Tích hợp nghệ thuật vào không gian làm việc chung, Toong góp phần đưa nghệ thuật đương đại vào đời sống văn phòng thường ngày.
Lấp lánh trong nắng sớm, tác phẩm Quả biển cao 2,2m, dài 5m gây chú ý với hình ảnh những dải rong biển, vốn thường chìm sâu trong lòng đại dương, nay vực dậy, bén rễ và “tiến hóa” trên cạn.
Từ chất liệu inox, gốm Bát Tràng và cây xương rồng, cặp nghệ sĩ Andy Cao và Xavier Perrot, tác giả của nhiều công trình cảnh quan nổi tiếng thế giới, như Crystal Cloud (Mây pha lê, Mù Cang Chải, 2018), Glass Garden (Vườn kính, Los Angeles, 1998), đã tạo nên hình dung về một vùng đất mới từ những mảnh ký ức xa mờ của tuổi thơ Andy.
Quả biển không đặt trong bảo tàng, phòng trưng bày hay một địa điểm khó tiếp cận với số đông, mà bình thản tắm mình trong ánh sáng rọi qua khung cửa kính tầng chín của không gian làm việc chung Toong Gold Coast ở Nha Trang.
Đây là một trong nhiều không gian làm việc của Toong trưng bày tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả tác phẩm cố định và được luân chuyển, nhằm tạo điểm nhấn thẩm mỹ, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đồng thời mang đến giá trị thặng dư cho cộng đồng. Định hướng phát triển này trên thị trường không gian làm việc chung Việt Nam, nơi các nhà cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng vẫn đang đề cao chi phí, sự linh hoạt, tiện lợi của cơ sở vật chất cùng các dịch vụ chăm sóc nhân sự đi kèm, đã tạo nên những khác biệt cho Toong.
Nhà sáng lập và điều hành Toong, Đỗ Sơn Dương, cho biết việc đưa nghệ thuật vào nơi làm việc của Toong xuất phát từ hình dung của anh về không gian đáng mơ ước, sau đó mới bắt đầu tính đến cách triển khai, ngân sách, doanh thu… “Sẽ hơi bất thường khi kế hoạch bắt đầu với ý tưởng thay vì con số, nhưng tôi tin cách làm này mang lại giá trị bền vững cho vận hành,” Sơn Dương cho biết.
Cựu giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược hình ảnh thương hiệu Richard Moore đã sáng lập Toong năm 2015. Sau sáu năm, Toong có 19 địa điểm, với 17 không gian tại trên bốn thành phố lớn của Việt Nam, một tại Lào và một tại Campuchia.
Để đan cài nghệ thuật vào không gian kinh doanh, anh lập Gốc Creation chuyên tư vấn, thiết kế trải nghiệm người dùng từ năm 2019. Gốc Creation tổ chức hàng loạt triển lãm tại các không gian của Toong, trong đó có The Showcase – chuỗi triển lãm tổ chức xuyên suốt từ tháng 11.2020 đến nay, với các tác phẩm của những nghệ sĩ như Chú Môi, Đình Điệp, Đỗ Hà Hoài.
Giữa năm 2020 là Rục rà rục dịch – chuỗi triển lãm pop-up (xuất hiện trong thời gian ngắn), trong đó hơn 60 tác phẩm của 40 nghệ sĩ được luân chuyển liên tục trên 11 không gian của Toong tại Hà Nội và TP.HCM trong suốt một tháng. Triển lãm quy tụ những tên tuổi nghệ thuật đương đại như Nguyễn Trần Ưu Đàm, Nguyễn Văn Đủ, Hà Huy Mười và nhiều nghệ sĩ trẻ tiềm năng như Alectruha, Ngô Kỳ Duyên, Phạm Ánh Ngọc… mang đến hình ảnh đa chiều cùng những suy tư về cuộc sống bình thường mới trong mùa dịch COVID-19.
Gốc Creation cũng hợp tác với viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE), Vietnam Local Artists Group, TiredCity, Sàn Art để thực hiện các triển lãm DÃN, Vietnam Reimagined (Tái tưởng tượng Việt Nam), thu hút sự chú ý.
“Mới lạ”, “tò mò” và “gợi nhiều suy ngẫm” là ấn tượng của kiến trúc sư Trần Phương Uyên về các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Toong Phạm Ngọc Thạch, nơi cô tới làm việc hằng ngày. “Không phải tác phẩm nào tôi cũng hiểu và đồng cảm. Nhưng sau mỗi cuộc họp, ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật ngay kề bên, trong chốc lát tôi quên đi công việc căng thẳng thường ngày,” cô cho biết.
