Fintech

Làm gì để thúc đẩy fintech Việt Nam phát triển?

3 năm trước
Nguyễn Bá Diệp

Để có nền kinh tế số đổi mới sáng tạo, trong đó có sự tham gia của fintech, cần cơ chế pháp luật mở, tạo điều kiện cho các công ty công nghệ có thể mang tư duy đổi mới sáng tạo vào cuộc sống thông qua các sản phẩm, dịch vụ.

Share
this:

Hiểu ngắn gọn, fintech là việc ứng dụng công nghệ giúp khách hàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính một cách đơn giản dễ dàng với chi phí thấp hơn cách làm truyền thống trước đây. Những năm gần đây fintech Việt Nam phát triển nhanh, có tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội, đặc biệt thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.

Tại Việt Nam có khoảng 200 công ty fintech đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như trung gian thanh toán (ví điện tử, cổng thanh toán, chuyển mạch), cho vay ngang hàng (P2P lending), công nghệ chuỗi khối (blockchain/crypto), thanh toán di động (mobile payment), đầu tư (wealth management), huy động vốn cộng đồng (crowdfunding), chấm điểm tín dụng (scoring), định danh điện tử (eKYC), bảo hiểm (insurtech)… đặc biệt gần đây xuất hiện tiền di động (mobile money), ngân hàng số (digital bank) và tiền ảo (virtual money).

Như vậy, fintech rất đa dạng. Tuy nhiên hành lang pháp lý mới bước đầu có những quy định liên quan đến tiền tệ, ngân hàng như trung gian thanh toán và định danh điện tử (eKYC). Điều này là bình thường không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới. Sự phát triển thần tốc của công nghệ và việc hình thành các mô hình kinh tế sáng tạo xuyên biên giới đã khiến nhiều nước phải thay đổi và bổ sung luật pháp khi những quy định cũ trở nên không còn phù hợp.

Tiềm năng của fintech Việt Nam

Việt Nam hứa hẹn là thị trường cực kỳ tiềm năng cho fintech phát triển. Theo thống kê của We Are Social, dân số Việt Nam tính đến năm 2021 khoảng 97,95 triệu người, trong đó 70,3% dân số tiếp cận với Internet. Số lượng thuê bao di động đạt 154 triệu, trong đó có 64% sử dụng Internet di động (3G/4G).

Ông Nguyễn Bá Diệp

Dân số trẻ, tỉ lệ sử dụng di động và tiếp cận Internet cao, thường xuyên dùng smartphone để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hằng ngày như mua sắm (68,5%), tài chính ngân hàng (40,1%), giải trí và xem video (83,4%). Các khách hàng trẻ này chính là nguồn lực thúc đẩy cho kinh tế số, ngân hàng số và fintech phát triển.

Một yếu tố đáng quan tâm khác là tỉ lệ người có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam mới chỉ 31% (Merchant Machine 2021). Theo số liệu của ngân hàng Nhà nước, gần một nửa số người có tài khoản ngân hàng không tiếp cận được với tín dụng. Theo ngân hàng Thế giới (World Bank), mức độ tiếp cận tín dụng của người Việt Nam qua các khoản vay là 46,84%, tuy nhiên chỉ có 18,45% vay từ những tổ chức tài chính.

Điều đó cho thấy người dân đang tiếp cận các khoản vay theo nhiều con đường khác nhau, có thể qua cầm đồ, vay người thân, những kênh không chính thống hoặc tín dụng đen. Đặc biệt, giới trẻ có xu hướng vay để tiêu dùng, thay vì tiết kiệm như thế hệ trước, đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiếp cận dịch vụ tín dụng của người dân.

Hợp tác fintech – ngân hàng

Một điểm rất khác biệt của Việt Nam so với các thị trường khác, đó là fintech không cạnh tranh mà hợp tác rất chặt chẽ với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để đẩy mạnh tiếp cận khách hàng và nâng cao trải nghiệm thông qua việc ứng dụng công nghệ. Đây cũng là yếu tố trọng yếu để thúc đẩy fintech phát triển mạnh trong thời gian tới.

Chẳng hạn, một trong những yếu tố cần thiết để có thể tiếp cận các khoản vay chính thống là thông tin tín dụng (credit scoring), theo công bố từ trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), độ phủ thông tin tín dụng Việt Nam đã tăng từ 41,8% năm 2015 lên 59,6% năm 2020. Tuy đã cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhưng Việt Nam vẫn còn hơn 40,4% dân số chưa có thông tin tín dụng.

Với hơn 70% dân số sống tại khu vực nông thôn, tỉ lệ tiếp cận với các dịch vụ tài chính rất hạn chế. Đây là thị trường tiềm năng rất lớn để các ngân hàng, tổ chức tín dụng và fintech cùng hợp tác khai thác thông qua các mô hình chấm điểm tín dụng sáng tạo và phi truyền thống.

