Thật khó để sản xuất ra hàng tỉ liều thuốc mà không có sai lầm – và tất cả đều vẫn chưa làm được điều đó. Một công ty đầu tư mạo hiểm (VC) đã tập hợp đội ngũ hoàn hảo và tuyên bố họ tìm ra được cách tốt hơn, nhanh hơn.
Thật khó để sản xuất ra hàng tỉ liều thuốc mà không có sai lầm – và tất cả đều vẫn chưa làm được điều đó. Một công ty đầu tư mạo hiểm (VC) đã tập hợp đội ngũ hoàn hảo và tuyên bố họ tìm ra được cách tốt hơn, nhanh hơn.
Pfizer và Moderna là nguyên nhân của việc này. Khi các vaccine “chỉ cần tiêm một liều” của Johnson & Johnson (J&J) bị tạm dừng, cuộc chạy đua của Hoa Kỳ chống lại virus và các biến thể giờ đây phụ thuộc vào khả năng sản xuất hoàn hảo hàng trăm triệu liều vaccine mRNA mới với tốc độ cực kỳ nhanh.
Các vấn đề về kiểm soát chất lượng trước đây tại nhà máy của Pfizer, cộng với tình trạng thất bại của Emergent BioSolutions với vaccine J&J, là lời nhắc nhở rõ ràng rằng việc sản xuất thuốc không hề dễ dàng.
Nhà đầu tư mạo hiểm về công nghệ sinh học hàng đầu Robert Nelsen cho rằng cần phải có cách làm tốt hơn. Khi nhiều công ty bắt đầu phát triển vaccine COVID-19 vào mùa xuân năm ngoái, ông lo rằng sẽ không thể sản xuất vaccine đủ nhanh. Điều đó nghĩa là sẽ có rất nhiều người chết và ý nghĩ này khiến ông thấy bực bội (ông từng viết trên Twitter là “F-k COVID-19”).
Vì thế ông bắt đầu thành lập công ty, tên chính thức là National Resilience, hay còn gọi là “Resilience,” ra mắt vào tháng 11.2020 với 800 triệu đô la Mỹ tài trợ từ Arch Venture Partners của Nelsen và một nhân vật nổi tiếng trong giới VC cùng các công ty dược phẩm hàng đầu.
Nelsen, 57 tuổi, nói: “Tôi thành lập công ty bởi vì tôi cảm thấy khó chịu chứ không phải vì tôi có khả năng nhìn xa trông rộng đặc biệt. Tôi rất bực vì mọi chuyện mất quá nhiều thời gian. Tại sao lại mất nhiều thời gian để đeo khẩu trang, điều trị và tiêm vaccine? Tất cả giống như màn trình diễn vớ vẩn. Tôi nghĩ đó là động lực thực sự thúc đẩy mình. Phần lớn các công ty hoạt động cực kỳ tốt của tôi đều được thành lập bởi vì tôi cảm thấy khó chịu với điều gì đó.”
Việc tạo ra các loại thuốc công nghệ sinh học phức tạp thường là quá trình khoa học ở phòng thí nghiệm. Công ty Resilience có trụ sở tại San Diego và Boston muốn công nghiệp hóa việc đó, với các quy trình hiệu quả hơn và có nhiều khả năng nhân rộng hơn, giống như cách người ta tạo ra các vi mạch. Các chi tiết chính xác được bảo mật chặt chẽ. Nelsen bắt đầu tuyển dụng đội ngũ toàn những nhân vật xuất sắc do phó chủ tịch Pat Yang và CEO Rahul Singhvi dẫn đầu, với sự hỗ trợ từ hội đồng quản trị gồm Susan Desmond-Hellmann, cựu CEO của Gates Foundation; Scott Gottlieb, cựu ủy viên FDA, và cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Kerrey.
Resilience bắt đầu mua các cơ sở sản xuất và công ty đang hoạt động. Vào tháng 2.2021, Resilience mua lại cơ sở gần Toronto. Một tháng sau, họ mua nhà máy Sanofi-Genzyme lớn ở Boston. Một tháng sau nữa, họ mua lại công ty Ology Bioservices có trụ sở tại Alachua (Florida), công ty vaccine có hợp đồng với bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Mặc dù Resilience không cho biết họ chi bao nhiêu để mua lại, nhưng các nhà quan sát nói công ty khởi nghiệp này đang mua lại các công ty khác với giá rẻ – thường chỉ bằng một hoặc hai lần doanh số. Có nghĩa là tính đến nay, Resilience chi 250 triệu đô la Mỹ. Vào tháng 5.2021, công ty nhận được đầu tư 164 triệu đô la Mỹ từ chính phủ Canada để tăng năng lực sản xuất cho cơ sở sản xuất sinh học ở Toronto.
Resilience cũng đang xây dựng hai cơ sở hoàn toàn mới, một ở Marlborough, Massachusetts và một ở Fremont, California. Cả hai sẽ tập trung vào liệu pháp gene, liệu pháp tế bào và mRNA, dự kiến hoạt động vào năm 2022.
Yang, 73 tuổi, “huyền thoại” trong ngành sản xuất công nghệ sinh học, dự đoán Resilience có thể đạt doanh thu hằng năm 500 triệu đô la Mỹ trong năm nay. Một phần đáng kể trong số đó từ các hợp đồng hiện có của các công ty mà Resilience mua lại, nhưng tham vọng của họ trong tương lai có thể làm giảm số doanh thu này.
Nelsen so sánh những gì Resilience đang làm với Taiwan Semiconductor, Intel và nhà sản xuất iPhone Foxconn, tất cả những công ty có doanh thu hàng chục tỉ đô la và có mặt trên toàn cầu. Ông nói: “Chúng ta cần làm cho mọi thứ có hệ thống hơn, phi tập trung hơn và dễ dự đoán hơn. Đây là tương lai của ngành sản xuất Hoa Kỳ.”
