multi-media / Megastory

Danh sách The Cloud 100 năm 2022: Các công ty tư nhân sáng giá nhất trên nền tảng đám mây

Fivetran đang chứng minh rằng có thể làm giàu chỉ bằng cách chuyển dữ liệu từ nơi này sang nơi khác.

Giấc mơ dữ liệu ở Fivetran


Một ngày mùa hè rực rỡ vào tháng 8.2021, George Fraser đi nghỉ cùng gia đình tại căn nhà ven hồ nằm sâu trong rừng ở Wisconsin. Tuy vậy, CEO kiêm người đồng sáng lập của Fivetran lại đang lo lắng về công việc của mình và công ty mà anh mất chín năm để xây dựng cùng người bạn thời thơ ấu Taylor Brown, người cũng đang sum họp gia đình ở khu vực gần đó.

Cả hai nảy sinh ý tưởng tuyệt vời: Giúp các công ty thu thập dữ liệu từ tất cả các nguồn khác nhau – ví dụ như các lượt đề cập trên Twitter, các giao dịch thẻ tín dụng – sau đó tính phí để chuyển dữ liệu đó đến một công ty phân tích dữ liệu lớn như Snowflake hoặc Databricks, nơi có thể khai thác tốt các dữ liệu đó.

Fraser và Brown đã cùng nhau tham gia vườn ươm Y Combinator. Họ huy động được khoảng 160 triệu đô la Mỹ. Họ dành nhiều thời gian nghiên cứu các chi tiết kỹ thuật, nhưng vẫn chưa có sản phẩm được thiết kế cho các công ty lớn. Fraser nói: “Suốt nhiều năm, đó luôn là vấn đề lớn mà chúng tôi cần giải quyết. Hành trình của chúng tôi kéo dài nhiều năm.”

Bob Muglia từng là CEO của Snowflake trước khi trở thành một trong những thành viên hội đồng quản trị của Fivetran. Ông nhớ lại “Steve Ballmer đã đánh bại tôi” sau khi ông để mất các khách hàng doanh nghiệp vào tay Oracle khi còn là chủ tịch của Microsoft. (Năm 2011, Satya Nadella, CEO hiện tại của Microsoft, trở thành người thay thế Muglia).

Ông dành năm năm để xây dựng Snowflake nhưng đã bị đẩy đi chỉ một năm rưỡi trước khi công ty tiến hành một trong những đợt IPO lớn nhất trong lịch sử thung lũng Silicon. Ông từng cảnh báo Fraser rằng sắp hết thời gian rồi. Muglia kể: “Tôi đã phàn nàn với họ. Tôi nói, ‘Khỉ thật, chẳng có sản phẩm nào tồn tại cả.’”

Ngồi sau chiếc bàn từng thuộc về ông cố của mình, người từng là chủ tịch công ty Chicago Title and Trust ra mắt từ những năm 1930, Fraser tình cờ tìm ra giải pháp cũ kỹ cho các vấn đề của mình. Anh muốn dùng tiền để đạt được mục đích. Công ty HVR, trụ sở tại San Francisco, ngay bên kia vịnh đối diện trụ sở chính của Fivetran ở Oakland, chính là đối thủ cạnh tranh từng đánh bại họ trong các thương vụ doanh nghiệp. Anh cũng nghe đồn HVR sẵn sàng bán với giá 700 triệu đô la Mỹ – nhưng anh chỉ có cơ hội mua nếu có thể đưa ra được mức giá thầu trước cuối tuần.

Gia đình George Fraser, người đồng sáng lập Fivetran và gia đình của Taylor Brown đã làm bạn với nhau qua bốn thế hệ. Brown kể: “Ông bà cố của tôi đã tặng ông bà của anh ấy bức tượng chú ếch trong đám cưới của họ. Đó là món quà kỳ lạ, nhưng hiện giờ chúng tôi coi nó như linh vật của công ty mình.”

Thỏa thuận đó dự kiến mang lại cho họ nguồn thu từ doanh nghiệp và một sản phẩm mà sau đó họ có thể cố gắng hoàn thiện. Vấn đề là Fivetran, được định giá không cao hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ, không có tiền mặt. Nhưng Fraser có rất nhiều người hâm mộ ở thung lũng Silicon – và sự kiên trì bền bỉ khó tin.

