Điện ảnh là một trong những loại hình nghệ thuật có tác động lan tỏa mạnh mẽ nhất tới nhiều tầng lớp trong xã hội. Điện ảnh được coi như một phương tiện hiệu quả trong việc phản ánh các vấn đề thời cuộc, truyền tải những thông điệp mang giá trị nhân văn. Điện ảnh cũng là phương tiện phản ánh văn hóa, lối sống và dân trí của một quốc gia.
Trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, mỗi năm điện ảnh Việt Nam giới thiệu ra thị trường 40–60 bộ phim chiếu rạp, trong đó ước tính trung bình chỉ khoảng 7–10 phim đạt điểm hòa vốn, 3–5 phim có lãi, 1–2 phim lãi lớn, phần lớn thất bại. Một số bộ phim biến mất chỉ sau một tuần ra rạp, thậm chí vài ngày vì không có khán giả. Doanh thu phim Việt Nam đạt khoảng 1.000 tỉ đồng/năm.
Về nội dung sản xuất trong nước, phim hài và lãng mạn chiếm khoảng một nửa số phim ra rạp, khoảng 1/3 là chính kịch, còn lại là các thể loại kinh dị, hành động, giật gân, có yếu tố LGBT và các phim remake (làm lại).
Tính đến cuối tháng 10.2023, chỉ có khoảng 20 phim Việt ra rạp, bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Số lượng phim giảm sút từ lý do khó khăn kinh tế, các nhà đầu tư phim ảnh chùn tay khi rót vốn vào lĩnh vực mạo hiểm này. Tuy nhiên, doanh thu phim Việt trong nửa đầu năm 2023 lần đầu tiên đạt con số 1.000 tỉ đồng với cú hích lớn từ phim Nhà bà Nữ với doanh thu phòng vé 475 tỉ đồng, hiện tượng thú vị gắn với Trấn Thành.
Lượt xem phim tại rạp ở Việt Nam đạt khoảng 56 triệu lượt trong năm 2019, so sánh trên quy mô dân số đạt tỉ lệ chưa đầy 0,6 lần/năm. Con số tương ứng tại Hàn Quốc, Singapore và Malaysia lần lượt gấp 8,5 và 4 lần so với Việt Nam. Về hạ tầng, hiện tại, Việt Nam có hơn 200 rạp với khoảng 1.200 phòng chiếu. TP.HCM cũng chiếm 90% nguồn lực sản xuất phim chiếu rạp cả nước. Năm doanh nghiệp dẫn đầu chiếm giữ 98% thị phần phim chiếu rạp Việt Nam.
Không có công thức chung khái quát thành công cho phim Việt khi thị hiếu người xem là ẩn số khó nắm bắt. Sự xuất hiện của một ngôi sao hạng A không phải là sự đảm bảo kéo khán giả tới rạp. Kể cả các đạo diễn và nhà sản xuất được xem là “mát tay” nhất cũng từng tạo ra những sản phẩm thất bại phòng vé.
Năm bộ phim doanh thu cao nhất tính đến cuối tháng 11.2023 của điện ảnh Việt gồm Nhà bà Nữ, Bố già, Lật mặt 6, Hai Phượng và Cua lại vợ bầu đều mang những điểm chung: có cốt truyện, có tính giải trí, nội dung chạm vào trái tim khán giả – biến số trừu tượng, khó định lượng công thức để nhân bản thành công.
Ngược lại, nhiều bộ phim được kỳ vọng thành bom tấn khi đầu tư các bối cảnh hoành tráng, kỹ xảo hành động mãn nhãn nhưng trở thành nỗi thất vọng khi ra rạp do kịch bản yếu khiến khán giả hẫng hụt khi họ tham chiếu với nhiều sản phẩm điện ảnh nước ngoài.
Ngoài ra, từ trường hợp ồn ào của Đất rừng phương Nam cho thấy một bộ phim ra rạp muốn thành công cần cả yếu tố may mắn: thời điểm ra mắt, sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông, sự ủng hộ của dư luận xã hội, đặc biệt quan điểm cá nhân KOL có sự ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.
Năm 2021, với doanh thu bảy tỉ đô la Mỹ điện ảnh Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ trở thành quốc gia có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Các bộ phim bom tấn trong nước là trụ cột phát triển điện ảnh tại quốc gia láng giềng. Điện ảnh Trung Quốc đã qua ba làn sóng cải cách.
Làn sóng thứ nhất giai đoạn 1978–1997 khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa và cải cách nền kinh tế. Làn sóng thứ hai kéo dài từ năm 1998–2002, khi bộ Văn hóa thành lập cục Công nghiệp Văn hóa chính thức sử dụng văn hóa như một công cụ để thúc đẩy chương trình nghị sự của chính phủ. Làn sóng thứ ba, mới nhất diễn ra sau “Kế hoạch phục hồi ngành công nghiệp văn hóa” năm 2009 nhằm nâng các hoạt động văn hóa lên tầm chiến lược quốc gia.
