multi-media / Megastory

Thời khắc 1-0-2

Cửa hàng PVOIL

Cuộc khủng hoảng năng lượng hậu COVID-19 cách đây hai năm trở thành bước ngoặt quan trọng đưa PVOIL, nhà kinh doanh xăng dầu lớn thứ hai Việt Nam lên một tầm cao mới.

Một Sáng chủ nhật tháng 2.2022, khác với không khí sôi động mọi ngày, cửa hàng xăng dầu số 58 đặt trên quốc lộ 91, phường Vĩnh Mỹ, Châu Đốc, tỉnh An Giang, đóng cửa im lìm. Cây xăng treo bảng “hết xăng, chờ nhập hàng.”

Thông báo vốn rất bình thường này lại trở nên bất thường khi hàng loạt cây xăng khu vực lân cận và nhiều tỉnh thành khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Suốt nhiều tháng liền, tình trạng khan hiếm hàng hóa này kéo dài: doanh nghiệp báo không có hàng, người dân xếp hàng để chờ được mua xăng. Sự thiếu hụt nguồn cung đẩy giá xăng liên tục lập đỉnh, chạm mức lịch sử gần 33.000 đồng/lít vào tháng 6.2022.

Diễn biến trên là hệ quả của cuộc khủng hoảng giá dầu toàn cầu diễn ra kể từ khi xung đột Nga – Ukraine leo thang từ cuối năm 2021. Nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp là các đầu mối thương nhân nhập khẩu xăng dầu bao gồm khu vực nhà nước lẫn tư nhân. Nhà kinh doanh xăng dầu thuộc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, PVOIL, nằm trong danh sách 25 Thương hiệu dẫn đầu năm 2024 của Forbes Việt Nam với giá trị thương hiệu gần 105 triệu đô la Mỹ, cũng nằm trong số đó.

“Theo lẽ thường, nhiều người nghĩ, giá xăng tăng, bán được hàng, doanh nghiệp hưởng lợi. Nhưng thực tế rất khác. Càng bán càng lỗ. Sản lượng tăng mà sốt ruột,” ông Cao Hoài Dương, chủ tịch hội đồng quản trị PVOIL nói trong một cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam cuối tháng 11.

Ông Cao Hoài Dương, chủ tịch hội đồng quản trị PVOIL

Cây xăng nói trên thuộc sở hữu của Petromekong, một thành viên của PVOIL. Để tránh những suy diễn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh công ty, ông Dương đã chỉ đạo mở ngay một cuộc họp báo để đính chính và làm rõ nguyên nhân. Theo ông, xăng thường sẽ được vận chuyển từ kho xăng đến cửa hàng hai ngày một lần. Do các cây xăng tư nhân đóng cửa, lượng khách đổ dồn về các cây xăng của PVOIL tăng mạnh, khiến sản lượng tăng gấp ba lần bình thường. “Hàng không về kịp, chúng tôi buộc phải tạm thời đóng cửa một số cửa hàng,” ông Dương trần tình.

PVOIL là nhà phân phối và bán lẻ xăng dầu có thị phần lớn thứ hai xét về sản lượng, sau Petrolimex, ước tính 23%. Trong phân khúc hạ nguồn ngành dầu khí, PVOIL cũng là doanh nghiệp duy nhất tham gia đầy đủ các hoạt động từ xuất nhập khẩu dầu thô cung cấp cho các nhà máy lọc dầu, chế biến xăng dầu và kinh doanh bán lẻ. Bên cạnh thị trường nội địa, công ty cũng mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực. Thương hiệu xăng dầu của Việt Nam đứng đầu về sản lượng nhập khẩu, chiếm 20% thị phần và trong tốp ba doanh nghiệp kinh doanh phân phối xăng dầu lớn nhất tại Lào, cũng đang nghiên cứu để mở thêm nhà máy  sản xuất nhiên liệu tại Campuchia.

So với thời điểm trước đại dịch (năm 2019), quy mô PVOIL hiện đã lớn hơn rất nhiều. Trong năm 2023 và 10 tháng đầu năm 2024, công ty mở mới 177 cửa hàng xăng dầu, đưa tổng số cửa hàng đang sở hữu thương hiệu PVOIL lên hơn 3.100 trên toàn quốc, trong đó 843 cửa hàng trực thuộc và 2.300 cửa hàng đại lý, nhượng quyền thương mại. Sản lượng toàn hệ thống ước đạt 5,7 triệu tấn/m3 xăng dầu các loại, gấp 1,8 lần so với cách đây năm năm.

