Đây là thông tin mới nhất NielsenIQ (NIQ) chia sẻ tại hội nghị “Thương hiệu độc đáo để thành công” do Forbes Việt Nam tổ chức vào ngày 12.12.2024.
B
à Nguyễn Cao Ngọc Dung, Giám đốc Nghiên cứu bán lẻ của NIQ nhận định sức mua của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2024 đã phục hồi. Mặc dù chưa như kỳ vọng của các nhà sản xuất và bán lẻ, tuy nhiên, sẽ khả quan hơn trong trong năm 2025.
Tại hội nghị, bà Dung cho biết, trong quí 3.2024, các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã có sự tăng trưởng ở cả ba chỉ số: doanh số, sản lượng và giá. Mức tăng trưởng lần lượt là 1,9%; 1,8% và 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là kết quả cho những nỗ lực của nhà sản xuất, bán lẻ trong việc đa dạng sản phẩm, thực hiện nhiều chương trình kích cầu để hỗ trợ người tiêu dùng.
Bà Dung nhấn mạnh, sức chi tiêu của người tiêu dùng liên quan chặt chẽ với tình hình tài chính. Ở khảo sát gần nhất của NIQ, 30% người tiêu dùng cho biết tình hình tài chính của họ đang tốt hơn, tăng 2 điểm phần trăm so với hồi đầu năm; 32% cho biết tệ hơn, giảm 2 điểm phần trăm.
Tỉ lệ nhận định tình hình tài chính tốt hơn tăng, trong khi tỉ lệ nhận định tài chính tệ giảm đi là một chỉ dấu cho thấy tình hình sẽ khả quan hơn trong thời gian tới.
Đồng thời, top ba mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay là vấn đề tăng giá thực phẩm. 33% người tiêu dùng cho biết đang phải chi tiêu nhiều hơn cho các thực phẩm thiết yếu. Ngoài ra họ cũng lo lắng các chi phí tiện ích cao hơn như điện, nước, giáo dục. Mối quan tâm thứ ba là khó khăn do tình hình kinh tế nói chung.
Nhìn về năm 2025, khảo sát của NIQ cho thấy, người tiêu dùng sẽ duy trì chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, đầu tư tài chính cho tương lai lâu dài và các hoạt động giải trí tại nhà. Họ cũng sẵn lòng chi tiêu thêm cho thực phẩm tốt cho sức khỏe và cân bằng sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, họ sẽ cắt giảm ăn uống bên ngoài, giải trí, thời trang. “Họ tỉnh táo và ý thức về cân bằng chi tiêu,” bà Dung nói.
NIQ dự báo, chi tiêu trên toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,5%. Trong đó, nhóm khách hàng Gen Z (12 – 27 tuổi), đang chiếm 25% dân số toàn cầu, sẽ là động lực tăng trưởng chính khi các chỉ số chi tiểu đều vượt trội so với nhóm khách hàng Millennials (sinh từ 1981 – 1996) và nhóm X (1965 – 1980).
Để đón đầu và chinh phục nhóm khách hàng này, NIQ cho rằng các thương hiệu cầu hiểu rõ đặc tính của người tiêu dùng cũng như phải đưa ra được những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của họ.
Bà Dung cho biết: “Một phần năm người tiêu dùng Gen Z vẫn loay hoay đi tìm thương hiệu thể hiện cá tính của mình. 57% khách hàng này không mua những sản phẩm có yếu tố bóc lột lao động, ảnh hưởng môi trường; 21% không quan tâm những giá trị truyền thống như lập gia đình, sinh con và 66% sẵn sàng chi tiêu cho cân bằng sức khỏe thể chất và tinh thần.”
Tuy nhiên, NIQ cũng lưu ý doanh nghiệp: giữa nhận định và hành động của khách hàng Gen Z lại có khoảng cách lớn. Bà Dung chỉ ra ví dụ như tại Mỹ, 77% không mua sản phẩm được sản xuất, gia công gây ảnh hưởng tới môi trường nhưng họ chạy theo thời trang nhanh; 50% thích mua ở cửa hàng hơn dù mua sắm trực tuyến lên ngôi.
“Hiểu thôi chưa đủ mà còn tìm nắm bắt chi tiết những giá trị họ đang kết nối để chinh phục họ. Bài toán cho các nhà sản xuất, bán lẻ là cần tìm được sự kết nối với khách hàng này, xây dựng câu chuyện thương hiệu thuyết phục và xây dựng niềm tin với họ,” bà Dung kết luận.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/niem-tin-tieu-dung-viet-nam-tang-tro-lai-genz-se-tang-chi-tieu)
1 năm trước
Bed Bath & Beyond nộp đơn xin phá sản3 năm trước
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế TPHCM 2021