multi-media / Megastory

Lực lượng IT Ấn Độ đưa Innova Solutions thành công ty dịch vụ IT hàng đầu Hoa Kỳ

Doanh nghiệp Innova Solutions ít tiếng tăm của Raj Sardana trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ và nhân sự công nghệ thông tin lớn nhất Hoa Kỳ nhờ chiến lược tích cực mua lại và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh đang gặp khó khăn. Nhưng khi vị tỉ phú mới đang tận hưởng thành quả, liệu thành công của ông có bị AI đe dọa?

Hơn 9h sáng, Raj Sardana, 63 tuổi, xuất hiện trên lối lên máy bay của công ty Innova Solutions tại sân bay Teterboro ở New Jersey. Sau khi tham dự đám cưới ở gần đó vào cuối tuần, ông sẽ bay đến Minneapolis để ghé trung tâm mua sắm Mall of America, nơi đặt chi nhánh của công ty nhân sự và gia công CNTT đang phát triển nhanh chóng của ông.

Đi cùng ông có người vợ Nita (họ đã lấy nhau 37 năm) và con trai Rajan, 28 tuổi, cả hai đều là phó chủ tịch của công ty đặt trụ sở tại Georgia.

Để hành lý sang một bên và tháo kính râm Louis Vuitton, cả ba thả mình lên chiếc ghế gỗ sang trọng của chiếc Bombardier Global Express 9,5 triệu  đô la Mỹ,  được Innova Solutions mua năm 2020, xem như bản nâng cấp của chiếc Challenger 850 trước đó.

Theo Sardana, chiếc Challenger 850 được sử dụng trong mùa đầu tiên của Dynasty, phim truyền hình dài tập về một gia đình tỉ phú của Netflix. Khi máy bay cất cánh, gia đình ông thưởng thức trứng tráng, trái cây và bánh ngọt bằng dao và nĩa vàng, do trợ lý vừa được thuê trước đó hai tuần phục vụ.

“Cậu có thấy mấy chữ đó không?” Sardana nói, cười toe toét nhiệt tình khi bước trên đường băng của khu vực hạ cánh phi thương mại tại sân bay quốc tế Minneapolis-Saint Paul khoảng hai tiếng rưỡi sau, vẫy tay về phía hai ký tự cuối cùng của số đuôi được sơn màu xanh sáng ở phần sau của máy bay. “R.S.,” ông đọc to “dành cho Raj Sardana” – bản thân ông cũng đang đeo khuy măng sét có khắc mấy chữ cái đầu đó.

Sardana, di cư từ Ấn Độ đến Hoa Kỳ 42 năm trước và thành lập công ty năm 1998, đang phấn khởi với thành công mới của mình. Trong ba năm qua, Innova (tên cũ là American CyberSystems hay ACS) vươn lên hàng ngũ công ty dịch vụ CNTT hàng đầu của Hoa Kỳ.

Doanh thu tăng gấp ba lần, từ 860 triệu đô la Mỹ vào năm 2020 lên 2,4 tỉ đô la Mỹ năm 2022. Staffing Industry Analysts hiện xếp hạng Innova là công ty cung cấp nhân sự CNTT lớn thứ tư tại Hoa Kỳ, tăng từ vị trí thứ 19 vào năm 2021.

Innova nhỏ hơn nhiều và danh tiếng cũng thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trên sàn niêm yết như các công ty gia công khổng lồ của Ấn Độ là Tata Consultancy Services, Wipro và công ty Accenture có trụ sở chính tại Dublin, Ireland.

Nhưng hơn 1.100 công ty lớn và vừa, gồm Tesla, Harley Davidson, Verizon và Raytheon đều dùng đội ngũ 55.000 nhân sự gia công của Innova để xây dựng ứng dụng, quản lý dữ liệu và nhân sự cho các dự án khác liên quan đến các công nghệ, kéo dài từ vài tuần đến hơn một năm.

