộng nhất có thể.
Marvell bắt đầu bằng việc chi gần 10 tỉ đô la Mỹ để mua về những công ty sở hữu công nghệ chip xử lý dữ liệu và kết nối trung tâm dữ liệu bằng dây đồng. Do hạn chế tốc độ kết nối và băng thông của kết nối dây đồng, dù đã phóng tay, Marvell cũng chỉ mới chạm vào tập khách hàng lưu trữ nội bộ doanh nghiệp hoặc trung tâm dữ liệu độc lập.
Muốn trở thành người dẫn đầu mảng dữ liệu đám mây và 5G, Marvell cần nắm mảng chip xử lý kết nối bằng quang dẫn, với tốc độ và băng thông vượt trội. Điều này là động lực dẫn đến việc Marvell chi 10 tỉ đô la Mỹ để mua lại Inphi, đánh dấu thương vụ lớn thứ hai của ngành bán dẫn toàn cầu vào năm 2021. Các cổ đông của Inphi, bao gồm nhà đồng sáng lập Lợi Nguyễn, sở hữu tổng cộng 17% cổ phần Marvell sau thương vụ.
Bản thân ông Lợi, được CEO Marvell mời là phó chủ tịch điều hành thứ chín, nằm trong đội ngũ ban lãnh đạo cao nhất của tập đoàn. Ông được giao đảm nhiệm một trong những mảng quan trọng nhất là kết nối quang dẫn. Không chỉ tại Marvell bây giờ mà ở Inphi khi trước, nhà đồng sáng lập Lợi Nguyễn cũng đóng vai trò rường cột về chuyên môn.
Lấy bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật điện của đại học Cornell năm 1989, ông Lợi nắm bốn bằng sáng chế trong lĩnh vực bán dẫn siêu kết nối và liên lạc qua vệ tinh. Phát minh này cho phép tăng tần số cùng tốc độ truyền dữ liệu tối đa lên gấp 10 lần, là dấu mốc khởi đầu thời kỳ liên lạc vệ tinh băng thông rộng.
Khoảng năm 2000, ông Lợi cùng hai người khác khởi nghiệp Inphi, thương mại hóa những phát minh này vào lĩnh vực dân dụng. Cũng với các sáng chế này, ông được công nhận thuộc thế hệ nhân sự vàng thung lũng Silicon, trước khi dần hướng sang công việc điều hành và kinh doanh.
Thời điểm được Marvell mua lại năm 2021, Inphi có 10 năm phát triển nhanh chóng. Doanh thu tăng hơn 20 lần từ 30 triệu đô la năm 2010 lên 680 triệu đô la năm 2020, Inphi nắm trong tay 34% thị phần thiết kế chip kết nối trung tâm dữ liệu (DCI) bằng đường truyền quang điện từ (photonics).
Với Inphi, mảng chip cho trung tâm dữ liệu ước chừng tăng doanh thu của Marvell lên khoảng 70%, theo số liệu tự bạch. Hết năm 2023, mảng kinh doanh này trở thành trụ cột lớn nhất tại Marvell, mang về 2,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm đến 40% doanh thu của toàn công ty, kế tiếp là mạng dữ liệu nội bộ và kết nối 5G.
Từ một công ty với 90% sản phẩm phục vụ ngành điện tử tiêu dùng, Marvell chuyển mình thành nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu và viễn thông. Con thuyền Marvell xem như đã “thoát hiểm” thành công.
Còn tại Việt Nam, đội ngũ Marvell hưởng lợi từ những nhân vật gốc Việt kỳ cựu, với ông Lợi Nguyễn trong ban lãnh đạo cao cấp nhất, cùng công trình 10 năm gầy dựng của cựu quản lý cao cấp Lê Quang Đạm. Việc Marvell mua lại Inphi cũng hợp nhất bộ phận của Inphi Việt Nam, dẫn đến chuyện Marvell Việt Nam tăng thêm 130 kỹ sư năm 2021.
Phó chủ tịch cao cấp Marvell cho biết, trên toàn cầu, Marvell đang giữ thị phần vững vàng ở những lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn: trung tâm dữ liệu đám mây, viễn thông 5G, hệ thống điều khiển ô tô và trí tuệ nhân tạo. Ông Lợi cam kết sẽ mang về cho đội ngũ R&D ở Việt Nam những kỹ năng tốt nhất, có giá trị nhất của tập đoàn.
Nửa đùa nửa thật, ông Lợi nói sở dĩ gần đây thường xuyên chấp nhận xuất hiện trên truyền thông vì đây là thời điểm rất tốt để lan tỏa thông tin về cơ hội mà Marvell cũng như ngành bán dẫn mang đến. Theo quan sát của hai lãnh đạo Marvell, Việt Nam hiện còn chưa có đủ nhân tài thiết kế bán dẫn, mà đào tạo con người cần sự công nhận và nỗ lực của rất nhiều bên. Chi nhánh Việt Nam của Marvell sẽ còn là nôi ươm mầm thêm đội ngũ kỹ sư bán dẫn hiện có tại quê hương.
Ông Lợi Nguyễn bày tỏ: “Dù là Inphi trước kia hay Marvell bây giờ, việc ươm mầm đều là niềm vui khiến tôi thực sự hạnh phúc khi có thể đóng góp lại cho Việt Nam, giúp đưa về công nghệ, kỹ năng mới và cuộc sống mọi người được thịnh vượng hơn”.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cam-ket-tang-truong-cua-marvell-technology-tai-viet-nam)
6 tháng trước
Siltronic đưa vào hoạt động nhà máy bán dẫn ở Singapore3 năm trước
Intel Products Việt Nam: Bảo chứng đầu tư