Quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam có thể bị đình trệ do lao động đang bị xếp vào nhóm có năng suất thấp nhất khu vực cộng với việc Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam có thể bị đình trệ do lao động đang bị xếp vào nhóm có năng suất thấp nhất khu vực cộng với việc Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa phát hành báo cáo “Nghiên cứu tổng thể về thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam từ tháng 9/2021 – 5/2022”.
Theo báo cáo, từ năm 2018 đến nay, khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng cộng thêm việc Trung Quốc đóng cửa vì dịch COVID-19, Việt Nam được coi là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ sự kiện này. Các tập đoàn đa quốc gia như Foxconn, Samsung và Daikin đã mở các nhà máy mới ở Việt Nam thay vì ở Trung Quốc do mức lương của ngành sản xuất Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong bảy năm qua.
Việc di dời này đã tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam, nhưng cũng có những lo ngại về khả năng tận dụng của Việt Nam do sự thiếu hụt về cơ cấu lao động lành nghề.
JICA đánh giá năng suất lao động của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam đạt 13,817 USD, chỉ bằng 8,7% của Singapore, 10,3% của Brunei, 23,2% của Malaysia, 41,2% của Thái Lan, 56,6% của Indonesia và 63,3% của Philippines. Cũng theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của World Bank, Việt Nam xếp hạng 103/141 quốc gia về kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại.
Năm 2020, lực lượng lao động chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở chiếm tới 61,2% tổng số lao động. Số lao động tốt nghiệp trung học phổ thông và có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 38,8%. Trình độ học vấn thấp là một trong những yếu tố khiến Việt Nam có năng suất lao động thấp nhất trong khu vực.
Bên cạnh đó, khi chi phí lao động nằm trong xu hướng tăng, Việt Nam sẽ dần mất đi lợi thế hiện tại về lao động giá rẻ trong các ngành đòi hỏi kỹ năng thấp và thâm dụng lao động.
Kể từ năm 2008, Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình thấp và đã có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam có khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bao gồm tăng trưởng chậm lại, năng suất thấp, thiếu chuyển đổi cơ cấu thiết thực, không có dấu hiệu cải thiện về tỷ lệ cạnh tranh, và nhiều vấn đề do tăng trưởng kinh tế gây ra.
Vì lý do này, JICA nhận định khả năng cạnh tranh của Việt Nam sẽ giảm mạnh khi chi phí lao động tăng nhanh so với mức tăng của năng suất lao động. Trong khi đó, nguồn nhân lực công nghiệp vẫn chưa được trang bị kỹ năng, kiến thức và năng lực cao hơn, có thể khiến quá trình công nghiệp hóa sẽ dừng lại.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định Việt Nam cũng có những điểm sáng, đó chính là năng lực đổi mới sáng tạo.
Năng lực đổi mới sáng tạo được coi là chỉ số quan trọng đối với Việt Nam để đối phó với những thay đổi dưới tác động của tự động hóa và số hóa. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) ghi nhận Việt Nam đứng ở vị trí thứ 42 trong số 131 quốc gia với số điểm 37,12/100, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Malaysia.
Kết quả này có được là nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ như các ưu đãi cho công nghệ và năng lượng xanh, thu hút FDI và sự phát triển của các trung tâm R&D nước ngoài ở vị trí gần các nhà sản xuất v.v…
Về nguồn nhân lực, Việt Nam cũng có một lực lượng lao động trẻ có trình độ học vấn về khoa học và kỹ thuật. Tuy nhiên, JICA nhận xét nếu Việt Nam muốn đi đầu trong các đột phá kỹ thuật tiên tiến, Việt Nam sẽ cần phải dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học.
JICA khuyến nghị việc nâng cao kỹ năng của người lao động và tạo điều kiện cho người lao động tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu là vấn đề cấp bách sẽ đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong hệ thống nguồn nhân lực Việt Nam.