Nhà tài phiệt Malaysia Francis Yeoh cùng người thân đang thực hiện sứ mệnh đa dạng hóa tập đoàn gia đình 68 năm tuổi bằng cơ sở hạ tầng kinh tế mới. Quá trình này được khởi động với tổ hợp trung tâm dữ liệu vận hành bằng năng lượng mặt trời trị giá 3,3 tỉ đô la Mỹ tại Malaysia.
Trên con đường đi qua quận Kulai thuộc bang Johor (Malaysia), cách đường biên giới phía Bắc với Singapore 30km, là những triền đồi phủ đầy sắc xanh của các cánh rừng trồng cây cao su và dầu cọ.
Tại đây, ở khu vực từng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Singapore, YTL Corp. – tập đoàn gia đình kinh doanh trong các lĩnh vực từ dịch vụ tiện ích đến xi măng – đang xây dựng tổ hợp trung tâm dữ liệu vận hành bằng năng lượng mặt trời trên khu đất có diện tích 664 héc ta. Đây là dự án tham vọng nhất nhưng đảm bảo thành công lâu dài cho YTL.
Francis Yeoh, chủ tịch điều hành của YTL, muốn nương theo sự bùng nổ của thị trường trung tâm dữ liệu để tạo động lực tăng trưởng mới tại “quê nhà” Malaysia và thế giới. YTL Corp. xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên đặt tại Kuala Lumpur cách đây khoảng 14 năm, với công suất 5MW phục vụ cho hoạt động của công ty con về viễn thông.
Năm 2021, YTL Data Centers, đơn vị mới thành lập dưới quyền quản lý của công ty con YTL Power International, mở rộng quy mô sang Singapore với 200 triệu đô la Singapore (150 triệu đô la Mỹ) làm vốn đầu tư 50% cho trung tâm dữ liệu thứ hai ở đảo quốc sư tử có công suất 12,5MW (Các trung tâm dữ liệu được xếp hạng theo mức tiêu thụ năng lượng).
Nhưng yếu tố giúp công ty thay đổi cuộc chơi sẽ là tổ hợp trung tâm dữ liệu tại Johor, tổng vốn đầu tư 15 tỉ ringgit (3,3 tỉ đô la Mỹ) với công suất lên đến 500MW, sử dụng nguồn điện từ trang trại mặt trời kế bên. Giai đoạn đầu của dự án sẽ đi vào vận hành từ đầu năm 2024 với công suất 72MW.
Không chỉ đóng vai trò trung tâm dữ liệu sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên của Malaysia, cơ sở này sẽ trở thành một trong những dự án quy mô nhất tại Đông Nam Á. “Các trung tâm dữ liệu rất quan trọng đối với việc kinh doanh của chúng tôi và cần được vận hành bằng năng lượng xanh. Đây là mục tiêu mà chúng tôi có thể đạt được,” Francis Yeoh cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền tại văn phòng làm việc của ông ở Kuala Lumpur.
Việc hoàn thành mục tiêu trên là chặng đường khó khăn, khi thị trường trung tâm dữ liệu – hạ tầng thiết yếu cho hệ thống điện toán đám mây, dữ liệu lớn và thương mại điện tử – đang là “sân chơi” của nhiều doanh nghiệp đã khẳng định chỗ đứng và có tiềm lực tài chính lớn mạnh. Tuy vậy, công ty có lợi thế từ thị trường quê nhà.
Theo báo cáo công bố hồi tháng 4.2023 của công ty bất động sản Knight Frank, Malaysia là điểm đến đầu tư vào trung tâm dữ liệu hàng đầu Đông Nam Á trong năm 2022, với công suất trung bình của những trung tâm dữ liệu đang vận hành là 113MW. Thái Lan xếp thứ hai với công suất 25MW.
Kết quả này có được phần lớn nhờ nhiều yếu tố như chương trình hỗ trợ của chính phủ, Malaysia còn nhiều dư địa để phát triển so với quỹ đất hạn hẹp tại Singapore, “thủ phủ” trung tâm dữ liệu trong khu vực hiện nay. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng trung tâm dữ liệu từ những doanh nghiệp lớn về điện toán đám mây ngày càng tăng, đơn cử như Amazon Web Services (AWS), gần đây thông báo sẽ đầu tư sáu tỉ đô la Mỹ xây dựng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây tại Malaysia trong 14 năm tới.
