Kinh doanh

StrongArm Tech sáp nhập với một công ty tư nhân để mở rộng hoạt động

11 tháng trước
Tác giả Amy Feldman

StrongArm Technologies lên kế hoạch sáp nhập với một công ty tư nhân để có thêm vốn tăng cường hoạt động sản xuất và bán được nhiều thiết bị đeo bảo hộ lao động.

Share
this:

Một công ty tư nhân sẽ mua lại StrongArm Technologies, công ty phòng ngừa tai nạn lao động do Sean Petterson, thành viên trong danh sách Under 30, sáng lập, khi thị trường thiết bị đeo dùng trong ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao.

“Chúng tôi sẽ sáp nhập với một công ty khác để phát triển vị thế của công ty trong ngành như kế hoạch,” Petterson nói với Forbes. Anh từ chối nêu tên công ty sẽ mua lại cũng như không tiết lộ giá mua.

Nhà sáng lập Sean Petterson của StrongArm Tech. Ảnh: Jamel Toppin/Forbes

Petterson, 32 tuổi, lọt vào danh sách Under 30 năm 2017 trong lĩnh vực sản xuất & công nghiệp nhờ vào nỗ lực sản xuất ra thiết bị công nghệ bảo hộ lao động có thể đeo được giúp công nhân trong ngành công nghiệp tránh thương tích.

Hồi tháng 1.2022, anh đã huy động được 50 triệu USD với mức định giá 200 triệu USD, do Drive Capital dẫn đầu, để tăng cường sản xuất cũng như bán các thiết bị đeo của startup.

Nhưng năm vừa qua thật khó khăn đối với StrongArm, cũng như đối với nhiều công ty nhận vốn đầu tư mạo hiểm, khi nguồn tài chính cạn kiệt.

“Chúng tôi sẵn sàng vượt qua nền kinh tế khó khăn, tuy nhiên công ty sắp hết vốn,” Petterson nói. “Về cơ bản, chúng tôi tối ưu hóa lợi nhuận, nhưng thành thật mà nói, đang vật lộn để tìm nguồn vốn mới.”

Khi công ty cố gắng huy động vốn đầu tư mạo hiểm mới trong thị trường khó khăn trong suốt mùa đông, thì một công ty tư nhận đưa ra lời đề nghị mua lại nên công ty chớp lấy cơ hội này. Theo kế hoạch, văn phòng của StrongArm ở Brooklyn sẽ chuyển đến Denver và hoạt động chủ yếu từ xa. Petterson sẽ ở lại công ty đảm nhận chức vụ CEO.

Bản thân Petterson muốn thành lập StrongArm vì cha của anh, một công nhân xây dựng, qua đời do đau tim ở tuổi 50 khi đang làm việc trên mái nhà của công trường. Công ty từng đạt được doanh thu 10 triệu USD vào năm 2021 cũng như hi vọng đạt 25 triệu USD vào năm 2022.   

Petterson có ý tưởng phát triển StrongArm khi đang học thiết kế sản phẩm tại học viện Công nghệ Rochester và thành lập công ty vào năm 2011. “Điều quan trọng nhất là tạo ra một thứ gì đó giúp những công nhân như cha tôi tránh tai nạn. Tôi đã làm được vì vậy cảm thấy hài lòng về điều đó,” Petterson nói.

Tai nạn lao động là một vấn đề lớn đối với người lao động chân tay, những người mà StrongArm gọi là “vận động viên trong ngành công nghiệp,” nhưng thiết bị đeo rất khó thiết kế và chậm phát huy hiệu quả như lời hứa của người sáng lập.

Bộ khung xương trợ lực đầu tiên của StrongArm, được chế tạo để giảm mỏi cánh tay, tránh căng cơ cũng như ngăn ngừa chấn thương lưng, mất nhiều thời gian để sản xuất ra. Sau đó, khi trí tuệ nhân tạo thâm nhập vào nhiều ngành công nghiệp, khách hàng bắt đầu yêu cầu thiết bị đeo càng nhỏ gọn, có thêm dữ liệu hơn.

Vì vậy, StrongArm làm cho thiết bị nhỏ hơn để gắn vào hông của công nhân hoặc đặt giữa hai bả vai bằng dây đeo X-pack. Startup cũng xử lý dữ liệu được thu thập bằng các cảm biến đồng thời thiết lập công cụ hiện thị thông tin AI để phân tích dữ liệu đó nhằm thực hiện lời hứa giảm thiểu chấn thương và mang lại lợi nhuận tốt hơn.

Đến tháng 1.2022, công ty sản xuất hơn 30.000 thiết bị cho công nhân của khách hàng sử dụng, bao gồm Walmart, Albertsons và Toyota. Hồi tháng 5.2021, Walmart sử dụng công nghệ của StrongArm cho 6.000 công nhân tại 18 tòa nhà. Kết quả giảm tỉ lệ thương tích gần 65% trong năm đầu, thêm 27% trong năm thứ hai, và 16% trong năm thứ ba.

Trên thị trường, StrongArm đang cạnh tranh với nhiều startup như Modjoul và Voxel. Modjoul, do Eric Martinez, cựu giám đốc phụ trách xử lý những khiếu nại của AIG, thành lập, nhận được khoản đầu tư từ quỹ đổi mới công nghiệp trị giá 1 tỉ USD của Amazon vào tháng 4.2022. Trong khi đó, Voxel được quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ, cung cấp sản phẩm cho nhiều khách hàng, bao gồm Office Depot, Michaels và Dollar Tree.

Biên dịch: Gia Nhi

———————–

Xem thêm:

Seso muốn giúp giải quyết khủng hoảng lao động trong ngành nông nghiệp thông qua tự động hóa
5 bước giúp doanh nghiệp tăng tính bền vững để giữ chân người lao động