Tài sản của cựu tỉ phú công nghệ giáo dục (edtech) Byju Raveendran, nhà sáng lập Byju’s, giảm mạnh xuống còn 100 triệu USD khi Prosus tiếp tục hạ mức định giá của công ty edtech ở Ấn Độ.
Byju’s tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng khác. Công ty đầu tư Prosus niêm yết tại Amsterdam hạ giá trị của 9,6% cổ phần trong Think & Learn, công ty mẹ của Byju’s tại Bangalore, lần thứ 3 liên tiếp trong 14 tháng qua. Hiện Byju’s được định giá dưới 3 tỉ USD.
Lần đầu tiên Prosus hạ giá trị cổ phần trong Think & Learn vào tháng 9.2022.
Tại thời điểm đó, Prosus định giá Byju’s 6 tỉ USD. Trong tháng 3.2023, Prosus giảm mức định giá 1 lần nữa, xuống còn 5,1 tỉ USD. Hồi tháng 7.2022, Byju’s được định giá ở mức cao 22 tỉ USD.
Prosus đã đưa ra thông báo mới nhất trong cuộc họp trực tuyến báo cáo lợi nhuận của 6 tháng kết thúc vào ngày 30.9. Gã khổng lồ truyền thông Nam Phi Naspers sở hữu phần lớn cổ phần trong Prosus.
“Chúng tôi đã giảm giá trị của Byju’s thêm 315 triệu USD. Vì vậy, hiện mức định giá của Byju’s chưa đạt 3 tỉ USD,” Basil Sgourdos, giám đốc tài chính của Prosus, cho biết trong cuộc họp báo cáo lợi nhuận.
Prosus đầu tư 536 triệu USD vào Think & Learn kể từ năm 2018. Ngoài ra, công ty còn nổi tiếng đầu tư vào nhiều công ty internet như Tencent.
“Chúng tôi vẫn tin rằng edtech là thị trường đầy tiềm năng nhưng còn một vài điều cần phải cải thiện để phát triển hiệu quả,” Ervin Tu, giám đốc đầu tư tại Prosus, cho biết trong cuộc họp.
Với mức định giá hiện tại, giá trị của 18% cổ phần Byju Raveendran, nhà sáng lập Byju’s, nắm giữ ước tính khoảng 100 triệu USD sau khi trừ các khoản vay, giảm so với 475 triệu USD vào tháng 3.2023 và thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 3,6 tỉ USD vào tháng 7.2022.
Trước đây Raveendran là một giáo viên và sau khi thành lập Byju’s, ông gia nhập vào câu lạc bộ tỉ phú vào năm 2020 với khối tài sản 1,8 tỉ USD.
Các chuyên gia trong ngành đưa ra quan điểm khác nhau khi Byju’s bị giảm mức định giá.
Ganesh Natarajan, chủ tịch công ty đầu tư và tư vấn kỹ thuật số 5F World, nhận xét rằng mức định giá 3 tỉ USD “phù hợp” cho Byju’s. “Công ty cần phát triển và thể hiện rõ ràng mô hình kinh doanh đảm bảo công ty vừa tăng trưởng vừa có lợi nhuận.”
Doanh nhân K.Ganesh lại có suy nghĩ khác.
“Các công ty công nghệ giáo dục như Byju’s được định giá ở mức cao nhất trong thời kỳ đại dịch và hiện mức định giá của những công ty đó đều giảm nhiều,” Ganesh, nhà đồng sáng lập công ty giáo dục trực tuyến TutorVista nhưng sau đó ông bán cho tập đoàn giáo dục lớn trên thế giới Pearson, nói.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ mức định giá dưới 3 tỉ USD này quá thấp. Trước giờ chưa từng có một thương vụ nào giao dịch nào ở mức định giá trên. Những nhà đầu tư khác trong Byju’s có thể đưa ra mức định giá hoàn toàn khác cho công ty.”
Chẳng hạn, gã khổng lồ quản lý tài sản toàn cầu BlackRock cũng hạ mức định giá của Byju’s hai lần trong 18 tháng qua – xuống còn 11,5 tỉ USD hồi tháng 10 và 8,4 tỉ USD vào tháng 5.
Byju’s đang phải đối mặt với nhiều thách thức – từ sa thải nhân viên, thua lỗ cho đến cuộc điều tra của chính phủ với cáo buộc liên quan đến vi phạm ngoại hối.
Đầu tháng 11, công ty báo cáo kết quả kinh doanh cho năm tài chính 2022. Kết quả này đã bị trì hoãn công bố nhiều lần. Doanh thu của riêng công ty (không bao gồm doanh thu của các công ty con như Aakash Educational Services) tăng gấp đôi lên 35,7 tỉ INR (khoảng 430 triệu USD) trong khi khoản lỗ giảm xuống còn 22,5 tỉ INR (269,8 triệu USD) so với 24 tỉ INR (287,8 triệu USD) của năm trước.
Ngày 21.11, trong bài đăng trên X, tổng cục Thực thi Ấn Độ, cơ quan trực thuộc chính phủ điều tra các hành vi vi phạm luật ngoại hối, cho biết đã “thông báo lý do rõ ràng” cho Think & Learn và Byju Raveendran “về vi phạm liên quan đến số tiền 93,62 tỉ INR (1,1 tỉ USD)” theo luật ngoại hối của Ấn Độ – FEMA.
Ngày 29.11, Byju’s cho biết “công ty đã cung cấp bằng chứng để xóa tan mọi nghi ngờ về những hành vi sai trái liên quan đến việc nhận vốn đầu tư nước ngoài hoặc phân bổ cổ phần.”
“Nhà đầu tư hãy an tâm. Byju’s luôn tuân thủ các quy định trong luật ngoại hối. Các công ty luật uy tín phụ trách quá trình thẩm định toàn diện để xác minh sự trong sạch của Byju’s,” công ty nói thêm.
Công ty mẹ của Byju’s còn đối mặt với nhiều thách thức khác bao gồm việc một kiểm toán viên và ba thành viên hội đồng quản trị từ chức hồi tháng 6 và gặp rắc rối pháp lý về khoản vay 1,2 tỉ USD.
Tuy nhiên công ty có một số chuyển biến tích cực. Vào tháng 7, Byju’s thành lập hội đồng cố vấn bao gồm Rajnish Kumar, cựu chủ tịch ngân hàng khổng lồ State Bank of India ở Ấn Độ, và T. V. Mohandas Pai, cựu giám đốc tài chính kiêm giám đốc của gã khổng lồ công nghệ thông tin Infosys.
Cũng trong tháng 11, để thể hiện niềm tin, “ông trùm” chăm sóc sức khỏe Ranjan Pai đầu tư 170 triệu USD vào công ty con Aakash Educational Services để giúp Byju’s giải quyết khoản vay từ công ty quản lý đầu tư toàn cầu Davidson Kempner.
Biên dịch: Gia Nhi
————————–
Xem thêm:
Doanh nhân edtech không còn là tỉ phú sau khi định giá của Byju’s giảm 77%
Công ty edtech Byju’s tiếp tục đối mặt với khó khăn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tai-san-cua-byju-raveendran-giam-manh-xuong-con-100-trieu-usd)
11 tháng trước
Cổ đông của Byju’s thông qua báo cáo kinh doanh năm 20222 năm trước
Nhà sáng lập Byju Raveenderan “tất tay vào Byju”11 tháng trước
Công ty Edtech Ấn Độ Byju’s huy động tài chính