“Trên thế giới này không gì có thể nói là chắc chắn, trừ thuế và cái chết. Hiện giờ danh sách đó có lẽ là thuế, cái chết và nhu cầu về hiệu năng tính toán lớn hơn. Malaysia chỉ mới bắt đầu thu hút các công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, và nhiều người đang nỗ lực tham gia nắm bắt cơ hội,” theo Michael Warrilow, phó chủ tịch của công ty nghiên cứu Gartner có trụ sở tại Sydney, Úc.
Warrilow lưu ý rằng ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn dịch vụ điện toán đám mây, hoặc thuê trung tâm dữ liệu thay vì phát triển cơ sở của riêng mình. Điều này mở ra cơ hội kinh doanh cho YTL. Gartner ước tính, chi tiêu vào các dịch vụ của trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan) vào năm 2025 sẽ đạt mốc bốn tỉ đô la Mỹ, tăng 29% so với năm 2022.
Theo công ty tư vấn toàn cầu CBRE, Malaysia hiện có khoảng 40 trung tâm dữ liệu, tập trung chủ yếu tại Kuala Lumpur và Johor. Trong khi đó, Singapore có hơn 70 trung tâm dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu tại Malaysia và Singapore có tổng công suất lần lượt 132MW và 623MW.
Malaysia được kỳ vọng sẽ thu hẹp đáng kể khoảng cách với Singapore, quốc gia hiện dẫn đầu Đông Nam Á về trung tâm dữ liệu, vào năm 2025. Khi đó, dự báo số lượng trung tâm dữ liệu mới sẽ nâng tổng công suất hoạt động tại Malaysia lên 819MW, còn Singapore sẽ đạt mức 838MW.
Tại Malaysia, các doanh nghiệp tham gia vận hành trung tâm dữ liệu gồm các hãng nội địa như Telekom Malaysia và AIMS, bên cạnh những tên tuổi lớn như Bridge Data Centres – công ty con của Chinadata Group (niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq), Vantage Data Centers (nhận đầu tư từ DigitalBridge – Mỹ) và NTT Global Data Centers.
Singapore có những cái tên như Keppel Data Centres và Mapletree, đều là doanh nghiệp nội địa sở hữu các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, bên cạnh công ty quản lý bất động sản châu Á ESR và công ty cung cấp trung tâm dữ liệu Equinix.
Dedi Iskandar, người đứng đầu bộ phận về giải pháp trung tâm dữ liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của CBRE tại Singapore nhận định YTL sẽ phải chứng minh năng lực trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu. “Đây là khoản đầu tư lớn.” Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh kinh doanh đa ngành sẽ giúp YTL giữ vị thế vững chắc trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu có tiềm năng tăng trưởng.
“YTL đang tận dụng lợi thế khoảng cách về số lượng trung tâm dữ liệu trong khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Singapore. Công ty có nhiều điều kiện thuận lợi để thành công. Trước hết, YTL có lợi thế ‘sân nhà’ ở Malaysia. Thứ hai, YTL có các công ty con hoạt động trong những lĩnh vực liên quan như sản xuất điện, sở hữu đất và mạng lưới kết nối. Gần đây, công ty còn lập công ty con về trung tâm dữ liệu,” Iskandar cho biết.
Francis Yeoh không quá lo lắng về những công ty đã có mặt trên thị trường trung tâm dữ liệu từ trước đó. Ông tin YTL đã chọn đúng thời điểm để gia nhập “sân chơi” này, mở ra cơ hội cho công ty sớm định hình việc kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Điều này sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho YTL khi có nhiều công ty theo đuổi mục tiêu trung hòa khí thải carbon trong nhiều thập niên tới. “Chúng tôi phát triển các trung tâm dữ liệu đúng thời điểm,” doanh nhân 68 tuổi cho biết. Ông có bài học đắt giá về việc đầu tư quá sớm hoặc quá muộn vào công nghệ dẫn đến hậu quả tiêu tốn rất nhiều tiền.
Năm 2009, YTL đầu tư khoảng 2,5 tỉ ringgit (534 triệu đô la Mỹ) để phát triển mạng lưới 4G theo chuẩn WiMax, công nghệ truy cập không dây băng thông rộng tiềm năng lúc bấy giờ. Điều này mở ra cơ hội cho YTL Communications, thương hiệu viễn thông do YTL thành lập vào năm 2009, vươn lên dẫn trước các đối thủ cạnh tranh khi đó vẫn đang sử dụng công nghệ mạng 3G.
Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ. Công nghệ của YTL trở nên tụt hậu khi các công ty khác bắt đầu sử dụng LTE (Long Term Evolution), chuẩn công nghệ kế cận mạng 4G. Mãi đến năm 2016, YTL mới chuyển sang LTE. “Chúng tôi có tầm nhìn đúng nhưng lại chọn sai công nghệ. Những ý tưởng mới đôi khi không thành công khi bạn thực hiện quá sớm hoặc quá trễ,” Yeoh cho biết.