Theo ông Dương, hiện tại, sản lượng xăng dầu thành phẩm tiêu thụ tại Việt Nam nói chung và PVOIL nói riêng chủ yếu đến từ hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, phần còn lại đến từ nhập khẩu. Công ty nhập khẩu xăng thành phẩm trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu tại Singapore và nhập dầu DO (Diesel Oil) từ Hàn Quốc để hưởng ưu đãi về thuế theo hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Nhưng cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm xáo trộn trật tự này. Trước các biện pháp cấm vận Nga và sự trả đũa của quốc gia này, các nhà nhập khẩu từ châu Âu tìm sang các thị trường thay thế tại khu vực châu Á, bao gồm các thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt Nam. Sự cạnh tranh và nhu cầu tăng trong khi nguồn cung có hạn dẫn đến khủng hoảng cung, đẩy giá dầu tăng mạnh trên toàn cầu.

Theo lý giải ông Dương, công thức giá dầu nhập khẩu bao gồm giá dầu diễn biến theo thế giới, ngoài ra, còn tính thêm phần phụ phí. Sự khan hiếm nguồn cung đẩy phụ phí tăng gấp 10 lần, trong khi công thức giá đã được Nhà nước điều chỉnh và phê duyệt theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm. Do vậy: Cứ nhập vào là lỗ ngay. Doanh nghiệp tư nhân họ không làm nhưng PVOIL được “chỉ đạo” phải nhập. Lãnh đạo PVOIL tiết lộ thêm: “Có những lô hàng vừa nhập lỗ ngay 70 tỉ đồng.”

Nhưng trong rủi có may. Vào đúng lúc các đầu mối tư nhân tạm thời hoặc chấm dứt hoạt động là lúc thị phần của PVOIL được củng cố. Trước đây, các chủ cửa hàng xăng dầu thường tìm đến đầu mối tư nhân vì chiết khấu hấp dẫn so với nhà cung cấp quốc doanh nhưng khủng hoảng đã chỉ ra một bài học, sự ổn định nguồn hàng là yếu tố quan trọng không kém bên cạnh tỉ lệ chiết khấu.

“Họ “chạy” sang mua hàng của PVOIL và chúng tôi nhanh chóng lấp đầy khoảng trống. Có những khách hàng lúc trước mất nhiều công sức để thuyết phục, nhưng khi khủng hoảng xảy ra, họ tự tìm đến mình và trở thành khách hàng trung thành,” ông Dương nói và nhấn mạnh: “Sản lượng ổn định và chất lượng đảm bảo tạo nên uy tín thương hiệu. Cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2022 đã củng cố điều đó.”

Tăng trưởng của PVOIL ghi nhận ở cả hai mảng bán sỉ và bán lẻ. Trong đó mảng bán sỉ xăng dầu chiếm khoảng 55–60% doanh thu của PVOIL và là thị trường chịu sự cạnh tranh gay gắt với thương nhân phân phối xăng dầu tư nhân. Việc gia tăng sản lượng đã giúp công ty có bước phát triển vượt bậc. Trong kế hoạch kinh doanh mỗi năm, dự báo tăng trưởng sản lượng tiêu thụ bình quân năm của PVOIL vào khoảng 6–7%. Giai đoạn hậu COVID-19, sản lượng của công ty tăng bình quân 20% mỗi năm. “Đây là điều chưa có tiền lệ,” vị chủ tịch sinh năm 1972 nhấn mạnh.

Nhờ sản lượng gia tăng, PVOIL đạt bước nhảy vọt về doanh thu. Công ty lần đầu tiên cán mốc 100 ngàn tỉ đồng vào năm 2022 và tiếp tục duy trì mức này vào năm 2023, tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Nếu so sánh, quy mô này vượt xa doanh thu của nhiều ngân hàng quốc doanh lớn của  Việt Nam.

Theo tự bạch, hoạt động bán lẻ thông qua các cửa hàng xăng dầu hiện chiếm khoảng 25% sản lượng và doanh thu của PVOIL. Trong khó khăn do COVID-19, công ty đã “lật ngược thế cờ”, tận dụng tốt cơ hội để gia tăng thị phần và sản lượng bán hàng. Một số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, cả nước có khoảng gần 16 ngàn cây xăng hoạt động tính đến hết tháng 3.2024, giảm hơn 1.000 đơn vị so với cuối năm 2023, tức chỉ trong vòng ba tháng. Sự rút lui khỏi thị trường của nhiều doanh nghiệp theo giải thích của lãnh đạo PVOIL là hệ quả của khủng hoảng kéo dài, thị trường khan hiếm nguồn cung nên chiết khấu giảm, lợi nhuận doanh nghiệp thu về mỏng lại càng mỏng thêm. Không có lãi, doanh nghiệp sang nhượng cây xăng hoặc chuyển thành cho thuê dài hạn.

