Tập trung vào chuyên ngành đột quỵ và tim mạch, bệnh viện quốc tế Đa khoa S.I.S Cần Thơ đã cứu mạng sống hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm.
Một ngày đầu tháng tám, bé L. (4 tuổi) được cấp cứu tại bệnh viện S.I.S Cần Thơ trong tình trạng hôn mê. Sau hội chẩn khẩn cấp, các bác sĩ quyết định can thiệp nội mạch lấy máu đông. Bé L. dần hồi phục và ra viện sau hơn hai tuần điều trị. Em là ca bệnh đột quỵ nhỏ tuổi nhất đến nay được ghi nhận tại đây và là trường hợp bị đông máu động mạch não hiếm gặp ở độ tuổi này.
“Mỗi ngày có hàng chục ca cấp cứu đột quỵ, bệnh này không có triệu chứng, không hề báo trước,” tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, giám đốc chuyên môn S.I.S Cần Thơ nói với Forbes Việt Nam. Bên ngoài căn phòng không lắp cửa ở tầng hai này, bệnh nhân ngồi chờ kín các hàng ghế. Dưới tầng trệt, các nhân viên tiếp nhận bệnh làm việc liên tục. Xe hơi xếp hàng dài trên con đường đôi Nguyễn Văn Cừ trước cổng bệnh viện.
S.I.S Cần Thơ, trước đây là bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, là cái tên đáng chú ý trong hệ thống bệnh viện tư ở Việt Nam, được nhiều bệnh nhân từng bị đột quỵ nhắc đến như cứu tinh của mình. Chính thức hoạt động từ tháng 2.2019, S.I.S Cần Thơ có quy mô 200 giường cùng hơn 500 bác sĩ và nhân sự các bộ phận, tập trung vào các bệnh liên quan đến đột quỵ, tim mạch bằng hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại theo chuẩn quốc tế.
Cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế thống kê mỗi năm Việt Nam có khoảng 200 ngàn ca đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, hơn 50% tử vong. Độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa, tỉ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3. Tuy nhiên theo bác sĩ Cường, con số thực tế hiện đã lên tới 250 ngàn ca hằng năm. Điều đau lòng là hơn 90% bệnh nhân đến trễ thời gian vàng (4,5 giờ đối với trường hợp tắc nghẽn mạch máu cần tiêm thuốc tiêu sợi huyết để phục hồi tốt nhất và 6 giờ với trường hợp lấy cục máu đông.)
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, số bệnh nhân đột quỵ mỗi năm từ 15 – 20 ngàn người, đông nhất nước tính theo mật độ dân cư. Người bệnh từ miền Tây lên TP.HCM có thể không còn cơ hội cứu chữa do con đường độc đạo là quốc lộ 1 luôn đông đúc, quá tải. Cách khả thi nhất là đưa cơ sở cứu chữa đến gần người bệnh, tối đa trong ba giờ di chuyển. S.I.S Cần Thơ vì thế trở thành “điểm vàng” cứu bệnh nhân đột quỵ ở 13 tỉnh miền Tây.
Tại Cần Thơ hiện có nhiều cơ sở y tế công và tư tiếp nhận điều trị bệnh nhân đột quỵ như bệnh viện Ða khoa Trung ương Cần Thơ, Ða khoa thành phố Cần Thơ, Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, bệnh viện đại học Y dược Cần Thơ. Quy mô, mức độ chuyên khoa tại các cơ sở này rất khác nhau. Tính trên cả nước, có hơn 180 cơ sở tương tự nhưng chủ yếu tiếp nhận, đánh giá nhanh, phân loại, xử trí cấp cứu ban đầu và hỗ trợ vận chuyển tới cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.
