Công nghệ xanh

Tập đoàn LEGO khánh thành nhà máy công nghệ cao 1,4 tỉ USD tại Việt Nam

19 giờ trước
Tác giả Trọng Nam

Tập đoàn LEGO, thương hiệu đồ chơi của Đan Mạch, vừa chính thức khánh thành nhà máy thứ sáu của tập đoàn trên toàn cầu và là cơ sở sản xuất thứ hai tại khu vực châu Á trị giá 1,4 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương.

Đại diện VSIP và tập đoàn LEGO ký kết thoả thuận hợp tác cung ứng năng lượng tái tạo

Share
this:

Nhà máy LEGO Manufacturing Vietnam mới này là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên đi vào vận hành của LEGO trên toàn cầu. Từ mô hình Bình Dương, LEGO cũng đang xây dựng nhà máy trung hòa carbon thứ hai tại Virginia, Mỹ.

Tại lễ khánh thành nhà máy mới diễn ra vào ngày 9.4.2025, ông Niels B. Christiansen, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn LEGO, nhấn mạnh vai trò chiến lược của nhà máy mới trong hệ thống sản xuất toàn cầu, đồng thời khẳng định cam kết dài hạn của LEGO đối với thị trường Việt Nam và khu vực. 

LEGO Manufacturing Vietnam sẽ đóng vai trò bổ sung năng lực cung ứng trong khu vực, bên cạnh nhà máy tại Trung Quốc.

CEO Tập đoàn LEGO Niels B. Christiansen và Phó thủ tướng Mai Văn Chính cùng với bộ sản phẩm đầu tiên được xuất xưởng từ nhà máy Bình Dương.

Theo thông tin từ doanh nghiệp, một trang trại năng lượng mặt trời tích hợp trên mái nhà máy đã được lắp đặt với 12.400 tấm pin. Tuy nhiên, khi đạt công suất tối đa, hệ thống này vẫn không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu vận hành. Dự kiến mức thiếu hụt sẽ ở khoảng 20–25% và LEGO sẽ phải làm việc với Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) và chính quyền tỉnh Bình Dương để bù đắp phần còn lại thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Một trung tâm năng lượng tích hợp giải pháp lưu trữ bằng pin hiện đang được xây dựng gần nhà máy, nhưng cũng chưa thể đưa vào khai thác trong năm nay.

Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO, cho biết: “Việc triển khai giải pháp lưu trữ năng lượng kết hợp với hợp đồng mua bán điện là một trong những sáng kiến tiên phong tại Việt Nam, thể hiện cam kết của LEGO trong việc thúc đẩy phát triển bền vững cả ở cấp độ địa phương và toàn cầu.”

Bên cạnh mục tiêu chuyển đổi năng lượng, nhà máy tại Bình Dương còn đạt một số chứng nhận môi trường như LEED Bạch Kim cho khối văn phòng và khu vui chơi, LEED Vàng cho khu vực sản xuất, đóng gói và kho bãi. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của LEGO sử dụng bao bì đóng gói hoàn toàn bằng giấy.

Sơ đồ các nhà máy sản xuất của Tập đoàn LEGO.


Về nhân sự, LEGO cho biết đã triển khai chương trình đào tạo kết hợp từ năm 2024, với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia quốc tế trong giai đoạn đầu. Mô hình “Nhà máy Tương lai” được triển khai thí điểm tại Việt Nam, bao gồm một số tiện ích cơ bản như phòng nghỉ, khu chăm sóc sức khỏe, lối đi cho xe lăn và khu sinh hoạt nội bộ.

Cuối năm nay, LEGO sẽ đưa vào vận hành trung tâm phân phối tại tỉnh Đồng Nai cũng là cơ sở hậu cần thứ hai của hãng tại khu vực châu Á. Trung tâm này hiện đã bắt đầu hoạt động thử nghiệm và sẽ được vận hành bởi công ty hậu cần quốc tế Kuehne+Nagel.