Tiêu điểm

Hội nghị COP27 lập quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả từ biến đổi khí hậu

Hội nghị COP27 đã đồng thuận quyết định thành lập một quỹ hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn và dễ bị tổn thương trong việc khắc phục hậu quả từ biến đổi khí hậu

Share
this:

Vừa qua, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) diễn ra tại Sharm El Sheikh, Ai Cập, với sự tham dự từ gần 200 quốc gia trên toàn thế giới đã thống nhất thành lập quỹ hỗ trợ các nước nghèo khắc phục và ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu, quy kết trách nhiệm cho lượng khí thải từ những quốc gia giàu có trong nhiều thập kỷ qua.

Việc đi đến thỏa thuận thành lập quỹ “bồi thường tổn thất và thiệt hại”, với các nước đưa ra đề xuất này nhận định đây là hành động cụ thể vì “công bằng khí hậu”, được đưa ra sau khi những quốc gia phát triển đã vấp phải chỉ trích khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao trong nhiều năm qua, với tác động thể hiện rõ ở các nước đang phát triển và dễ bị tổn thương.

Quỹ “bồi thường tổn thất và thiệt hại” sẽ hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn và dễ bị tổn thương như những đảo quốc nhỏ khắc phục thiệt hại sau các trận thiên tai như lũ lụt, bão, cháy rừng, hạn hán và sóng nhiệt.

Mặc dù trước đó phản đối đề xuất thành lập, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) sau cùng đều đồng thuận thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” nhưng với điều kiện Trung Quốc phải đóng góp và không nhận về bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào từ quỹ này, New York Times đưa tin.

Tuy chưa xác định chính thức phương hướng hoạt động của quỹ, song các quốc gia thành viên tham dự hội nghị COP27 nhất trí việc thành lập “ủy ban chuyển tiếp” để khuyến nghị cách đóng góp và vận hành.

Bên cạnh việc thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại”, hội nghị COP27 chưa đạt bước tiến nào về tình hình phát thải gây hiệu ứng nhà kính và văn kiện thỏa thuận thậm chí còn đề cập đến khí tự nhiên như nguồn năng lượng có mức phát thải thấp, dấy lên lo ngại rằng các nước thành viên có thể phải chấp nhận việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trái ngược với nỗ lực cắt giảm từ một vài quốc gia.

Thỏa thuận cuối cùng là duy trì mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C (2,7°F).

Đại diện của các quốc gia thành viên tại phiên thảo luận trong khuôn khổ hội nghị COP27. Ảnh: Bản quyền thuộc về Associated Press. Bảo lưu toàn quyền.

Đại diện cho nhóm G77 – liên minh 135 quốc gia đang phát triển, bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho rằng “Việc thành lập quỹ bồi thường ‘tổn thất và thiệt hại’ không phải hành động từ thiện, mà đó là thể hiện trách nhiệm cho tương lai của thế giới nhằm hướng tới ‘công bằng khí hậu’.”

“Thỏa thuận này mở ra hi vọng cho các quốc gia dễ tổn thương trên toàn thế giới, những nơi đang phải chống chọi với biến đổi khí hậu và tăng mức độ tín nhiệm của hội nghị COP,” bà cho biết thêm trên Twitter. Trong năm 2022, Pakistan đã phải hứng chịu một trong những thảm họa thời tiết tồi tệ nhất, khi trải qua trận lũ lụt kinh hoàng khiến ít nhất 1.700 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 33 triệu người dân, bao gồm 16 triệu trẻ em ở miền Nam nước này.

Trong bài phát biểu kết thúc bế mạc hội nghị tại Sharm El Sheikh, Alok Sharma, nhà lập pháp và cựu bộ trưởng Chính phủ Anh từng đảm nhiệm vai trò chủ tịch COP26 diễn ra ở Glasgow, đã phê bình thỏa thuận cuối cùng và cảnh báo thời gian đàm phán từ hội nghị năm 2021 đang cạn kiệt dần. “Chúng tôi đã phối hợp với nhiều đại diện tham dự để đưa ra một số giải pháp để đảm bảo mức phát thải đạt đỉnh vào năm 2025, khi các nhà khoa học nhận định đây là điều cần phải thực hiện,” Alok Sharma cho biết.

“Văn kiện này không duy trì thỏa thuận giảm sử dụng than đá, không có cam kết rõ ràng về việc loại bỏ dần toàn bộ nhiên liệu hóa thạch và cam kết về chuyển đổi năng lượng trở nên mờ nhạt dần. Tại hội nghị diễn ra tại Glasgow, tôi từng nói rằng mục tiêu hạn chế nhiệt độ ở mức 1,5°C không khả qua và có nguy cơ thất bại,” ông cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn