Đâu là các lợi thế cạnh tranh cũng như các rào cản và thách thức của Việt Nam trên con đường trở thành một “con hổ mới” của kinh tế châu Á.
Với chủ đề Vươn mình thành con hổ mới của châu Á, chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô Brian Lee Shun Rong đến từ Maybank chia sẻ góc nhìn về các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cũng như các rào cản và thách thức trên con đường trở thành một con hổ mới của châu Á.
Ông Brian Lee đánh giá Việt Nam đạt được tốc độ phát triển mạnh mẽ trong thập niên qua nhờ chiến lược công nghiệp hóa được dẫn dắt bởi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ chiến lược này Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu của khu vực, một “ngôi sao đang lên” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Số liệu từ Maybank cho thấy nguồn vốn FDI vào Việt Nam chiếm tỷ trọng 5-6% GDP, cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đặc biệt Việt Nam hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn toàn cầu trong ngành công nghiệp điện tử nhằm tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ở trong nước, các doanh nghiệp cũng đạt bước tiến trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ phụ thuộc vào ngành hàng may mặc xuất khẩu nay trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp điện tử.
Đề cập đến các lợi thế cho đà phát triển của Việt Nam, chuyên gia Maybank cho rằng yếu tố đầu tiên là môi trường kinh doanh tương đối thuận lợi. Mức độ tự do thương mại cao nhờ việc tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại mới, qua đó mở cửa cho đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh. Trong 10 năm qua, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được nới rộng và các giới hạn trong đầu tư FDI đã giảm đi rất nhiều.
Yếu tố thứ hai, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, chỉ bằng 50% so với Trung Quốc và gần như thấp nhất trong khu vực. Nhìn chung, nhân công có trình độ văn hóa, kỹ năng và tay nghề cao, tỷ lệ phổ cập văn hóa ở mức cao với 96%. Thành tựu này nhờ vào đầu tư công của chính phủ vào giáo dục đào tạo.
Yếu tố thứ ba, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, nằm gần cửa ngõ nối Trung Quốc với các khu vực còn lại của thế giới. Với gần 3.300km bờ biển là điều kiện thuận lợi để kết nối và giao thương quốc tế.
Dự báo về giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam, ông Brian Lee cho rằng sự tăng trưởng sẽ dựa trên nâng cao năng suất lao động, kết hợp với nâng cao vị thế của các nhà cung cấp nội địa, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành đối tác lớn của các doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, chuyên gia Maybank cũng đưa ra những điểm hạn chế, để tiến tới bước phát triển cao hơn, Việt Nam cần nguồn nhân lực kỹ năng cao hơn, được trang bị kiến thức và đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. “Tốc độ tăng trưởng năng suất của lao động Việt Nam dù nhanh nhất khu vực nhưng vẫn chưa bắt kịp các nước tốp đầu trong khu vực ASEAN,” ông nói.
Một thách thức khác của Việt Nam là cần nâng cao năng lực của các nhà cung ứng nội địa trong mảng sản xuất công nghệ mang lại giá trị cao. Hiện tại, tỷ lệ nhập khẩu linh kiện của Việt Nam đang là 70%, cao hơn so với Thái Lan và Indonesia. Các doanh nghiệp cung ứng trong nước cần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh, trở thành nơi cung cấp một cửa cho các công ty đa quốc gia.
Một hạn chế tiếp theo cần được cải thiện là việc nâng cao khả năng kết nối và tính hiệu quả của cơ sở hạ tầng, đáp ứng mức độ công nghiệp hóa trong tương lai. Theo ông Lee, sự tăng trưởng đang đặt ra áp lực với cơ sở hạ tầng. Mặc dù, công suất vận tải của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 có cải thiện với hơn 7.000km đường bộ mới nhưng hiện tượng ách tắc vẫn xảy ra ở các trung tâm kinh tế lớn.
Ông Brian Lee cho rằng Việt Nam có thể tập trung xây dựng nền kinh tế số làm động lực. Ông dẫn chứng việc 8% tăng trưởng GDP là nhờ vào nền kinh tế số, dự báo năm 2025 Việt Nam sẽ có nền kinh tế số lớn thứ hai của khu vực, chỉ sau Indonesia.
Dịch bệnh cũng buộc doanh nghiệp tăng tốc số hóa, đã có gần 80% công ty lớn sử dụng công cụ số hóa trong hoạt động hành chính nhân sự. 97% doanh nghiệp Việt Nam cho biết có sử dụng công cụ số hóa trong hoạt động tổ chức và kinh doanh. Tuy nhiên, ông Brian Lee lưu ý, các doanh nghiệp hiện vẫn chưa thể số hóa các chức năng phức tạp hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh bởi thiếu nhân lực có kỹ năng, kiến thức và thiếu về vốn đầu tư. Theo ông, đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là của cả khu vực.
Ông Brian Lee nêu ba tiềm năng Việt Nam cần tận dụng để thúc đẩy nền kinh tế số: nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (startup) đang ở giai đoạn thuận lợi; Việt Nam có đông đảo người tiêu dùng trẻ sẵn sàng dùng dịch vụ nền tảng số cao; và chi phí kết nối Internet đang ở mức hợp lý, tạo khả năng tiếp cận cao cho đại đa số người dân.
Ông đặc biệt nhấn mạnh, cần số hóa chuỗi cung ứng bằng những quyết định dựa vào dữ liệu nhiều hơn qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và thực hành kinh tế xanh hơn. Việc số hóa chuỗi cung ứng cũng giúp đưa ra cảnh báo sớm hỗ trợ chống lại sự cố, thiên tai dựa vào phân tích dữ liệu.
“Muốn trở thành con hổ kinh tế tiếp theo, Việt Nam cần cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp, doanh nghiệp nội địa cần nâng tầm trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng trưởng dựa trên động lực chuyển đổi số,” chuyên gia Brian Lee đúc kết.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/trien-vong-nao-dua-viet-nam-tro-thanh-con-ho-moi-cua-kinh-te-chau-a)
2 năm trước
Forbes Việt Nam số 107: Nền kinh tế tuần hoàn2 năm trước
Thách thức “con đường xanh” của Việt Nam