Trong khi đó, PVOIL nhìn xa hơn. Họ vừa mua lại cửa hàng vừa ký các hợp đồng thuê dài hạn. Kết quả số lượng cửa hàng xăng dầu của PVOIL tăng lên gần 850 với sản lượng ước đạt 1,2 triệu tấn/m3 mỗi năm, cao hơn khoảng 40% so với giai đoạn trước. Công ty có gần 10 ngàn tỉ tiền gửi ngân hàng nay còn đang lên kế hoạch tăng tỉ trọng bán lẻ lên 30% vào năm 2025, hướng đến 40% vào năm 2030.

Do đặc thù kinh doanh xăng dầu, giá bán do nhà nước ấn định nên biên lợi nhuận của ngành bán lẻ xăng dầu không cao. Đơn cử dù doanh thu hơn 102 ngàn tỉ đồng năm ngoái nhưng lợi nhuận ròng chỉ hơn 621 tỉ đồng. Và gần đây, bất chấp làn sóng rút vốn khỏi một số doanh nghiệp Việt Nam lớn, quỹ đầu tư SK Energy vẫn “ôm chặt” cổ phần của họ tại PVOIL.

Sinh năm 1972, ông Dương có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành dầu khí. Ông từng trải qua các vị trí chuyên viên, lãnh đạo cấp trung đến tham gia quản lý điều hành của ngành dầu khí như phó tổng giám đốc Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng giám đốc Tổng công ty Đạm và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ). Phong thái nhanh nhẹn, khả năng diễn đạt sắc sảo cùng tư duy quản trị đổi mới, ông Dương đã dẫn dắt hoạt động của PVOIL từ năm 2016 với vai trò tổng giám đốc và hiện là chủ tịch hội đồng quản trị chuyên trách.

Từ năm 2018, PVOIL triển khai chiến lược chuyển đổi số trong mọi hoạt động. Sau sáu năm ra mắt ứng dụng mua hàng không dùng tiền mặt PVOIL Easy, sản lượng bán hàng qua ứng dụng tăng gấp 14 lần với 140 ngàn tấn/m3, tương đương 14 xe bồn cỡ vừa và chiếm 10% tổng tỉ trọng bán lẻ của công ty. PVOIL cũng ra mắt ứng dụng B2B phục vụ các khách hàng công nghiệp giúp họ giảm thiểu thủ tục và theo dõi trạng thái đơn hàng. Gần nhất hồi tháng 10, công ty ra mắt ứng dụng thanh toán và tiện ích nhắm đến khách hàng cá nhân, các tài xế xe công nghệ, học sinh, sinh viên, chủ doanh nghiệp. Đại diện công ty đánh giá các tiện ích này đã mang lại những tín hiệu tích cực.

Theo chia sẻ của ông Dương, số hóa là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng cùng lúc nâng cao hiệu quả quản trị. “Quản lý tồn kho xăng dầu cực kỳ quan trọng. Giá lên, phải tăng tồn kho. Giá xuống phải giảm tồn kho. Hiện công ty có khoảng 850 cây xăng. Nếu không số hóa mà chỉ thống kê “chạy bằng cơm” thì mất thời gian và có rủi ro sai sót khi nhập liệu bằng tay,” ông Dương lý giải.

Từ rất sớm, PVOIL đã thể hiện mình là một thương hiệu năng động, thích ứng với thay đổi thị trường. Năm 2018, PVOIL đã ký thỏa thuận hợp tác với Vinfast trong việc nghiên cứu cơ hội phát triển trạm sạc cho cả xe máy và ô tô điện tại hệ thống cây xăng của mình. Từ trạm sạc ô tô điện đầu tiên khánh thành vào tháng 7.2022, đến nay PVOIL đã có gần 400 cây xăng được lắp đặt trạm sạc điện, bổ sung nguồn thu mới cho PVOIL. Mới đây, một công ty “anh em” cùng hệ sinh thái với PVOIL cũng tuyên bố sẽ bước chân vào sân chơi mở trạm sạc điện. Ngoài ra, các hoạt động khai thác tiện ích tại cây xăng, cửa hàng tiện lợi, điểm rửa xe… được PVOIL đẩy mạnh cho thấy chiến lược tối đa hóa giá trị tài sản của đơn vị này.

Trong lần chào bán ra công chúng năm 2018, cổ phiếu của PVOIL được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế săn đón. Tuy nhiên việc bỏ lỡ nhà đầu tư chiến lược khiến PVOIL gây thất vọng cho giới đầu tư thời điểm đó, kéo theo cổ phiếu dần bị phớt lờ. Hiện tại giá cổ phiếu của PVOIL quanh mức 11.000 đồng/cổ phiếu, ngang giá trị sổ sách và bằng một nửa giá đấu thành công ở thời điểm IPO. Ông Dương cười lớn khi được hỏi về câu nói ví von ngày đó của mình rằng “PVOIL chưa phải là cô gái xinh đẹp nhưng có nền tảng là cô gái chân dài.” Ông dí dỏm nói thêm: “Cô gái ấy nay đã xinh hơn rất nhiều”.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thoi-khac-1-0-2)