Nhiều chuyên gia dự đoán những điều sẽ xảy ra khi Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero COVID vốn từng thành công trong giai đoạn đầu.
Ngày 7.12, Trung Quốc tuyên bố nới lỏng một vài biện pháp hạn chế dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhất, một sự thay đổi chính sách lớn cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị từ bỏ chiến lược Zero COVID để chuyển sang học cách sống chung với virus. Điều này không thể tránh khỏi, nhưng có nguy cơ làm tăng số ca mắc lên rất cao trong khi quốc gia đông dân nhất thế giới thiếu sự chuẩn bị để đối mặt, các chuyên gia nói với Forbes.
Zero COVID, chính sách đặc trưng của Bắc Kinh về phong tỏa nghiêm ngặt cùng với xét nghiệm đại trà để ngăn chặn lây nhiễm COVID, đã rất thành công trong giai đoạn đầu của đại dịch khi biến thể virus có khả năng lây nhiễm thấp và trước khi vaccine cũng như phương pháp điều trị phổ biến rộng rãi, Winnie Yip, giáo sư về chính sách y tế và kinh tế toàn cầu tại Harvard, nói với Forbes.
Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều biến thế có khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt các biến thể phụ Omicron gần đây nhất, có nghĩa là chính sách Zero COVID không còn bền vững nữa, Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại University of Hong Kong, giải thích.
Cowling cho biết từ bỏ chính sách Zero COVID là “không thể tránh khỏi” nhưng có khả năng sẽ làm tăng số ca nhiễm lên cao đến khi “hầu hết người dân đều bị nhiễm virus,” trừ khi áp dụng lại các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt.
Vì vaccine phòng ngừa COVID-19 còn ít tác dụng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm—thay vào đó, chúng giúp ngăn ngừa bệnh trở nặng, nhập viện và tử vong. Ngoài ra, có rất ít ca lây nhiễm tự nhiên, nhưng đây có thể chiếm một phần rất lớn trong tổng dân số hơn 1,4 tỉ người ở Trung Quốc.
Sự phụ thuộc vào vaccine sản xuất trong nước, được cho là kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng so với vaccine mRNA sử dụng ở nhiều nước phương Tây cùng với tỉ lệ tiêm chủng thấp ở người già đồng nghĩa Trung Quốc phải đối mặt với “mức tác động lớn hơn lên dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi họ không thể ngăn chặn virus nữa,” Catherine Bennett, giáo sư dịch tễ học tại Deakin University ở Australia, nói với Forbes.
Sử dụng thuốc kháng virus để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng sẽ “rất quan trọng đối với Trung Quốc,” Bennett nói, đồng thời cho biết thêm Trung Quốc có một lợi thế quan trọng để ngăn chặn virus trong thời gian dài là “những loại thuốc này hiện được thử nghiệm và sản xuất đại trà.”
Ngày 7.12, Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero COVID cùng với một vài biện pháp hạn chế dịch nghiêm ngặt nhất. Theo đó, người mắc COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng chỉ cần cách ly tại nhà và xét nghiệm ít hơn. Đây là một sự thay đổi chính sách quan trọng, cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng từ bỏ chính sách hướng dẫn ứng phó với đại dịch cho đến nay.
Quyết định này được đưa ra sau làn sóng biểu tình phản đối biện pháp hạn chế lan rộng khắp Trung Quốc trong những tuần gần đây, một phần do gia tăng số ca mắc và 10 người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư ở thành phố phía tây Urumqi, mà nhiều người đổ lỗi nguyên nhân do biện pháp hạn chế gây ra.
Từ bỏ chính sách Zero COVID là ““không thể tránh khỏi” đồng thời “quá trình này sẽ gây ra sự gián đoạn lớn đối với Trung Quốc cũng như cả thế giới,” Bennett nói với Forbes. “Từ kinh nghiệm ở Australia, chúng tôi biết quá trình chuyển đổi đó có thể khó khăn như thế nào cho đến khi đất nước bạn đạt miễn dịch cộng đồng nhờ vào tiêm vaccine và hầu hết người dân đã nhiễm, giúp kéo giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.”
Có tổng cộng 5.235 ca tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo dữ liệu của chính phủ. Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc ghi nhận khoảng 1,8 triệu ca nhiễm. Gần đây, có ngày số ca mắc mới đạt kỷ lục hơn 40.000. Nhưng nếu tính theo quy mô dân số, Trung Quốc nằm trong số những nước có số ca mắc và tử vong thấp nhất trên thế giới. Có nhiều lời chỉ trích cho rằng số liệu báo cáo này có khả năng chưa ghi nhận đúng số ca mắc trên thực tế.
