multi-media / Megastory

Danh sách: Tài sản tỉ phú Malaysia nghèo đi sau đại dịch

Trong khi một số nhà đại tư bản thắng đậm, những người khác phải đối mặt với tình trạng khó khăn. Tổng tài sản của 50 người giàu nhất Malaysia giảm 10%.

Vượt qua đại dịch và ảnh hưởng của lũ quét hồi tháng 12.2021, nền kinh tế Malaysia tăng trưởng 5% trong quý đầu tiên của năm 2022, một phần nhờ nhu cầu trong nước phục hồi.

Thị trường chứng khoán giảm nhẹ trong 12 tháng qua, đồng thời biến động tiền tệ khiến đồng ringgit giảm 6%. Tổng tài sản của 50 người giàu nhất Malaysia giảm 10% so với một năm trước xuống còn 80,5 tỉ đô la Mỹ.

Tổng cộng, 30 nhà đại tư bản chứng kiến khối tài sản của họ sụt giảm, bao gồm cả người sáng lập huyền thoại Robert Kuok của tập đoàn Kuok, với tài sản giảm 10% xuống còn 11 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, nhà tài phiệt 98 tuổi vẫn giữ vị trí số một, vị trí ông đã nắm giữ trong hơn hai thập niên.

Không có sự thay đổi nào trong ba thứ hạng hàng đầu. Với tài sản 10,1 tỉ đô la Mỹ, Quek Leng Chan, chủ tịch công ty Hong Leong (Malaysia), là người kiếm được nhiều tiền nhất tính theo đồng đô la và củng cố vị trí người giàu thứ hai Malaysia.

Koon Poh Keong cùng anh chị em của mình, những người kiểm soát công ty nhôm khổng lồ Press Metal, vẫn ở vị trí thứ ba với 6,2 tỉ đô la Mỹ, gần như không đổi so với một năm trước.

Các nhà sản xuất găng tay cao su của đất nước này, những người có tài sản tăng mạnh lớn năm ngoái, phải đối mặt với thực tại khắc nghiệt. Nhu cầu về đồ bảo hộ cá nhân, vốn tăng cao vào năm 2021, đã hạ xuống khi đại dịch giảm bớt, khiến cổ phiếu các công ty của họ rớt giá sâu.

Kuan Kam Hon của Hartalega Holdings và Lim Wee Chai của Top Glove có tài sản giảm nhiều nhất tính theo đồng đô la và ra khỏi tốp 10 người hàng đầu.

Giá trị tài sản ròng của vợ chồng Stanley Thai Cheryl Tan của công ty Supermax giảm hơn 2/3, mức giảm nhiều nhất tính theo tỉ lệ phần trăm. Tổng tài sản của nhóm năm người này, bao gồm Lim Kuang Sia của Kossan Rubber Industries và Wong Teek Son của Riverstone Holdings, giảm hơn 5,7 tỉ đô la Mỹ.

Lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn tạm thời của Indonesia trong bối cảnh sản lượng dầu cọ của Malaysia giảm khiến lợi nhuận của các nhà đại tư bản trong lĩnh vực đó tăng lên. Tài sản đồng sở hữu của hai anh em Lee Oi HianHau Hian tốt nghiệp tại Hoa Kỳ tăng hơn 1/3 khi cổ phiếu của công ty Batu Kawan và công ty con về đồn điền tăng vọt nhờ lợi nhuận tăng.

Ling Chiong Ho, một trong hai người trở lại năm nay, quay lại danh sách sau bốn năm vắng bóng nhờ cổ phiếu của Sarawak Oil Palm, công ty hàng đầu của tập đoàn Shin Yang, tăng giá.

Đợt niêm yết của công ty sản xuất sữa Farm Fresh hồi tháng 3.2022 đưa Loi Tuan Ee, người đồng sở hữu 380 triệu đô la Mỹ với hai anh chị em ruột, lần đầu tiên lọt vào danh sách, trở thành người mới duy nhất của năm nay. Công ty do Loi và anh trai Tuan Kin thành lập năm 2007 và tiếp tục nhận được đầu tư của quỹ đầu tư quốc gia Malaysia Khazanah Nasional, có năm trang trại bò sữa ở Malaysia và một trang trại ở Úc.

Giá trị tài sản ròng tối thiểu để lọt vào danh sách là 255 triệu đô la Mỹ, giảm từ mốc 315 triệu đô la Mỹ của năm ngoái. Ba người trong danh sách năm ngoái không vào danh sách năm nay.

Lim Peng Jin & Lim Peng Cheong: Kiên trì


Bất chấp COVID-19, lạm phát và những vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Lim Peng Jin, giám đốc điều hành của nhà sản xuất bao bì nhựa và phát triển bất động sản Scientex, vẫn kiên trì với những mục tiêu đầy tham vọng mà ông đặt ra từ lâu. Lim cho biết qua email: “Chúng tôi tuân theo tầm nhìn của mình về việc tăng gấp đôi quy mô sau mỗi năm năm.”

Cùng với anh trai Lim Peng Cheong, ông sở hữu hơn một nửa công ty niêm yết tại Malaysia. Giá trị tài sản ròng của họ giảm 16% xuống còn 790 triệu đô la Mỹ do cổ phiếu của Scientex giảm mạnh kể từ đầu năm.

