Công nghệ

Thế chỗ lập trình viên?

Với nguồn vốn 200 triệu USD, doanh nhân 28 tuổi Scott Wu và đội ngũ lập trình viên ưu tú tại Cognition phát triển một công cụ AI có khả năng tự lập trình với tiềm năng tái định hình toàn ngành kỹ thuật phần mềm. Công nghệ của Cognition giúp công ty nhận về mức định giá 2 tỷ USD, nhưng liệu công cụ này có thực sự mang tính đột phá, hay chỉ thổi phồng thêm cơn sốt AI?

Trong một sự kiện tuyển dụng, CEO Cognition Scott Wu từng thử thách các ứng viên có thể tính bình phương các con số nhanh hơn Devin không. “Hãy ứng tuyển tại Cognition nếu bạn có thể vượt qua Devin,” Wu nói.

Share
this:

Trước thềm Giáng sinh năm 2023, một nhóm nhỏ nhân viên tại Cognition (trụ sở tại San Francisco, Mỹ) đang chật vật với nhiệm vụ khó nhằn: thiết lập máy chủ cơ sở dữ liệu cho Devin, công cụ lập trình mới của doanh nghiệp này. Họ đã loay hoay trong nhiều giờ liền, tham khảo các tài liệu cài đặt và chạy nhiều mã lệnh khác nhau nhưng vẫn không thể khởi động hệ thống. Mệt mỏi và thất vọng, cả nhóm quyết định dùng chính Devin để giải “bài toán hóc búa” này.

Những gì Devin thực hiện sau đó khiến đội ngũ tạo ra nó phải ngỡ ngàng. “Devin viết các mã lệnh kỳ lạ, trông như thi triển ma thuật hắc ám mà không ai nghĩ đến,” Walden Yan (21 tuổi), đồng sáng lập kiêm giám đốc sản phẩm của Cognition, nhớ lại.

Thoạt đầu, cách làm của Devin dường như chưa tạo ra sự khác biệt nào. Nhưng sau đó, đèn của thiết bị đầu cuối chuyển từ màu đỏ sang xanh lá cây và hệ thống cuối cùng cũng đã hoạt động. 

Hóa ra, Devin phát hiện ra và xóa đi một tệp hệ thống bị lỗi mà cả nhóm đã bỏ qua. “Từ khoảnh khắc đó, tôi thực sự nhận ra ngành kỹ thuật phần mềm sẽ thay đổi nhiều như thế nào,” Yan chia sẻ.

Đây là tác vụ lớn đầu tiên mà Devin hoàn thành và là minh chứng cho tầm nhìn của Cognition: AI có thể xử lý các phần việc tẻ nhạt, lặp đi lặp lại trong việc lập trình. Gần một năm sau, Devin đang làm chính xác như vậy.

Hiện tại, công cụ này đảm nhiệm những tác vụ cơ bản, gồm phát hiện, sửa lỗi, cập nhật và di chuyển các đoạn mã giữa nhiều nền tảng khác nhau. Chỉ cần đưa ra câu lệnh đơn giản, kiểu như “hãy dọn dẹp mã gốc này” và Devin sẽ lên kế hoạch thực hiện chi tiết, hầu hết đều cho ra kết quả tốt.

Nhờ Devin, Cognition có hướng đi khác biệt so với những đối thủ lớn hơn và nổi tiếng hơn trên thị trường về công cụ lập trình AI đang có tốc độ phát triển nhanh chóng, chẳng hạn như Github (doanh nghiệp được Tập đoàn Microsoft mua lại với số tiền 7,5 tỷ USD hồi năm 2018) và Codeium có vốn hóa 1,3 tỷ USD.

Trong khi các công cụ AI của Github và Codeium hỗ trợ lập trình bằng cách đưa ra gợi ý, Devin hoạt động hoàn toàn độc lập, về lý thuyết có thể tự viết mã mà không cần con người can thiệp và hoàn thành toàn bộ dự án trước đây thường là nhiệm vụ của các lập trình viên (tên gọi Devin bắt nguồn từ chữ “dev,” viết tắt của “developer”).

“Chúng tôi nhìn thấy cơ hội để tạo bước nhảy vọt cho công cụ AI, từ đưa ra gợi ý đến tự mình hoàn thành nhiệm vụ,” Scott Wu, 28 tuổi, đồng sáng lập kiêm CEO Cognition, chia sẻ.

Lập trình bằng AI đang định hình lại lĩnh vực kỹ thuật phần mềm. Tháng 10.2024, CEO Sundar Pichai của Google tiết lộ hơn 1/4 mã lệnh mới của tập đoàn này do AI thực hiện. Trước đó, hồi tháng 7.2024, CEO Microsoft Satya Nadella tuyên bố rằng Github, công ty đạt doanh thu hai tỷ USD vào năm tài khóa 2024, ghi nhận công cụ lập trình AI đóng góp 40% mức tăng trưởng doanh thu trong năm nay.