Uyên là khách hàng của Toong tiếp xúc với nghệ thuật mỗi ngày, bên cạnh nhiều cá nhân yêu nghệ thuật chủ động tìm đến không gian này để thưởng thức. Theo chia sẻ của Sơn Dương, ban đầu Toong cũng vấp phải những nghi ngại rằng liệu doanh nghiệp có đang lạm dụng nghệ thuật như liệu pháp trang trí.
“Tuy nhiên những phản ứng này không nhiều, bởi đa số các nghệ sĩ chân chính rất bao dung. Họ đủ minh mẫn để nhận thấy đây là cơ hội để đưa tác phẩm đến gần hơn với khán giả,” anh cho biết.
Như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, Toong chịu tác động đáng kể của dịch bệnh. Tuy nhiên “chỉ số phát triển của Toong vẫn cao so với mặt bằng chung bất chấp dịch bệnh nhờ nhu cầu dành cho một không gian làm việc đẹp, truyền cảm hứng và giàu văn hóa,” theo lời nhà sáng lập 38 tuổi của Toong.
Công ty vẫn có những dự án mới tại TP.HCM: Không gian tại Võ Thị Sáu (quận 3) và trạm làm việc tích hợp trong khách sạn Wink trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuộc dự án hợp tác chiến lược với chuỗi khách sạn Wink Hotels (quận 1), đã ra mắt tháng 3.2021. Toong cũng đang hoàn thiện địa điểm mới tại đường Cộng Hòa.
Theo báo cáo Tương lai của văn phòng của CBRE tháng 6.2020, 73% lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết không gian làm việc chung vẫn sẽ là một phần trong chiến lược phát triển nơi làm việc dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.
Không gian làm việc linh hoạt vẫn sẽ là một thị trường cạnh tranh, nơi các thương hiệu buộc phải tạo ra cách thức riêng để khắc sâu tên tuổi mình vào cộng đồng, tìm khách hàng tiềm năng. “Cho thuê không gian làm việc chung là lĩnh vực rất tiềm năng với nhu cầu lớn, song đòi hỏi tinh thần dịch vụ rất khác. Các doanh nghiệp phải nâng cấp dịch vụ, nếu không sẽ bị đào thải,” anh Dương nhận định.
Trên thế giới, việc tích hợp tác phẩm nghệ thuật vào không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân là phổ biến. Điều này một phần nhờ chính sách khuyến khích của chính phủ. Luật pháp Mỹ yêu cầu doanh nghiệp trích ra 1% tổng ngân sách đầu tư cho công trình vào không gian nghệ thuật khi xây dựng sân bay, khách sạn và các không gian công cộng khác.
Singapore cũng khuyến khích phát triển nghệ thuật bằng chính sách cho phép tăng thêm 2% tổng diện tích sàn xây dựng (GFA) nếu chủ đầu tư đưa các tác phẩm nghệ thuật cố định vào không gian của mình và tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận tác phẩm.
Sự kết hợp của khối tư nhân và nhà nước sẽ tạo đòn bẩy cho nghệ thuật vươn xa hơn nữa, nhưng đó vẫn chưa phải là yếu tố then chốt. Theo Andy Cao, nghệ sĩ có kinh nghiệm thực hành nghệ thuật cảnh quan tại nhiều quốc gia phát triển, nghệ sĩ trẻ Việt Nam thường có xu hướng so sánh với các quốc gia khác và thấy mình đang tụt lại ở phía sau. Điều này dẫn tới tâm lý tự ti, dù họ “không hề thua kém về sức sáng tạo hay độ khéo léo”.
Thực trạng này khiến sự tồn tại của những doanh nghiệp tạo điều kiện để nghệ thuật ươm mầm như Toong trở nên đáng quý. “Tôi thích cách các bạn trẻ không đắn đo quá nhiều, cứ bắt tay vào làm, không quan tâm có nhiều người tới thưởng thức nghệ thuật hay không. Từ những người tiên phong, nói là làm như Dương, chúng ta mới có thể thay đổi định kiến,” ông nói.
Tựa theo bản in “Đưa nghệ thuật vào nơi làm việc”, Forbes Việt Nam số 93 phát hành tháng 5.2021.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/toong-dua-nghe-thuat-vao-noi-lam-viec)