Do đó, Francis Yeoh quyết tâm không lặp lại sai lầm trong quá khứ, phải tập trung vào tính bền vững cho hướng phát triển tiếp theo. “Nếu muốn kinh doanh theo hướng bền vững, sự am hiểu về năng lượng xanh sẽ đóng vai trò quan trọng.
Khi các quy định về môi trường trở nên chặt chẽ hơn, tôi cho rằng những công ty như Amazon hay Google sẽ chỉ sử dụng trung tâm dữ liệu nào vận hành bằng năng lượng tái tạo,” Yeoh cho biết. Amazon và Google đều cam kết về thời điểm chỉ sử dụng năng lượng tái tạo, lần lượt vào năm 2025 và 2030.
Đồng tình với nhận định trên, tỉ phú Otto Toto Sugiri, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của DCI Indonesia, một trong những công ty vận hành trung tâm dữ liệu hàng đầu Indonesia, cho biết: “Phát triển bền vững là hướng đi tất yếu của lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Malaysia và Indonesia có thể tận dụng cơ hội từ quá trình chuyển đổi này.”
Trong thời gian dài, Singapore từng là nơi lý tưởng để đặt trung tâm dữ liệu nhờ chính trị ổn định và môi trường đầu tư an toàn. Tuy vậy, các yếu tố như quỹ đất và nguồn lực hạn chế, thị trường ngày càng đề cao trung tâm dữ liệu sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như áp lực gia tăng về việc phải thiết lập trung tâm dữ liệu tại địa phương nhằm nội địa hóa dữ liệu và đạt độ trễ mạng thấp, đã thúc đẩy hoạt động đầu tư và phát triển tại những quốc gia khác trong khu vực. Đặc biệt là Malaysia và Indonesia, hai quốc gia có nhiều quỹ đất được dùng để phát triển các trang trại năng lượng tái tạo.
Trong số những doanh nghiệp chuyển hướng sang năng lượng tái tạo có DCI và đối tác Salim Group, tập đoàn có trụ sở tại Jakarta (Indonesia). Vào tháng 7.2023, hai công ty này công bố trung tâm dữ liệu đầu tiên ở Indonesia đặt tại Karawang, nằm trên đảo Java. Dự án này được xây dựng trên khu vực có diện tích 30 héc ta, nằm trong một tổ hợp lớn hơn với công suất tối đa 600MW.
Hiện tại, tổng công suất vận hành bằng điện mặt trời tại đây có thể đạt 30MW. DCI và Salim Group cũng đang triển khai dự án lớn hơn nữa tại Bintan, hòn đảo cách Singapore 40 phút di chuyển bằng phà. Dự án bao gồm trang trại điện mặt trời công suất 2.000MW, dự kiến giai đoạn đầu đi vào hoạt động từ năm 2025. Sugiri lưu ý rằng “công ty vẫn cần phải xây dựng thêm một nhà máy điện khí.”
Một trở ngại lớn khi vận hành trung tâm dữ liệu hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời nằm ở điều kiện thời tiết, đặc biệt là vào những ngày âm u. Nhằm khắc phục vấn đề này, YTL cho biết hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng để duy trì nguồn điện mặt trời ổn định cho các trung tâm dữ liệu.
Bên cạnh đó, công ty cũng cân nhắc tận dụng nguồn năng lượng tái tạo từ mạng lưới điện của Malaysia để bù đắp lượng điện mặt trời thiếu hụt. Theo Iskandar, việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho YTL, đặc biệt là khi các khách hàng của công ty có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo. Có thể cung cấp nguồn điện đã là lợi thế lớn, sử dụng năng lượng tái tạo lại là điểm cộng khác.
Dự án tổ hợp trung tâm dữ liệu của YTL tại Johor, lấy tên là YTL Green Data Center Park, đã bước đầu khởi sắc. Vào tháng 4.2022, YTL ký hợp đồng với khách hàng đầu tiên là tập đoàn thương mại điện tử và game của Singapore Sea Ltd. Sea, công ty niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, sẽ là khách hàng chính cho giai đoạn đầu của dự án.
Cơ sở này có chi phí xây dựng 1,5 tỉ ringgit (320 triệu đô la Mỹ) với quy mô ba tầng, công suất hoạt động 72MW. YTL cho biết Sea đã đồng ý sử dụng 48MW công suất. Hiện nơi đây được triển khai xây dựng, dự kiến vận hành chính thức từ quý đầu năm 2024.
