Quản trị

Vì sao các đại gia công nghệ Trung Quốc tăng cường làm từ thiện?

3 năm trước
Tác giả Yue Wang

Share
this:

Những “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc đang đẩy mạnh quyên góp hàng chục tỉ USD khi “gọng kiềm thép” của chính phủ Trung Quốc ngày một siết chặt.

Những “gã khổng lồ” công nghệ của đất nước tỉ dân đang quyên góp từ thiện hàng chục tỉ đô la Mỹ cho các sáng kiến xã hội. Từ nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo cho tới mạng xã hội Tencent, hàng loạt doanh nghiệp và tỉ phú hàng đầu gần đây đã tiết lộ một loạt dự án giảm đói nghèo, phát triển công nghệ nông nghiệp và giáo dục. Những sáng kiến đề có giá trị lớn và phần nhiều trong số đó đều được cấp vốn từ lợi nhuận doanh nghiệp – vốn dự kiến sẽ chảy về túi các cổ đông.

Chẳng hạn Pinduoduo – công ty đã được niêm yết trên sàn Nasdaq. Ngày 24.8, doanh nghiệp này tuyên bố sẽ quyên góp lợi nhuận từ quý 2 năm nay để giúp phát triển ngành nông nghiệp Trung Quốc. Dự án sẽ kéo dài đến khi khoản quyên góp đạt giá trị 1,5 tỉ USD.

Đầu tháng 8, Tencent cho biết sẽ dành 50 tỉ nhân dân tệ cho các chương trình xã hội, chẳng hạn như xây dựng cơ sở y tế và hỗ trợ các cộng đồng thu nhập thấp, đẩy tổng giá trị từ thiện của công ty trong năm lên con số ngất ngưởng 100 tỉ USD. 

Loạt động thái hào phóng này làm dấy lên câu hỏi: Ai đang thực sự nắm trong tay của cải và lợi nhuận của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc? 

Ảnh: Forbes.com

Các chuyên gia phân tích cho rằng những hành động trên đã làm nổi rõ các rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc. Tại đây chính phủ đang xiết chặt các công ty công nghệ bằng một loạt quy định mới, từ chống độc quyền cho tới đảm bảo ổn định tài chính. Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp đền đáp cho xã hội, hưởng ứng mục tiêu thịnh vượng chung. Mục tiêu này hướng tới việc điều chỉnh dòng chảy thu nhập và khuyến khích các cá nhân giàu có và doanh nghiệp thu lợi nhuận cao làm từ thiện.

“Các nhà đầu tư liệu có được hưởng lợi nhuận bền bỉ trước khi Pinduoduo quyên góp lợi nhuận tương lai? Liệu có nhà đầu tư nào kịp nghĩ tới khoản chi hàng chục tỉ đô la Mỹ cho xã hội khi mua bán cổ phiếu Tencent?” Brock Silvers – giám đốc đầu tư Kaiyuan Capital đặt câu hỏi. “Rủi ro ở đây là chính phủ đang nắm trong tay quyền kiểm soát tài sản của các doanh nghiệp và quyền lợi cổ đông có lẽ chỉ còn là một danh hiệu.”

Song song đó, những tỉ phú công nghệ cũng đang ồ ạt thực hiện các khoản đóng góp từ thiện. Nhà sáng lập Pinduoduo Colin Huang, đồng sáng lập công ty điện thoại Xiaomi Lei Jun, nhà sáng lập gã khổng lồ giao thức ăn Meituan – Wang Xing đều đã chuyển những khối cổ phần trị giá hàng tỉ đô la Mỹ cho các tổ chức từ thiện. Các tổ chức này cam kết sử dụng chúng cho giáo dục, giảm đói nghèo và nghiên cứu khoa học.     

Giới đầu tư đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này. Cổ phiếu của Meituan – doanh nghiệp đang chịu điều tra chống độc quyền – đã giảm gần 1/3 ở Hồng Kông sau khi khoản từ thiện của ông Wang được công bố vào đầu tháng 6. Ngược lại, cổ phiếu Pinduoduo lại tăng 20% trong ngày tuyên bố làm từ thiện, dù công ty báo cáo kết quả tăng trưởng kinh doanh thấp hơn kỳ vọng.  

Michael Witt, giáo sư chiến lược và kinh doanh quốc tế tại INSEAD Singapore cho rằng sẽ tốt hơn nếu đem cho đi lợi nhuận ngay lúc này, thay vì cố gắng nắm giữ và phải đối mặt với các lệnh cấm siết chặt hơn. “Trong lúc các công ty công nghệ phải chịu sức ép, rất có thể các nhà đầu tư sẽ cảm thấy việc cho đi một phần lợi nhuận có thể cải thiện triển vọng tương lai của Pinduoduo,” ông nhận định. 

Witt và Silvers đều đồng thời chỉ ra rủi ro dài hạn khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn với động thái tiếp theo của chính phủ và tác động của các động thái này. Một ví dụ là tháng 7.2021, chính quyền Trung Quốc ra lệnh các công ty tư nhân chuyên dạy thêm các môn học chính quy trong trường học phải chuyển thành các doanh nghiệp phi lợi nhuận. Điều này đã châm ngòi cho đợt bán tháo trên thị trường, thổi bay hàng trăm tỉ đô vốn hoá của các doanh nghiệp.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/vi-sao-cac-dai-gia-cong-nghe-trung-quoc-tang-cuong-lam-tu-thien)