Trò chuyện với Forbes Việt Nam tại phòng làm việc nhỏ nằm ở tầng tám, bác sĩ Cường cho biết COVID-19 đã trở thành phép thử vàng, tạo ra bước nhảy vọt cho bệnh viện. Áp lực chung tất cả các bệnh viện phải đối mặt lúc đó là duy trì vận hành để đảm bảo tài chính trong khi nguy cơ phải đóng cửa bất kỳ lúc nào. S.I.S Cần Thơ không bị đóng cửa nhờ sàng lọc bệnh, chia nhỏ các khu vực bệnh nhân để “chặn” từ xa, không để lây nhiễm chéo – điều nguy hiểm với ca bệnh thập tử nhất sinh tại đây.
Thời điểm đó một số bệnh viện không mở cửa, nhưng cũng không thể lên TP.HCM, nhiều bệnh nhân dồn về S.I.S Cần Thơ cấp cứu. Tổng đài mỗi ngày tiếp nhận cả ngàn cuộc gọi. Chi phí vận hành lúc đó tăng 20% vì bệnh viện tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, tài trợ máy thở cho bệnh viện công, tặng máy đo nồng độ oxy trong máu cho người bệnh trong khi đảm bảo lương bổng và tăng phụ cấp cho nhân viên.
Việc khám bệnh phải đẩy lên online, qua Zalo rồi gửi thuốc về nhà qua bưu điện, tập trung cho người mắc bệnh mãn tính cần uống thuốc liên tục như tiểu đường, cao huyết áp… “Lúc đó một số tỉnh còn không cho giao thuốc, dịch vụ chuyển phát không hoạt động nên bệnh viện bị hồi thuốc trị giá cả tỉ đồng dù đã xuất hóa đơn,” bác sĩ Cường kể.
Bác sĩ Phan Trịnh Minh Hiếu, đồng sáng lập, người bạn đời của bác sĩ Cường, hiện là phó giám đốc điều hành, cho biết số lượng bệnh nhân khám, tầm soát, cấp cứu, cấp cứu đột quỵ, điều trị trong năm 2021 ở S.I.S Cần Thơ tăng từ 20-50% so với năm 2020 (năm 2020 tăng gấp 2-3 lần năm 2019 – năm đầu tiên bệnh viện mở cửa.) Năm 2022, con số có thể tăng khoảng 60%.
Mức tăng trưởng này nằm ngoài tưởng tượng cũng như kế hoạch của họ lúc đi vay vốn ngân hàng xây dựng bệnh viện. Thời điểm đó, bác sĩ Cường đang giảng dạy bộ môn Chẩn đoán hình ảnh tại đại học Y dược TP.HCM, sau 10 năm làm việc tại khoa Tim mạch ở bệnh viện trường này, cũng là nơi bác sĩ Hiếu gắn bó sau khi chuyển từ bệnh viện Sa Đéc, Đồng Tháp.
Trong kế hoạch, mọi con số được lấy theo mức trung bình, ca bệnh bằng phân nửa số ghi nhận thực tế, chi trả dao động từ 10-100 triệu đồng mỗi người nếu cấp cứu và điều trị, cỡ 500 ngàn đồng cho mỗi lượt khám có bảo hiểm y tế. Tổng đầu tư cho bệnh viện 300 tỉ đồng và thời gian hoàn vốn năm năm.
Bác sĩ Cường được một trong ba đối tác sản xuất thiết bị đồng ý bán gói sản phẩm trị giá 200 tỉ đồng trả chậm trong ba năm, không tính lãi suất nhưng phải có ngân hàng bảo lãnh. Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã đồng ý cho vay sau khi “đánh giá kế hoạch tài chính sáng sủa” và là ngân hàng duy nhất trong các ngân hàng bác sĩ Cường gửi hồ sơ vay vốn đồng ý xem xét kỹ dự án.
Bệnh viện được dùng làm tài sản thế chấp để vay tiền xây dựng. Chính quyền UBND thành phố Cần Thơ hỗ trợ bằng cách cho thuê đất 50 năm và cấp sổ đỏ. Với khoản đối ứng 30% để được vay vốn, họ huy động bạn bè, người thân. Cổ đông S.I.S Cần Thơ gồm 10 người, góp bằng chuyên môn và cả tài chính. Lúc đầu việc xây dựng còn gói ghém, sau một năm thì mở rộng, đưa tổng đầu tư hiện lên 500 tỉ đồng.
