Góc nhìn

Bàn tròn đầu tư 2025

Năm 2025, kênh đầu tư nào có thể mang lại hiệu quả? Môi trường đầu tư sẽ chịu rủi ro và tác động mạnh từ những yếu tố nào? Forbes Việt Nam lắng nghe các phân tích của chuyên gia về chiến lược đầu tư phù hợp trong năm mới.

Năm 2024 thị trường Việt Nam chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các kênh đầu tư: giá vàng tăng ấn tượng gần 40%; các chứng chỉ quỹ mang lại hiệu suất đầu tư tương đối khả quan, trong khi thị trường chứng khoán đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt do áp lực từ khối ngoại bán ròng trong trung hạn. Phân tích của các chuyên gia dựa trên ba câu hỏi chính: Những rủi ro lớn nào mà nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý trong năm 2025, cơ hội đầu tư nổi bật trong bối cảnh thị trường hiện nay và chiến lược nào để tối ưu hóa danh mục đầu tư?

Chứng chỉ quỹ là một kênh đáng cân nhắc

Từ góc nhìn vĩ mô, chúng ta cần xem xét tình hình toàn cầu trước. Các yếu tố như lạm phát và chính sách tiền tệ ở Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn. Dự báo lạm phát Mỹ sẽ giảm xuống khoảng 2,5%, nhưng nền kinh tế vẫn duy trì sức mạnh ổn định, vì vậy khả năng giảm lãi suất sâu rất khó. Lãi suất có thể vẫn duy trì ở mức từ 3,5-4%, mức này phù hợp với nền kinh tế Mỹ nhưng lại khá cao đối với các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Trong năm qua, Việt Nam đã giảm lãi suất nhiều, mức chênh lệch với lãi suất đô la Mỹ hiện không còn lớn. Năm tới, Việt Nam khó có thể giảm lãi suất thêm nữa. Do đó, chính sách tiền tệ trong nước sẽ không còn tích cực như năm nay, trong khi chính sách của Mỹ được dự báo sẽ có sự cải thiện hơn.

Về chính sách thương mại, một rủi ro vĩ mô mà chúng ta cần quan tâm và theo dõi sát sao là trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump, những thay đổi về thuế quan giống như năm 2018 có thể tái diễn và gây ra bất ổn lớn trên toàn cầu.

Vì thế, danh mục của các nhà đầu tư cá nhân sẽ cần phải được điều chỉnh cẩn thận. Vàng đã tăng mạnh trong thời gian qua nên tôi nghĩ ở giai đoạn tới, đà tăng này sẽ khó duy trì. Bất động sản hiện tại cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì giá bất động sản so với thu nhập bình quân đang quá cao. Tiền gửi ngân hàng hiện có lãi suất thấp. Cần cẩn trọng khi đầu tư vào trái phiếu, vì lợi nhuận chỉ ở mức 10-12%, trong khi rủi ro mất vốn rất cao. Vậy nên, dù không tăng mạnh nhưng chứng khoán vẫn hứa hẹn có cơ hội hợp lý nếu chọn đúng doanh nghiệp có tiềm năng.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm tới sẽ khó có sự bứt phá lớn. Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong khoảng 5-10% sẽ là kịch bản tốt nhất. Đây không phải là giai đoạn dễ dàng đạt được lợi nhuận cao, bởi có yếu tố rủi ro đến từ các chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt khi Mỹ có khả năng áp thuế bất ngờ lên các quốc gia khác. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn chậm. Các chính sách tài khóa có mở rộng nhưng chưa mang lại hiệu quả rõ rệt ngay lập tức. Vì thế, thị trường chứng khoán trong năm 2025 có thể sẽ trầm lắng tương tự như phần lớn thời gian của năm 2024.

Chứng chỉ quỹ là một kênh đáng để các nhà đầu tư cân nhắc với mức lợi nhuận từ 10-15% mỗi năm, cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tôi ủng hộ việc đầu tư thông qua các công ty quản lý quỹ uy tín, có lịch sử lâu dài và có kết quả hoạt động thường xuyên nằm trong tốp đầu. Họ có đội ngũ chuyên nghiệp để đánh giá rủi ro.

Giai đoạn này, tâm lý trên thị trường là chán nản, không phải sợ hãi. Khi chán nản kéo dài, nhiều người có thể rời bỏ thị trường. Đây là giai đoạn tích lũy và cần kiên nhẫn chờ cơ hội lớn hơn. Nếu không tự tin đầu tư, nên chọn chứng chỉ quỹ hoặc ETF của các công ty uy tín trong tốp đầu để đảm bảo an toàn vốn. Thị trường sẽ không dễ dàng, nhưng những ai biết chờ đợi và chuẩn bị sẵn sàng sẽ hưởng lợi lớn khi chu kỳ bùng nổ quay trở lại vào năm 2027-2028.

