Công ty của nhà nghiên cứu Paul Le Floch, Axoft, đang phát triển thiết bị cấy ghép não làm từ vật liệu mềm dẻo, giúp giảm chấn thương và có thể điều trị các căn bệnh rối loạn tâm thần như bại liệt.
Vào đầu năm 2022, giao diện não – máy tính đầu tiên đã được cấy ghép thành công vào bệnh nhân bị bại liệt, giúp họ tự giao tiếp với người khác thông qua máy tính. Thành quả tưởng chừng như chỉ có trong tác phẩm khoa học – viễn tưởng nay đã trở thành hiện thực và nhiều công ty nhảy vào cuộc đua phát triển ra công nghệ tương tự cho nhiều mục đích ứng dụng khác nhau. Trường hợp nổi tiếng nhất có lẽ là Neuralink của tỉ phú Elon Musk, bên cạnh những công ty khác.
Trong số đó có Axoft, công ty do nhà nghiên cứu Paul Le Floch thành lập vào năm 2021 với mục tiêu sử dụng các vật liệu mềm dẻo trong việc phát triển công nghệ cấy ghép não có khả năng điều trị những hội chứng rối loạn thần kinh như căn bệnh bại não, cũng như hỗ trợ bệnh nhân giao tiếp. Vào ngày 18.10, Axoft thông báo huy động thành công 8 triệu USD từ vòng hạt giống do quỹ đầu tư The Engine dẫn dắt.
Theo Paul Le Floch, 29 tuổi, điểm khác biệt của Axoft nằm ở vật liệu sử dụng. “Chúng tôi phải cân nhắc xem nên sử dụng vật liệu nào cho việc cấy ghép vào não, vì vấn đề lớn nhất là khi đặt thiết bị điện tử lên mô não,” anh nói.
Cụ thể, vấn đề nằm ở việc bộ não của con người không muốn “tiếp nhận” chip điện tử, khi hệ miễn dịch nhanh chóng phản ứng và hình thành vết sẹo ở xung quanh. Hệ quả là thiết bị cấy ghép sẽ ngừng hoạt động. Nhằm khắc phục vấn đề này, Le Floch cho biết Axoft đã sử dụng vật liệu polymer mềm nhằm tránh để lại vết sẹo.
Hiện nay, thiết bị cấy ghép não của Axoft đã nhận được chứng nhận thiết bị y tế đột phá, qua đó đẩy nhanh quá trình cấp phép theo quy định từ cục Quản Lý Thực Phẩm Và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Axoft ban đầu là dự án nghiên cứu của Le Floch trong khoảng thời gian theo học tiến sĩ tại đại học Harvard vào năm 2016, thời điểm anh hình thành niềm yêu thích với các loại vật liệu polymer mềm mới có tiềm năng trở thành nền tảng cho hệ thống điện tử sinh học. Lúc đó, anh tham gia phòng nghiên cứu của Jia Liu, trợ giảng tại một trường đại học chuyên về nghiên cứu điện tử sinh học. Họ cùng một nhà nghiên cứu khác Tianyang Ye phát triển phiên bản đầu tiên của thiết bị cấy ghép não hiện nay.
Một trong những phát hiện thú vị nhất ba người phát hiện được từ quá trình nghiên cứu là vật liệu mềm không để lại vết sẹo xung quanh mô não, và có khả năng kết nối với hàng nghìn tế bào thần kinh hơn công nghệ hiện nay. Điều này mở ra những khả năng ứng dụng từ thiết bị cấy ghép não.
Le Floch cho biết anh quyết định rời khỏi giảng đường đại học để lập nghiệp, đồng sáng lập Axoft với Jia Liu và Tianyang Ye, người giữ chức giám đốc tài chính (CTO). Với anh, việc rời ghế nhà trường để nhanh chóng chuyển sang giai đoạn ứng dụng lâm sàng là điều vô cùng quan trọng.
Bước đi tiếp theo của Axoft là mở rộng quy mô, khi Le Floch có kế hoạch sử dụng vốn đầu tư từ vòng hạt giống để chuyển sang giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng cho thiết bị cấy ghép lên động vật và bổ sung nhân sự. Về mặt ứng dụng, một trong những đối tượng công ty hướng đến đầu tiên là các bệnh nhi mắc phải căn bệnh bại liệt. Le Floch lưu ý “chưa có công ty nào phát triển thiết bị cấy ghép não cho trẻ em” do rất khó để kiểm soát bộ não đang trong giai đoạn phát triển. Tuy vậy, Axoft có thể tránh những vấn đề phát sinh từ việc sử dụng vật liệu mềm.
Các nhà đầu tư cũng tỏ ra hào hứng với hướng đi của Axoft. “Tôi cho rằng, nếu Axoft có thể phát triển ra công nghệ tuyệt vời như vậy thì việc đưa những những thiết bị này vào bộ não của bạn sẽ không phải điều kỳ lạ nữa, và có thể điều trị bệnh bại liệt, bại não hay phức tạp hơn như trầm cảm. Axoft đang nỗ lực hiện thực hóa điều đó, vậy nên công nghệ này cũng chỉ như máy tạo nhịp tim,” Reed Sturtavant, tổng giám đốc của The Engine, cho biết.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/startup-axoft-phat-trien-cong-nghe-cay-ghep-nao-the-he-moi)