Nhà phân tích Brendan Burke tại Pitchbook cho biết lập trình bằng AI đã trở thành ứng dụng nhận về nhiều vốn đầu tư nhất trong công nghệ AI tạo sinh, với các công ty khởi nghiệp huy động thành công hơn một tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm 2024. 

Ảnh Cody Pickens chụp cho Forbes 

Công cụ lập trình AI là thị trường mới mẻ, quy mô hiện còn khiêm tốn. Theo dự báo của Công ty nghiên cứu IDC, doanh thu thị trường này sẽ chỉ nằm ở mức hơn bốn tỷ USD vào năm 2029. Tuy vậy, nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã ghi nhận doanh thu hằng năm hơn 10 triệu USD.

Về phần mình, Cognition từ chối cung cấp số liệu doanh thu, nhưng chủ tịch Russell Kaplan cho biết công ty đã ký hàng chục hợp đồng với khách hàng có giá trị từ hàng triệu đến hàng chục triệu USD.

Sức hút từ công cụ lập trình AI đủ lớn để những tên tuổi như Anthropic, Amazon và IBM cũng trình làng các sản phẩm của riêng mình. “Sân chơi” này còn có sự tham gia từ các công ty khởi nghiệp như Poolside (định giá ba tỉ USD) và Anysphere (400 triệu USD).

Theo nhà phân tích tại IDC Ritu Jyoti, khả năng lập trình đã trở thành “điều kiện tiên quyết” đối với công cụ AI và ông cũng lưu ý rằng ChatGPT của OpenAI vẫn là cái tên dẫn đầu lĩnh vực này. Jyoti đánh giá AI có khả năng tự lập trình như sản phẩm của Cognition sẽ là “nhân tố thay đổi cuộc chơi.”

Sự thay đổi này có thể đặt ra thách thức cho năm triệu lập trình viên ở Mỹ, những người có thu nhập trung bình 130 ngàn USD/năm, cũng như 13 triệu lập trình viên khác tại Ấn Độ và Trung Quốc. Scott Wu đã trấn an rằng nguy cơ thất nghiệp tràn lan chỉ là lo lắng thái quá và ngành kỹ thuật phần mềm vẫn cần nhân sự con người.  

Phía lập trình viên có thể tỏ ra thận trọng với Devin, nhưng các nhà đầu tư lại thích công cụ này. Hai quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund của Peter Thiel và Khosla Ventures đặt niềm tin vào Scott Wu và đội ngũ nhân sự gồm 25 người tại Cognition, thể hiện qua việc rót 176 triệu USD trong vòng series B diễn ra hồi tháng 4.2024, nâng định giá của công ty lên hai tỷ USD sau sáu tháng thành lập. Khoản đầu tư này diễn ra chỉ ba tháng sau khi Cognition chốt lại vòng gọi vốn series A trị giá 21 triệu USD vào tháng 1.2024.

Các khách hàng của Cognition bao gồm Ramp, công ty quản lý chi phí đạt doanh thu 300 triệu USD trong năm 2023 và nền tảng dữ liệu MongoDB. Ramp sử dụng Devin để soạn các bài kiểm tra và dọn dẹp mã lỗi. Còn MongoDB, theo chia sẻ từ giám đốc sản phẩm Sahir Azam, dùng Devin để cập nhật kiến trúc mã nguồn đã lỗi thời, giúp khách hàng tiết kiệm hàng triệu USD.

Trong khi đó, tại Nubank, công ty Fintech quy mô tám tỷ USD, đội ngũ lập trình viên tận dụng Devin cho các tác vụ như cập nhật kho lưu trữ mã. 

Dẫu Devin chỉ mới “chập chững” những bước đi đầu tiên, nhưng các nhà đầu tư như John Luttig – đối tác tại quỹ Founders Fund – tin tưởng Cognition đang có khởi đầu thuận lợi và sẽ không dễ cho những đối thủ cạnh tranh bắt kịp công ty này trong thị trường về công cụ lập trình AI.

Microsoft dường như cũng đồng tình với quan điểm này. Tập đoàn công nghệ Mỹ đã đạt thỏa thuận hợp tác với Cognition để cung cấp Devin cho các lập trình viên trên nền tảng đám mây Azure của công ty. Tại hội nghị thường niên dành cho các lập trình viên của Microsoft, giám đốc công nghệ Kevin Scott đã dùng từ “phi thường” để nhận xét về Devin. 