Sardana cùng vợ Nita sở hữu công ty và có tài sản trị giá ước tính khoảng hai tỉ đô la Mỹ (ông khẳng định giá trị tài sản thực tế của mình gấp đôi con số này), khiến ông trở thành một trong những doanh nhân nhập cư thành công nhất nước Mỹ.

“Đây thực sự là vùng đất của những giấc mơ,” Sardana, người đầu năm 2023 đã chi 8,6 triệu đô la Mỹ mua khu đất bảy héc ta thuộc khu Buckhead cao cấp ở Atlanta, được thiết kế như bản sao lớn hơn nhiều của khu bất động sản Monticello của Thomas Jefferson, đầy đủ tiện nghi với bức tượng con hươu có kích thước như thật trên bãi cỏ phía trước. “Đúng, bạn phải chăm chỉ, nhưng ít nhất đất nước này cho tôi cơ hội để đạt đến cột mốc nào đó.”

Từ trái sang: Các thành viên gia đình Sardana: Con trai Rajan, Adi Mishra (chồng của Sonia), con gái Sonia, Raj Sardana, người vợ Nita, con gái Shivani Sardana Vohra, chồng Neil Vohra tại giải thưởng thường niên Innova Awards & Recognition được tổ chức hồi tháng 3.2023 ở Cancun, Mexico.

Không dễ để thành công trong thế giới gia công quá đông đúc và sự tăng trưởng chóng mặt của Innova chủ yếu đến từ chiến lược mua lại. Công ty mua lại các đối thủ cạnh tranh đang gặp khó khăn nhưng có những khách hàng đáng giá (Tesla và Harley Davidson đều là khách hàng có được nhờ mua lại) và sau đó cắt giảm “gánh nặng” nhân sự sau mỗi thương vụ.

Innova mua lại sáu công ty vào năm 2021 và 2022, gồm Diversant có trụ sở tại New York và công ty đã niêm yết Volt Information Sciences. Do đó, chỉ 41% mức tăng trưởng của Innova trong giai đoạn này là hữu cơ.

Mặc dù những thương vụ này đã thúc đẩy lợi nhuận của Innova nhưng đến nay, vẫn chưa có thương vụ nào thực sự có ích cho lợi nhuận ròng. Ví dụ, thương vụ Volt giúp tăng thêm 830 triệu đô la Mỹ doanh thu nhưng chỉ mang lại một triệu đô la Mỹ lợi nhuận ròng và 60 triệu đô la Mỹ nợ.

Tổng lợi nhuận ròng của Innova chỉ đạt 65 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái, tương ứng với tỉ suất lợi nhuận ròng rất nhỏ, chỉ 2,7%, thấp hơn nhiều so với Accenture (12%). Ngoài ra, những giao dịch này còn để lại cho Innova khoản nợ ròng khoảng 370 triệu đô la Mỹ.

Sardana luôn lạc quan coi đây là cơ hội để kiếm lợi nhuận từ các doanh nghiệp hoạt động kém. Ông dự đoán doanh thu của Innova sẽ vượt ba tỉ đô la Mỹ trong năm 2023 và nhấn mạnh tỉ suất lợi nhuận đang tăng lên (mặc dù ông không đưa ra dự đoán thu nhập ròng cho năm 2023). Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy mọi thứ sẽ khó khăn hơn.

Jeff Silber, nhà phân tích phụ trách về ngành CNTT của BMO Capital Markets, giải thích rằng chiến lược “thu gom” bằng cách mua lại các đối thủ cạnh tranh về dịch vụ CNTT có thể rủi ro ngay cả trong giai đoạn thuận lợi. Và hiện giờ không phải là thời điểm tốt.

Các doanh nghiệp khổng lồ về gia công phần mềm như Tata Consultancy Services, Accenture, Infosys và Wipro đều giảm tuyển dụng hoặc cắt giảm nhân sự năm 2023 trong bối cảnh chi tiêu cho CNTT dần chững lại. Tuy vậy, sự sụt giảm trong tuyển dụng có thể chỉ là mối lo ngại nhỏ nhất, vì những tiến bộ của AI sẽ dẫn đến thay đổi ngành này hoàn toàn.