Giá nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển hàng hóa cho hoạt động kinh doanh bao bì tăng, tình trạng thiếu nguyên liệu trong mảng bất động sản khiến lợi nhuận giảm.

Trong quý tài chính thứ hai kết thúc vào ngày 31.1.2022, lợi nhuận ròng giảm 16% xuống 93,7 triệu ringgit (21,3 triệu đô la Mỹ) so với năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu vẫn mạnh, tăng 5% lên 952 triệu ringgit (216,3 triệu đô la Mỹ), do nhu cầu ở nước ngoài đối với các sản phẩm bao bì của hãng tăng.

Scientex bắt đầu mua lại các doanh nghiệp trong gần một thập niên qua, mua sáu công ty cho doanh nghiệp bao bì có khách hàng ở hơn 60 quốc gia và chiếm 2/3 tổng doanh thu.

Lim nói: “Chúng tôi đã quen với biến động giá nguyên liệu, nhưng chi phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh và kéo dài đặt ra thách thức cho nhiều ngành công nghiệp. Chúng tôi hi vọng sẽ duy trì được đà tăng trưởng của mình.”

Lim cho biết Scientex sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất – gồm cả việc ra mắt nhà máy sản xuất máy quấn màng bọc tự động đầu tiên ở châu Á vào cuối năm nay – khi họ tiến hành các thương vụ mua lại ở địa phương và khu vực.

Trong năm tài chính 2023, công ty đặt mục tiêu sản xuất 400 ngàn tấn bao bì và xây dựng 8.000 căn hộ giá phải chăng. Đến năm 2028, công ty kỳ vọng xây dựng 50 ngàn căn hộ giá phải chăng và đạt doanh thu 10 tỉ ringgit (2,2 tỉ đô la Mỹ) thông qua tăng trưởng hữu cơ và mua lại.

Azman Hashim: Chương mới


Một kỷ nguyên vừa chấm dứt tại tập đoàn AmBank sau khi chủ tịch lâu năm, Azman Hashim, từ chức vào cuối tháng 4.2022. Là cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, Azman đã lãnh đạo tập đoàn ngân hàng có vốn hóa 2,6 tỉ đô la Mỹ trong hơn bốn thập niên, xây dựng ngân hàng này thành bên cho vay lớn thứ sáu của Malaysia tính theo tài sản, với ba triệu khách hàng và mạng lưới chi nhánh khắp toàn quốc.

Phục hồi giá trị thị trường của công ty AMMB Holdings niêm yết tại Malaysia là một thách thức. Kể từ khi đạt mức kỷ lục tám ringgit (1,80 đô la Mỹ) cho một cổ phiếu gần một thập niên trước, giá cổ phiếu của AMMB đã giảm 57% và tiếp tục tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong nước là Maybank và CIMB về thị phần, tài sản và vốn hóa thị trường.

Nhưng hiệu suất của ngân hàng này đã được cải thiện trong năm qua, nâng giá trị tài sản ròng của Azman tăng 1/3, lên 560 triệu đô la Mỹ kể từ lần gần nhất Forbes tính toán giá trị tài sản. Trong chín tháng tính đến tháng 12.2021, lợi nhuận ròng tăng 28% lên 1,1 tỉ ringgit (249,6 triệu đô la Mỹ), trong khi doanh thu tăng 4% lên 3,5 tỉ ringgit (794,2 triệu đô la Mỹ), nhờ khoản tín dụng thuế trong quý ba.

Gần đây, ngân hàng hoàn tất khoản thanh toán đầu tiên của thỏa thuận dàn xếp trị giá 2,8 tỉ ringgit (635,4 triệu đô la Mỹ) liên quan đến việc họ dính líu tới vụ bê bối 1Malaysia Development Berhad (1MDB).

Mặc dù AmBank từ chối bình luận, nhưng trong báo cáo thường niên mới nhất của mình, AmBank đã lưu ý rằng vấn đề này “chắc chắn ảnh hưởng đáng kể đến kết quả FY2021 của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn có khả năng phục hồi về mặt tài chính.” Tập đoàn cũng thông báo rằng họ sẽ tạm dừng chi trả cổ tức để “bảo tồn sức mạnh vốn trong những điều kiện kinh tế đầy thách thức này.”

Azman, người mua lại ngân hàng Thương mại Malaysia- Ả Rập vào năm 1982, vẫn là chủ tịch danh dự và cố vấn danh dự. Ông cũng tiếp tục nắm giữ cổ phần thiểu số tại ngân hàng. Người phát ngôn của công ty, Syed Anuar Syed Ali, cho biết: “Tập đoàn có ban giám đốc rất mạnh mẽ và chuyên nghiệp cũng như ban quản lý cấp cao, những người sẽ tiếp tục theo đuổi sứ mệnh và mục tiêu đã đề ra.”

AMMB bổ nhiệm giám đốc điều hành kỳ cựu Md Nor Yusof, cựu chủ tịch ủy ban Chứng khoán Malaysia và CIMB, kế nhiệm Azman làm chủ tịch không điều hành.

Quỳnh Anh biên dịch

Theo Forbes Việt Nam số tháng 108, tháng 8.2022

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tai-san-ti-phu-malaysia-ngheo-di-sau-dai-dich)