“Hầu hết mọi người, sau vài năm đi sai hướng, sẽ đóng cửa công ty hoàn toàn và tìm hướng khác,” Geoff Ralston, chủ tịch Y Combinator, người trìu mến gọi Fivetran là một trong những “con gián” cuối cùng trong số hơn 3.800 công ty khởi nghiệp từng tham gia Y Combinator. “Điều khác biệt ở hai người này là họ không bao giờ tin rằng họ đã đi vào ngõ cụt.”

Một ngày thứ bảy, Fraser gọi cho năm công ty đầu tư công nghệ bluechip, bao gồm Iconiq Capital có trụ sở tại San Francisco và D1 Capital Partners của New York, nói với họ rằng anh cần 565 triệu đô la Mỹ để thanh toán thỏa thuận. Trong vòng 72 giờ, tất cả đồng ý chuyển tiền. Fraser nói: “Chuyện này hơi bất ngờ. Việc kinh doanh đã phát triển vượt bậc trong một vài năm.”

Giao dịch này đã nâng giá trị của Fivetran lên 5,6 tỉ đô la Mỹ, nhưng doanh thu khoảng 30 triệu đô la Mỹ của HVR kiếm được từ các công ty lớn cùng ngân sách lớn dành cho công nghệ mới là phần thưởng thực sự, mang lại cho Fivetran chỗ đứng vững chắc hơn so với nhiều công ty cùng ngành.

Nhiều công ty trong số này, bao gồm cả đối thủ cạnh tranh trực tiếp Airbyte (được định giá vào năm ngoái là 1,5 tỉ đô la Mỹ mặc dù đạt doanh thu dưới một triệu đô la Mỹ), cho biết họ đang xem xét các giải pháp tiết kiệm tiền mặt. Fraser nói: “Chúng tôi không gặp vấn đề đó bởi vì bội số doanh thu của chúng tôi không phải con số ảo và doanh thu đã tăng lên rất nhiều.”

Công ty của họ, ở vị trí thứ 27 trong bảng xếp hạng Cloud 100 của năm nay, dự báo doanh thu 189 triệu đô la Mỹ trong năm tài chính này (kết thúc vào tháng 1.2023), cao hơn gấp đôi so với năm ngoái. Giờ đây, họ có các khách hàng như JetBlue, Forever 21 và chuỗi gà Nando’s.

Forbes ước tính hai nhà đồng sáng lập mỗi người sở hữu 1/10 công ty, xác định giá trị tài sản ròng của họ vào khoảng 500 triệu đô la Mỹ mỗi người (Forbes áp dụng mức khấu trừ 10% đối với các công ty tư nhân.) Martin Casado, đối tác hợp danh của công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, là nhà đầu tư hàng đầu trong ba vòng tài trợ gần đây nhất của Fivetran, ca ngợi vị trí dẫn đầu thị trường đường ống dữ liệu của Fivetran là “bất bại”.

Điểm thu hút khách hàng của Fivetran là gì? Dễ sử dụng. Muglia nói: “Đó là thứ đơn giản chết người nhất trên hành tinh.” Nhưng sự đơn giản đó bao hàm rất nhiều thứ phức tạp đứng đằng sau. Ban đầu, sản phẩm này phân tích dữ liệu mỗi ngày một lần, vào lúc nửa đêm. Hằng ngày, Fraser đều đặn thức khuya và giám sát các đường ống.

Nếu bất cứ chỗ nào bị hỏng, “mọi thứ đang đảo lộn,” anh sẽ dành vài giờ tiếp theo để sửa chữa tình trạng lộn xộn này như một thợ sửa ống nước. Casado, nhà đầu tư cho biết: “Rất hiếm khi có một người thông minh như George bỏ công sức giải quyết một vấn đề tầm thường như thế này.” (Ngoài những thành tựu khác, Fraser còn có bằng tiến sĩ sinh học thần kinh tại đại học Pittsburgh).

Mặc dù ngân sách dự phòng của Fivetran (họ vẫn còn khoảng 200 triệu đô la Mỹ tiền mặt) có vẻ đủ lớn để họ tồn tại trong giai đoạn đóng băng của lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, Fraser cho biết anh có kế hoạch huy động vòng tài trợ khác trong vòng hai năm tới bất kể điều kiện thị trường ra sao; sau đó anh dự tính đưa Fivetran lên sàn. Họ không muốn thất bại – một phần là vì áp lực khi sống trong thị trấn nhỏ ở Wisconsin nhỏ bé.

