Kinh doanh

EPR và mô hình sản xuất tuần hoàn tại Việt Nam: Biến rác thải thành tài nguyên

2 ngày trước
Tác giả Trọng Nam

Phiên thảo luận “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Dẫn dắt sự thay đổi” của Hội nghị Phát triển Bền vững 2025 do Forbes Việt Nam tổ chức tập trung vào các hành động thực tiễn và giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng, đồng thời thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.

Share
this:

Tham gia phiên thảo luận Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec; ông Jason Yang – Giám đốc cấp cao, phụ trách lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững, Ngân hàng UOB Việt Nam; ông Bùi Khánh Nguyên – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững, Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam. Phiên thảo luận được điều phối bởi ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững, DUYTAN Recycling.

Các diễn giả thảo luận sôi nổi về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất

Ông Lê Anh, DUYTAN Recycling: Từ ngày 1.1.2025, các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR). Đối với ô tô và xe máy, mốc áp dụng là từ ngày 1.1.2027. EPR yêu cầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm về môi trường trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm và là công cụ hiệu quả của nền kinh tế tuần hoàn. Khi EPR được áp dụng, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến định hướng chiến lược của doanh nghiệp?

Ông Jason Yang, UOB Việt Nam: Điều quan trọng nhất nằm ở việc xây dựng được một hệ thống quy định toàn diện. Đối với ngân hàng, chúng tôi phân bổ nguồn tài chính hướng đến các dự án xanh và sẽ thực hiện điều đó hiệu quả hơn khi có khung pháp lý đồng bộ. UOB Việt Nam tin rằng một hệ thống như vậy sẽ tạo động lực cho các nhà sản xuất tập trung vào thiết kế và chiến lược sản phẩm dựa trên EPR, từ đó lan tỏa tinh thần sử dụng nguyên liệu tái chế, phát triển chuỗi cung ứng và toàn bộ hệ sinh thái bền vững. Với vai trò là tổ chức tài chính, chúng tôi có thể tận dụng các quy định này để triển khai tài chính xanh một cách hiệu quả.

Ông Jason Yang, Giám đốc cấp cao Lĩnh vực chuyển đổi và Phát triển bền vững, Ngân hàng UOB Việt Nam

Ông Phạm Hồng Điệp, Shinec: Đối với các nhà phát triển khu công nghiệp, EPR sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực. Hiện nay, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền do chúng tôi phát triển là khu công nghiệp sinh thái tiên phong, đang vận hành ba chuỗi kinh tế tuần hoàn cho ngành thép, nhựa và điện – điện tử. Đây là hệ giá trị cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong cùng một khu, mang lại giá trị gia tăng rõ rệt, đóng góp lớn vào ngân sách thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc Chính phủ công bố áp dụng EPR là một định hướng rất đúng đắn. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã đưa ra quan điểm rằng rác thải là tài nguyên quốc gia – một tư duy tiến bộ, và EPR sẽ là nền tảng để ngành tái chế phát triển mạnh mẽ.

Ông Bùi Khánh Nguyên, Coca-Cola Việt Nam: Hiện chúng tôi đang vận hành ba nhà máy tại Việt Nam và đang xây dựng nhà máy thứ tư. Các khái niệm như thu gom và tái chế thực sự vượt ra ngoài khả năng vận hành thông thường của một doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi xem đây là cơ hội để đổi mới sáng tạo và phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Điều này đòi hỏi sự đầu tư đáng kể và cần học hỏi nhiều từ các đối tác như DUYTAN Recycling. Đây là một thay đổi lớn nhưng cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi trở thành một phần của nền kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào việc tối ưu hóa tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ông Lê Anh, DUYTAN Recycling: EPR có thể mở ra những cơ hội gì về thương hiệu, xuất khẩu và giáo dục người tiêu dùng?

