Các tỉ phú dầu cọ của Malaysia đang hưởng lợi từ tình hình gián đoạn nguồn cung dầu ăn toàn cầu và Indonesia tạm thời cấm xuất khẩu sản phẩm dầu cọ.
Các tỉ phú dầu cọ của Malaysia đang thu về nguồn lợi nhuận lớn bất ngờ, trước tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Indonesia tạm thời cấm xuất khẩu dầu ăn và vật liệu thô cùng thời điểm với Malaysia giảm sản lượng dầu cọ, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung do đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc và Ấn Độ chuyển sang sử dụng dầu cọ như giải pháp thay thế cho nguồn cung dầu hướng dương hạn hẹp từ hai quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới Nga và Ukraine, khi sản lượng dầu đậu nành ở Nam Mỹ và dầu colza của châu Âu giảm xuống.
“Số lượng dầu cọ và các loại dầu ăn khác thấp hơn do thiếu hụt nguồn lao động, trong bối cảnh phục hồi nhu cầu từ thị trường đã đẩy giá CPO (dầu cọ thô) lên mức vô cùng cao,” Sathia Varqa, nhà đồng sáng lập của Palm Oil Analytics đặt tại Singapore cho biết.
Tuy giá CPO của Malaysia đã giảm xuống từ mức cao kỷ lục trong tháng 3.2022, song vẫn cao gấp đôi so với năm 2021 và gấp ba lần kể từ giữa năm 2020.
Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ kéo dài ba tuần từ Indonesia là yếu tố khác ảnh hưởng lên đến giá cả.
Ban đầu, chính phủ nước này có kế hoạch chỉ hạn chế xuất khẩu dầu ăn tinh luyện, nhưng khiến thị trường bất ngờ khi bổ sung thêm dầu cọ thô vào phút chót nhằm ứng phó với mức giá nội địa tăng cao trong tháng 4.2022.
Vào tháng 5.2022, quốc gia sản xuất CPO lớn nhất thế giới nới lỏng lệnh cấm sau khi nguồn cung được cải thiện.
Ling Chiong Ho, với phần lớn tài sản từ Sarawak Oil Palms, quay trở lại danh sách tỉ phú năm 2022 với khối tài sản ròng 425 triệu USD sau khi giá cổ phiếu tăng 43% trong một năm qua.
Lợi nhuận sau thuế của Sarawak Oil Palms trong quý 1.2022 tăng 138%, chạm mức kỷ lục 205,7 triệu ringgit (47 triệu USD) so với năm 2021. Doanh thu tăng khoảng 82% lên 1,4 tỉ ringgit (318 triệu USD), góp phần đẩy giá sản phẩm lên cao hơn mặc cho số lượng quả dầu cọ thu hoạch giảm.
Khối tài sản ròng của Gooi Seong Lim và gia đình tăng 19%, lên 405 triệu USD khi giá cổ phiếu của Kim Loong Resources lên thêm 27%. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 1.2022, lợi nhuận sau thuế của Kim Loong Resources tăng 52%, đạt 167,7 triệu ringgit (37,9 triệu USD), còn doanh thu tăng 75% lên 1,7 tỉ ringgit (386 triệu USD).’
Giám đốc quản lý Gooi Seong Heen cho biết ông hi vọng cổ phiếu của công ty sẽ nâng giá trị hơn nữa, khi lợi nhuận và cổ tức thể hiện giá CPO cao hơn.
Cổ phiếu của Batu Kawan và công ty con Kuala Lumpur Kepong tăng lần lượt 46% và 22% giá trị.
Trong khi đó, cổ phiếu của Oriental Holdings tăng 34% trong một năm qua. Hai anh em Lee Oi Hian và Hau Hian, điều hành Batu Kawan va công ty trực thuộc về nông nghiệp Kuala Lumpur Kepong, ghi nhận khối tài sản chung tăng hơn 39% lên 1,6 tỉ USD, khi lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 6 tháng kết thúc vào tháng 3.2022 đạt 1,3 tỉ ringgit (295 triệu USD) mức tăng 42% so với năm trước.
Khối tài sản ròng của Loh Kian Chong (Oriental Holdings) tăng 4%, lên 390 triệu USD
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ti-phu-malaysia-nang-gia-tri-tai-san-nho-nhu-cau-dau-co-tang-manh)
1 năm trước
Tài sản của tỉ phú Tan Yu Yeh giảm hơn 20%