Fraser nói: “Bạn nghe được tin của mọi người và tin đồn đầy rẫy. Điều chúng tôi không ngờ đến khi thành lập công ty này là mọi người đều biết đến danh tiếng của công ty. Giờ chúng tôi thực sự phải thành công, nếu không rất xấu hổ.”


Danh sách The Cloud 100
Thị trường đại chúng trải qua giai đoạn đầy biến động, nhưng ba công ty từ năm ngoái vẫn duy trì vị trí đứng đầu Cloud 100, bảng xếp hạng thường niên của chúng tôi về các công ty tư nhân tốt nhất và sáng giá nhất trên nền tảng đám mây. 11 doanh nghiệp trong danh sách năm 2021 đã niêm yết đều giao dịch thấp hơn nhiều so với giá IPO của họ. Tổng cộng, 13 công ty từ năm ngoái bị loại khỏi danh sách. Trong tốp 10, nổi bật là công ty Miro tăng 32 lần, lên vị trí thứ tư, đồng thời có 21 công ty mới lọt vào tốp 100. Danh sách năm nay bao gồm tám nữ CEO, nhiều hơn so với sáu năm trước. Dưới đây là danh sách 50 công ty hàng đầu. Danh sách đầy đủ, phương pháp, hồ sơ công ty và các thông tin khác tại Forbes.com/cloud100


Những công ty mới & đáng chú ý



Miro (+) • hạng: 4
CEO: Andrey khusid
Định giá: $17,5 tỉ
Cộng tác kỹ thuật số

Miro trải qua hành trình dài bắt nguồn từ Perm, Nga, nơi cha của CEO Khusid điều hành công ty in ấn nhỏ. Vì gặp khó khăn khi trình bày công việc cho khách hàng ở xa văn phòng, anh đồng sáng lập mảng kinh doanh phần mềm bảng trắng kỹ thuật số vào năm 2011. Vào tháng 1.2022, Miro huy động được 400 triệu đô la Mỹ với mức định giá 17,5 tỉ đô la Mỹ, hiện có trụ sở chính tại San Francisco và Amsterdam. Đây là trường hợp tăng bậc lớn trong danh sách Cloud 100 năm nay, vượt 32 vị trí để đứng thứ tư nhờ 39 triệu người dùng và khách hàng như Dell, KPMG và Under Armour. Nhưng khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2.2022, nguồn gốc xuất phát của công ty trở thành thách thức. Các nhà lãnh đạo của Miro đã thảo luận trong 48 giờ, sau đó tuyên bố đóng cửa văn phòng ở Nga và ngừng bán hàng tại quốc gia này. “Chẳng có kim chỉ nam nào cho trường hợp phải đưa ra những quyết định rất khó khăn trong một khoảng thời gian rất ngắn,” Grisha Pavlotsky nói.

Calendly (+) • hạng: 21
CEO: Tope Awotona
Định giá: $3 tỉ
Nền tảng xếp lịch tự động

Nản lòng với số lượng email cần để thiết lập một cuộc họp, Awotona tạo ra ứng dụng xếp lịch Calendly, cho phép người dùng gửi liên kết đến trang web có lịch của họ để sắp lịch cuộc họp. Công ty có trụ sở tại Atlanta này có cả phiên bản miễn phí và trả phí, và 10 triệu người dùng của họ bao gồm eBay, Lyft và L’Oréal. Doanh thu đạt 100 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái. Nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen là người cực kỳ yêu thích ứng dụng này, từng nói đùa trên Twitter rằng bất kỳ ai bỏ qua các liên kết Calendly của ông khi yêu cầu gặp mặt “sẽ bị loại khỏi việc huy động vốn ở thung lũng Silicon.”