Theo bác sĩ Cường, bệnh viện chọn hướng khác biệt bằng cách đầu tư thiết bị, máy móc tân tiến nhất. Những máy chụp cộng hưởng từ MRI ba Tesla, máy chụp mạch máu xóa nền DSA, phòng mổ hybrid hiện đại đã trở thành công cụ tiếp thị, truyền thông làm lợi thế cạnh tranh thu hút khách hàng cho S.I.S Cần Thơ. Theo bác sĩ Hiếu, không có gì tốt bằng truyền miệng, nhiều khách hàng đến đây tầm soát, khám bệnh là những người thân quen của những bệnh nhân đã từng được chữa trị tại bệnh viện.
Cô Mã Thị Thanh, quê Sóc Trăng, người đưa bạn đến khám tại S.I.S Cần Thơ kể, sau những lần nghe bác sĩ Cường nói chuyện tại hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, giờ chỉ tập trung làm một việc là đưa bạn bè, người thân đi tầm soát và chăm sóc sức khỏe. “Bệnh viện này rất có ý nghĩa với người miền Tây, nhất là mấy ông chủ doanh nghiệp. Lâu nay phần lớn đều lo làm, ít quan tâm chăm sóc bản thân,” cô Thanh nói.
Giá dịch vụ tầm soát tại S.I.S Cần Thơ từ 9-40 triệu đồng/lượt. Chi phí một ca cấp cứu từ 40 triệu đến một, hai trăm triệu đồng, tùy vào số lượng giá đỡ (stent) sử dụng cũng như ngày điều trị, loại phòng. Trong cơ cấu giá của khoảng 9.000 dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế chiếm khoảng 60%, khấu hao và lãi vay chiếm 10%, lương nhân viên 20%. Với bệnh nhân nghèo, bệnh viện có quỹ từ thiện sở hữu 6,5 tỉ đồng đầu tiên từ tiền túi của các cổ đông sáng lập, đóng góp của nhà hảo tâm, nhân viên bệnh viện và 5% lợi nhuận sau thuế hằng năm.
Bức tranh tài chính của S.I.S Cần Thơ sau gần bốn năm hoạt động là khả quan. Bác sĩ Hiếu cho biết năm 2019 bệnh viện chịu lỗ, năm 2020 giảm lỗ và năm 2021 đã có lời nếu tách riêng phần khấu hao trang thiết bị. Ngay từ năm đầu tiên, bệnh viện đã có dòng tiền để trả lương nhân viên, không phải vay ngân hàng.
Theo bác sĩ Cường, để một bệnh viện tư thành công ở Việt Nam cần ba yếu tố: chuyên môn, tài chính và quản trị vận hành. Tại S.I.S Cần Thơ, bác sĩ Cường như một nhân hiệu chuyên môn, giúp thu hút bác sĩ và khách hàng. Bác sĩ Hiếu với chuyên môn chính là sản phụ khoa, đã học quản lý bệnh viện để đảm nhiệm phần điều hành. Chị Hoàng Kim Nga, con gái của một bệnh nhân từng được bác sĩ Cường cứu, vốn có nhiều năm làm giám đốc ngân hàng, phụ trách tài chính, tìm kiếm vốn đầu tư.
“Một bệnh viện phải trả lời được các câu hỏi: Phục vụ ai? Số lượng khách hàng thế nào? Phí dịch vụ bao nhiêu? Cần quản trị nhân lực, đối đãi với nhân viên và cộng đồng ra sao? Tiền bạc sẽ đến từ sự chuyên tâm của người bác sĩ và sự cống hiến cho cộng đồng của bệnh viện,” ông nói.