Vẫn chưa rõ bao nhiêu công việc có thể được thực hiện bằng thuật toán, nhưng một số đối thủ cạnh tranh của Innova đã bắt đầu thay đổi mạnh mẽ để đón đầu xu hướng. Đầu tháng 12.2023, Wipro tuyên bố đầu tư một tỉ đô la Mỹ trong ba năm tới cho năng lực AI, gồm đào tạo toàn bộ lực lượng lao động (250 ngàn người) về công nghệ này, còn Accenture đã mua nền tảng AI tạo sinh Writer tháng 9.2023.

Sardana tin rằng kỷ luật tài chính sẽ giúp công ty vượt qua bối cảnh kinh tế vĩ mô phức tạp này. Ông nói: “Chúng tôi chưa đến bờ vực nguy cơ và sẽ phá sản chỉ vì doanh thu giảm 10%.” Hơn nữa, ông cũng đang vận dụng AI trong kinh doanh.

Ông cho biết công ty đã cắt giảm tuyển dụng trong hai năm qua (họ vẫn có 1.000 nhân sự, chủ yếu ở Ấn Độ) và thay vào đó dùng AI để sàng lọc cơ sở dữ liệu độc quyền của hơn 15 triệu hồ sơ được thu thập từ Internet, bao gồm cả các trang tuyển dụng, và tìm những ứng viên phù hợp nhất.

Năm 2022, Sardana đã chi 10 triệu đô la Mỹ (và cam kết thêm 20-30 triệu đô la Mỹ trong vài năm tới) để mua cổ phần lớn của Work Llama, công ty chatbot ứng dụng AI. Theo ông, Innova sử dụng chatbot này tiếp cận và kiểm tra khả năng, bằng cấp của ứng viên và đôi khi còn phỏng vấn ngắn qua video. Đồng thời, ông hi vọng có thể quảng cáo chatbot này cho các công ty khác.

Sardana cho biết ông sẽ còn ở trong ngành một chặng đường dài, bất kể ngành công nghiệp này có thay đổi ra sao. Sanjeev, em trai của Sardana và cũng là COO của Innova, chia sẻ: “Anh ấy sẵn sàng đặt cược gần như mọi thứ, điều mà nhiều người sẽ không làm.”

Sanjeev là một trong năm thành viên gia đình trực hệ được Sardana giao những trọng trách nặng nề tại công ty – hai con gái của Sardana, Sonia và Shivani, cũng là phó chủ tịch, cùng vợ và con trai ông.

“Những người như tôi có một số vấn đề trong não,” Sardana nói và làm rõ ngay sau đó: “Tôi chỉ nói đùa thôi.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Đây là những bước đi có tính toán. Tôi không ngu ngốc.”

Ngôi nhà mới nhất của Sardana, điền trang Loudermilk, là nơi cư trú thứ hai của ông ở Georgia, cũng là nơi ở thứ ba của ông – ông còn sở hữu một căn hộ áp mái trong khách sạn St. Regis ở Puerto Rico.

Tâm lý chấp nhận rủi ro của Sardana hình thành rất sớm, bắt đầu từ khi còn nhỏ ở New Delhi. Cha mẹ của ông đều đến từ Punjab (Ấn Độ) buộc phải chuyển đến thủ đô sau hậu quả cuộc chiến phân chia Ấn Độ thuộc Anh năm 1947.

Việc phân chia lãnh thổ thuộc địa cũ thành Ấn Độ với đa số theo đạo Hindu và Pakistan với đa số theo đạo Hồi gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất trong thế kỷ qua, khiến khoảng 15 triệu người phải di dân. Cha mẹ của Sardana đã bỏ nhà đi sau khi chứng kiến người thân bị sát hại.

Xây dựng lại cuộc sống ở Delhi, cha của Sardana tìm được công việc làm quản lý cho nhà nước, còn mẹ ông là cô giáo  mầm non. Sardana kể lại, ông cùng em trai Sanjeev và bố mẹ ở chung trong căn hộ phòng ngủ 21m2 do nhà nước cung cấp.