Ông Bùi Khánh Nguyên, Coca-Cola Việt Nam: Người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng có xu hướng ủng hộ các sản phẩm bền vững. Doanh nghiệp nào đầu tư bài bản và có chiều sâu về phát triển bền vững sẽ có lợi thế trong việc thu hút khách hàng. Khi triển khai EPR, doanh nghiệp có cơ hội đánh giá lại toàn bộ chuỗi sản xuất. Chúng tôi buộc phải xem xét việc sử dụng bao bì nhẹ hơn, ít gây hại hơn cho môi trường. Cả màu sắc, chất liệu của bao bì đều phải được tính toán ngay từ đầu, từ khâu thiết kế để dễ thu gom và dễ tái chế. Đây là một bước chuyển đổi quan trọng, đòi hỏi sự đầu tư ngay từ giai đoạn đầu tiên.

Ông Bùi Khánh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc – Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững, Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam

Ông Jason Yang, UOB Việt Nam: Đối với UOB, để cấp vốn hiệu quả, chúng tôi cần hiểu rõ doanh nghiệp đang làm gì, đang theo đuổi sáng kiến hay dự án nào và những hoạt động đó có ý nghĩa như thế nào với môi trường. UOB đã cập nhật khung phân loại tài chính bền vững theo Taxonomy Singapore – Châu Á nhằm phù hợp hơn với trình độ phát triển và công nghệ khu vực.

Chúng tôi có sáu bộ khung tài chính bền vững, trong đó khung về kinh tế tuần hoàn là phù hợp nhất trong bối cảnh này. Nếu doanh nghiệp đang nghiên cứu và tích hợp vật liệu bền vững vào thiết kế sản phẩm, hoặc tái sử dụng ít nhất 50% chất thải từ quá trình sản xuất, họ có thể đủ điều kiện nhận tài chính xanh. Nếu đạt tiêu chuẩn tái chế toàn cầu 4.0, cũng sẽ được ngân hàng cấp vốn. Với các doanh nghiệp chưa đạt chuẩn nhưng đạt mức tái chế 40%, họ sẽ được xếp vào hạng mục “chuyển tiếp” và vẫn được hỗ trợ tài chính xanh đến năm 2030.

Ông Phạm Hồng Điệp, Shinec: Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó EPR được xem là công cụ quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Theo quy định hiện hành, các khu công nghiệp sinh thái buộc phải xây dựng chuỗi giá trị tuần hoàn và mô hình cộng sinh giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định này hiện mới dừng ở cấp nghị định, thông tư và chưa đủ mạnh để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong toàn hệ thống.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp áp dụng EPR hiệu quả và tiếp cận vốn xanh, Việt Nam cần sớm ban hành luật riêng về kinh tế tuần hoàn. Trong thực tế, nhiều tập đoàn lớn đã chủ động minh bạch tỷ lệ tái chế trên bao bì, cho thấy vai trò của thiết kế sản phẩm và đổi mới sáng tạo trong việc đáp ứng tiêu chí môi trường. EPR được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Ông Lê Anh, DUYTAN Recycling: Các ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng triển khai EPR tại Việt Nam?

Ông Phạm Hồng Điệp, Shinec: Trước đây ở Việt Nam chưa có mô hình khu công nghiệp sinh thái đúng nghĩa, bởi mô hình này đòi hỏi chuỗi cộng sinh – tức là các ngành nghề phải có mối quan hệ bổ trợ, sản xuất xanh và tiết kiệm tài nguyên.

Tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, chúng tôi xây dựng ba chuỗi sản xuất của các ngành: thép, nhựa và điện – điện tử. Điều này yêu cầu phải đánh giá lại toàn bộ nhà đầu tư, sắp xếp lại vị trí và tương tác giữa các doanh nghiệp.

Ví dụ: Trước đây, gỉ thép phải chôn lấp ở nơi xa, tốn kém chi phí vận chuyển xử lý. Nhưng khi chúng tôi thu hút một doanh nghiệp tái chế gỉ thép vào khu công nghiệp, chi phí logistics giảm đáng kể. Gỉ thép được tái chế tại chỗ, tạo thành oxide sắt bán cho nhà máy xi măng và còn có thể chiết tách được các kim loại có giá trị như đồng, chì, vonfram.