Bác sĩ Hiếu thừa nhận với doanh nghiệp bệnh viện, việc quản lý điều hành có nhiều thứ “rất chua”. Xây dựng được quy trình đòi hỏi am hiểu sâu từ nhu cầu, tâm lý người bệnh và người thân, phong cách giao tiếp, văn hóa vùng miền của nhân viên cho đến trình độ bác sĩ, các loại máy móc, các quy định pháp lý. Các vấn đề pháp lý với hàng chục tiêu chí quản lý, tiêu chuẩn vận hành, quy định thuế, môi trường, bảo hiểm xã hội… phức tạp và thay đổi liên tục.
Nhân sự ngành y là vấn đề “chua nhất” khi các bác sĩ “có cái tôi lớn, có nhiều sự lựa chọn công việc, làm bệnh viện hoặc tự mở phòng mạch.” Bác sĩ Hiếu cho biết S.I.S Cần Thơ phải liên tục đào tạo về chuyên môn, quy trình, văn hóa doanh nghiệp và giao tiếp nhằm nâng cấp trình độ, “làm cho họ tự hào được làm việc trong một môi trường có sự thăng tiến, được tôn trọng, được cống hiến và cuộc sống đầy đủ”. Thu nhập bác sĩ tại S.I.S Cần Thơ từ 40-50 triệu đồng mỗi tháng và số lượng đảm bảo cho hiện tại lẫn mở rộng.
Theo bác sĩ Hiếu, việc điều hành bệnh viện phải tìm được điểm cân bằng giữa bác sĩ, bệnh nhân và doanh nghiệp. Ví dụ việc đầu tư trang thiết bị, máy móc cho chuyên ngành đột quỵ và tim mạch vốn đòi hỏi tối tân và đắt đỏ, không thể thiếu để chẩn đoán, làm cơ sở chữa trị. Đầu tư phải tính toán cân đối giữa nhu cầu, khả năng chi trả của bệnh nhân với thời gian thu hồi vốn. “Là một bác sĩ điều hành giúp tôi hoạch định kinh doanh ‘thoáng’ hơn người thuần làm kinh tế nhưng cũng không mạo hiểm như một bác sĩ chỉ làm chuyên môn mà có cân đong rủi ro, thành công,” bác sĩ Hiếu nói.
Bác sĩ Cường cho rằng, người dân hiện nay đã quan tâm hơn đến sức khỏe và nhận diện được sự khác nhau giữa các bệnh viện. Họ không đơn thuần đến nơi có chức năng khám chữa bệnh mà còn quan tâm đến cách ứng xử, kết nối với người bệnh. Sự quá tải của bệnh viện trong đại dịch đã chỉ ra cần có hệ thống y tế rộng khắp hơn.
Với bệnh đột quỵ, chiều rộng càng quan trọng theo đúng lý thuyết bệnh nhân cách cơ sở chữa trị tối đa ba giờ chạy xe. Đây là lý do thúc đẩy công ty TNHH Đầu tư y tế Việt Cường, chủ sở hữu S.I.S Cần Thơ quyết định làm chuỗi, đầu tư lần lượt 900 tỉ và 600 tỉ đồng cho hai bệnh viện mới tại Nam Hội An (Quảng Nam) phục vụ khách hàng miền Trung và thành phố Thủ Đức (TP.HCM) nhắm tới khách hàng cao cấp.
Các thủ tục đã được xúc tiến và kỳ vọng khởi công cuối năm nay để đưa vào hoạt động từ năm 2024. Đây là giấc mơ bác sĩ Cường ấp ủ, bệnh viện đầu tiên ở Cần Thơ đã giúp đo đếm, hiệu chỉnh mô hình, đánh giá xác suất thành công. Một quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã tham gia vào S.I.S Cần Thơ đóng góp tài chính cho kế hoạch mở rộng cùng với các cổ đông hiện hữu tiếp tục tái đầu tư khoản vốn góp ban đầu.
Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số tháng 9.2022, chuyên đề “Ngành y tế sau đại dịch“.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/s-i-s-can-tho-mo-diem-vang-cuu-dot-quy)
3 năm trước
Vaccine COVID-19: Đường chạy cùng thắng11 tháng trước
Thấy gì qua làn sóng M&A trong lĩnh vực y tế Việt Nam