Algolia • hạng: 39
CEO: Bernadette Nixon*
Định giá: $2,25 tỉ
Nền tảng tìm kiếm API

Được hai người Pháp, Julien Lemoine và Nicolas Dessaigne, thành lập vào năm 2012, Algolia hoạt động trong thị trường ngách, cung cấp khả năng tìm kiếm và khám phá cho các doanh nghiệp như Medium và Slack. Nền tảng này có mặt lần đầu trong danh sách Cloud 100 năm 2018 nhưng bị loại một năm sau đó. Dessaigne nhanh chóng tìm kiếm người thay thế mình. Thế vị trí của ông vào tháng 5.2020 là Bernadette Nixon, cựu CEO của Alfresco. Động thái này đã mang lại hiệu quả: Algolia hiện hỗ trợ 30 tỉ yêu cầu tìm kiếm mỗi tuần cho 12 ngàn khách hàng, đồng thời tung ra sản phẩm thứ hai, một công cụ đề xuất, vào tháng 5.2021 và đạt mức định giá 2,25 tỉ đô la Mỹ vào tháng bảy năm đó. Hiện nay, Algolia “không chỉ là một thanh tìm kiếm,” Nixon nói. “Nền tảng này truyền cảm hứng cho mọi người bằng cách dự đoán những gì họ đang tìm kiếm.”

Razorpay (+) • hạng: 49
CEO: Harshil Mathur
Định giá: $7,5 tỉ
Phần mềm giải pháp tài chính 

Mathur bỏ công việc kỹ sư thực địa tại Schlumberger ở Mumbai vào năm 2014 và bắt đầu cải thiện việc thanh toán trực tuyến ở Ấn Độ từ quê mình ở Bengaluru. Năm 2021, công ty tài chính của anh, Razorpay, đã xử lý khoảng 60 tỉ đô la Mỹ giao dịch cho tám triệu doanh nghiệp bao gồm Facebook, công ty phát trực tuyến video Ấn Độ Disney + Hotstar và chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Pizza Hut. Cuối năm ngoái, công ty tung ra tính năng Magic Checkout để xử lý các khoản thanh toán nhanh chóng hơn.

Webflow (+) • hạng: 50
CEO: Vlad Magdalin
Định giá: $4 tỉ
Phát triển phần mềm thị giác

Người đồng sáng lập và CEO Magdalin muốn “trao quyền cho mọi người xây dựng những sản phẩm ở cấp độ lập trình trên web mà không cần phải học lập trình.” Trước mắt, người dùng có thể viết các trang web của riêng họ. Khách hàng của công ty bao gồm đài phát thanh tiếng Tây Ban Nha Univision và công ty kế toán khổng lồ PwC. Magdalin, người tị nạn tôn giáo từ Nga đến Hoa Kỳ khi còn nhỏ, được các nhà đầu tư như công ty siêu lớn Accel ký “hợp đồng xã hội” thể hiện rằng họ coi trọng sứ mệnh của công ty và nhân viên hơn doanh thu.

Personio (+) • hạng: 69
CEO: Hanno Renner
Định giá: $8,5 tỉ
Phần mềm nhân sự

Thành viên mới từ Đức, cung cấp gói phần mềm nhân sự trọn gói cho các công ty châu Âu vừa và nhỏ, huy động được 200 triệu đô la Mỹ vào tháng 6.2022 để chuẩn bị chinh phục các thị trường đầy khó khăn. “Chúng tôi cảm giác bây giờ là thời điểm tốt, mọi thứ đang hoạt động trơn tru, tăng cường bảng cân đối kế toán của chúng tôi,” CEO Renner, người từng làm thuyền trưởng trên du thuyền, cho biết vào tháng 6.2022. Anh đồng sáng lập Personio với ba người bạn đại học vào năm 2015. Hiện công ty có 6.000 khách hàng.

Front (+) • hạng: 100
CEO: Mathilde Collin
Định giá: $1,7 tỉ
Giao tiếp khách hàng

“Tôi thích bán hàng với giá thấp hơn và giao hàng nhiều hơn,” đồng sáng lập kiêm CEO Collin, người lựa chọn không tham gia các vòng gọi vốn rầm rộ để tập trung vào tăng trưởng trầm lắng hơn. “Có thể vì tôi là người Pháp và tôi đa nghi hơn người bình thường.” Nhưng 2.500 khách hàng mới tham gia kể từ năm 2020 đã đủ để cô thu về 65 triệu đô la Mỹ vào tháng 6.2022, biến Front trở thành kỳ lân. Các công cụ phần mềm của công ty cô giúp các doanh nghiệp như Airbnb và Shopify giao tiếp và theo dõi thư từ với khách hàng của họ.

Biên dịch: Quỳnh Anh

Theo Forbes Việt Nam số 109, tháng 9.2022

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/the-cloud-100-nam-2022-cac-cong-ty-tu-nhan-sang-gia-nhat-tren-dam-may)