Ngoài các kênh đầu tư chính thống, tiền kỹ thuật số vẫn là một kênh đầu tư đầy rủi ro nhưng được nhiều người quan tâm. Vốn hóa của thị trường này khá lớn, khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ, tương đương với vốn hóa các công ty lớn nhất tại Mỹ. Sự tham gia của các quỹ ETF đã giúp tiền số trở thành một kênh đầu tư chính thống hơn. Tuy nhiên, hiện tại định giá tiền số đang ở mức cao, tôi cảnh báo các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng với khả năng mất vốn trong lĩnh vực này.

Ưu tiên của chúng tôi là những công ty hưởng lợi từ dòng tiền đô la Mỹ

Tôi cho rằng rủi ro lớn nhất đối với nhà đầu tư cá nhân trong năm 2025 là sự biến động của tỉ giá đô la Mỹ và chính sách vĩ mô của các quốc gia lớn. Yếu tố vĩ mô có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng, động lực tăng trưởng và mức độ ổn định của đầu tư. Những yếu tố này liên quan mật thiết đến lạm phát, lãi suất và tỉ giá.

Tại VinaCapital, chúng tôi nhận thấy mối tương quan nghịch giữa chỉ số DXY (thước đo sức mạnh đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền khác) và định giá cổ phiếu. Đồng đô la mạnh lên ngay lập tức làm giảm định giá thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo ra tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, định giá thị trường sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng. Đáng lưu ý, thị trường chứng khoán Việt Nam nhạy cảm hơn so với các thị trường mới nổi khác khi đồng đô la biến động.

Một phần lý do là cấu trúc thị trường Việt Nam, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm tỉ trọng lớn. Tâm lý của họ dễ bị ảnh hưởng bởi những nỗi sợ trong quá khứ, chưa hoàn toàn yên tâm với chính sách điều hành vĩ mô. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng gây ra do tâm lý nhiều hơn từ những bằng chứng, dữ liệu về kinh tế học.

Về cơ hội, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại rất rẻ, thấp hơn 10 năm trước, ở mốc thấp nhất trong một thập niên qua, một phần do dòng vốn bị hút sang các thị trường phát triển hơn, dù nền kinh tế đã tăng trưởng đáng kể. Nhưng với định giá thấp, kết hợp với kỳ vọng nâng hạng và tăng trưởng lợi nhuận, chúng tôi tin rằng dòng tiền sẽ quay trở lại. VinaCapital cho rằng thị trường chứng khoán sẽ đạt mức tăng trưởng từ 20-25% trong năm tới.

Việc ông Trump quay trở lại ghế tổng thống Mỹ cũng thu hút sự chú ý, nhưng tôi nghĩ rằng điều này sẽ không gây ra tác động tiêu cực lớn đến Việt Nam, chí ít là không tệ như nhiều người phỏng đoán. Ông Trump có tư duy của một thương gia nhạy bén, sẽ hiểu rõ chi phí và rủi ro liên quan từ những chính sách của mình.

VinaCapital tin rằng Mỹ sẽ có xu hướng giữ chính sách thân thiện với Việt Nam để duy trì nguồn hàng giá rẻ, nhất là khi họ thắt chặt với các quốc gia khác. Ngoài ra, các nhân vật mà ông  Trump bổ nhiệm vào nội các gần đây đều không phải là những người ủng hộ chính sách thuế cao. Điều đó cho thấy khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp cực đoan với Việt Nam là rất thấp. Thị trường hiện đang quá bi quan và chúng tôi nhìn nhận đây là cơ hội mua vào mỗi khi có bán tháo.

Chúng tôi sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có sức chống chịu cao trong môi trường vĩ mô bất định. Ưu tiên của chúng tôi là những công ty hưởng lợi từ dòng tiền đô la Mỹ, như FPT (xuất khẩu phần mềm), các công ty cảng biển hoặc doanh nghiệp xuất khẩu khác. Đồng thời, chúng tôi cũng giữ một tỉ trọng phòng thủ nhất định vì dự báo năm 2025 sẽ có nhiều biến động.

Nếu là nhà đầu tư không chuyên, tôi khuyên nhà đầu tư cá nhân nên tham gia thị trường thông qua các quỹ đầu tư. Chỉ nên đầu tư cổ phiếu nếu bạn có tầm nhìn ít nhất hai năm vì tính biến động của thị trường rất lớn. Nên chọn quỹ có hiệu quả ổn định qua nhiều chu kỳ kinh tế, tránh bị cuốn theo các xu hướng ngắn hạn.