Tại Thung lũng Silicon, từng có nhiều công ty tưởng chừng như đã vượt qua các “ông lớn” như Amazon và Google, nhưng cuối cùng lại không thể duy trì vị thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Cognition không e ngại điều này. Họ tin tưởng rằng bộ ba nhà sáng lập công ty chính là nhóm người đủ năng lực để tạo ra công cụ lập trình AI mang tính đột phá. Cả ba đều là các lập trình viên tầm cỡ thế giới, từng giành huy chương vàng Olympic Tin học và quen biết nhau qua những cuộc thi lập trình. Trong đó, Scott Wu, thiên tài toán học từ thời tiểu học, là “đại kiện tướng huyền thoại,” danh hiệu cao nhất tại Codeforces – nền tảng tổ chức các cuộc thi về lập trình quy mô toàn cầu. Eric Glyman, CEO của Ramp và là nhà đầu tư thiên thần của Cognition, nhận xét Scott Wu nằm trong số “năm người có chỉ số IQ cao nhất” mà ông từng gặp.

Sarah Guo, nhà đầu tư mạo hiểm từng tham gia ba vòng gọi vốn của Cognition thông qua Công ty Conviction của cô, ca ngợi Scott là người “thông minh, tò mò và tham vọng không có điểm dừng.”

Scott Wu từng được Forbes vinh danh trong danh sách 30 Under 30 năm 2019 nhờ thành công với Lunchclub, công ty trước đó của anh chuyên ứng dụng AI để xây dựng mạng lưới giao lưu, kết nối. Theo chia sẻ từ một nhà đầu tư của Cognition, Wu rời Lunchclub vào năm 2022 để theo đuổi những sở thích mới (Scott Wu từ chối đưa ra bình luận). Lunchclub vẫn hoạt động và huy động thành công 30 triệu USD.

Vào tháng 3.2024, Cognition ra mắt Devin và tạo được tiếng vang lớn. Trong một video trình diễn thử thu hút 30 triệu lượt xem trên nền tảng X, Cognition khẳng định “Devin đã vượt qua các cuộc phỏng vấn về kỹ thuật ứng dụng từ những công ty AI hàng đầu” và có thể xử lý các tác vụ lập trình phức tạp.

Một vài lập trình viên rất ấn tượng trước khả năng của Devin, nhưng số khác lại lo ngại rằng công việc của họ có thể bị ảnh hưởng. Ngay sau khi Devin ra mắt, xuất hiện đoạn video ghi lại màn thể hiện vượt trội của Scott Wu trong một cuộc thi toán học khi học lớp bảy, thu hút các bình luận hài hước rằng: “Anh ấy không phải con người, mà là AI đấy. Devin thực ra chính là Scott đang trả lời câu hỏi qua ứng dụng nhắn tin.”

Tuy vậy, cũng có những lời chỉ trích. Carl Brown, một lập trình viên độc lập nổi tiếng từ Austin, Texas đã phản bác các tuyên bố của Cognition trong video có tiêu đề “Debunking Devin” (bóc mẽ Devin), thu hút 500 ngàn lượt xem. Brown cáo buộc Cognition đã phóng đại khả năng của Devin, cho rằng công cụ này mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc so với lập trình viên con người và gặp lỗi trong quá trình thực hiện. 

Sự thay đổi này có thể đặt ra thách thức cho năm triệu lập trình viên ở Mỹ, những người có thu nhập trung bình 130.000 USD, cũng như 13 triệu lập trình viên khác tại Ấn Độ và Trung Quốc.


Chính những trải nghiệm như vậy đã dấy lên nghi ngại rằng Devin chỉ là công cụ thổi phồng hơn nữa “bong bóng AI.” Krish Maniar, một kỹ sư tại Công ty gán nhãn dữ liệu Labelbox, cho biết đã kiểm tra khả năng lập trình web của Devin khi yêu cầu công cụ này xây dựng giao diện người dùng nổi bật và thu được kết quả không mấy ấn tượng.

Chia sẻ với Forbes, một số nhà sáng lập từ các công ty cạnh tranh tỏ ra quan ngại rằng Cognition đã hứa hẹn quá mức về khả năng của Devin khi tuyên bố công cụ này có khả năng xử lý ngay lập tức bất kỳ tác vụ nào. Theo họ, trên thực tế, Devin vẫn còn nhiều hạn chế và chủ yếu tối ưu cho các tác vụ được xác định trước, như dọn dẹp mã nguồn cũ.

Trong một buổi thử nghiệm trực tiếp, Forbes đã yêu cầu Devin tạo ra ứng dụng có thể lên dây đàn guitar và công cụ này đã hoàn thành chỉ sau mười phút. Tuy nhiên, ứng dụng lại không nhận diện đúng nốt nhạc và nhóm nhà sáng lập của Cognition không thể lý giải về sự cố này.

