Michael Jordan trở thành vận động viên chuyên nghiệp đầu tiên lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ với giá trị tài sản 3 tỉ USD.
Ra mắt giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) từ năm 1984, Michael Jordan đã trở thành cái tên xuất chúng cả trong thi đấu lẫn thu nhập. 15 mùa giải “chinh chiến” tại sân chơi NBA đã mang về cho Jordan khoản thu nhập 94 triệu USD và ông có hai lần liên tiếp trở thành vận động viên hưởng lương cao nhất giải vào các năm 1997 và 1998.
Nhưng thu nhập ngoài sân bóng mới là nơi cho thấy khoảng cách vô cùng lớn giữa Michael Jordan và các vận động viên thể thao khác trên thế giới, khi ông “bỏ túi” 2,4 tỉ USD thu nhập trước thuế và chi phí cho người đại diện trong suốt sự nghiệp của mình từ hợp đồng với những thương hiệu như McDonald, Gatorade, Hanes. Đặc biệt là Nike, thương hiệu thể thao gần đây đã giúp Jordan thu về khoảng 260 triệu USD tiền bản quyền hình ảnh.
Michael Jordan thực hiện “cú ném ăn điểm” lớn nhất vào tháng 8.2023, khi ông bán cổ phần kiểm soát trong đội bóng rổ Charlotte Hornets theo thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD. Ngay cả khi áp dụng mức định giá 1,7 tỉ USD theo thống kê của Forbes vào năm 2022 để bán đội bóng, đây vẫn là thương vụ làm ăn thành công đối với huyền thoại 60 tuổi này. Việc bán lại đội bóng rổ có giá trị cao thứ 27 NBA đánh dấu thương vụ mua bán lớn thứ hai lịch sử giải đấu, tăng gấp 17 lần so với thời điểm Jordan trở thành chủ sở hữu của Charlotte Hornets.
Thương vụ trên đã nâng tổng giá trị tài sản ròng của Michael Jordan lên 3 tỉ USD, giúp ông trở thành vận động viên chuyên nghiệp đầu tiên lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của Forbes (Forbes 400).
“Michael Jordan là một trong những cái tên hiếm hoi thành công đến ba lần. Rất nhiều doanh nhân chỉ thành công một lần, sau đó họ nghỉ hưu hoặc thử làm điều gì đó lần thứ hai nhưng không hiệu quả,” Ted Leonsis, chủ sở hữu hai đội bóng rổ Washington Wizards (Nam) và Washington Mystics (Nữ), bên cạnh một đội bóng dầu dục là Washington Capitals, nhận xét về Michael Jordan, người mà ông từng nhiều lần hợp tác trong đầu tư vào thể thao. Leonsis đã đề cập đến sức ảnh hưởng của Jordan với tư cách vận động viên thể thao, chủ sở hữu và phát triển thương hiệu giày thể thao (sneaker) Air Jordan cùng Nike.
Việc một vận động viên chuyên nghiệp trở thành tỉ phú vẫn là điều hiếm thấy trong giới thể thao, khi chỉ có ba cái tên làm được điều này. Michael Jordan là người đầu tiên đạt danh hiệu tỉ phú vào năm 2014. Theo sau đó là LeBron James và Tiger Woods. LeBron James và Tiger Woods sở hữu khối tài sản tỉ đô khi vẫn đang thi đấu.
Khi thu nhập hiện nay ngày càng tăng và xuất hiện nhiều cơ hội phát triển ngoài việc thi đấu, ngành thể thao sẽ có nhiều vận động viên trở thành tỉ phú hơn nữa trong tương lai. Theo ước tính của Forbes, lĩnh vực thể thao hiện có bảy vận động viên ghi nhận mức thu nhập trước thuế và chi phí cho người đại diện gần ngưỡng 1 tỉ USD.
Dẫu vậy, việc trở thành tỉ phú đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau hay như Mark Cuban, chủ sở hữu đội bóng rổ Dallas Mavericks, cho biết “các vận động viên cần rất nhiều may mắn.” Nhưng con đường trở thành tỉ phú của Michael Jordan đã được vạch sẵn kể từ khi ông bắt đầu thi đấu tại NBA.
Khi Air Jordan ra mắt lần đầu vào năm 1985, một năm sau mùa giải NBA đầu tiên của Michael Jordan, thương hiệu giày này khi đó đã giúp Nike thu về 3 triệu. Hai tháng sau, doanh số bán hàng của Air Jordan đạt 70 triệu USD và tăng lên 100 triệu USD vào cuối năm 1985, theo nghiên cứu của đại học Temple trong năm 2023. Ban đầu, Michael Jordan ký hợp đồng 5 năm với Nike, thu về 500.000 USD/năm tiền bản quyền hình ảnh. Trong báo cáo kinh doanh thường niên mới nhất của Nike, hãng thể thao này báo cáo doanh thu bán hàng hằng năm tăng 28,6% lên 6,6 tỉ USD so với năm 2022.
Nhưng Nike không phải công ty duy nhất nhìn ra cơ hội kinh doanh từ việc tận dụng tài năng và sức hút từ cái tên Michael Jordan. “Bản thân anh ấy vốn đã là một thương hiệu trước khái niệm về thương hiệu cá nhân trở nên phổ biến. Không phải Michael Jordan đang quảng bá sản phẩm cho Gatorade, mà công ty này đã áp dụng cách tiếp thị ‘Hãy uống nước thể thao Gatorade để được như Michael’,” Marc Ganis, chủ tịch của công ty tư vấn Sportscorp, cho biết.