Khách hàng tiếp theo của YTL là GDS Holding, công ty hàng đầu thị trường trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc. Vào tháng 4.2022, GDS Holdings công bố kế hoạch đồng phát triển một dự án không tiết lộ giá trị đầu tư nằm trong YTL Green Data Center Park, bao gồm tám cơ sở lưu trữ dữ liệu với tổng công suất 168MW. Dự án này sẽ gia tăng số lượng trung tâm dữ liệu lớn của GDS Holdings tại Johor và Indonesia.
Francis Yeoh tỏ ra lạc quan về chiến lược đầu tư vào trung tâm dữ liệu của YTL. “Nếu là doanh nghiệp thể hiện sự nghiêm túc và cam kết đầu tư như YTL, bạn sẽ tạo dựng được niềm tin với các đối tác tiềm năng,” ông cho biết.
Tháng 1.2023, YTL nhận được khoản tín dụng xanh trị giá 1,1 tỉ ringgit (235 triệu đô la Mỹ) từ hai ngân hàng Maybank và OCBC để triển khai giai đoạn đầu của YTL Green Data Center Park. Yeoh cho biết YTL sẽ thực hiện dự án theo từng giai đoạn, dựa trên việc đảm bảo mối quan hệ đối tác và khách hàng, cũng như nguồn tài chính cần thiết.
Trung tâm dữ liệu là một phần trong quá trình đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của YTL. Tập đoàn cũng có kế hoạch triển khai các dịch vụ như trạm sạc xe điện tại Singapore. Trong khi đó, liên doanh giữa Sea và YTL đã được cấp năm giấy phép để vận hành ngân hàng số tại Malaysia vào năm 2024, củng cố quan hệ hợp tác vốn đã vững chắc của hai công ty. Hai bên đã hợp tác trong nhiều dự án khác nhau, bao gồm việc YTL xây dựng kho hàng cho Shopee – sàn thương mại điện tử thuộc Sea tại Malaysia, mỗi năm ghi nhận 7,6 tỉ đơn hàng trực tuyến.
Phần lớn doanh thu của YTL đến từ mảng kinh doanh tiện ích, xi măng và xây dựng trên toàn Malaysia, Singapore, nơi công ty vận hành nhà máy sản xuất điện 3.100 MW YTL Power Seraya. YTL cũng kinh doanh tại Anh, sở hữu công ty cấp nước và xử lý nước thải Wessex Water Services. YTL Corp. hoạt động theo mô hình công ty mẹ với ba công ty con đã niêm yết cổ phiếu có tổng giá trị vốn hóa thị trường 30 tỉ ringgit (6,4 tỉ đô la Mỹ).
Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6.2022, YTL Corp. ghi nhận tình hình kinh doanh khởi sắc trở lại với lợi nhuận thuần đạt 545 triệu ringgit (116 triệu đô la Mỹ), nhờ lợi nhuận của mảng tiện ích tăng lên khi giá bán hàng cao hơn. Doanh thu cũng tăng 40% lên 24 tỉ ringgit (5,1 tỉ đô la Mỹ). Trong chín tháng đầu năm tài khóa 2023, doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 13% và 5%.
Kể từ đầu năm 2023, cổ phiếu YTL Corp. đã tăng hơn 90%, tốt hơn đáng kể so với chỉ số chứng khoán KLCL, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong báo cáo công bố hồi tháng 6.2023, Tjen-San Chong của công ty chứng khoán CGS-CIMB nhận định thành công của YTL đến từ một số yếu tố.
Đầu tiên, YTL Power ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trở lại. Kế đến, công ty có lượng lớn dự án đang xây dựng với tổng giá trị ba tỉ ringgit (641 triệu đô la Mỹ), đồng thời nhu cầu dành cho vật liệu xi măng gia tăng và thị trường bất động sản Singapore cũng thúc đẩy doanh số bán hàng.
Tuy lợi nhuận từ mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu chưa có nhiều ảnh hưởng, song Yeoh nhìn nhận lĩnh vực này có thể đóng góp đáng kể vào doanh thu của tập đoàn này.
Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất của YTL là khoản nợ của tập đoàn. Tính đến cuối tháng 12.2022, tổng số nợ phải trả của công ty là 44 tỉ ringgit (9,4 tỉ đô la Mỹ) và khoản nợ ròng là 32 tỉ ringgit (6,8 tỉ đô la Mỹ).
“Tuy ở mức cao, nhưng khoảng 54% số nợ là chuyển nhượng hoặc liên quan đến quỹ tín thác bất động sản (REITs), được khoanh vùng và không ảnh hưởng đến công ty mẹ,” theo Karin Koh, chuyên gia xếp hạng của RAM Ratings, công ty có trụ sở tại Kuala Lumpur gần đây đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng của YTL Corp. trong dài hạn từ tiêu cực sang ổn định.