Trong vài năm gần đây, chúng tôi thấy nhà đầu tư cá nhân ngày càng quan tâm đến việc quản lý tài chính cá nhân. Họ đầu tư qua các kênh quỹ mở, đặc biệt là qua các nền tảng kỹ thuật số. Tài sản quản lý của chúng tôi qua các kênh này đã tăng 91% trong 10 tháng đầu năm. Đặc biệt, những ngày thị trường giảm điểm, tôi nhận thấy lượng khách hàng mua chứng chỉ quỹ tăng vọt, chứng tỏ các nhà đầu tư cá nhân ngày càng có cách nhìn nhận nghiêm túc hơn về quản trị kỳ vọng và rủi ro.

Cổ phiếu là kênh có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất

Rủi ro lớn nhất của năm 2025 có thể đến từ những thay đổi nhanh chóng của thị trường tài chính toàn cầu và chính sách kinh tế trong nước. Một trong những thay đổi gây ảnh hưởng mạnh nhất là tác động từ thị trường quốc tế, đặc biệt là khối ngoại bán ròng và ảnh hưởng từ tỉ giá, lãi suất. Ngoài ra, việc thị trường nội địa chưa có những chuyển biến mạnh mẽ về đầu tư công cũng tạo áp lực nhất định.

Nếu chỉ nhìn ngắn hạn, có thể thấy chính sách tiền tệ và tài khóa dường như đã cạn dư địa. Về chính sách tiền tệ, khả năng hạ lãi suất thêm là rất hạn chế. Về chính sách tài khóa, đầu tư công dù được đẩy mạnh nhưng tiến độ triển khai vẫn gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, tôi tin rằng những cải cách như tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư công sẽ tạo nên sức bật đáng kể trong năm 2025.

Đầu tư luôn đi kèm rủi ro, đó là điều tất yếu. Thay vì tìm kiếm rủi ro chung chung, các nhà đầu tư có thể đi sâu hơn vào từng kênh đầu tư và tìm ra những điểm cần lưu ý. Ví dụ như với chứng khoán, bạn cần tập trung vào lợi nhuận doanh nghiệp và áp lực từ khối ngoại bán ròng. Với vàng, cần lưu ý về các yếu tố ảnh hưởng như tỉ giá hay lạm phát.

Nếu nhìn vào thị trường đầu tư tại Việt Nam, các kênh đầu tư chính thống vẫn bao gồm cổ phiếu, vàng, trái phiếu và tiền gửi. Trong đó, cổ phiếu được đánh giá là kênh có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất, mặc dù vẫn chịu áp lực từ các nhà đầu tư nước ngoài thoát khỏi thị trường.

Tiền gửi sẽ là lựa chọn ưu tiên cho những nhà đầu tư thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất cao, giúp bảo toàn vốn trong thời gian ngắn. Về trái phiếu, tôi không khuyến nghị đầu tư vào loại tài sản này trong năm 2025, vì lãi suất cao sẽ làm giảm sức hấp dẫn của chúng. Cuối cùng, vàng là tài sản phòng thủ, phù hợp trong thời kỳ bất ổn, nhưng khi thị trường dần ổn định, tôi nghĩ vai trò của vàng sẽ giảm đi.

Tôi muốn nhấn mạnh hai tư duy quan trọng trong việc quản lý đầu tư:

l Tư duy đầu tư theo danh mục: Nhà đầu tư cần phân chia danh mục đầu tư thành các nhóm chính, dựa theo những đặc điểm riêng về tính thanh khoản, về mức độ rủi ro và khả năng nắm bắt cơ hội linh hoạt. Tôi lấy ví dụ như danh mục của bạn được chia thành các nhóm chính: bất động sản, nhóm tiền gửi và tài sản tài chính. Các loại tài sản đầu tư này sẽ bổ khuyết cho nhau: bất động sản là kênh hấp dẫn nhưng thanh khoản kém, khiến việc rút vốn trở nên khó khăn khi cần thiết. Ngược lại, tài sản tài chính như cổ phiếu, vàng và tiền gửi lại linh hoạt hơn, giúp nhà đầu tư có thể phản ứng nhanh chóng với biến động của thị trường và quản lý rủi ro hiệu quả hơn.

l Tư duy phân bổ tài sản linh hoạt: Tỉ trọng phân bổ các loại tài sản trong danh mục cần thay đổi tùy theo diễn biến của thị trường. Ví dụ, một danh mục sản phẩm đầu tư tài chính cân bằng với 60% cổ phiếu và 40% tiền gửi sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh, nhờ vào sự linh hoạt của tiền gửi và khả năng thu lợi từ sự phục hồi của cổ phiếu.

Cuối cùng, quản trị rủi ro là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong chiến lược đầu tư. Nhà đầu tư cần thiết lập hạn mức rủi ro cho từng loại tài sản và giám sát định kỳ. Ví dụ, nếu giá cổ phiếu giảm, bạn vẫn có thể sử dụng tiền gửi để mua thêm cổ phiếu, từ đó tính trung bình giá và giảm thiểu tổn thất.

Phóng viên
Phóng viên tại Forbes Việt Nam. Tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế phát... Xem thêm

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ban-tron-dau-tu-2025)