Kinh doanh

Chiến lược zero COVID của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu 2022

Chính sách Zero COVID của Trung Quốc có thể sẽ không có hiệu quả đối với biến thể Omicron, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Share
this:

Không còn là động lực tăng trưởng trong năm 2022, Trung Quốc đang tự tạo ra mức rủi ro hàng đầu cho sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Đó là quan điểm của nhóm tư vấn của Ian Bremmer. Mỗi năm, nhóm của Bremmer tại công ty tư vấn và nghiên cứu về rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group đưa ra danh sách những rủi ro hàng đầu cần phải biết trong các chu kỳ thị trường. Có rất nhiều rủi ro trong năm nay, từ Nga, Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ cho đến vấn đề khí hậu và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất – Trung Quốc – có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, vì về cơ bản, chiến lược chống COVID-19 tại nước này đã cứu vãn tăng trưởng thế giới trong năm 2021 nhưng năm nay có thể mang đến kết quả ngược lại.

Chẳng hạn như Trung Quốc đã thành công khi đạt mức tăng trưởng 8,1% giá trị tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2021 cho dù đại dịch xảy ra. Trong đó, nhập khẩu tăng đến 30,1%, giúp các nước láng giềng châu Á hưởng lợi.

Các nhân viên chuẩn bị phun thuốc khử trùng tại ga xe lửa Vũ Hán ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc trong ngày 24.3.2020. Ảnh: STR/AFP via Getty Images/Forbes

Tuy nhiên, điều khiến nhóm Bremmer tại Eurasia lo lắng là chủ tịch Tập Cận Bình vẫn kiên định thực hiện chiến lược “Zero COVID” đã mang lại hiệu quả cao trong phòng chống dịch năm 2021. Trung Quốc, cùng với Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan, đã chứng minh chỉ bằng cách khống chế dịch COVID-19 thì nền kinh tế mới có thể hồi phục.

Tuy nhiên, biến thể Omicron đòi hỏi một kế hoạch ứng phó rất khác so với chủng virus ban đầu của năm 2020 hoặc biến thể Delta trong năm 2021. Biến thể Omicron đòi hỏi một chiến lược ngăn chặn nhanh và dễ hơn. Trong thời đại Omicron, tỉ lệ tiêm vaccine là giải pháp hiệu quả hơn so với thực hiện phong tỏa.

Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa nhận ra điều đó. Phong tỏa thành phố Tây An 13 triệu dân đã chứng tỏ ông không có ý định điều chỉnh lại chiến lược ứng phó dịch ở Bắc Kinh. Như dự báo, Trung Quốc khó có khả năng duy trì mức tăng trưởng trên 5%.

Theo quan điểm của Bremmer, “Trung Quốc đang ở trong tình huống khó khăn nhất do chính sách Zero COVID trông có vẻ cực kỳ thành công, nhưng giờ đây đã trở thành cuộc chiến chống lại một biến thể dễ lây lan hơn khi phong tỏa rộng hơn và hiệu quả vaccine hạn chế.”

Điều đó không chỉ có thể làm cho Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn mà còn làm tăng lạm phát. Nhà kinh tế học Frederic Neumann của HSBC lo ngại chính sách Zero COVID làm cho “chuỗi cung ứng bị sụp đổ.”

Ông nói, mối lo ngại là “các mạng lưới sản xuất châu Á, cho đến nay vẫn có khả năng phục hồi một cách ấn tượng, có thể bị rơi vào tình trạng hỗn loạn khi biến thể Omicron lan rộng toàn khu vực, trong khi đó các điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng ở các nước phương Tây đang giảm bớt. Do đó, rủi ro là trong những tháng tới, chúng ta sẽ trải qua ”một “gián đoạn do biến thể Omicron gây ra” trong các nhà máy ở Châu Á.