Trung Quốc có thể phải trả giá đắt khi dỡ bỏ chính sách Zero COVID. Với chất lượng đáng ngờ của vaccine, tỉ lệ tiêm chủng thấp ở người già, mức độ miễn dịch tự nhiên thấp cùng với hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể sẽ phải nỗ lực hết sức chống chọi đợt dịch lớn hơn, dự đoán sẽ có hàng triệu người mắc bệnh nặng hoặc tử vong nếu bệnh lan rộng.
Nhiều chuyên gia cảnh báo Trung Quốc phải đối mặt với một “cơn sóng thần” ca bệnh có thể làm cho bệnh viện quá tải và giết chết hơn 1 triệu người nếu thay đổi cách phòng ngừa.
Theo Financial Times, Wigram Capital Advisors dự đoán số ca tử vong mỗi ngày có thể lên tới 20.000 vào giữa tháng Ba. Công ty phân tích sức khỏe Airfinity dự đoán có tới 2,1 triệu người sẽ tử vong nếu chính sách này được từ bỏ. Yip của Harvard nói với Forbes rằng Trung Quốc nên ưu tiên hàng đầu đảm bảo những người dễ bị tổn thương được tiêm vaccine cũng như khuyến khích tiêm mũi nhắc lại.
Không rõ bây giờ Trung Quốc sẽ thực hiện cách tiếp cận nào, nới lỏng các hạn chế đến mức nào hoặc mất bao lâu để có thể mở cửa trở lại hoàn toàn. Cowling cho biết mở cửa hoàn toàn trở lại bình thường “có thể mất hơn một năm.” Yip nói với Forbes rằng Trung Quốc nên dần mở cửa trở lại theo từng giai đoạn dựa vào số lượng người dân được tiêm chủng và mũi nhắc, cũng như các yếu tố khác như sức chứa của bệnh viện.
Những chương trình giáo dục cộng đồng sẽ rất quan trọng để tăng cường tiêm chủng và đảm bảo mọi người biết phải làm gì nếu bị nhiễm bệnh, Yip cho biết, miễn là người lớn tuổi hiểu được mức độ an toàn cũng như lợi ích của vaccine có thể bảo vệ ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng khi mắc bệnh để “họ sẵn sàng tiêm.”
Bennett lặp lại quan điểm này, lưu ý “thông điệp tiếp tục chính sách Zero COVID có thể tác động mạnh đến chương trình vaccine nếu mọi người không xem đó như mối đe dọa khẩn cấp hoặc sự lây nhiễm trong cộng đồng địa phương.”
Bennett nói với Forbes nguy cơ Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero COVID “cũng có thể rút ngắn thời gian xuất hiện các biến thể mới” do đưa thêm 1,4 tỉ người của nước này — chiếm gần 1/5 dân số thế giới — vào nhóm lây nhiễm. Bennett giải thích các biến thể phụ của Omicron có khả năng tiếp tục chiếm ưu thế “vì chúng có thể gây tái nhiễm và tiếp tục bùng phát thêm nhiều đợt dịch,” đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch chống lại biến thể khác.
Mối đe dọa thực sự là có thêm nhiều người mắc bệnh do nguy cơ hình thành virus tái tổ hợp cao hơn—nhiều loại virus khác nhau kết hợp lại với nhau- Bennet nói. Loại virus như vậy có thể khiến khả năng miễn dịch, xét nghiệm lẫn phương pháp điều trị hiện tại kém hiệu quả hơn. Bennett cảnh báo có khả năng virus gây ra COVID-19 thậm chí có thể tái tổ hợp với một loài virus corona ở động vật có thể tạo ra một “biến thể rất khác vào hỗn hợp.”
Biên dịch: Gia Nhi
———————————————
Xem thêm:
Chiến lược zero COVID của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu 2022
Chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc ảnh hưởng lên doanh nghiệp châu Âu
Trung Quốc thiệt hại 46 tỉ USD mỗi tháng vì chiến lược “Zero COVID”
1 năm trước
Tài sản của nữ tỉ phú Dương Huệ Nghiên giảm 82%2 năm trước
Thêm các bang của Mỹ bỏ quy định đeo khẩu trang