Cơ hội để một loại thuốc mới được FDA chấp thuận chỉ là 10-15%. Như vậy, sẽ không có ý nghĩa gì nếu tìm ra cách sản xuất thuốc trên quy mô lớn trong khi chúng vẫn đang thử nghiệm lâm sàng. Yang nói: “Chúng ta có thói quen là không đầu tư vào sản xuất và không có động lực để đầu tư vào sản xuất sớm.” Nelsen nói thêm: “Các công ty dược phẩm xem đó là chi phí tốn kém, các công ty công nghệ sinh học không có tiền và các trường đại học không biết làm thế nào.”
Cách tiếp cận truyền thống là thiết lập sản xuất sau khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai thành công. Cách làm này có hiệu quả đối với những phương pháp điều trị từ các phân tử đơn giản, nhưng sinh học ngày nay phức tạp hơn nhiều. Và có nhiều loại thuốc mới hơn – bao gồm cả thuốc điều trị ung thư, cũng như vaccine COVID-19 – có thời gian thử nghiệm lâm sàng ngắn hơn nhiều.
Yang nói: “Không có thời gian để sản xuất bắt kịp sản phẩm, vì vậy chúng tôi sẽ tung ra sản phẩm khi đạt được tiến triển ở phòng thí nghiệm.” Tốc độ nhanh chóng đó có ý nghĩa khi mạng sống đang bị đe dọa nhưng lại mang đến các rắc rối về lâu dài. Ông cho biết: “Một khi họ ra mắt sản phẩm, quy trình sẽ bị ngừng. Rất khó để thay đổi quy trình sản xuất sau khi phê duyệt.”
Lần đầu Nelsen bàn với Yang ý tưởng xây dựng công ty sản xuất công nghệ sinh học thế hệ tiếp theo là tại cuộc họp hội đồng quản trị vào tháng 2.2020 của Sana Biotechnology, công ty khác của Nelsen chuyên về liệu pháp tế bào và gene. Yang, người làm việc trong các dự án tại Merck và Genentech trước khi trở thành phó chủ tịch điều hành tại Roche, nơi ông giám sát 21 cơ sở và khoảng 15 ngàn nhân viên, đồng ý ngay.
Yang nhanh chóng kéo thêm Singhvi, kỹ sư 56 tuổi, đồng nghiệp của ông tại Merck. Singhvi lớn lên trong gia đình bác sĩ ở Jaipur, Ấn Độ, lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật hóa học tại MIT. Tại Merck, ông tập trung sản xuất vaccine, bộ phận kém hấp dẫn nhất trong ngành vào thời điểm đó. Ông nói: “Đó là lĩnh vực hạn chế của ngành công nghiệp dược phẩm. Không ai chú ý đến vaccine, vì đó là ngành kinh doanh có lợi nhuận thấp.”
Thỏa thuận với Ology Bioservices là minh chứng cho những gì Resilience đang tìm kiếm trong các thương vụ mua lại. Yang nói trước đây công ty này bị “đói vốn” và việc Resilience đầu tư vào công ty không chỉ có thể tăng gấp đôi doanh thu, mà còn dịch chuyển sản xuất sang các phương pháp trị liệu có lợi nhuận cao như vectơ virus và mRNA. Resilience cũng đang dự kiến thực hiện một số giao dịch khác, bao gồm cả việc bán cổ phần của các công ty công nghệ sinh học, dược phẩm và liên doanh với các cơ sở học thuật.
Về lâu dài, Resilience áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lên nhiều lần. Ví dụ công ty sử dụng kỹ thuật mới để tạo ra vectơ virus, một đoạn DNA có khả năng vận chuyển gene mã hóa di truyền vào tế bào. “Vấn đề không chỉ là đầu tư vào cơ sở vật chất mà còn làm ra những sản phẩm tốt hơn,” Singhvi nói. “Cách làm này nhanh hơn, rẻ hơn, tốt hơn. Khách hàng tìm đến vì chúng tôi có công thức tốt hơn; việc chúng tôi có thể lấy những công thức này và đưa vào nhà máy của mình chỉ là thứ yếu.”
Để nói rõ về cách công nghệ có thể cải thiện sản xuất sinh học, Nelsen viện dẫn những đổi mới bắt nguồn từ các trường đại học và các công ty khởi nghiệp nhỏ như tạo mRNA trên vật liệu bán dẫn. Yang cho biết: “Trong hình dung của chúng tôi, thế hệ tiếp theo sẽ là các công nghệ dựa trên chip thay vì các ống thép không gỉ. Bạn sẽ sắp xếp tế bào trên chip. Đó là khoa học viễn tưởng, được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính. Chúng tôi có các cảm biến mới, và sẽ sử dụng tia laser, các công cụ quang học, để điều chỉnh tế bào và thao tác với tế bào. Chúng tôi sẽ xâm nhập vào không gian hạt nano và thực hiện sản xuất từng tế bào thay vì dùng một lượng lớn thuốc thử như đã từng làm.”
Ông nói tương lai khoa học viễn tưởng của việc sản xuất thuốc trên chip chỉ còn chưa đầy ba năm nữa.
Yang cho rằng nếu Resilience xuất hiện từ trước đây một năm, có thể tránh được nhiều vấn đề trong việc tăng quy mô vaccine COVID-19. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm điều đó nhanh hơn trên quy mô lớn. Từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã có thể cung cấp một tỉ liều thuốc trên khắp thế giới.”
(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số tháng 8 & 9 năm 2021, tiêu đề “Thay đổi cuộc chơi”)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/vc-resilience-thay-doi-cuoc-choi-trong-cong-nghe-duoc-nhu-the-nao)