Sự khởi sắc của điện ảnh Trung Quốc gắn liền với chính sách phát triển từ chính phủ: cơ chế khuyến khích đầu tư vốn cho công nghiệp điện ảnh (ưu đãi thuế, ưu đãi lãi suất…); cơ chế đảm bảo an toàn vốn và tỉ suất lợi nhuận (thành lập các doanh nghiệp, trung tâm thẩm định phim độc lập đánh giá hiệu quả của dự án làm cơ sở để kêu gọi vốn; đảm bảo an toàn về giá trị nhân văn và chính trị cho các tác phẩm điện ảnh trước khi huy động vốn…); cơ chế hợp tác song phương dạng như thỏa thuận hợp tác sản xuất điện ảnh Hàn–Trung…
Chính sách hỗ trợ điện ảnh Trung Quốc đã rất thành công trong việc khơi thông các dòng vốn đa dạng chảy vào điện ảnh: vốn tư nhân theo hình thức cổ phần không đại chúng; vốn thông qua hình thức IPO; vốn thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm; vốn thông qua ngân hàng cho từng dự án phim; vốn thông qua liên doanh công – tư với các tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài…
Nguồn tài chính dồi dào trở thành bệ đỡ đưa ngành điện ảnh quốc gia 1,4 tỉ dân khởi sắc: hệ thống rạp chiếu được đầu tư mở rộng; công nghệ sản xuất phim đầu tư máy móc hiện đại tiên tiến; cát-xê của diễn viên, thu nhập của nhà biên kịch, đạo diễn gia tăng; nhiều bộ phim được đầu tư kỹ cả về nội dung kịch bản lẫn kỹ thuật hậu kỳ… Tất cả lực đẩy tổng hợp này đã góp phần nâng cao chất lượng điện ảnh Hoa ngữ. Nền móng chắc chắn của một nền điện ảnh luôn luôn là khán giả và người xem có nhiều động cơ tới rạp khi xuất hiện các sản phẩm giải trí cuốn hút.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2022/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh) quy định tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp trên cả nước. Theo đó từ năm 2023, phim Việt sẽ được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18h–22h hằng ngày, bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm.
Chuỗi giá trị của ngành công nghiệp điện ảnh bao gồm toàn bộ quá trình từ đầu tư dự án đến khi phát hành phim tới khán giả với các chủ thể chính: nhà đầu tư – đơn vị sản xuất – công ty phân phối – hệ thống rạp chiếu phim. Điện ảnh Việt Nam đã được xã hội hóa từ năm 2008 với sự ra đời của các hãng phim tư nhân kéo theo sự hồi hương của thế hệ các diễn viên và đạo diễn Việt kiều tiêu biểu như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, những người thổi làn gió mới tới thị trường.
Khoảng 5–6 năm trước diễn ra xu hướng một số diễn viên chuyển sang trở thành nhà sản xuất phim như Lý Hải, Ngô Thanh Vân, Đức Thịnh và gần đây là Trấn Thành. Họ tạo ra các sắc thái và thành công khác nhau. Họ có sự am hiểu thị hiếu khán giả và ngành công nghiệp điện ảnh nhất định do có kinh nghiệm xương máu lăn lộn trong bộ môn giải trí này nhưng vẫn cần nhiều yếu tố để tạo dựng thành công ổn định lâu dài: tài chính mạnh mẽ, có kịch bản tốt, tiếp tục duy trì sức sáng tạo.
Hiện tại, do hạn chế về tài chính, để tránh rủi ro, các dự án phim đa phần đang được “cổ phần” với nhiều bên tham gia góp vốn. Các nhà đầu tư tài chính đơn thuần nhìn điện ảnh qua lăng kính kinh doanh, coi đầu tư phim ảnh như một thương vụ kinh doanh ngắn hạn kéo dài 6–12 tháng.
Mức độ gắn bó với điện ảnh thấp nhưng các nhà đầu tư khá quyền lực: thay thế diễn viên, sửa nội dung kịch bản, ép đẩy nhanh tiến độ… Điều này gây sức ép đến các chủ thể khác trong chuỗi công nghiệp điện ảnh: kịch bản phim hời hợt, thiếu sự đầu tư chất xám cho nội dung; nhà sản xuất hạn chế đất sáng tạo và không dám thử nghiệm; diễn viên lặp lại các lối mòn diễn xuất; nhà phát hành từ chối phát hành các sản phẩm kém chất lượng…
Điện ảnh là sự kết hợp của nghệ thuật và kinh doanh. Bộ môn nghệ thuật thứ bảy chỉ có thể đi được đường dài khi doanh thu bù đắp được chi phí, duy trì lợi nhuận ổn định để tiếp tục tái đầu tư. Một nền điện ảnh thu hút được khán giả mới thực sự tạo dựng được nền móng vững chắc.
Bài toán thách thức của điện ảnh Việt Nam hiện nay không hẳn đến từ con người (diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch…) mà là tài chính. Nói một cách khác, điện ảnh cần giải pháp đa dạng hóa dòng vốn đầu tư. Bệ đỡ tài chính vững chắc sẽ khuyến khích sự sáng tạo, các thử nghiệm tốt sẽ gặt hái thành quả tài chính xứng đáng. Việc phân phối lại thu nhập tất yếu diễn ra, chuỗi giá trị điện ảnh có sự sàng lọc tự nhiên về con người, thị trường xuất hiện các tài năng mới: biên kịch, diễn viên, đạo diễn, quay phim.
Làm thế nào để khơi thông dòng vốn chảy vào điện ảnh? Về căn cơ, điều này chỉ có thể đến từ chính sách phát triển điện ảnh của chính phủ. Xét về điều kiện xã hội, văn hóa, kinh tế và sự phát triển, Việt Nam có nhiều nét gần gũi với quốc gia láng giềng. Kinh nghiệm phát triển của điện ảnh Trung Quốc về vốn đầu tư vào điện ảnh có thể gợi mở hướng phát triển cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy tại Việt Nam.
Theo Forbes Việt Nam số 124, tháng 12.2023, chuyên đề Kinh doanh trong lĩnh vực giải trí
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/phat-trien-dien-anh-chinh-sach-von-va-con-nguoi)
5 tháng trước
Phim siêu anh hùng Marvel mở màn phòng vé ấn tượng1 năm trước
Indonesia có tỉ phú mới sau khi Cinema XXI IPO