Sáng 3.11, tập đoàn LEGO của Đan Mạch tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi tại khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương.
Với tổng vốn đầu tư 1,3 tỉ USD, nhà máy LEGO tại Bình Dương là dự án đầu tư lớn nhất từ một công ty Đan Mạch vào Việt Nam và cũng là dự lớn nhất của tỉnh Bình Dương trong năm 2021. Dự kiến nhà máy sẽ tạo ra 4.000 việc làm cho tỉnh này khi chính thức đi vào hoạt động từ năm 2024.
Lễ khởi công với sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Việt Nam Phạm Bình Minh và Thái tử kế vị Hoàng gia Đan Mạch Frederik André Henrik Christian cùng lãnh đạo các bộ ngành và địa phương.
Giám đốc điều hành tập đoàn LEGO, ông Niels B. Christiansen, nêu ba lý do chính để chọn Bình Dương làm nơi đặt nhà máy thứ hai của tập đoàn ở châu Á: “Đầu tiên là nguồn nhân lực có kỹ năng cao của Việt Nam đang sẵn có; thứ hai là sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc trở thành quốc gia không phát thải; và thứ ba là mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia”.
Dự án được khởi công sau 11 tháng ký ghi nhớ hợp tác giữa tập đoàn LEGO và khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP). Theo đó, một trong số những điều kiện mà LEGO đặt ra cho VISP là sẽ xây dựng một trang trại điện năng lượng mặt trời liền kề phục vụ hoạt động của nhà máy.
Ông Niels B. Christiansen đánh giá thị trường châu Á đang là nơi doanh thu LEGO tăng trưởng tích cực và nhiều tiềm năng trong tương lai nhờ dân số trẻ và tỷ lệ sinh cao. Trong 5 năm gần đây, doanh thu toàn cầu LEGO tăng trưởng liên tục, với mức tăng mạnh nhất 27% vào năm ngoái, đạt 7,44 tỉ USD.
LEGO là hãng sản xuất đồ chơi trẻ em Đan Mạch, xuất phát từ một xưởng gia đình chuyên làm đồ chơi bằng gỗ. Sau 90 năm, LEGO trở thành doanh nghiệp toàn cầu với sáu nhà máy và là một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới.
Chủ tịch hiện tại của tập đoàn, Thomas Kirk Kristiansen, là thế hệ lãnh đạo thứ tư của gia đình. Ông cùng chị gái và cha mình chia nhau 75% cổ phần của LEGO, đều là tỉ phú với gia sản mỗi người ước đạt 7,4 tỉ đô la (2022).
1 tháng trước
Để không phụ thuộc vào vốn FDI1 năm trước
Forbes Việt Nam số 121: Chuyển dịch sản xuất1 tháng trước
Mảnh gốm đắt giá Kyocera ở Việt Nam2 năm trước