YTL đã giải quyết vấn đề này bằng cách thoái vốn các tài sản kinh doanh không cốt lõi, bao gồm bán đi 34% cổ phần trong ElectraNet, công ty vận hành lưới điện của Úc, với mức giá 3,1 tỉ ringgit (662 triệu đô la Mỹ) vào năm 2022. “Chúng tôi vẫn còn các tài sản chủ chốt mang lại rất nhiều giá trị. Những nguồn lực này sẽ giúp chúng tôi có đủ tài chính để xây dựng trung tâm dữ liệu. Hiện tại, công ty đang phát triển mảng kinh doanh này theo đúng lộ trình,” Yeoh cho biết.
YTL đã trải qua chặng đường phát triển dài từ khi Francis Yeoh theo cha Yeoh Tiong Lay (đã qua đời) đến giám sát các công trình xây dựng thuở còn bé. Sau này, Yeoh và năm anh chị em đã tiếp quản YTL Corp. – doanh nghiệp do cha và ông nội Yeoh Cheng Liam, một người di cư đến Malaysia từ năm 1920, thành lập vào năm 1955. Francis Yeoh từng không có ý định học đại học mà muốn bắt tay ngay vào công việc tại YTL.
“Hãy học đại học và định hình tư duy mới về lĩnh vực xây dựng,” Yeoh nhắc lại lời khuyên từ cha của ông. Theo lời khuyên đó, Yeoh đã tới Anh để học ngành kỹ thuật. “Sau khi trở về, tôi ngay lập tức áp dụng tư duy mới, đầu tư vào con người, máy móc cũng như công nghệ để phát triển công ty và cạnh tranh với những đối thủ lớn,” ông cho biết.
Hiện tại, Francis Yeoh và anh chị em, những người sở hữu khối tài sản ròng 1,4 tỉ đô la Mỹ, cùng 18 thành viên thuộc thế hệ thứ tư trong gia đình đang cùng nhau vận hành công ty. Trong nhiều thập niên qua, gia đình của Francis Yeoh đã mở rộng hoạt động kinh doanh của YTL sang các lĩnh vực như tiện ích, khách sạn và viễn thông tại Malaysia, Singapore, Anh và nhiều nơi khác trên thế giới.
Francis Yeoh có gia đình nhỏ gồm năm người con với người vợ đã mất Rosaline. Con cả Ruth, 40 tuổi, hiện điều hành bộ phận về phát triển bền vững. Người con thứ Jacob, 39 tuổi, là phó giám đốc điều hành tại YTL Communications. Những người con còn lại đều giữ vị trí cấp cao trong các mảng tài chính, xi măng, khách sạn và bất động sản. “Thế hệ trẻ, con cháu trong gia đình đều bắt kịp thời đại để đưa công ty tiến lên phía trước,” Yeoh cho biết.
Em trai của Francis Yeoh, Seok Hong (63 tuổi) điều hành hai mảng năng lượng và tiện ích trong YTL Power International. Con trai của ông, Hann, 37 tuổi, phụ trách mảng trung tâm dữ liệu. “Dự án này sẽ là trọng tâm trong tầm nhìn phát triển tổ hợp trung tâm dữ liệu của chúng tôi,” Seok Hong cho biết vào cuối tháng 4.2023, thời điểm YTL công bố dự án trung tâm dữ liệu ở Johor.
Hướng đến tương lai, Francis Yeoh cho biết YTL sẽ phát triển trung tâm dữ liệu tại các quốc gia khác ở Đông Nam Á, gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. YTL cũng cân nhắc mở rộng sang Anh, nơi công ty đang triển khai dự án bất động sản đầu tiên.
Đây là dự án tổ hợp bất động sản mang tên Brabazon, xây dựng trên khu đất có diện tích 142 héc ta của sân bay cũ Filton Airfield gần thành phố Bristol. Yeoh cho biết thêm, công ty có thể lập quỹ REIT trung tâm dữ liệu nếu mảng kinh doanh này phát triển đủ lớn.
Theo Yeoh, trọng tâm hiện nay của YTL là xây dựng mô hình phát triển ổn định cho trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Johor, để có thể dễ dàng áp dụng cho những trung tâm dữ liệu tiếp theo. “Đó là lý do vì sao chúng tôi đang ngày càng mở rộng quỹ đất,” Yeoh cho biết.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tham-vong-vuon-tam-trung-tam-du-lieu)