Giống như hầu hết căn hộ khác vào thời điểm đó, nhà của họ không có máy sưởi, điều hòa hay tủ lạnh. “Đó là những năm 1960 ở Ấn Độ, nên rõ ràng là mức sống khác nhau, tiện nghi cũng khác nhau,” Sanjeev nói và mô tả họ có “cuộc sống tươm tất” của gia đình thuộc tầng lớp trung lưu thấp. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã tập trung học hành chăm chỉ để có thể thoát khỏi hoàn cảnh đó.”

Sardana tốt nghiệp trường cao đẳng kỹ thuật địa phương và chuyển đến Mỹ đầu những năm 1980 để lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật cơ khí tại viện Công nghệ Georgia. Đó là bước đột phá lớn, nhưng không hề thuận buồm xuôi gió. Ông kể mình đến Atlanta với “có lẽ là 100 đô la Mỹ trong túi” sau khi gom góp tiền mua vé máy bay. “Tôi bắt đầu cuộc sống lại từ đầu,” ông nói. “Tôi kiếm được việc làm tại căng tin của Georgia Tech để trang trải cuộc sống.”

Khi tốt nghiệp, Sardana được một nhà cung cấp linh kiện động cơ máy bay cho Pratt & Whitney thuê, sau đó nhận được công việc hỗ trợ chế tạo động cơ tua-bin dùng để bắn tên lửa Tomahawk cho một đơn vị của nhà thầu quốc phòng Teledyne.

Nhưng vào năm 1990, khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Sardana và nhiều đồng nghiệp của ông bị sa thải. Đột ngột mất việc, Sardana tự xoay xở, dùng 25 ngàn đô la Mỹ tiền tiết kiệm để mua một cửa hàng in ở Stone Mountain, Georgia. Đến năm 1997, ông xây dựng được đế chế nhỏ gồm hai cửa hàng in, tám trạm xăng và hai cửa hàng giặt khô.

Vào năm 1998, dòng tiền đủ để Sardana quay trở lại ngành mà ông đam mê: công nghệ. Chứng kiến các công ty Mỹ rơi vào tình trạng điên cuồng trước nỗi lo sợ được thổi phồng quá mức về Y2K (đó là lúc nhiều chuyên gia dự đoán – hóa ra là sai – rằng quá trình chuyển đổi từ năm 1999 sang năm 2000 sẽ dẫn đến sự cố máy tính trên diện rộng), ông nảy ra ý tưởng tuyển dụng lập trình viên từ Ấn Độ sang giúp các công ty Hoa Kỳ sàng lọc “lỗi thiên niên kỷ” trong hệ thống của họ.

Ông cùng em trai đã bay tới Ấn Độ và dành nhiều tháng để phỏng vấn 1.000 lập trình viên và chọn ra 125 người để tài trợ thị thực H1-B. Thời đó, loại thị thực này vẫn chưa quá phổ biến và được săn đón nhiều như hiện nay, đồng thời chính phủ cũng vừa tăng chỉ tiêu phân bổ.

Theo Sardana, mặc dù công ty của ông không được nhiều người biết đến, nhưng ở Mỹ vẫn thiếu hụt nhân tài trầm trọng đến mức American CyberSystems (tên công ty thời đó) đã ghi nhận doanh thu một triệu đô la Mỹ trong năm đầu tiên kinh doanh.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, cơn sốt Y2K kết thúc và Sardana lại trở về việc kinh doanh ban đầu – cho đến khi một khủng hoảng quốc gia khác xảy ra. Vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11.9 của nhóm Hồi giáo cực đoan Al Qaeda năm 2001 đã thúc đẩy sự gia tăng chi tiêu quốc phòng mà Sardana có thể khai thác.

