Giá các mặt hàng xăng dầu hiện tại đã vượt mức trước đại dịch và có xu hướng lên ngưỡng giá kỷ lục đã xác lập năm 2014, khi đà tăng giá chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Ở trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đã tăng lần thứ ba liên tiếp kể từ tháng 8, sau khi liên bộ Công Thương – Tài chính ở kỳ điều hành hôm 11.10, đã tiếp tục cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng giá bán lẻ các mặt hàng.
Trong đó, mỗi lít xăng A92-E5 tăng 960 đồng, lên 21.680 đồng dù đã được chi sử dụng từ quỹ bình ổn giá 950 đồng/lít; xăng A95-III tăng 930 đồng, lên 22.870 đồng/lít. Tương tự, mỗi lít dầu diesel tăng 950 đồng, lên mức 17.540 đồng và dầu hỏa tăng 970 đồng lên mức 16.620 đồng.
Mức tăng này đã đưa giá bán lẻ xăng dầu lên cao hơn mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, tính ở thời điểm 31.12.2019. Lúc đó, giá bán lẻ xăng A95 III xănglà 20.990 đồng, xăng A92-E5 là 19.880 đồng và dầu diesel 16.590 đồng/lít. Trong năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát trên thế giới, giá xăng dầu bán lẻ liên tục giảm, có lúc về mức 10.000-11.600 đồng/lít, khi giá dầu Brent chạm đáy 16 USD/thùng vào hôm 22.4.2020.
Giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã từng lập kỷ lục vào ngày 7.7.2014. Lúc đó, A92 lên 25.640 đồng, A95 ở mức 26.140 đồng và diesel mức 22.890 đồng/lít. Thậm chí ở các địa bàn xa trung tâm, cảng biển mức giá còn cao hơn 10-20%. Lúc này, giá xăng dầu thành phẩm các mặt hàng quanh mức 120 USD/thùng.
Cơ quan điều hành cho rằng việc tăng giá hiện tại là tất yếu khi giá xăng dầu thành phẩm tiếp tục tăng 7-10% trong 15 ngày trước kỳ điều hành. Trong đó, A92 giá 88,1 USD/thùng, A95 giá 90,2 USD/thùng và dầu diesel là 87,7 USD/thùng.
Xu hướng tăng giá các mặt hàng xăng dầu càng rõ nét khi tình hình dịch bệnh từng bước được cải thiện ở nhiều nước, nền kinh tế phục hồi và nhu cầu năng lượng cho mùa đông lên cao. Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI ngày 10.10 lên mức 80,11 USD/thùng và dầu Brent lên 82,58 USD/thùng, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
Saudi Aramco ước tính, tình trạng thiếu khí đốt đã làm tăng nhu cầu dầu khoảng 500.000 thùng mỗi ngày, thậm chí Goldman Sachs dự báo mức tiêu thụ còn tăng cao hơn. Trong khi đó, bộ Năng lượng Mỹ không có kế hoạch khai thác nguồn dự trữ dầu quốc gia và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các liên minh (OPEC+) cũng không gia tăng sản lượng khai thác so với kế hoạch…
Giá bán lẻ xăng dầu tăng khi Việt Nam bắt đầu khôi phục sản xuất kinh doanh trở lại sau nhiều tháng thực hiện giãn cách chống dịch đang gây áp lực lớn lên doanh nghiệp và người dân. Câu hỏi đặt ra là làm gì để giảm giá xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới vẫn tăng?
Thứ nhất là quỹ bình ổn giá xăng dầu, công cụ thường được dùng để giảm mức tăng giá khi giá thế giới tăng cao. Thời gian qua, cơ quan điều hành đã liên tục chi từ quỹ bình ổn 100-2.000 đồng/lít/kg tùy mặt hàng. Ở thời điểm hiện tại, quỹ này tại các doanh nghiệp đang âm sau thời gian dài sử dụng. Tại Petrolimex, số dư quỹ bình ổn giá trước thời điểm 11.10 là -190 tỉ đồng và tại PV Oil -697,63 tỉ đồng. Vì vậy, nguồn lực để sử dụng quỹ là không nhiều.
Thứ hai là công cụ thuế. Các khoản thuế hiện đang chiếm trên 40% cơ cấu giá xăng bán lẻ và gần 30% đối với mặt hàng dầu. Đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường được tính mức tuyệt đối 4.000 đồng mỗi lít xăng và 2.000 đồng mỗi lít dầu diesel. Bộ Công Thương cho biết đang đề xuất bộ Tài chính giảm thuế bảo vệ môi trường để kéo giảm giá xăng.
Năm 2020, để hỗ trợ ngành hàng không bị ảnh hưởng của đại dịch, thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng nhiên liệu bay đã được điều chỉnh giảm 30%, về mức 2.100 đồng/lít, áp dụng từ 1.8.2020 đến nay.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/gia-xang-dau-tiem-can-nguong-gia-ky-luc-nam-2014)
1 năm trước
2 năm trước
Giá xăng A95 vượt 25.000 đồng mỗi lít