Meta, công ty mẹ của Facebook tiến hành thương vụ đầu tư đầu tiên tại châu Á, khi rót vốn vào startup về sức khỏe tâm thần Ami.
Là cái tên tiên phong trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần của châu Á, Ami – startup đặt tại Singapore và Jakarta (Indonesia) muốn thay đổi góc nhìn về sức khỏe tại nơi làm việc trong khu vực, và các nhà đầu tư nhìn được thấy lợi nhuận.
Tình trạng kiệt sức do làm việc quá nhiều và ngày càng trầm trọng sau đại dịch COVID-19 buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận rằng không thể nào làm ngơ với sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.
Ami, nền tảng về sức khỏe tâm thần, đang đưa các công ty vào cuộc. Thành lập vào tháng 1.2022, startup có trụ sở tại Singapore và Jakarta đặt mục tiêu giúp chăm sóc sức khỏe tâm thần dễ tiếp cận hơn với người lao động Châu Á, thông qua những buổi tư vấn diễn ra trên các nền tảng nhắn tin như WhatsApp.
Nhà đồng sáng lập và CEO Justin Kim – thành viên trong danh sách Under 30 châu Á năm 2020 của Forbes – đã hình thành ý tưởng về Ami cùng với giám đốc công nghệ (CTO) Beknazar Abdikamalov.
Cả hai đều không còn xa lạ gì với văn hóa làm việc tại các doanh nghiệp đang phát triển, khi Justin Kim từng là quản lý sản phẩm tại Viva Republica của tỉ phú Hàn Quốc Lee Seung-gung, vận hành siêu ứng dụng tài chính Toss. Còn Abdikamalov từng làm kỹ sư phần mềm tại Amazon.
Bốn tháng sau khi thành lập, Ami đã chốt lại vòng hạt giống có giá trị 3 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm cả đội ngũ New Product Experimentation (Thử nghiệm Sản phẩm Mới – NPE), đơn vị trực thuộc gã khổng lồ công nghệ Meta về thử nghiệm ứng dụng. Đây là thương vụ đầu tư vào startup giai đoạn đầu đầu tiên của công ty mẹ Facebook tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
“Chúng tôi cảm thấy ấn tượng về tập thể có niềm đam mê và tài năng của Ami, và mong muốn được giúp họ xây dựng những gì trên WhatsApp trong việc mang đến cách hỗ trợ sức khỏe tâm thần khác cho người lao động Châu Á,” Sunita Parasuraman – phụ trách mảng đầu tư của NPE tại Meta, sở hữu ứng dụng nhắn tin Messenger nổi tiếng – cho biết trong thông cáo báo chí cung cấp cho Forbes.
Thương vụ trên ghi nhận động thái mới nhất của Meta trong việc mở rộng quy mô đầu tư ra bên ngoài nước Mỹ kể từ thông báo vào tháng 12.2021, một ngày sau khi Facebook đổi tên thành Meta, với NPE sẽ tìm kiếm các ý tưởng “đáp ứng với nhu cầu từ xã hội toàn cầu đang thay đổi chóng mặt.”
Vào tháng 4.2022, NPE thông báo thuê văn phòng mới tại Seoul, bên cạnh cơ sở hiện tại ở Lagos – thành phố lớn nhất của Nigeria.
Tham gia cùng với Meta trong vòng huy động vốn là những nhà đầu tư hiện hữu gồm Goodwater Capital (đầu tư vào Kakao, Coupang và Viva Republica), Strong Ventures, January Capital và Collaborative Fund.
Khi thế giới đang nỗ lực phục hồi từ nền kinh tế suy thoái và các vấn đề xã hội gây ra bởi đại dịch COVID-19, ý tưởng về “bình thường mới” là minh chứng cho sức khỏe của người lao động.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tháng 3.2022 cho thấy, đại dịch COVID-19 gia tăng 25% chứng trầm cảm và lo âu trên toàn thế giới.
Tại châu Á, báo cáo năm 2021 từ Viện Y tế Quốc gia Singapore ước tính 6 chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến khiến doanh nghiệp thiệt hại 1,2 tỉ USD/năm, bao gồm nhân viên nghỉ phép và giảm năng suất lao động.
Bên cạnh Singapore và Jakarta – hai trong số những “thủ phủ” dành cho startup sôi động nhất châu Á – Ami có kế hoạch mở rộng khắp khu vực bằng cách tạo cho các doanh nghiệp khả năng thu hút và giữ chân nhân tài tốt nhất với nền tảng sức khỏe tâm thần hiệu quả, vào thời điểm khi các công ty tìm kiếm phúc lợi cho người lao động.
“Chúng tôi hi vọng giúp cho quan điểm về sức khỏe tâm thần cởi mở hơn nữa cho những ai muốn áp dụng lối sống lành mạnh hơn. Qua đó, họ có thể đối diện với căng thẳng diễn ra trong đời sống thường nhật, đồng thời ngăn vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn mức cần thiết,” Justin Kim cho biết trong video phỏng vấn trong ngôi nhà của anh ở Singapore.
Ami cung cấp nền tảng của mình cho các startup, mô tả như mục tiêu do môi trường làm việc của họ trở nên căng thẳng hơn, cũng như bất kỳ công nào ưu tiên việc giữ chân nhân tài tốt nhất trong khu vực.
“Các chuyên viên của chúng tôi có thể đồng cảm với bạn, ít nhất là theo kinh nghiệm từ bản thân tôi, nhiều hơn những gì phương pháp y khoa truyền thống có thể mang lại,” Justin Kim, người được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn lo âu (GAD) vào năm 2019 cho biết.
Khi được hỏi về cách tuyển chọn, Kim cho biết startup của anh sẽ nhấn mạnh vào “sức mạnh của sự đồng cảm” trong việc chọn lựa chuyên viên quen thuộc với từng địa điểm, bao gồm cả chuyên viên ở nhiều lĩnh vực, từ nhà tâm lý học lâm sàng có chứng chỉ cho đến huấn luyện viên nghề nghiệp.
“Tuy chúng tôi có giấy phép và chứng nhận, nhưng đó không phải là điều duy nhất tạo nên một trải nghiệm tốt. Bạn cần phải bổ sung thêm lớp tìm kiếm cho những yếu tố mà người dùng mong muốn. Đó là lĩnh vực chúng tôi tham gia,” Justin Kim cho biết.
Trong quá trình đăng ký, người dùng sẽ điền chi tiết những loại căng thẳng họ thường gặp nhất và dựa trên phản hồi để kết nới với chuyên viên về những vấn đề này. Ami sẽ tận dụng công nghệ phân tích những phản hồi trên và mang đến trải nghiệm “vô cùng dễ chịu” cho người dùng, mặc dù chủ đề trò chuyện sẽ không giới hạn ở bất kỳ chuyên môn nào, Kim cho biết.
Do mỗi thành phố ở khắp châu Á có những yêu cầu riêng biệt dành cho tư vấn về sức khỏe tâm thần, nên Ami tập trung vào sự khác nhau, bằng cách định rõ chuyên viên là “huấn luyện viên” trên nền tảng của công ty.
Phần lớn những chuyên viên này sẽ được tiến cử thông qua hồ sơ giới thiệu, và có thể đảm bảo chất lượng ở mức độ nhất định, Kim cho biết.
Tuy nhiên, các startup như Ami vẫn phải đối mặt với khó khăn về kỳ thị xã hội đối với sức khỏe tinh thần phổ biến ở khắp châu Á. Việc tiếp cận với hỗ trợ cho sức khỏe tâm thần là một điều khó khăn tại khu vực này, khi khái niệm về vấn đề tâm thần thường không được xem trọng.
Theo đánh giá học thuật năm 2020 về kỳ thị đối với bệnh tâm thần tại Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan, những loại bệnh này bị coi là yếu đuối và ít được xã hội chấp nhận hơn các vấn đề khác.
Theo Justin Kim, cách để loại bỏ sự kỳ thị là thay đổi nhận thức và xem sức khỏe tâm thần như “sức khỏe tinh thần” mà tất cả mọi người đều có thể hưởng lợi.
Với hỗ trợ từ Ami, người lao động có thể thảo luận về mọi chủ đề theo ý muốn, giảm bớt khó khăn trong việc tìm đến sự trợ giúp. Qua khi vận hành thử, Ami ghi nhận trung bình 40% người lao động tiếp tục sử dụng nền tảng sau hai tháng. Tuy vậy, Kim cho biết số lượng người lao động sử dụng các giải pháp về sức khỏe tâm thần hiện nay chỉ dưới 10%.
Justin Kim hi vọng sẽ ngày càng nhiều người lao động và người dùng còn do dự sẽ được khuyến khích trải nghiệm dịch vụ – đảm bảo tỷ lệ sử dụng và tiếp tục sử dụng cao.
“Chúng tôi không muốn một công ty chỉ đầu tư vào sản phẩm hay phúc lợi cho thông cáo cáo chí và không thực hiện. Điều quan trọng nhất đối là số lượng người lao động thực sự sử dụng các giải pháp của chúng tôi và duy trì lâu dài,” Justin Kim mỉm cười khi chia sẻ.
Xem thêm: Thành viên Under 30 châu Á lập startup về sức khỏe tâm thần
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/meta-dau-tu-vao-ami-khoi-dong-qua-trinh-dau-tu-vao-chau-a)
2 ngày trước