Tận dụng kiến thức về hàng không vũ trụ, ông tiếp cận các nhà thầu quốc phòng lớn như Northrop Grumman và Raytheon để cung cấp nguồn nhân tài kỹ thuật đang rất cần thiết. Điều này đòi hỏi phải chuyển đổi hoạt động kinh doanh.

Sardana cho biết: “Từ công ty chuyên về thị thực H1-B, chúng tôi trở thành nhà thầu phụ quốc phòng chỉ thuê công dân Hoa Kỳ và rất nhiều người trong số họ có giấy phép bí mật hoặc tuyệt mật.” Ông tuyên bố cá nhân ông có giấy phép an ninh tuyệt mật vào năm 2004 (ông nhập quốc tịch năm 1990) sau quy trình xem xét, đánh giá hai năm, trong đó chính phủ đã cử người đến gặp gia đình ông ở Ấn Độ.

Sardana trong văn phòng của mình vào những ngày đầu thành lập Innova Solutions (thời điểm đó được gọi là ACS).

Sự tăng trưởng ban đầu của Innova một phần được hỗ trợ nhờ vị thế là doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thuộc cộng đồng thiểu số. Theo Sardana, điều này đã mang lại cho công ty “lợi thế bổ sung” để giành được các hợp đồng với chính phủ và khách hàng với hạn ngạch “đa dạng về nhà cung cấp.” Nhưng Sardana cũng đã tìm ra cách tăng tốc.

Khoảng thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông mua một số công ty cung cấp nhân sự nhỏ có trụ sở ở nước ngoài như cộng hòa Dominica và Ấn Độ.

Sau đó, vào năm 2012, ngay sau khi Innova đạt doanh thu khoảng 100 triệu đô la Mỹ, ông đặt cược lớn hơn, giành lấy đội ngũ nhân sự của Comforce, một công ty từng niêm yết có trụ sở tại New York đã được công ty cổ phần tư nhân ARBY Partners mua lại với giá rẻ (85 triệu đô la Mỹ) khoảng hai năm trước.

Hoạt động kinh doanh nhân sự của Comforce đang mang về doanh thu khoảng 170 triệu đô la Mỹ và ABRY, công ty chỉ muốn nắm giữ mảng kinh doanh cung cấp dịch vụ quản lý (MSP), đã đồng ý bán phần còn lại với giá khoảng 50 triệu đô la Mỹ.

Theo giám đốc tài chính lâu năm của Innova, Nick Goel, công ty phải vay toàn bộ số tiền cho thương vụ này từ một nhóm các ngân hàng, trong đó có Bank of America và Fifth Third Bank. Nick Goel cho biết mình được tuyển dụng năm 2005 nhờ một bài đăng trên Monster.com.

Đó là quyết định hết sức mạo hiểm, đến nỗi Goel nói rằng ông đã bị sốc khi chưa đầy một năm sau, Sardana yêu cầu ông quay lại các ngân hàng đó để vay thêm tiền cho thương vụ mua lại thứ hai – lần này là mua công ty nhân sự tập trung vào tài chính và kỹ thuật Analysts International.

Một trong những ngân hàng ban đầu đã từ chối với lý do tăng trưởng quá nhanh. Nhưng hai ngân hàng khác đã đồng ý, và Goel cùng họ bàn bạc các khoản vay cho thương vụ trị giá 35 triệu đô la Mỹ.

Ngày nay, Innova tuân theo nguyên tắc thận trọng hơn: Mua lại các công ty có khả năng hoàn vốn trong vòng ba năm. Sardana nói ông giữ nguyên hoạt động cho công ty được mua lại trong khoảng một năm và sau đó bắt đầu cắt giảm chi phí và chuyển các hoạt động cốt lõi của công ty ra nước ngoài. Trong trường hợp của Volt, thương vụ mua lại lớn gần đây nhất, Sardana cho biết ông kế thừa khoảng 1.700 nhân sự nhưng đã cắt giảm xuống còn 1.000.

