Cơ quan quản lý năng lượng khẳng định không đề xuất Chính phủ gia hạn giá ưu đãi cố định (FIT) với điện gió mà đang nghiên cứu các phương án đấu thầu.
Trả lời tại buổi họp báo của Bộ Công Thương ngày 30.9, ông Hoàng Tiến Dũng, cục trưởng cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, cơ quan này không xem xét và kiến nghị Chính phủ gia hạn giá ưu đãi cố định (FIT) sau ngày 31.10.2021, thời hạn quyết định 39 của Chính phủ hết hiệu lực.
Trong thông tin được đăng tải trên website chính thức của Bộ Công Thương, ông Dũng thông tin thời gian qua cục này đã nhận nhiều ý kiến đề xuất của UBND các tỉnh và các chủ đầu tư. Các đơn vị này đề nghị gia hạn giá FIT thêm nhiều tháng để hỗ trợ các dự án đang bị chậm tiến độ, không kịp đưa vào vận hành thương mại trước 31.10 do nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách chống dịch.
Sau ngày giá FIT của điện gió hết hạn, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu đề xuất các phương án đấu thầu của chủ đầu tư để xác định giá điện gió. Cơ quan này cũng đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới theo hướng phù hợp với luật Đầu tư, luật Đấu thầu, luật Giá, luật Điện lực…
Ông Dũng cũng cho biết, trong số 106 dự án điện gió đăng ký xác nhận thương mại để kịp hưởng giá FIT với tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thì có 54 dự án thuộc thẩm quyền xem xét nghiệm thu của bộ Công Thương, 30 dự án trong số này đã nộp hồ sơ để tiến hành kiểm tra.
Trong khi đó, theo EVN, tính đến 30.9 có 6 nhà máy điện gió trong số 106 nhà máy đăng ký thử nghiệm vận hành thương mại đã được công nhận. Tổng công suất của 6 nhà máy này là 272,4 MW.
Theo quyết định 39/2018/QĐ-CP, điện gió trên biển sẽ được mua với giá FIT 9,8 cent/1kWh (tương đương 2.223 đồng) còn điện gió trên bờ là 8,5 cent/1kWh (khoảng 1.927 đồng). Mức giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1.11.2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Dũng, trưởng phòng Năng lượng tái tạo công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, đơn vị tư vấn cho các dự án điện gió nhận định, với tình hình này cơ hội được cứu khỏi nguy cơ phá sản của một số nhà đầu tư sẽ giảm đi. Bởi lẽ, bộ Công Thương là cơ quan tham mưu chính cho Chính phủ trong các chính sách về năng lượng.
Ông Dũng cũng cho rằng, ở thời điểm chỉ còn 1 tháng quy định cũ hết hiệu lực mà cơ quan quản lý chưa ban hành cơ chế mới sẽ tạo ra những ngắt khúc trong chính sách. Thực tế này cũng đã xảy ra với điện mặt trời. Giá FIT theo quyết định 13/2020 đã hết hiệu lực từ 31.12.2020 và đến nay sau hơn chín tháng vẫn chưa có chính sách mới.
Hồi cuối tháng 8, hội đồng Điện gió toàn cầu (GWEC) đã có thư gửi Chính phủ đề nghị kéo dài thời hạn giá FIT thêm sáu tháng, đến tháng 4.2022. Đây được xem là giải pháp hỗ trợ các dự án đã đầu tư rất lớn nhưng không kịp hoàn thành do tác động của đại dịch.
GWEC cho biết, theo khảo sát trực tiếp của hội đồng này với các nhà phát triển và nhà cung cấp thiết bị lớn trong lĩnh vực điện gió Việt Nam vào cuối tháng 8.2021 thì có khoảng 4.000MW, tương đương 71% tổng công suất của các dự án đã nộp hồ sơ đề nghị nối lưới không kịp vận hành thương mại trước thời hạn FIT.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/bo-cong-thuong-khong-de-xuat-gia-han-gia-fit-cho-dien-gio)