Một trong những lĩnh vực fintech có thể phối hợp cùng với ngân hàng và các tổ chức tín dụng liên quan đến khoản vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). SMEs chiếm 97% tổng số các doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp 45% GDP. Tuy nhiên việc tiếp cận với những nguồn tín dụng chính thức đều không dễ dàng và đơn giản vì thiếu tài sản đảm bảo.

Việc này có thể được cải thiện nếu ứng dụng fintech trong việc xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng cho SMEs thông qua phân tích và xử lý các dữ liệu liên quan đến năng lực tín dụng như: lượng hàng bán ra, dòng tiền thanh toán, thông tin kế toán, số lượng khách hàng tương tác, vị trí địa lý. Phương pháp này sẽ giúp giảm chi phí thẩm định, tăng tính chính xác của chấm điểm tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho vay.

Một trong những yếu tố rất quan trọng tác động đến sự phát triển của fintech tại Việt Nam là tác động từ phía chính sách của Chính phủ trong ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chính phủ điện tử (thanh toán dịch vụ công) và đặc biệt là thực hiện chiến lược tài chính toàn diện với mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng vào năm 2025. Chính phủ đã đẩy mạnh việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công. Điều này đã có tác động rất tích cực đến toàn xã hội và thúc đẩy thanh toán bùng nổ, là cơ hội phát triển của fintech.

ĐỂ CÓ MỘT NỀN KINH TẾ SỐ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, CHÚNG TA SẼ CẦN PHẢI CÓ CƠ CHẾ PHÁP LUẬT MỞ, TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ CÓ THỂ MANG CÁC TƯ DUY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀO CUỘC SỐNG THÔNG QUA CÁC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ.

Để fintech Việt Nam phát triển

Trong thời gian qua, cơ quan quản lý Việt Nam rất nỗ lực xây dựng khung pháp lý để tạo điều kiện cho fintech hoạt động và phát triển, chẳng hạn như cho phép khai nộp thuế thông qua các phương tiện trung gian thanh toán, phát hành ấn chỉ bảo hiểm điện tử hoặc định danh khách hàng điện tử (eKYC).

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý cho fintech như nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, thông tư 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán, thông tư 16/2020/TT-NHNN về eKYC. Đặc biệt, Thủ tướng đã ký quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dịch vụ mobile money, cho phép sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Fintech đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế số của nhiều quốc gia, tiêu biểu nhất là Mỹ, Anh và Singapore. Fintech có phạm vi bao phủ rộng và thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các ngành nghề khác. Do đây là lĩnh vực rất mới, nên hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn thiện, cũng như chưa có quy định một đơn vị quản lý nhà nước có chức năng quản lý chung cho lĩnh vực fintech và chịu trách nhiệm phối hợp liên bộ.

Tùy theo từng loại hình dịch vụ được giao các bộ khác nhau quản lý. Ví dụ, ngân hàng Nhà nước quản lý fintech liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; bộ Tài chính quản lý fintech liên quan đến chứng khoán, bảo hiểm; bộ Thông tin và Truyền thông quản lý fintech liên quan đến tiền di động (mobile money).

Nếu một công ty fintech hoạt động trong nhiều lĩnh vực thì sẽ chịu sự quản lý đan xen của nhiều bộ ngành khác nhau, với các chính sách và quy định khác nhau. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển chung cho ngành công nghệ tài chính, rất nên có một bộ phận chuyên trách có chức năng tham mưu cho lãnh đạo nhà nước liên quan đến các chính sách quản lý, điều hành fintech đồng bộ và nhất quán.

Hầu hết các công ty fintech đều hoạt động gắn với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện là tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, đây cũng là những lĩnh vực có tác động đến xã hội. Vì vậy, việc tìm kiếm cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) là việc rất cần thiết, vì vừa tạo điều kiện cho fintech phát triển, vừa giúp các cơ quan quản lý nhà nước xem xét tác động và tính khả thi của dịch vụ trước khi cấp giấy phép chính thức. Theo ngân hàng Thế giới, “sandbox” cũng là mô hình được 57 nước trên thế giới áp dụng, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào Luật Các tổ chức tín dụng các nội dung mới liên quan đến công nghệ để xây dựng khuôn khổ pháp lý cho fintech.

Trên thực tế, chúng ta cũng phải nhận thức được rằng luật pháp luôn đi sau thực tiễn và cần thời gian để điều chỉnh. Vì vậy để có nền kinh tế số đổi mới sáng tạo, trong đó có sự tham gia của fintech, chúng ta sẽ cần phải có cơ chế pháp luật mở, tạo điều kiện cho các công ty công nghệ có thể mang tư duy đổi mới sáng tạo vào cuộc sống thông qua các sản phẩm, dịch vụ.


Theo Forbes Việt Nam số tháng 8&9.2021
(*) Ông Nguyễn Bá Diệp là đồng sáng lập, phó chủ tịch ví điện tử MoMo

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/lam-gi-de-thuc-day-fintech-viet-nam-phat-trien)