Tiêu điểm

Lựa chọn ra sao khi nền kinh tế toàn cầu đang trước “ngã ba đường”?

1 năm trước
Rich Karlgaard

Thách thức đối với tất cả các nhà lãnh đạo trên con đường dẫn đến sự thịnh vượng bền vững là phải bắt đầu bằng cách đánh giá trung thực về vị trí mà chúng ta đang đứng hôm nay.

Share
this:

Năm nay, hội nghị Global CEO lần thứ 20 của Forbes được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 27.9 tại Singapore. Chủ đề của năm nay là The Way Forward. Rất hợp thời!

Nền kinh tế toàn cầu như đang đứng trước “ngã ba đường.” Một con đường dẫn đến kỷ nguyên mới đầy thú vị của sự thịnh vượng và hòa nhập, với những tiến bộ đang thay đổi cuộc sống con người như sự tiện lợi sẵn sàng của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giao thông, nhà ở – và quan trọng là khả năng tiếp cận vốn và cơ hội.

Con đường còn lại hướng ra một tương lai đen tối: trì trệ kinh tế, bất ổn xã hội, bất ổn địa chính trị, nhiều bất ổn về năng lượng và khí hậu, và các rào cản dai dẳng đối với chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ hội.

Gần như tất cả chúng ta đều chọn con đường đầu tiên – hãy gọi đó là con đường dẫn đến sự thịnh vượng bền vững. Thách thức đối với các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, học thuật và chính phủ là phải đi một cách dứt khoát theo hướng đó, tránh những con đường sai lầm và ngõ cụt.

Để làm được điều đó, chúng ta phải bắt đầu bằng cách đánh giá trung thực về vị trí mà chúng ta đang đứng hôm nay. Lời khuyên này đặc biệt áp dụng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cộng với năm quốc gia khác, mỗi quốc gia có GDP trên một ngàn tỉ đô la Mỹ: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Chúng ta bắt đầu với đại dịch COVID-19. Đại dịch này khiến gần bảy triệu người chết và gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đô la Mỹ về kinh tế tính đến ngày 30.6.2022. Châu Á là nơi bùng phát đại dịch đầu tiên và được cho là nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất. Mặc dù dường như thời điểm nguy hiểm nhất đã qua, nhưng đại dịch vẫn chưa lắng xuống, chuyển thành bệnh đặc hữu.

Điều này tạo ra sự không chắc chắn kéo dài. Mức độ lạm phát chưa từng thấy kể từ những năm 1970 cũng là một sự không chắc chắn khác. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng gián đoạn nguồn cung, bao gồm cả thiết bị bán dẫn đang là nguyên nhân thúc đẩy sự đổi mới của thế kỷ 21. Và cuối cùng là tình trạng thiếu lao động, vốn phổ biến ở tất cả các nước phát triển trên thế giới. Các nền kinh tế đa dạng của châu Á – Thái Bình Dương, từ phát triển đến mới nổi, chịu ảnh hưởng từ những điều này theo những mức độ khác nhau.

Thách thức dài hạn vẫn như trước COVID-19:Dân số toàn cầu tám tỉ người hiện nay được dự đoán (theo Liên Hiệp Quốc và các nguồn khác) sẽ lên 9,5 tỉ người vào năm 2050 – phần lớn mức tăng đó đến từ châu Á. Nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1-1,5 độ C trong thời gian đó. Thế giới đang trở nên nóng hơn và đông đúc hơn. COVID-19 đã không thay đổi dự báo dài hạn này.

Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo kinh doanh, tài chính và chính trị không hề nhỏ cả ở hiện tại và tương lai. Con đường dẫn đến sự thịnh vượng bền vững không rõ ràng như những người duy tâm vẫn tin tưởng. Lấy ví dụ về trường hợp năng lượng. Sự thịnh vượng (và hòa bình) phụ thuộc vào năng lượng – càng có nhiều thì càng tốt.

Niềm hi vọng không phải là chiến lược để phát triển. Chúng ta cũng cần những hiểu biết sâu sắc để tiến về phía trước. Cần phải có kiến thức, công cụ, thực hành quản lý, kỹ năng lãnh đạo để đạt được sự thịnh vượng bền vững.

Tất cả đều phụ thuộc vào việc học hỏi.

Bạn có biết một người bình thường ngày nay giàu hơn năm 1950 khoảng năm lần không? (Những bước tiến to lớn trong tăng trưởng ở Trung Quốc, Nhật Bản và Indonesia đã đóng góp rất lớn vào những con số này). Vào thời điểm đó, dân số toàn cầu là 2,5 tỉ người, ít hơn 1/3 so với con số tám tỉ ngày nay. Con người có một khả năng đáng chú ý là tạo ra nhiều tài nguyên và của cải ròng hơn mức chúng ta tiêu thụ. Chỉ có một giải thích cho phép lạ này, chính là học hỏi.

Như Steve Forbes hay nói, sự khác biệt giữa con người ngày nay với những năm 1950 hoặc 1650 có thể được diễn tả bằng cụm từ đơn giản: Chúng ta hiểu biết nhiều hơn. Hai trăm năm trước, không ai biết rằng nhiên liệu có thể được chiết xuất từ những tảng đá bị chôn vùi, hoặc nhiên liệu này sẽ thay thế ngựa và hơi nước. Không ai biết tốc độ ánh sáng, hoặc làm thế nào để tăng năng suất cây trồng hoặc thậm chí lọc nước. Hơn hết, không ai biết điều gì đã khiến mọi người mắc bệnh.

Nếu nền kinh tế toàn cầu đang ở ngã ba đường thì con đường duy nhất tiến về phía trước là học hỏi cấp tốc. Để giải quyết các vấn đề hiện nay và tạo ra nền tảng mới cho sự thịnh vượng bền vững, chúng ta phải có nhiều người hơn trên thế giới, những người hiểu biết nhiều hơn, học nhanh hơn, áp dụng và truyền bá kiến thức của họ – qua đó tạo ra vòng lặp về học tập cấp tốc cho nhân loại. Vai trò của châu Á trong quá trình này sẽ rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Học hỏi chính là toàn bộ cuộc chơi. Đó là sự cứu rỗi và hi vọng của chúng ta. Tôi tin việc học sẽ là ngành tăng trưởng toàn cầu trong hai thập niên tới. Ở đầu trang chuyên mục Sự thật & Bình luận, chúng tôi trích dẫn câu nói của Steve Forbes: “Trong tất cả những gì bạn tích lũy, hãy tích lũy sự hiểu biết.” Đây là những lời khôn ngoan.

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 110, tháng 10.2022