Tỉ phú Ấn Độ Ranjan Pai vừa đầu tư 170 triệu USD vào Aakash Educational Services, công ty luyện thi thuộc Byju’s, sau khi kiếm được gần 1 tỉ USD từ việc bán cổ phần trong chuỗi bệnh viện Manipal Health Enterprises cho Temasek của Singapore.
Công ty tư vấn quản lý tài sản gia đình Pai thực hiện khoản đầu tư nói trên. Công ty công nghệ giáo dục Byju’s sẽ dùng khoản đầu tư này để trả nợ cho công ty quản lý đầu tư toàn cầu Davidson Kempner.
Byju Raveendran, nhà sáng lập Byju, đã thế chấp số lượng lớn cổ phần tại Aakash với Davidson Kempner để đảm bảo khoản vay 245 triệu USD. Raveendran sở hữu 27% cổ phần tại Aakash. Với khoản đầu tư 170 triệu USD, công ty tư vấn quản lý tài sản gia đình Pai sẽ nắm giữ số lượng cổ phần thế chấp đó.
Theo dữ liệu cập nhật theo thời gian thực của Forbes, Pai sở hữu khối tài sản ròng trị giá 2,8 tỉ USD. Vị tỉ phú đang đàm phán để mua thêm cổ phần tại Aakash. Nhiều chuyên gia trong ngành cho biết Pai đầu tư vào Aakash sẽ giúp công ty tăng trưởng cũng như thoát khỏi rắc rối Byju đang đối mặt.
Think & Learn, công ty mẹ của Byju’s, mua lại Aakash với giá 950 triệu USD vào năm 2021 thông qua thỏa thuận trả 70% tiền mặt và 30% cổ phần từ nhà sáng lập công ty luyện thi Aakash Chaudhry. Hiện anh sẽ quay trở lại để giữ chức CEO. Gia đình Chaudhry nắm giữ 18% cổ phần tại Aakash trong khi công ty quản lý đầu tư khổng lồ Blackstone sở hữu 12% cổ phần.
Aakash chuẩn bị chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2024 nhưng cũng có khả năng Byju’s bán Aakash để giải quyết khó khăn. Hiện Byju’s thua lỗ nặng nên sa thải nhiều nhân viên.
Đầu tháng 11, Byju’s công bố kết quả tài chính trong năm 2022, không tính doanh thu của Aakash. Doanh thu tăng hơn gấp đôi lên 35,7 tỉ INR trong khi khoản lỗ giảm từ 24 tỉ INR xuống 22,5 tỉ INR trong năm tài chính 2022.
Pai đầu tư vào Aakash theo sứ mệnh (như đã tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với Forbes châu Á hồi đầu năm nay) sử dụng một lượng tiền mặt lớn để cung cấp nguồn vốn cho startup vượt qua khó khăn.
“Đừng phí tiền để thành lập những startup mới. Thay vào đó chúng ta nên hỗ trợ các startup hiện hữu,” Pai nói.
Byju’s từng được quảng cáo là một trong những công ty công nghệ giáo dục có giá trị nhất thế giới với mức định giá 22 tỉ USD tính đến tháng 3.2022. Mức định giá của công ty giáo dục này đã giảm xuống còn 5,1 tỉ USD trong tháng 10.
Pai chưa bao giờ đầu tư mà không hiểu rõ tình hình. Vào năm 2012, ông mua 26% cổ phần của Think & Learn, công ty mẹ của Byju, với giá 8 triệu USD thông qua Aarin Capital, công ty đầu tư mạo hiểm ông đồng sở hữu với Mohandas Pai (không có quan hệ họ hàng), cựu giám đốc tài chính của công ty công nghệ thông tin khổng lồ Infosys.
Aarin kiếm được khoản lợi nhuận lớn khi bán gần hết cổ phần vào năm 2015. Đến năm 2021, Aarin thoái vốn hoàn toàn, ngay trước khi công ty công nghệ giáo dục rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng.
Trong khi đó, Raveendran, cựu giáo viên dạy toán chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, cố gắng cải thiện tình hình tài chính bằng cách bán nền tảng đọc kỹ thuật số Epic mà Byju’s đã mua lại hồi tháng 7.2021 với giá 400 triệu USD.
Raveendran nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giúp công ty vượt qua thời điểm khó khăn. Theo Tracxn, một nền tảng cung cấp dữ liệu về startup tại Bangalore, hơn 2.400 startup ở Ấn Độ đóng cửa vào năm 2022, gấp đôi so với năm 2021.
Pai vẫn hỗ trợ các startup đang gặp khó khăn. Hiện ông là cổ đông lớn nhất, với 15% cổ phần, tại công ty bán thuốc trực tuyến PharmEasy ở Mumbai. Công ty cũng đang trải qua thời kỳ khó khăn. Ông mua lại cổ phần thông qua đợt phát hành chứng quyền hồi tháng trước với mức giá giảm 90% so với mức định giá cao nhất 5,6 tỉ USD vào năm 2021.
Ông cũng sở hữu một tỉ lệ nhỏ cổ phần tại công ty bán đồ trang sức đa kênh Bluestone và nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp Purplle.
Biên dịch: Gia Nhi
————————
Xem thêm:
Công ty Edtech Byju’s gặp khó khăn với các nhà đầu tư
Công ty edtech Byju’s tiếp tục đối mặt với khó khăn
Byju Raveendran ra khỏi nhóm 100 người giàu nhất Ấn Độ
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ti-phu-an-do-ranjan-pai-dau-tu-170-trieu-usd-vao-cong-ty-con-cua-byjus)
11 tháng trước
Cổ đông của Byju’s thông qua báo cáo kinh doanh năm 20222 năm trước
Nhà sáng lập Byju Raveenderan “tất tay vào Byju”