Góc nhìn

Tăng hiệu ứng lan tỏa dòng vốn FDI

3 năm trước

Share
this:

Phần lớn doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp sản xuất, các ngành chiếm tỉ trọng đáng kể là sản xuất chế biến cao su, nhựa và sản xuất thiết bị điện tử, máy tính.

Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI. Thực tế này thể hiện qua số vốn đăng ký liên tục tăng, cũng như mức đóng góp của giá trị công nghiệp từ khu vực này chiếm trên 50% quy mô nền kinh tế.
Sử dụng dữ liệu cuộc điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó điều tra 1.564 doanh nghiệp FDI đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam, có thể đánh giá bức tranh thực tế của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Ít doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp quy mô nhỏ theo tiêu chuẩn thế giới, hướng vào xuất khẩu và chuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia. Số doanh nghiệp có dưới năm lao động là 10,8%, so với mức 9,1% của năm 2019. Tỉ lệ doanh nghiệp có số vốn dưới 500 triệu đồng tăng lên mức cao kỷ lục 13,1%. Tỉ lệ doanh nghiệp có từ 5-9 lao động cũng tăng từ 10,6 lên 11,3%.

Với nhóm doanh nghiệp lớn, có 3,7% doanh nghiệp FDI có số vốn chủ sở hữu từ 200 – 500 tỉ đồng. 4,6% doanh nghiệp có số vốn trên 500 tỉ đồng. Cũng như ở các nước khác, dường như doanh nghiệp FDI tại Việt Nam buộc phải cắt giảm quy mô lao động và ngừng đầu tư để ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn do COVID-19 gây ra.

Phần lớn doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp sản xuất, các ngành chiếm tỉ trọng đáng kể là sản xuất chế biến cao su, nhựa và sản xuất thiết bị điện tử, máy tính. Dữ liệu điều tra cho thấy, có sự dịch chuyển khỏi ngành may mặc sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao hơn như sản xuất máy tính, thiết bị điện tử.

Cơ cấu phân bổ doanh nghiệp FDI theo xuất xứ tiếp tục xu hướng ổn định của các năm trước. Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với 452 doanh nghiệp tham gia mẫu điều tra PCI-FDI 2020. Tiếp theo là Nhật Bản và Đài Loan, với số doanh nghiệp tương ứng lần lượt là 385 và 168 trong mẫu. Trong suốt 11 năm điều tra PCI-FDI, số doanh nghiệp Trung Quốc trong mẫu lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 doanh nghiệp. Số liệu cụ thể là 104 doanh nghiệp Trung Quốc trong PCI 2020, so với 82 doanh nghiệp trong mẫu điều tra 2019.

Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế, giám đốc dự án PCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI)

Ông Đậu Anh Tuấn.

Việt Nam đang hấp dẫn hơn. Các doanh nghiệp FDI đánh giá cao về sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam trong tương quan với nhiều nước trong khu vực. Kết quả điều tra các doanh nghiệp FDI về đánh giá chín yếu tố cơ bản của môi trường kinh doanh tại Việt Nam cho thấy, yếu tố chính trị ổn định liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỉ lệ trên 90%.

Hai yếu tố thuế và vai trò của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách được cho là các điểm yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư vào Việt Nam do các yếu tố này dao động xung quanh mức 60% vào năm 2020.Gánh nặng thanh tra, kiểm tra cũng đã giảm bớt đối với các doanh nghiệp FDI. Số cuộc thanh tra, kiểm tra bình quân năm của các doanh nghiệp FDI giảm dần, từ mức trung bình 2,85 cuộc/doanh nghiệp năm 2016 xuống còn 2,1 cuộc/doanh nghiệp năm 2020.

Dù vậy, môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố phải cải cách, theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI. Theo đó, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả của các nỗ lực kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và cần nâng cấp mạnh mẽ cơ sở hạ tầng.

Để kết nối thành công giữa doanh nghiệp FDI và trong nước. Qua hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, theo nhiều đánh giá, kết nối giữa khu vực FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa thành công, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ doanh nghiệp nước ngoài đến doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực được chào đón, được Chính phủ kỳ vọng về những tiến bộ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Một đặc điểm khác với trước đây, các dự án FDI chủ yếu hoạt động theo mô hình 100% vốn nước ngoài, ít doanh nghiệp liên doanh (theo ước tính hơn 80% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài).

Các doanh nghiệp dân doanh trong nước chưa tham gia thành công trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Điều tra PCI của VCCI nhiều năm liền cho thấy tỉ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp tư nhân giai đoạn 2016-2018, có khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Tín hiệu tích cực là con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, dù rất chậm chạp. Điều tra PCI 2019 tỉ lệ này là 17%.

Tín hiệu khả quan khác là doanh nghiệp FDI ngày càng bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào tại nước xuất xứ. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 41,4% năm 2020. Cùng với đó, doanh nghiệp FDI cũng giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba hơn so với 5 năm trước. Chỉ 26,8% doanh nghiệp FDI cho biết đã sử dụng nhà cung cấp bên thứ ba trong năm 2020, so với 39% năm 2016.

Các số liệu này cho thấy các doanh nghiệp FDI đang chuyển hướng, về chiều sâu chứ không phải về chiều rộng, sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam. Nói cách khác, tỉ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng nhà cung cấp Việt Nam không tăng song dường như mức độ hài lòng của những doanh nghiệp FDI, vốn có nguồn cung ứng đa dạng, đối với các nhà cung cấp Việt Nam đã đủ để họ ngừng sử dụng hoặc giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài.

Theo báo cáo PCI của VCCI, liên kết yếu giữa doanh nghiệp dân doanh và FDI chủ yếu do ba yếu tố. Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực. Kế tiếp là trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cuối cùng là khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân hơn nữa, cần thực hiện các giải pháp dưới đây:

Việt Nam cần cải thiện hiệu quả hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Để thực hiện điều này rất khó kỳ vọng vào nỗ lực tự thân của chính doanh nghiệp, mà cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hàng loạt các vấn đề như: dành nguồn lực để cải thiện chất lượng các trường đào tạo nghề; kết nối hoạt động đào tạo nghề và thực tiễn phát triển công nghệ; khuyến khích đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào hoạt động đào tạo nghề…

Để giảm khoảng cách về công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa, cần có giải pháp đột phá để cải thiện và thu hẹp khoảng cách này như cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ hiệu quả, vận hành quỹ phát triển công nghệ, sử dụng các chính sách về thuế, tài chính để khuyến khích đầu tư công nghệ cao…

Khoảng cách địa lý cũng có tác động đến sự nối kết này. Việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, tách biệt các doanh nghiệp FDI, có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và xuất khẩu. Tuy nhiên, nó lại hạn chế hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Một nghiên cứu của VCCI đã mô hình hóa vị trí địa lý đặt nhà máy của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước và chứng minh được rằng, khoảng cách địa lý ảnh hưởng lớn đến mức độ nối kết giữa hai khu vực này. Vì vậy, khi thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI cũng phải tính đến sự nối kết với các khu, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tác giả Đậu Anh Tuấn là trưởng ban Pháp chế, giám đốc dự án PCI, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 93, tháng 5.2021

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tang-hieu-ung-lan-toa-cua-dong-von-fdi)