“Khẩu quyết của Sardana luôn là: Nếu đối thủ cạnh tranh có thể làm điều đó thì chúng tôi cũng làm được, tốt hơn và rẻ hơn,” theo Brian Sonderholm, giám đốc điều hành lâu năm của Innova, hiện là giám đốc doanh thu của Volt. Sau đó ông chỉnh lại ý của mình: “Không dùng từ ‘rẻ hơn,’ phải nói là tổng chi phí sở hữu thấp hơn.”

Vẫn có khách hàng khen ngợi dịch vụ khách hàng của Innova tốt hơn so với các công ty gia công phần mềm khác. “Họ làm rất tốt. Tôi đã làm việc với một số công ty lớn của Ấn Độ và mặc dù Raj đang tiếp tục phát triển, nhưng ông ấy vẫn giữ được văn hóa điều hành để triển khai kinh doanh được nhiều hơn,” theo Shawn Eads của PennEngineering, nhà sản xuất có trụ sở tại Pennsylvania, từng làm việc với đội ngũ gia công (chủ yếu ở nước ngoài) của Innova kể từ năm 2021 trong một loạt các dự án dịch vụ và nhân sự CNTT, bao gồm các dự án cung cấp giải pháp phục hồi sau thảm họa, phân tích dữ liệu và chiến lược dữ liệu.

Sardana vẫn giữ mối liên hệ bền chặt với Ấn Độ. Tại Noida, thành phố ngoại ô New Delhi, Innova có văn phòng trong tòa tháp tám tầng hào nhoáng và văn phòng nhỏ thứ hai gần đó với 2.400 nhân viên – chủ yếu ở độ tuổi 20 và 30 – hỗ trợ khách hàng làm các công việc như cơ sở hạ tầng nhân sự, pháp lý và CNTT. Nhân viên mới phải trải qua quá trình đào tạo kéo dài chín tháng trước khi được phân công vào một dự án.

Các nhân viên được Forbes phỏng vấn tại chỗ đã ca ngợi Innova có môi trường làm việc tiến bộ – tại thời điểm phóng viên tạp chí đến thăm, văn phòng treo cờ LGBTQA+ và cung cấp các chuyến taxi để nhân viên nữ về nhà an toàn sau ca làm việc muộn. Anisha Mehta, chuyên gia nhân sự, cho biết: “Chúng tôi có văn hóa làm việc tuyệt vời,” và nhấn mạnh cô “thăng tiến nhanh chóng” trong bốn năm làm việc tại Innova.

Các “trung tâm gia công” lớn ở những địa điểm có chi phí thấp hơn như Noida rất quan trọng đối với mô hình kinh doanh của Innova. Mặc dù Sardana khẳng định, trong thực tế hầu hết các đội ngũ gia công của công ty đều ở Hoa Kỳ – điều kiện hấp dẫn dành cho những khách hàng muốn có nhân viên ở cùng múi giờ, nhưng có khoảng một nửa số nhân viên của công ty lại làm việc ở nước ngoài.

Innova đang tích cực phát triển ở nước ngoài, như Ấn Độ, Đài Loan và Mexico, để xử lý nhiều dự án kỹ thuật và phát triển sản phẩm hơn, nỗ lực mở rộng các dịch vụ của mình ra ngoài phạm vi nhân sự thuần túy.

Bức ảnh chụp bên ngoài khu nhà ở của chính quyền ở New Delhi nơi Sardana lớn lên.

Sardana giải thích: “Bạn phải có nhiều thứ hơn dịch vụ nhân lực mà bạn đang cung cấp. Bạn có thể thuyết phục khách hàng ‘hãy thuê chúng tôi gia công toàn bộ dự án này và chúng tôi sẽ lo hết mọi việc.’ Đó là cách để chúng tôi kiếm được nhiều doanh thu ổn định hơn.”

Tuy vậy, sự hiện diện của công ty Innova tại Mỹ có vẻ khiêm tốn hơn nhiều, là tòa nhà gạch đỏ không có gì nổi bật ở ngoại ô Duluth của Atlanta. Trước đây công ty đã liệt kê nơi này cùng 36 văn phòng khác trên toàn quốc ở trang web của mình.

