Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, việc giải ngân vốn của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến ngày 20.9.2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 13,28 tỉ USD.
Bên cạnh đó, vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục giảm so với cùng kỳ, giảm 43,8% về giá trị và 45,3% về số lượng, tương ứng còn 3,2 tỉ USD. Tình hình thiếu khả quan nó trên là do một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
Con số hiếm hoi tích cực là tổng vốn FDI đăng ký tăng 20,6% so với cùng kỳ nhưng đi vào chi tiết, chủ yếu là do xuất hiện những dự án có số vốn rất lớn như nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) trên 3,1 tỉ USD đã chiếm tới 49,3% tổng vốn đầu tư của Singapore, đưa Singapore lên thành đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, tính tổng số lượng dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì lại giảm mạnh 37,8% so với cùng kỳ, chỉ còn 1.212 dự án. Cục Đầu tư nước ngoài giải thích, các dự án quy mô nhỏ dưới 5 triệu USD bị tác động nặng nề nhất.
Thời gian qua, dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến dòng vốn vào Việt Nam. Ngoài ra, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.
Việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp dẫn đến đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, việc đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất khiến nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác.
Ngoài ra, một yếu tố đáng chú ý là con số nhập siêu 3,6 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm nay, mặc dù giảm chút ít so với 8 tháng song vẫn tăng hơn so với 7 tháng và 6 tháng, là dấu hiệu tiếp tục cảnh báo tác động tiêu cực và sức chống chịu của khu vực trong nước càng suy yếu trước đại dịch, theo cơ quan quản lý nhà nước này.
Một số dự án FDI tỉ đô lớn trong 9 tháng đầu năm đứng đầu là lĩnh vực năng lượng gồm dự án nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) trên 3,1 tỉ USD, dự án tăng vốn 1,4 tỉ USD lên thành 2,15 tỉ USD của LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) trên 1,31 tỉ USD và nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina 611 triệu USD tại Vĩnh Phúc.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/fdi-ngam-don-covid-19)
3 năm trước
Hãng bay quốc gia làm ăn thế nào trong mùa dịch?3 năm trước
Các sáng kiến công nghệ đáng chú ý mùa đại dịch1 tháng trước
Super Energy đặt cược vào ngành năng lượng Việt Nam