Nhờ vậy, doanh nghiệp sản xuất thép không còn phải tốn chi phí xử lý chất thải mà ngược lại có thể bán lại cho đối tác tái chế. Nhựa và bụi thép trước kia phải bán lẻ hoặc xử lý phức tạp, nay có thể được thu mua ngay trong khu công nghiệp. Đặc biệt, bụi thép – vốn là chất độc loại A – hiện nay được lọc tại chỗ, tách được các kim loại quý để phục vụ ngành thực phẩm.

Khi xây dựng mô hình sản xuất tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái, tất cả các doanh nghiệp đều có lợi. Chúng tôi thành lập Câu lạc bộ ECO Nam Cầu Kiền, nơi các doanh nghiệp trong khu cùng cộng sinh, chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành phát triển, tạo nên dấu ấn về kinh tế tuần hoàn và EPR tại địa phương.

Ông Jason Yang, UOB Việt Nam: Hiện tại, một số ngành đã có bước đi tiên phong và khá vững vàng. Tuy nhiên, để lan tỏa mô hình này ra các lĩnh vực khác, điều cần thiết là phải xây dựng được hệ sinh thái hợp tác.

UOB không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính hay xây dựng khung tiêu chuẩn. Chúng tôi còn triển khai các sáng kiến như UOB Finland – một thực thể đang hoạt động tại các thị trường trọng điểm, giúp lắng nghe những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, kết nối với các công nghệ xanh và startup có khả năng giải quyết các bài toán thực tế.

Chúng tôi đóng vai trò “mai mối” giữa các startup công nghệ xanh với doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước đang gặp khó khăn trong chuyển đổi xanh. Ngoài ra, chúng tôi còn tích cực thúc đẩy các hoạt động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bền vững.

Mặc dù việc triển khai EPR tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu ở một số lĩnh vực, nhưng chúng tôi tin rằng nếu xây dựng được hệ sinh thái hợp tác đúng cách, việc mở rộng là hoàn toàn khả thi.

Ông Bùi Khánh Nguyên, Coca-Cola Việt Nam: Không ai có thể đi một mình. Chúng tôi xác định rằng phải xây dựng các mối quan hệ hợp tác phong phú giữa khu vực công và tư. Nơi nào có kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi luôn sẵn sàng học hỏi và chia sẻ để hỗ trợ đưa khung pháp lý đi vào thực tiễn.

Trên thực tế, chúng tôi đã tự nguyện triển khai EPR trước cả khi quy định có hiệu lực, với mục tiêu cao hơn yêu cầu cơ bản. Cách đây 6 năm, chúng tôi là một trong những doanh nghiệp thành lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Thời điểm đó, việc tìm doanh nghiệp tái chế chuyên nghiệp rất khó khăn, nhiều loại bao bì chưa từng có đơn vị nào xử lý. Chúng tôi phải khảo sát thực tế, tìm hiểu trực tiếp.

Ngoài các đối tác lớn như DUYTAN Recycling, chúng tôi còn hợp tác với những đơn vị nhỏ hơn – như các nhóm thu gom rác dân lập. Đối với chúng tôi, họ là những người hùng thầm lặng. Trong một dự án tại Đà Nẵng, chúng tôi làm việc với các bạn nữ trong mạng lưới thu gom, cung cấp cho họ dụng cụ, huấn luyện kỹ năng, sơ cấp cứu, khám sức khỏe và đưa họ vào chuỗi tái chế. Vì bản chất chúng tôi không phải là doanh nghiệp tái chế nên càng cần mở rộng mạng lưới đối tác để thực hiện trách nhiệm này hiệu quả hơn.

Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững DUYTAN Recycling đặt câu hỏi với các diễn giả

Ông Lê Anh, DUYTAN Recycling: Làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp cân bằng chi phí thực hiện EPR với lợi thế cạnh tranh, với mục tiêu tiến lên kinh tế tuần hoàn?