Công ty đã xóa đi bảy văn phòng trong số này khỏi trang web sau khi nhận được các câu hỏi từ Forbes về văn phòng ở Gurnee, Illinois – nơi đó hóa ra lại là một tòa nhà giống như nhà kho với một dòng ghi chú trên cửa cảnh báo người thuê rằng nó “không được phép cho thuê.”

Khi được hỏi về văn phòng Gurnee, Sardana cho biết Innova đã mở văn phòng ở đây trong thời kỳ đại dịch để phục vụ một khách hàng gần đó, Abbott Labs, nhưng ông không nghĩ họ còn giữ địa điểm đó nữa. Ông nói, các văn phòng khác chủ yếu được dành cho các cuộc họp khách hàng và nhiều văn phòng đã bị thu hẹp quy mô trong thời kỳ đại dịch vì nhân viên làm việc từ xa.

Những phương pháp cắt giảm chi phí của Innova không phải lúc nào cũng ổn thỏa. Innova bị kiện ít nhất ba lần, từ chủ sở hữu cũ của các công ty mà Innova mua lại. Họ đều đang tranh giành những khoản tiền tương đối nhỏ – mới nhất là vụ kiện đang diễn ra với các chủ sở hữu cũ của Diversant.

Họ kiện vì cho rằng Innova nợ hơn 400 ngàn đô la Mỹ tiền hoàn thuế từ trước thương vụ tháng 12.2021. Không công ty nào trong số này trả lời các câu hỏi từ Forbes. (Hồi tháng 5.2023, công ty cũng đã dàn xếp với bộ Tư pháp Hoa Kỳ, nộp phạt và đồng ý đào tạo lại nhân viên, sau khi vi phạm đạo luật Nhập cư và Quốc tịch trong hai thông tin tuyển dụng.)

Có ít nhất hai vụ kiện mà Sardana mô tả rằng những người bán đã thao túng. “Chúng tôi mua lại những công ty không được quản lý tốt vì đó là cách chúng tôi đạt được giá trị tốt nhất… và sau đó chúng tôi áp dụng các nguyên tắc kinh doanh của riêng mình để đưa ra những quyết định đúng đắn nhằm xoay chuyển tình thế,” ông nói.

Về phần các đội ngũ gia công của mình, CEO của Innova Solutions khẳng định sự phụ thuộc vào nhân tài công nghệ ở Hoa Kỳ sẽ bảo vệ ông khỏi mọi thay đổi thảm khốc.

Sardana cho biết: “Các công ty thực hiện nhiều công việc cực nhọc sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì AI sẽ đảm nhận tất cả những phần việc khó khăn đó, cho dù đó là việc nghiên cứu hay viết mã,” và nêu ví dụ về các đối thủ cạnh tranh như Cognizant và Tata Consultant Services (TCS) với hàng trăm ngàn nhân viên hoạt động tại Ấn Độ.

“TCS có 300 ngàn nhân viên ở Ấn Độ chủ yếu làm những công việc cực nhọc. Trong khi đó, chúng tôi chỉ có 10 ngàn nhân viên ở Ấn Độ vì phần lớn công việc của chúng tôi được thực hiện ở Mỹ.”

Sardana đang dự đoán hướng tích cực là sẽ xuất hiện những cơ hội “to lớn, cực to lớn” nhờ AI tạo sinh. Ông cho biết nhân viên đang tích cực học hỏi và tìm cách triển khai với khách hàng. Sardana hoan nghênh cơ hội tiếp nhận thử thách.

Ông giải thích: “Nếu không có điều gì đó lớn lao và đầy thử thách thì sẽ rất nhàm chán. Ý tôi là chúng ta đang làm những việc tầm thường này hằng ngày, cứ như cũ, quá nhàm chán. Chúng ta cần được kích thích.”

—————————–

Biên dịch: Quỳnh Anh

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/kho-nhan-luc-an-do-dua-innova-solutions-thanh-cong-ty-dich-vu-it-hang-dau-hoa-ky)