Quốc tế

Quảng Châu hạn chế hoạt động đi lại phòng COVID-19

Share
this:

Quảng Châu cấm di chuyển không cần thiết trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục ghi nhận số nhiễm COVID-19 mới.

Thành phố cảng Quảng Châu của Trung Quốc đã cấm hoạt động đi lại không cần thiết, trong khi trung tâm tài chính Thượng Hải đang nới lỏng lệnh phong tỏa nhưng tiếp tục ghi nhận lượng lớn ca mắc COVID-19 mới, khi nước này ứng phó với đợt gia tăng số ca nhiễm do biến thể omicron tại một nửa khu vực phía Đông.

Quảng Châu đã tạm ngừng việc di chuyển vào bên trong thành phố, trong khi đó, chỉ cho phép người dân rời khỏi nơi ở khi có “nhu cầu thực sự cần thiết”, theo Associated Press.

Tuy Quảng Châu chưa tiến hành lệnh phong tỏa, các trường học tại thành phố này đã chuyển sang hình thức học trực tuyến, trong khi chính quyền địa phương chuẩn bị tiến hành xét nghiệm diện rộng.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ trong một tuyến phố bị phong tỏa tại thành phố Phụ Dương, Trung Quốc

Vào ngày 11.4, thành phố với 18 triệu dân ghi nhận 27 ca mắc COVID-19 mới, với 18 trường hợp có triệu chứng, chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng số 1.164 ca nhiễm có triệu chứng và 26.345 ca mắc không triệu chứng mới tại Trung Quốc.

Trung tâm tài chính Thượng Hải tiếp tục là điểm nóng trong đợt bùng dịch tồi tệ nhất tại Trung Quốc, khi thành phố ghi nhận 25.173 ca mắc mới có triệu chứng và 914 trường hợp không phát hiện triệu chứng hôm 11.4.

Vào ngày 11.4, giới chức Thượng Hải có kế hoạch nới lỏng một số lệnh hạn chế trong thành phố, sau khi người dân đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, khiến cho họ cảm thấy tức giận và lên tiếng phản đối.

Thượng Hải vẫn chưa ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 nào trong đợt bùng phát hiện nay, khi Trung Quốc chỉ có hai trường hợp tử vong mới kể từ đầu năm 2022.

Nhằm theo đuổi chính sách “Zero COVID”, Trung Quốc đã phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải, ban đầu kết thúc vào ngày 5.4 nhưng được kéo dài vô thời hạn. Biện pháp phong tỏa cứng rắn khiến cho người dân Thượng Hải cảm thấy tức giận và lên tiếng phản đối, trong bối cảnh thiếu lương thực, trẻ em bị tách khỏi cha mẹ và số ca tử vong từ nhóm bệnh nhân cao tuổi không nhập viện.

Các chính sách gắt gao này khiến cho Bộ Ngoại giao Mỹ phải ban hành khuyến cáo công dân nước này nên cân nhắc di chuyển tới Trung Quốc. Khuyến cáo này cảnh báo về “thực thi tùy tiện” quy định địa phương và lệnh hạn chế phòng, ngừa COVID-19, bao gồm nguy cơ “cha mẹ và con cái bị chia cắt.”

Vào ngày 10.4, Bắc Kinh bày tỏ sự không hài lòng về khuyến cáo trên và gọi đây là cáo buộc vô căn cứ cho cách Trung Quốc ứng phó với đại dịch.

Số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng tại Thượng Hải đã dấy lên câu hỏi về lợi ích từ cách ứng phó với đại dịch của Trung Quốc. Quốc gia tỉ dân đã áp dụng chiến lược “Zero COVID linh hoạt”, bao gồm nhanh chóng phong tỏa và xét nghiệm diện rộng tại thành phố phát hiện bùng dịch.

Tuy cách phòng dịch này đem lại thành công trong năm 2021, sự xuất hiện của biến thể phụ lây lan nhanh của omicron, BA.2 dường như đã làm giảm đi tính hiệu quả.

Quốc gia này hiện đối diện với mối nguy từ đợt gia tăng số ca nhiễm còn lớn hơn trong nhóm dân số có miễn dịch rất thấp từ lần lây nhiễm trước và có vẻ như vaccine ít hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng so với người dân phương Tây.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/quang-chau-han-che-hoat-dong-di-lai-phong-covid-19)