Chỉ một thời gian ngắn sau lần giải nghệ thứ hai vào năm 1998, Michael Jordan đã chuyển hướng từ thi đấu sang đầu tư và điều hành đội bóng rổ chuyên nghiệp. Theo ESPN, Jordan từng không thành công trong việc mua lại hai đội bóng rổ New Orleans Pelicans (hiện đã đổi tên thành New Orleans Pelicans) và Milwaukee Bucks.
Sau cùng, Jordan tham gia nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là Ted Leonsis mua lại đội bóng bầu dục Washington Capitals, cũng như 44% cổ phần của đội bóng rổ Washington Wizards. Tại Washington Wizards, Jordan giữ vai trò chủ tịch điều hành. Vào thời điểm đó, Abe Pollin nắm nhiều cổ phần nhất trong Wizards.
“Anh ấy là một người ham học hỏi, tiếp thu nhanh và đặt rất nhiều câu hỏi,” Ted Leonsis nhớ lại về Michael Jordan. Leonsis cho biết ông đã chia sẻ với Jordan về khía cạnh kinh doanh trong lĩnh vực thể thao. “Anh ấy có hướng tiếp cận thành công hơn và tin tưởng rằng việc bán vé, cũng như thu hút tài trợ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có một đội hình tốt với những cầu thủ ngôi sao,” Leonsis cho biết.
Thời gian sau, Michael Jordan bán cổ phần trong các đội thể thao mà mình đầu tư do ông quyết định quay trở lại thi đấu chuyên nghiệp trong hai mùa giải. Năm 2003, Jordan thông báo giải nghệ lần cuối cùng và nhanh chóng mua lại một đội bóng rổ khác. Vào năm 2006, Jordan mua cổ phần thiểu số của Charlotte Hornets. Năm 2010, ông trở thành cựu cầu thủ đầu tiên sở hữu hơn 50% cổ phần trong một đội bóng rổ NBA.
Phần lớn nguồn vốn mà Michael Jordan đã dùng để đầu tư vào Charlotte Bobcats là khoản vay và định giá đội bóng này ở mức 175 triệu USD. Con số này thấp hơn đáng kể so với khoản đầu tư trị giá 300 USD mà Robert L. Johnson, nhà sáng lập Black Entertainment Television (BET), đã bỏ ra để sở hữu Charlotte Hornets vào năm 2003.
Michael Jordan là một người có tính cạnh tranh vô cùng lớn, nhưng Charlotte Hornets lại không có kết quả tốt trên sân bóng khi ba lần bị loại khỏi loạt Playoffs của NBA từ vòng đầu tiên trong 13 năm qua. Mặc cho Charlotte Hornets có kết quả thi đấu không tốt, Jordan vẫn hưởng lợi từ việc giá trị của đội bóng rổ này tăng lên.
Năm 2019, Jordan bán 20% trong Charlotte Hornets cho Gabe Plotkin, nhà sáng lập của Melvin Capital và nhà sáng lập D1 Capital Partners Daniel Sundheim với mức giá 1,5 tỉ USD. Mức định giá của đội bóng này sau đó tăng gấp đôi khi Michael Jordan bán cổ phần kiểm soát cho Plotkin và Rick Schnall, một nhà sáng lập quỹ phòng hộ khác.
“Thương vụ này đã dẫn đến việc các chủ sở hữu phải định giá lại đội bóng của mình. Nếu Charlotte Hornets được bán với mức giá như vậy, đội bóng của tôi (có quy mô và doanh thu cao hơn) sẽ có giá trị lớn hơn nữa. Anh ấy đã thực hiện một thương vụ mang lại lợi ích cho chủ sở hữu của những đội bóng khác. Giá trị của các đội bóng có thể đã hạ xuống nếu Jordan muốn nhanh chóng bán cổ phần trong Charlotte Hornets với mức giá thấp,” Leonsis cho biết.
Michael Jordan vẫn giữ số ít cổ phần trong Charlotte Hornets. Điều này giúp Jordan duy trì mối liên kết với môn bóng rổ và cho phép ông tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới. Trong nhiều năm qua, Jordan đã rót vốn vào những lĩnh vực khác gồm giao dịch xe, nhà hàng và gần đây nhất là đầu tư vốn chủ sở hữu. Thông qua Ted Leonsis, Jordan đã mua cổ phần của CLEAR, Mythical Games, Dapper Labs, DraftKings, Sportradar và những công ty khác.
Ted Leonsis tin rằng thử thách tiếp theo của Michael Jordan sẽ là tham gia giải đua xe NASCAR. Vào năm 2020, Jordan và Denny Hamlin, tay lái của đội xe Joe Gibbs Racing, đồng sáng lập một đội đua xe có tên 23XL Racing tranh tài tại giải NASCAR. “Khoản đầu tư vào giải NASCAR có thể trở thành thương vụ thành công tiếp theo của Michael. Điều này đến từ tính cạnh tranh và khát khao giành chiến thắng của anh ấy,” Leonsis cho biết.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/michael-jordan-vao-nhom-400-nguoi-giau-nhat-nuoc-my)