“Luôn có khoảng cách giữa sự cường điệu về tiềm năng và hiệu quả thực tế,” Varun Mohan, CEO Codeium, nhận định. 

Scott Wu thừa nhận Devin không hề hoàn hảo.

“Phát triển phần mềm vốn phức tạp và con người cũng luôn tạo ra lỗi khi lập trình,” Wu trả lời phỏng vấn tại trụ sở chính của Founders Fund, có tầm nhìn ra vịnh San Francisco.

Tuy vậy, ngay cả những người chỉ trích Devin như Krish Maniar cũng không phủ nhận tiềm năng của công cụ này. Bảy tháng sau khi ra mắt, Scott Wu cho biết Devin đã đạt được tiến bộ đáng kể, một phần nhờ vào phản hồi từ các khách hàng đầu tiên, là những doanh nghiệp xem công cụ này như giải pháp vô cùng hứa hẹn và đang trong quá trình hoàn thiện.

“Chúng tôi không xem Devin như giải pháp mang đến phép màu nào đó. Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng của công cụ này, nhưng vẫn nhìn nhận thực tế về điểm hạn chế của nó,” Vitor Olivier, CTO của Nubank, giải thích. Vị này cho biết Devin giúp các lập trình viên rút ngắn thời gian làm việc đến tám lần.

Cognition tiếp tục thử nghiệm. Hồi đầu năm 2024, công ty đã phát triển chế độ “quản lý” mới cho phép Devin phân tác vụ cho các AI cấp dưới (sub-Devin). Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, các sub-Devin này lại tạo ra cấp dưới cho riêng mình. Quá trình này diễn ra liên tục, hình thành một “vòng lặp phân cấp AI” không thể kiểm soát. “Cuối cùng, chúng tôi đã phải dừng nhiệm vụ mà Devin và các AI cấp dưới đang thực hiện,” Kaplan cho biết.

Russell Kaplan nhấn mạnh rằng Devin phát huy tốt nhất khi xử lý đồng thời nhiều dự án khác nhau, giống như “đội quân các lập trình viên mới vào nghề.” Cách so sánh này có thể khiến một số lập trình viên cảm thấy không thoải mái.

Scott Wu cũng thừa nhận một số chỉ trích đối với Cognition xuất phát từ lo ngại về việc AI sẽ lấy đi công việc của các lập trình viên. Tuy nhiên, anh tin rằng công cụ này sẽ không thay thế con người, mà có thể giúp các công ty triển khai nhiều dự án hơn nữa, cho phép lập trình viên tập trung vào những phần việc mang tính sáng tạo và ý nghĩa hơn. 

“Có rất nhiều lo ngại và chất vấn về việc công cụ AI sẽ có ảnh hưởng ra sao đến toàn ngành kỹ thuật phần mềm,” Scott Wu cho biết.

“Trí tuệ nhân tạo, từ sản phẩm khoa học viễn tưởng đến thực tại.” Đó là dòng chữ từng xuất hiện trong câu chuyện trang bìa của Forbes năm 1991, cách đây 33 năm. Trước khi sở hữu khả năng sáng tạo nghệ thuật và lập trình, AI đã hoàn thiện các kỹ năng cơ bản.

“Trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, dù không theo cách mà các nhà tương lai học từng hình dung. AI đang thực hiện các công việc như chép sách, phân loại bưu kiện và thư từ, phân tích hình ảnh y tế, phát hiện lỗi trong dây chuyền sản xuất, hỗ trợ các luật sư và nhà nghiên cứu thị trường đẩy nhanh quá trình sàng lọc thông tin từ những bài báo và tạp chí, bên cạnh việc truy vấn danh bạ cho các khách hàng qua điện thoại.

Trong tương lai gần, AI có thể thay thế thư ký tra cứu chính tả, dùng thiết bị để đọc chữ viết tay, tối ưu hóa việc phản hồi danh mục đặt hàng qua email, thay thế nhân viên bảo vệ trước cổng nhà máy, lọc tin nhắn trên máy trả lời tự động và thậm chí là vận hành máy ATM mà không cần đến thẻ ngân hàng vật lý.

Mặc dù có những hứa hẹn về hệ thống có khả năng trò chuyện, nhưng trên thực tế AI vẫn chưa phát triển đúng như kỳ vọng và chỉ giới hạn ở các nhiệm vụ cụ thể, như kiểm soát quy trình hoạt động trong nhà máy. Không dễ để có thể lập trình máy móc nắm rõ bối cảnh và đưa ra quyết định như con người.”
Forbes, 23.12.1991 


Biên dịch: Quỳnh Anh — Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 3.2025

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/the-cho-lap-trinh-vien)