Ông Bùi Khánh Nguyên, Coca-Cola Việt Nam: Vấn đề nằm ở chỗ người tiêu dùng có sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho một sản phẩm bền vững hay không. Việc đầu tư vào các bước bảo vệ môi trường khiến chi phí tăng lên, nhưng sản phẩm chưa chắc hấp dẫn hơn về mặt hình thức, thậm chí có thể kém bắt mắt.

Do đó, doanh nghiệp cần kiên nhẫn, truyền thông nhiều hơn để người tiêu dùng cùng thay đổi nhận thức. Một bao bì bền vững có thể tung ra ngay, nhưng chỉ cần giá nhỉnh hơn một chút cũng có thể bị thị trường từ chối. Vì vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp phải chủ động, kiên định theo đuổi chiến lược và chờ đợi sự thay đổi của thị trường trong trung và dài hạn, từ 5 đến 10 năm.

Ông Jason Yang, UOB Việt Nam: Đứng ở phía cấp vốn xanh, tính dụng xanh, một khi UOB chúng tôi hiểu được dự án và đánh giá được rủi ro cũng như khả năng thực hiện từ phía chuỗi cung ứng, chúng tôi sẽ có thể định giá khoản vay phù hợp. Doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh toàn diện để thuyết phục ngân hàng về tác động môi trường và hiệu quả sử dụng vốn.

Chúng tôi cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, thông qua các quỹ hỗ trợ tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng. Những dự án chưa thể sinh lợi ngay, nhưng có tiềm năng dài hạn sẽ được hỗ trợ thông qua cơ chế chia sẻ rủi ro và định giá ưu đãi.

Tuy nhiên, về lâu dài, hiệu quả kinh tế vẫn là yếu tố then chốt. Nếu người tiêu dùng không sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm bền vững, việc đầu tư vào công nghệ xanh sẽ trở nên khó khăn. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ khung pháp lý và chính sách khuyến khích của nhà nước để bù đắp chi phí chuyển đổi.

Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt vòng đời khoản vay – ví dụ, nếu khoản vay kéo dài 5 năm, chúng tôi sẽ cùng doanh nghiệp theo dõi hàng năm lượng chất thải được giảm, tác động tích cực đến môi trường… để bảo đảm rằng nguồn vốn xanh thực sự tạo ra hiệu quả.

Ông Lê Anh, DUYTAN Recycling: Làm thế nào để nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái, thưa ông Điệp?

Ông Phạm Hồng Điệp, Shinec: Về việc làm thế nào để nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái, Nghị định 05/CP đã đủ để các nhà đầu tư hạ tầng có thể xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Ở Hải Phòng hiện có hai mô hình thành công là khu công nghiệp Nam Cầu Kiền và Deep C. Tất cả các nhà đầu tư mới đều mong muốn phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Chúng tôi đã đón tiếp 26 đoàn đến tham quan, tìm hiểu và mời đầu tư. Hiện chúng tôi đã đầu tư mở rộng tại hơn 8 tỉnh. Tôi mong muốn được chia sẻ những bài học, kinh nghiệm thực tiễn, từ việc đối mặt với nhiều tầng quy định của địa phương đến Trung ương.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền hiện đang vận hành theo hướng “zero rác thải”, và đến năm 2030 sẽ hướng tới “zero carbon”. Trong khu công nghiệp đã xây dựng nền tảng kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Gần đây, chúng tôi nhận được đề xuất đưa Nam Cầu Kiền vào mạng lưới khu công nghiệp sinh thái toàn cầu. Đó là một tín hiệu rất tích cực.

Chúng tôi chia sẻ lợi nhuận minh bạch và không có doanh nghiệp nào trong khu công nghiệp bị thua lỗ. Thông qua chương trình này, tôi muốn truyền cảm hứng để các doanh nghiệp hạ tầng trên cả nước cùng chuyển đổi, xem rác thải là tài nguyên, cùng tham gia vào chuỗi giá trị EPR, để từ đó tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho doanh nghiệp và đất nước.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/epr-va-mo-hinh-san-xuat-tuan-hoan-tai-viet-nam-bien-rac-thai-thanh-tai-nguyen)