Ghana đã ghi nhận hai ca mắc trong đợt bùng phát virus Marburg đầu tiên, đặt nước này và nhiều quốc gia lân cận vào tình trạng khẩn cấp khi chưa có phương pháp điều trị và vaccine phòng ngừa.
Vào ngày 17.7, Ghana ghi nhận đợt bùng phát virus Marburg đầu tiên, đặt nước này và những quốc gia lân cận vào tình trạng khẩn cấp khi các chuyên gia y tế gặp khó khăn trong việc kìm hãm căn bệnh có dấu hiệu như Ebola với mức độ lây truyền cao và vẫn chưa có phương pháp điều trị hay vaccine tiêm ngừa.
Marburg là căn bệnh sốt xuất huyết do siêu vi (Viral hemorrhagic fever-VHF) có mức độ lây nhiễm cao và cùng họ hàng với virus Ebola.
Ban đầu, virus lây truyền từ loài dơi quạ sang con người và tiếp xúc giữa người với người qua dịch tiết cơ thể, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Căn bệnh khởi phát đột ngột và xuất hiện các triệu chứng gồm sốt cao, đau mỏi cơ, xuất huyết, đau đầu dữ dội, tiêu chảy và nôn ra máu.
Virus Marburg khiến người mắc trở nặng và có thể gây chết người, với tỷ lệ tử vong từ 24-88% trong những đợt bùng phát trước đó, tùy thuộc vào nhánh và chất lượng chăm sóc bệnh nhân.
Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị và vaccine phòng ngừa loại virus này, với nhiều vaccine đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên. Tuy vậy, các biện pháp chăm sóc sức khỏe như truyền nước và điều trị theo những triệu chứng cụ thể có thể cải thiện tỷ lệ sống sót.
Vào ngày 17.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Ghana ghi nhận hai ca mắc Marburg, sau khi phát hiện virus này trong máu của hai trường hợp tử vong với các triệu chứng bao gồm sốt, tiêu chảy và buồn nôn. Đây là đợt bùng dịch đầu tiên tại Ghana và lần thứ hai căn bệnh này được phát hiện tại Tây Phi. Gần 100 người đang phải cách ly sau khi được xác định có tiếp xúc với hai ca mắc.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, tiến sỹ Matshidiso Moeti, nhận xét Ghana đã phản ứng nhanh chóng, song cảnh báo rằng “virus Marburg có thể dễ dàng vượt tầm kiểm soát nếu không hành động nhanh chóng và quyết đoán.” WHO cho biết tổ chức này đang hỗ trợ giới chức y tế Ghana cũng như thông báo tới các quốc gia lân cận có nguy cơ cao và trong tình trạng khẩn cấp.
Marburg là căn bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Vật chủ của virus lây nhiễm này là loài dơi quạ của châu Phi, với những con dơi đã nhiễm bệnh không xuất hiện những dấu hiệu mắc bệnh cụ thể. Tuy vậy, virus Marburg đôi khi lây sang các loài linh trưởng, bao gồm cả con người với ảnh hưởng vô cùng lớn. Các quan chức y tế Ghana khuyến cáo người dân không đến hang động và hầm mỏ có loài dơi sinh sống nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, cũng như đun nấu kỹ thịt trước khi ăn.
Virus Marburg lần đầu được phát hiện vào năm 1967 sau khi xuất hiện một vài trường hợp tương tự có liên hệ với những con khỉ mắc bệnh trong phòng thí nghiệm tại Marburg và Frankfurt (Đức) và Belgrade (Serbia) rồi đến Nam Tư. Kể từ đó, đã xuất hiện một số đợt bùng phát do virus Marburg, nổi bật nhất là Angola từ năm 2004-2005 và Cộng hòa Congo giai đoạn năm 1998-2000, cướp đi mạng sống của hàng trăm người.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) lưu ý có thể rất khó khăn để chẩn đoán bệnh từ virus Marburg, khi có nhiều dấu hiệu và triệu chứng tương tự như các loại bệnh lây truyền khác như sốt rét hay số thương hàn, hay những căn bệnh sốt xuất huyết do siêu vi như sốt Lassa hoặc Ebola.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ghana-ghi-nhan-dot-bung-phat-dau-tien-tu-virus-marburg)
1 năm trước
Anh nỗ lực phòng chống bệnh lao7 tháng trước
Nỗ lực bảo tồn các loại nấm quý hiếm ở Ghana