Công nghệ

Baidu dừng thỏa thuận mua lại nền tảng YY Live

10 tháng trước
Tác giả Catherine Wang

Baidu quyết định chấm dứt thỏa thuận mua lại YY Live do không đáp ứng được các điều kiện để nhận phê duyệt từ cơ quan quản lý.

Share
this:

Vừa qua, tập đoàn công nghệ Baidu của tỉ phú Robin Li đã dừng thỏa thuận mua lại nền tảng phát trực tiếp (livestream) YY Live từ Joyy. Đây là thương vụ có tổng giá trị 3,6 tỉ USD, thanh toán bằng tiền mặt đã kéo dài được ba năm.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý Trung Quốc tăng cường giám sát lĩnh vực giải trí trực tuyến.

Cụ thể, trong hồ sơ gửi lên sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, Baidu cho biết công ty con Moon SPV đã chấm dứt thỏa thuận mua cổ phần của YY Live. Nguyên nhân được đưa ra là do công ty không thể đáp ứng các điều kiện để nhận phê duyệt từ cơ quan quản lý trước hạn chót ngày 31.12.2023.

Robin Li, đồng sáng lập kiêm CEO của Baidu. Ảnh: Bloomberg Finance

Trong ngày 2.1, Joyy cho biết sẽ tìm kiếm đơn vị tư vấn pháp lý và cân nhắc các giải pháp để phản hồi quyết định của Baidu. Trước đó, hai công ty đã thống nhất phần lớn các điều khoản trong thỏa thuận tháng 2.2021.

Công bố lần đầu vào tháng 11.2020, thương vụ mua lại YY Live của Baidu từng được ấn định thời điểm hoàn tất trong Quý 1.2021. Robin Li – đồng sáng lập kiêm CEO Baidu – cho biết trong thông cáo: “Việc mua lại YY Live sẽ nâng cao vị thế và đưa Baidu thành tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực phát trực tiếp, cũng như giúp công ty đa dạng hóa nguồn doanh thu.”

Trong báo cáo thường niên năm 2022, công bố tháng 3.2023, Baidu cho biết đã trả tổng cộng 1,9 tỉ USD cho thỏa thuận. “Mặc dù đã rất nỗ lực, song công ty không thể đáp ứng các điều kiện cần thiết để nhận phê duyệt cho thương vụ này,” Baidu cho biết.

Trên thị trường phát trực tiếp, Baidu đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ những hãng công nghệ khác như ByteDance của Trương Nhật Minh, TikTok và Douyin. Ngoài ra, Baidu còn cạnh tranh với Kuaishou, ứng dụng do Tencent hậu thuẫn.

Dù vậy, lĩnh vực livestream không phải là ưu tiên của Baidu, khi công ty gần đây tập trung đầu tư lâu dài vào trí tuệ nhân tạo (AI). Baidu nằm trong số những cái tên đầu tiên tại Trung Quốc tham gia lĩnh vực đang bùng nổ này. Chỉ tính riêng từ cuối năm 2014 đến 2017, công ty đã đầu tư 3 tỉ USD cho các hoạt động R&D và đã ra mắt chatbot có tên Ernie Bot vào tháng 3.2023.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 26.12.2023, cổ phiếu Baidu, niêm yết tại Hong Kong, đã tăng nhẹ trước khi ghi nhận giảm 1%, tốt hơn so với mức giảm 1,7% của rổ chỉ số công nghệ Hang Seng Tech.

Việc Trung Quốc thắt chặt quản lý trong lĩnh vực giải trí trực tuyến đã tạo ra tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư. Đầu tháng 12.2023, Trung Quốc ban hành một dự thảo, trong đó đề xuất những chính sách mới, yêu cầu các công ty không khuyến khích người dùng đăng nhập hằng ngày và phải kiểm duyệt nội dung.

Thông tin này khiến cổ phiếu của Tencent và NetEase lần lượt giảm 12% và 22%, bốc hơi 80 tỉ USD tổng giá trị vốn hóa thị trường. Thời gian sau, giới chức Trung Quốc đã nới lỏng việc kiểm soát lĩnh vực này, bắt đầu phê duyệt một số tựa game mới.

Trong hơn ba năm qua, cơ quan quản lý Trung Quốc đã thắt chặt giám sát các tập đoàn công nghệ và ban hành nhiều điều luật nhằm kiểm soát hai lĩnh vực game, phát trực tiếp. Tháng 11.2021, Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc (GAPP) đã đưa ra các biện pháp gồm giới hạn thời gian chơi game chỉ ba giờ một tuần đối với những người dưới 18 tuổi.

Tháng 3.2022, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) đã ra lệnh cấm các thực thể không thuộc nhà nước tổ chức hoặc tham gia những hoạt động phát trực tiếp. Tuy vậy, NDRC không thông tin cụ thể về lệnh cấm này.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/baidu-dung-thoa-thuan-mua-lai-yy-live)