Những quân khu vác tại bến cảng đợi để gắn dây cáp và khử trùng dây cáp cho tàu hàng tại cầu cảng hoàn toàn tự động của Cảng Qianwan ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc trong ngày 14.1.2022. Ảnh: Costfoto/Future Publishing via Getty Images/ Forbes

Hiệu ứng domino này cũng khiến quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lo lắng. Trong ngày 21.1, giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói với CNBC rằng các biện pháp hạn chế mới ngăn chặn COVID-19 lây lan ở Bắc Kinh dường như đang làm tăng “gánh nặng” cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Georgieva nói: “Chính sách Zero COVID, trong một thời gian khá dài, đã giúp ngăn chặn sự lây nhiễm ở Trung Quốc. Nhưng giờ đây, “những biện pháp hạn chế mới ngày càng trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, gây nhiều rủi ro hơn không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho cả các nước khác trên thế giới vì Trung Quốc là nơi cung cấp sản phẩm trong chuỗi cung ứng.”

Những tác động phụ của lạm phát này khiến giá tiêu dùng tăng 7% ở Mỹ. Ngay cả Tokyo cũng không khỏi lo lắng trước tình trạng lạm phát tăng quá nhanh. Tuy nhiên, những lo lắng của Eurasia Group và IMF về nỗi ám ảnh chính sách Zero COVID của ông Tập chỉ là một phần. Phần còn lại là ông Tập không mong muốn điều chỉnh các quy định mới đang tăng cường siết chặt kiểm soát các công ty trong lĩnh vực công nghệ, bất động sản, giáo dục, giải trí và các lĩnh vực khác.

Trong những ngày gần đây, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất và tăng thanh khoản để giảm rủi ro vỡ nợ. Trong năm ngoái, nhiều công ty bất động sản như China Evergrande Group đã mất khả năng thanh toán nợ, gây tác động lớn đến thị trường. Những vụ vỡ nợ này đã dấy lên nhiều câu hỏi liệu ông Tập có đang kiểm soát quá siết chặt hay không. Và hy vọng các nhà quản lý ở Bắc Kinh có thể giảm bớt kiểm soát để giúp đạt được tỉ lệ GDP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân trong ngày 5.3.2017 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images

Không phải như vậy, ông Tập đã ám chỉ hồi tuần trước. Trong cùng ngày 17.1, Trung Quốc báo cáo tốc độ tăng trưởng đã giảm 4% trong ba tháng cuối năm 2021 trong khi đó ông Tập cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vẫn duy trì các chính sách hạn chế sử dụng đòn bẩy.

“Trước tiên, chúng tôi sẽ làm cho chiếc bánh lớn hơn và sau đó phân chia nó một cách hợp lý thông qua các sắp xếp thể chế hợp lý. Khi thủy triều dâng lên nâng tất cả các tàu thuyền lên, mọi người sẽ được chia sẻ công bằng từ sự phát triển, và thành quả phát triển sẽ mang lại lợi ích thật và công bằng hơn cho tất cả người dân của chúng ta,” ông Tập nói.

Mặc dù khó có ý kiến phản đối khát vọng này nhưng các nhà kinh tế học lo ngại ông Tập đang hiểu sai về biến thể Omicron. Ông Tập được cho là sẽ tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong cuộc bầu cử sắp tới vào cuối năm nay, khi ông hy vọng sẽ tiếp tục là nhà lãnh đạo Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có.

Nhà kinh tế ngân hàng Ayhan Kose cho biết những chính sách không phù hợp như vậy phần nào giải thích tại sao Ngân hàng Thế giới lo ngại liệu các nước đang phát triển có thể đi đúng hướng cho một “cuộc hạ cánh khó khăn” hay không.

Chắc chắn, Trung Quốc rất muốn khống chế COVID-19 và tăng cường kiểm soát các ngành công nghiệp chủ chốt chặt hơn. Nhưng những điều kiện mà nền kinh tế lớn nhất châu Á hiện nay phải đối mặt hoàn toàn khác so với những điều kiện mà nền kinh tế này phải đối mặt trong năm 2021.

Liệu Trung Quốc có tiếp tục đạt được những thành tựu lớn trong phòng chống dịch COVID-19 thông qua chính sách Zero COVID như ông Tập mong muốn không? Cho đến khi những cố vấn thân tín của ông Tập nhận ra được điều này và điều chỉnh theo thì các chính sách hiện tại của Trung Quốc rõ ràng đang trở thành mối đe dọa cho sự tăng trưởng toàn cầu.

Biên dịch: Gia Nhi